Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 20

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 112/TTr-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1.  Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

 

 

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

b) Xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã;

c) Tổ chức có sử dụng lao động (bao gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước);

d) Công dân Việt Nam cư trú tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, khu phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị; người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước.

đ) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.

(Các đối tượng nêu tại điểm a, b, c khoản này gọi chung là cơ quan, tổ chức; các đối tượng nêu tại điểm d khoản này gọi chung là cá nhân).

Điều 2. Mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. 100% người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. 100% Trưởng thôn, Trưởng khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

3. 100% cơ quan, tổ chức thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

4. 100% cơ quan, tổ chức phổ biến, triển khai và tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

5. 100% cơ quan, tổ chức ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; hương ước, quy ước của thôn, khu phố phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

6. 100% Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành Nghị quyết quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trong năm 2024.

7. 100% cơ quan, tổ chức phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

8. 100% xã, phường, thị trấn xây dựng ứng dụng biểu quyết trực tuyến trên Trang thông tin điện tử (khi đảm bảo điều kiện).

9. 100% cơ quan, tổ chức thiết lập chuyên trang, chuyên mục về thực hiện dân chủ ở cơ sở trên Trang tin điện tử, Cổng thông tin điện tử và thực hiện nghiêm túc quy định về xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn, công khai toàn bộ thư xin lỗi trên Trang Thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử.

Điều 3. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu, thực tiễn tại cơ sở.

b) Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Trưởng thôn, Trưởng khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đợt cao điểm sinh hoạt “Ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 09 tháng 11)”; các cuộc họp của cơ quan, cuộc họp của thôn, khu phố; các lớp bồi dưỡng, tập huấn.

b) Các cơ quan, tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

c) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy tốt vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đến với người dân.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Tổ chức thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của Người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phát huy tối đa quyền tham gia ý kiến, góp ý, quyết định của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hướng dẫn về phòng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

b) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong nội bộ. Nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp gắn với thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

c) Triển khai rà soát, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy chế, quy ước, hương ước về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

d) Nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Trưởng thôn, Trưởng khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước.

đ) Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được biết, bàn, quyết định, tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo quy định tại Chương II, thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định tại Chương III, thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động theo quy định tại Chương IV của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

e) Chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Kịp thời xử lý việc lợi dụng dân chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

4. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học-kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.

a) Tăng cường chuyển đổi số trong điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính và cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử gắn với sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

b) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hướng dẫn, bồi dưỡng, tạo điều kiện để các thôn, khu phố, cộng đồng dân cư lựa chọn, tổ chức biểu quyết trực tuyến (khi đảm bảo điều kiện) đối với các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Thi đua, khen thưởng, biểu dương và xử lý vi phạm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

a) Tổ chức các cuộc vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác phát hiện và kịp thời biểu dương, tôn vinh khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là người lao động trực tiếp, người có uy tín ảnh hưởng trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

b) Bổ sung quy định tiêu chuẩn, tiêu chí gương điển hình việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng loại hình gắn với quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đối với điển hình tiên tiến ở một số phong trào thi đua và lĩnh vực cụ thể.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

d) Phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia ngăn chặn các tệ nạn xã hội gây mất ổn định an ninh trật tự ở cơ sở; kịp thời phát hiện, phê bình và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện, đảm bảo trong năm 2025 hoàn thành các mục tiêu tại Điều 2 Nghị quyết này (riêng mục tiêu tại khoản 6 hoàn thành trong năm 2024, mục tiêu tại khoản 8 hoàn thành khi đảm bảo đủ điều kiện) và duy trì trong các năm tiếp theo; định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh việc thực hiện Nghị quyết; đồng thời chủ động nắm tình hình để kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết này.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội  tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở và Nghị quyết này.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2024./.

HĐND tỉnh Ninh Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Văn Hậu