NGHỊ QUYẾT
Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ
an ninh, trật tự; hỗ trợ, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Căn cứ Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Xét Tờ trình số 51/TTr-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; hỗ trợ, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Văn bản số 2239 /UBND -TCD ngày 22/5/2024 về việc rà soát, điều chỉnh lại một số nội dung về mức, nguồn kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; hỗ trợ, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Đối tượng áp dụng
a) Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
1. Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Mỗi thôn/khu phố thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
2. Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự:
- Tại địa bàn đô thị (khu phố): Mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có 05 thành viên gồm: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 03 Tổ viên.
- Tại địa bàn nông thôn (thôn): Mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có 03 thành viên gồm: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Tổ viên.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương giai đoạn 2024 - 2025.
Điều 3. Hỗ trợ, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng:
a) Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là 1.440.000 đồng.
b) Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là 1.260.000 đồng.
c) Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là 1.080.000 đồng.
2. Mức hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
a) Mức hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm y tế: Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia bảo hiểm y tế được hỗ trợ 50% bảo hiểm y tế theo quy định, trừ những trường hợp được hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, trường hợp đang được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định với mức đóng theo quy định hiện hành, trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế.
b) Mức hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm xã hội: thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
3. Chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong thời gian điều trị nội trú được hỗ trợ tiền ăn bệnh lý 50.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 10 ngày.
4. Chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ.
a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn thì được hưởng chi phí theo mức quy định của Bảo hiểm y tế mà đối tượng đã tham gia và hỗ trợ tiền ăn 100.000đ/người/ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện; nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động đến 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng, sau đó cứ suy giảm tăng thêm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng.
b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.
5. Mức bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động hoặc khi làm nhiệm vụ tại những nơi miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng
a) Bồi dưỡng 50.000 đồng/người/đêm khi có quyết định triệu tập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và tuần tra ban đêm theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, không quá 10 đêm/người/tháng.
b) Bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày khi thực hiện nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quyết định triệu tập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và tuần tra theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền.
c) Trường hợp khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động hoặc khi làm nhiệm vụ tại những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng: được bồi dưỡng thêm 20.000 đồng/người/ngày và không quá 10 ngày/người/tháng theo quyết định triệu tập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và tuần tra theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền.
Điều 4. Mức chi trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận và các điều kiện khác đảm bảo hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Mức chi trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 26 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024.
a) Chi trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lần đầu theo định mức tại Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024.
b) Chi trang cấp trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu các năm tiếp theo cho mỗi thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo niên hạn của từng loại theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024.
2. Mức chi hỗ trợ mua sắm phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 26 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 4 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024: Không quá 02 tỷ/năm (Căn cứ khả năng ngân sách địa phương và tình hình thực tiễn để chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phục vụ hoạt động).
3. Chi cho công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức.
a) Chi tổ chức huấn luyện, diễn tập, hội thi, sơ kết, tổng kết: Căn cứ tình hình thực tế địa phương và yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự đặt ra, hằng năm Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí.
b) Chi tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Các khoản chi khác: Căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế và nguồn kinh phí của địa phương và các nguồn hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chi đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Chi mua sắm văn phòng phẩm và sửa chữa nhỏ phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2.500.000đ/năm/Tổ.
Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện và kinh phí mua sắm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác bảo đảm kinh phí mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; kinh phí tổ chức sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức; kinh phí chi trả chế độ và các khoản chi khác phục vụ hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 30 tháng 5 năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản của các Nghị quyết có liên quan:
a) Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ hàng tháng đối với Ban Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận:
- Khoản 3 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“3. Số lượng, chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn
Đối với thôn: bố trí 01 người/01 chức danh (Nhân viên Y tế thôn)”.
- Điểm a khoản 4 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“a) Mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn:
Nhân viên Y tế thôn: 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng (chỉ áp dụng đối với những trường hợp chưa được hưởng phụ cấp cô đỡ đẻ thôn, bản thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)”.
- Bãi bỏ khoản 5 Điều 2.
b) Bãi bỏ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận./.