THÔNG TƯ
Quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
phương tiện đo, chuẩn đo lường
_____________
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sổ điều của Luật Đo lường;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường,
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
2. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bức xạ, hạt nhân và hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phục vụ trực tiếp cho hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây gọi tắt là tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm).
2. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định (sau đây gọi tắt là tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định).
3. Các cơ quan nhà nước về đo lường, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN,
THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Điều 3. Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện hoạt động sau đây:
1. Được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có mặt bằng làm việc, điều kiện môi trường và điều kiện khác theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Có đủ chuẩn đo lường, phương tiện thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng. Các chuẩn đo lường và phương tiện này được định kỳ kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn phải còn thời hạn có giá trị.
3. Có đủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm công bố áp dụng đối với lĩnh vực đăng ký hoạt động.
Quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm công bố áp dụng không được trái với: Quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khuyến nghị quốc tế của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), tiêu chuẩn của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), tiêu chuẩn của nước ngoài và tài liệu của nhà sản xuất có liên quan.
4. Có ít nhất hai (02) nhân viên kỹ thuật (viên chức, lao động hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên, lao động hợp đồng không xác định thời hạn) cho mỗi lĩnh vực đăng ký hoạt động. Các nhân viên kỹ thuật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên;
b) Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với lĩnh vực đăng ký hoạt động theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây gọi tắt là Tổng cục).
5. Ban hành và thực hiện đúng quy định về chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm: Nội dung, hình thức của chứng chỉ, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ. Nội dung và hình thức của chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại Khoản 5 Điều này không được gây nhầm lẫn với chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định quy định tại Mục 4 Chương III của Thông tư này.
6. Đáp ứng các yêu cầu về tính độc lập, khách quan sau đây:
a) Công khai, minh bạch quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện và không chịu tác động làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm này;
c) Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng và không chịu tác động làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện.
7. Đã thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
8. Phải đăng ký hoạt động theo quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Hồ sơ đăng ký
Tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (gọi tắt là tổ chức đăng ký) lập một (01) bộ hồ sơ đăng ký gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 1.ĐKCCDV tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức đăng ký) quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
3. Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đăng ký cam kết bảo đảm điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
5. Văn bản quy định về nội dung, hình thức, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
6. Danh mục hồ sơ của hệ thống quản lý đã thiết lập và duy trì đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký thực hiện.
Điều 5. Xử lý hồ sơ đăng ký
1. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc phải đánh giá tại cơ sở.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đăng ký không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
2. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận đăng ký) theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
3. Trường hợp phải đánh giá tại cơ sở, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở. Việc thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở và tiến hành đánh giá sự phù hợp của tổ chức đăng ký với các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 4 áp dụng theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
4. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ kết quả đánh giá tại cơ sở, nếu kết quả đạt yêu cầu quy định, Tổng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này cho tổ chức đăng ký; trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký và nêu rõ lý do.
Điều 6. Giấy chứng nhận đăng ký
1. Nội dung và hình thức của giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo Mẫu 3.GCNĐK tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận đăng ký được đánh số thứ tự liên tục từ lần cấp đầu tiên đến các lần cấp giấy chứng nhận điều chỉnh nội dung đăng ký tiếp theo.
3. Giấy chứng nhận đăng ký được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nơi tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký trụ sở chính và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 7. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận đăng ký
1. Hồ sơ chứng nhận đăng ký được lưu giữ gồm: Hồ sơ đăng ký quy định tại Điều 4, hồ sơ xử lý quy định tại Điều 5 và giấy chứng nhận đăng ký quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận đăng ký được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận đăng ký tại trụ sở của tổ chức.
4. Thời hạn lưu giữ hồ sơ: Từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đến hết năm (5) năm sau khi giấy chứng nhận đăng ký này bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực hoặc được thay thế bởi giấy chứng nhận mới.
Điều 8. Điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Đề nghị điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 4.ĐNĐC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Giấy chứng nhận đăng ký (bản chính);
c) Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) (chỉ báo cáo những nội dung liên quan đến lĩnh vực đề nghị điều chỉnh);
d) Báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện năm gần nhất (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Việc xử lý hồ sơ đề nghị điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.
4. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Điều 9. Đình chỉ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ngoài lĩnh vực được chứng nhận hoạt động;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không duy trì đúng điều kiện hoạt động theo quy định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục xem xét, ra thông báo đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký đã cấp (sau đây gọi tắt là thông báo đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm ra thông báo đình chỉ.
3. Thông báo đình chỉ được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị được tiếp tục cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị được tiếp tục cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
5. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
6. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc kiểm tra tại cơ sở về nội dung đã khắc phục hậu quả.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra thông báo hủy bỏ hiệu lực của thông báo đình chỉ (sau đây gọi tắt là thông báo hủy bỏ);
b) Trường hợp kiểm tra tại cơ sở, trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, Tổng cục hoàn tất việc kiểm tra tại cơ sở và ra thông báo hủy bỏ hoặc thông báo kết quả kiểm tra tại cơ sở không đạt yêu cầu quy định.
7. Thông báo hủy bỏ được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
8. Thông báo đình chỉ, thông báo hủy bỏ và các hồ sơ liên quan được lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Điều 10. Hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bị giải thể, phá sản hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bị đình chỉ không hoàn thành việc khắc phục trong thời hạn đình chỉ ghi trong thông báo đình chỉ;
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có văn bản đề nghị không tiếp tục cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Chương III
HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH
Mục 1
ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỈ ĐỊNH THỰC HIỆN
HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Điều 11. Điều kiện chỉ định
Tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng các điều kiện sau đây được chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
1. Có lĩnh vực hoạt động được chứng nhận phù hợp với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
2. Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam quy định tại Khoản 5 Điều này.
3. Chuẩn công tác, chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 phải được hiệu chuẩn, thử nghiệm tại tổ chức hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định và được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
4. Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do Tổng cục tổ chức thực hiện phù hợp với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
5. Có đủ văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
6. Chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng quy định tại Mục 4 Chương III của Thông tư này.
7. Bảo đảm các điều kiện về độc lập, khách quan sau đây:
a) Có con dấu riêng, có tài khoản riêng; người đứng đầu có quyền xem xét quyết định về việc tuyển dụng, điều động, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức theo quy định của pháp luật;
b) Không trực tiếp kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thông qua sử dụng phương tiện đo nhóm 2 thuộc lĩnh vực đề nghị được chỉ định (đối với trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
8. Lĩnh vực đề nghị chỉ định phải phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, trên phạm vi cả nước.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị chỉ định
Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 11 của Thông tư này lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chỉ định gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 6.ĐNCĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện năm gần nhất (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đề nghị quy định về nội dung, hình thức, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
5. Hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
6. Hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Điều 30 của Thông tư này (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
7. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đề nghị cam kết:
a) Tuân thủ các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành và không chịu tác động bên ngoài làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện;
b) Không trực tiếp kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thông qua sử dụng phương tiện đo nhóm 2 thuộc lĩnh vực đề nghị được chỉ định (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
8. Danh mục hồ sơ của hệ thống quản lý đã thiết lập và duy trì đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đề nghị chỉ định.
Điều 13. Xử lý hồ sơ đề nghị chỉ định
1. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị chỉ định những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
3. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ kết quả đánh giá tại cơ sở, nếu kết quả đạt yêu cầu quy định, Tổng cục ra quyết định chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (gọi tắt là quyết định chỉ định) theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này cho tổ chức đề nghị chỉ định; trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị chỉ định và nêu rõ lý do.
4. Việc xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 tại Khoản 5 Điều 12 được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 2 Chương III của Thông tư này.
5. Việc xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường tại Khoản 6 Điều 12 được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 3 Chương III của Thông tư này.
Điều 14. Đánh giá tại cơ sở
1. Đánh giá tại cơ sở được tổ chức theo hình thức đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá theo nguyên tắc chuyên gia.
2. Đoàn đánh giá do Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết định thành lập để đánh giá tại cơ sở, báo cáo kết quả và tư vấn cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về sự phù hợp của tổ chức đề nghị với các điều kiện quy định tại Thông tư này.
3. Thành phần đoàn đánh giá và trách nhiệm của thành viên đoàn đánh giá
a) Đoàn đánh giá gồm trưởng đoàn và thành viên khác, số lượng thành viên tùy thuộc vào lĩnh vực đề nghị chỉ định và không ít hơn hai (02) người; Trưởng đoàn và thành viên khác phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo chuyên gia đánh giá do Tổng cục tổ chức thực hiện;
b) Trưởng đoàn phải có ít nhất ba (3) năm kinh nghiệm quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Trưởng đoàn có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn đánh giá; trực tiếp đánh giá về hệ thống quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; triệu tập và chủ trì các buổi họp của đoàn đánh giá; thông qua hồ sơ kết quả đánh giá trước khi trình Tổng cục;
c) Thành viên khác phải có chuyên môn phù hợp và có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực đo tương ứng. Thành viên khác có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm về nội dung, kết quả thực hiện nhiệm vụ.
4. Nội dung đánh giá: Đánh giá sự phù hợp của tổ chức đề nghị với các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 11 của Thông tư này.
5. Phương pháp đánh giá
a) Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của tổ chức đề nghị về những thông tin có liên quan;
b) Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan;
c) Quan sát thực tế điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực của tổ chức đề nghị chỉ định;
d) Đánh giá sự thành thạo của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thông qua quan sát thao tác và xử lý kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do nhân viên đó thực hiện.
6. Trình tự đánh giá
a) Trưởng đoàn tổ chức họp đoàn đánh giá, thông qua chương trình đánh giá (theo Mẫu 7.CTĐG tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), thống nhất kế hoạch thực hiện việc đánh giá theo tiến độ, nội dung đánh giá quy định trong quyết định thành lập đoàn đánh giá và thông báo cho các bên liên quan;
b) Theo nhiệm vụ được phân công, các thành viên tiến hành đánh giá và lập phiếu đánh giá về kỹ thuật đo lường (theo Mẫu 8.PĐGKTĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), đánh giá và lập phiếu đánh giá về hệ thống quản lý (theo Mẫu 9.PĐGHTQL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Lập biên bản tổng hợp kết quả đánh giá (theo Mẫu 10.BBTHĐG tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thành lập đoàn đánh giá, trưởng đoàn đánh giá phải nộp hồ sơ kết quả đánh giá về Tổng cục. Hồ sơ gồm: Chương trình đánh giá, phiếu đánh giá về kỹ thuật đo lường, phiếu đánh giá về hệ thống quản lý, biên bản tổng hợp kết quả đánh giá theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 5 Điều này;
đ) Trường hợp tổ chức đề nghị có những điểm không phù hợp nhưng có thể khắc phục được thì đoàn đánh giá liệt kê các điểm không phù hợp, đề xuất thời hạn khắc phục và thông báo kết quả đánh giá cho tổ chức đề nghị. Tổ chức đề nghị tiến hành khắc phục các điểm không phù hợp và gửi báo cáo cho đoàn đánh giá. Đoàn đánh giá tiến hành thẩm định báo cáo khắc phục, trường hợp cần thiết đoàn đánh giá tiến hành đánh giá lại tại cơ sở. Trong trường hợp này, thời hạn khắc phục và thời gian đánh giá lại được cộng thêm vào thời hạn đánh giá.
7. Chi phí và các điều kiện khác phục vụ việc đánh giá tại cơ sở của đoàn đánh giá do tổ chức đề nghị bảo đảm.
Điều 15. Quyết định chỉ định
1. Quyết định chỉ định phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định (sau đây gọi tắt là tổ chức được chỉ định);
b) Địa điểm thực hiện hoạt động;
c) Lĩnh vực được chỉ định;
d) Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định.
2. Thời hạn của quyết định chỉ định là năm (05) năm kể từ ngày ký.
3. Quyết định chỉ định được gửi tới tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 16. Lưu giữ hồ sơ chỉ định
1. Hồ sơ chỉ định được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ đề nghị chỉ định quy định tại Điều 12, hồ sơ đánh giá tại cơ sở quy định tại Điều 14 và quyết định chỉ định quy định tại Điều 15 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chỉ định được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chỉ định tại trụ sở của tổ chức.
4. Thời hạn lưu giữ: Từ thời điểm quyết định chỉ định được ban hành đến hết năm (05) năm sau khi quyết định chỉ định này hết thời hạn hiệu lực hoặc bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực.
Điều 17. Điều chỉnh nội dung của quyết định chỉ định, chỉ định lại
1. Trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung của quyết định chỉ định, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này đối với nội dung đề nghị điều chỉnh và gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục.
2. Trường hợp đề nghị chỉ định lại, không ít hơn ba (3) tháng trước khi hết thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định đã cấp, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục.
3. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục xem xét, quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc đánh giá tại cơ sở.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định chỉ định lại hoặc quyết định chỉ định điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Thông tư này cho tổ chức được chỉ định;
b) Trường hợp đánh giá tại cơ sở, việc xử lý hồ sơ, đánh giá tại cơ sở và ra quyết định chỉ định được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Thông tư này.
5. Quyết định chỉ định lại, quyết định chỉ định điều chỉnh được gửi tới tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
6. Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định lại là năm (5) năm kể từ ngày ký. Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định điều chỉnh lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn thời hạn hiệu lực đã cấp cho tổ chức được chỉ định.
7. Việc lưu giữ hồ sơ chỉ định điều chỉnh, chỉ định lại được áp dụng theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
Điều 18. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chỉ định
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức được chỉ định thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ngoài lĩnh vực được chỉ định hoặc không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Thông tư này gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Tổ chức được chỉ định có văn bản đề nghị được tạm dừng thực hiện một phần hoặc toàn bộ lĩnh vực được chỉ định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ, hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
5. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
6. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc kiểm tra tại cơ sở về nội dung đã khắc phục hậu quả.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực);
b) Trường hợp kiểm tra tại cơ sở, trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, Tổng cục hoàn tất việc kiểm tra tại cơ sở và ra quyết định bãi bỏ hiệu lực hoặc thông báo kết quả kiểm tra tại cơ sở không đạt yêu cầu quy định.
7. Quyết định bãi bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
8. Việc lưu giữ quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ hiệu lực và các hồ sơ liên quan được áp dụng theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
Điều 19. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ của quyết định chỉ định được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức được chỉ định bị phá sản, giải thể hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
b) Tổ chức bị đình chỉ không hoàn thành việc khắc phục hậu quả trong thời hạn bị đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức được chỉ định có văn bản đề nghị không tiếp tục thực hiện lĩnh vực hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã được chỉ định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Mục 2
YÊU CẦU, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỨNG NHẬN CHUẨN ĐO LƯỜNG
DÙNG TRỰC TIẾP ĐỂ KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN ĐO NHÓM 2
Điều 20. Yêu cầu đối với chuẩn đo lường để được chứng nhận
1. Chuẩn công tác của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận là chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2:
a) Đã được hiệu chuẩn tại tổ chức hiệu chuẩn được chỉ định theo quy định; giấy chứng nhận hiệu chuẩn phải còn thời hạn có giá trị;
b) Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
c) Được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;
d) Phù hợp với lĩnh vực được chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định.
2. Chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận là chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (sau đây gọi tắt là chuẩn đo lường):
a) Đã được thử nghiệm hoặc so sánh tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định tại Thông tư này hoặc tại cơ quan quốc gia về chứng nhận chất chuẩn của nước ngoài hoặc tại phòng thí nghiệm đã liên kết chuẩn đo lường tới cơ quan quốc gia về chứng nhận chất chuẩn của nước ngoài; giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm hoặc so sánh (Certificate of analysis) phải còn thời hạn giá trị;
b) Độ đồng nhất, độ ổn định và giá trị thuộc tính của chất chuẩn bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
c) Được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;
d) Phù hợp với lĩnh vực được chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định.
Điều 21. Duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường
1. Việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường phải được thực hiện theo đúng quy định do người đứng đầu tổ chức kiểm định được chỉ định ban hành và các quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
2. Quy định về việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Đối với việc duy trì, bảo quản
- Diện tích nơi duy trì, bảo quản;
- Điều kiện môi trường và các điều kiện kỹ thuật khác;
- Việc định kỳ kiểm soát các điều kiện duy trì, bảo quản;
- Yêu cầu về duy trì, bảo quản, sử dụng phương tiện, trang thiết bị để thực hiện duy trì, bảo quản chuẩn đo lường;
- Phân công và trách nhiệm của người làm nhiệm vụ duy trì, bảo quản.
b) Đối với việc sử dụng
- Phân công và quy định trách nhiệm của người được giao thực hiện hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn đo lường theo quy định;
- Ghi chép nhật ký sử dụng.
Điều 22. Hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường
Tổ chức kiểm định được chỉ định lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường (theo Mẫu 11.ĐNCNCĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hiệu chuẩn của chuẩn công tác theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 20 hoặc giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh của chất chuẩn theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 20 của Thông tư này.
3. Ảnh chụp của chuẩn đo lường bao gồm một (01) ảnh tổng thể và 01 ảnh nhãn mác. Ảnh màu cỡ (15 x 20) cm, phải bảo đảm sắc nét, rõ ràng (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận).
4. Văn bản quy định về việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường do người đứng đầu tổ chức kiểm định được chỉ định ban hành.
Điều 23. Xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường
1. Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường được gửi cùng hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ thực hiện cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định theo thời hạn quy định tại Điều 13 của Thông tư này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục chứng nhận chuẩn đo lường quy định tại Mục 2 Chương III của Thông tư này.
2. Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường được gửi không cùng thời gian với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (sau đây viết tắt là quyết định chứng nhận chuẩn đo lường) theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
Điều 24. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định được chỉ định;
b) Tên của chuẩn đo lường;
c) Số sản xuất, năm sản xuất, hãng sản xuất, nước sản xuất của chuẩn đo lường;
d) Kiểu, ký hiệu, đặc trưng kỹ thuật đo lường chính của chuẩn đo lường;
đ) Lĩnh vực kiểm định;
e) Thời hạn hiệu lực.
2. Thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn hiệu lực đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định.
Trường hợp chuẩn đo lường được chứng nhận là chất chuẩn và thời hạn giá trị của giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh chất chuẩn ít hơn thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định thì thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đối với chất chuẩn là thời hạn giá trị của giấy chứng nhận đó.
3. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được gửi tới tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 25. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường
1. Hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ đề nghị chỉ định quy định tại Điều 22 và quyết định chứng nhận chuẩn đo lường quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức kiểm định được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường tại trụ sở của tổ chức.
4. Hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 26. Điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh và gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị điều chỉnh;
b) Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hiệu chuẩn của chuẩn đo lường theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 24 của Thông tư này);
c) Ảnh chụp của chuẩn đo lường bao gồm một (01) ảnh tổng thể và một (01) ảnh nhãn mác; ảnh màu cỡ (15 x 20) cm, phải bảo đảm sắc nét, rõ ràng (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 24 của Thông tư này);
d) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
3. Quyết định chứng nhận điều chỉnh được ban hành theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
4. Rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi có sự điều chỉnh về đặc tính kỹ thuật đo lường chính của chuẩn đo lường; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Quyết định điều chỉnh và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 27. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức kiểm định được chỉ định bị đình chỉ lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận cho chuẩn đo lường;
b) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp và nêu rõ lý do đề nghị.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bị đình chỉ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ và nêu rõ lý do đề nghị; hồ sơ, tài liệu có liên quan.
6. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
7. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực).
8. Quyết định bãi bỏ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
9. Quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 28. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc hủy bỏ hiệu lực đối với lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận cho chuẩn đo lường;
b) Quá thời hạn đình chỉ quy định tại Điều 27 của Thông tư này, tổ chức bị đình chỉ không có hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị không tiếp tục sử dụng chuẩn đo lường đã được chứng nhận để thực hiện hoạt động kiểm định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bị hủy bỏ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
Mục 3
YÊU CẦU, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỨNG NHẬN, CẤP THẺ
KIỂM ĐỊNH VIÊN ĐO LƯỜNG
Điều 29. Yêu cầu đối với nhân viên kiểm định để được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
Nhân viên kiểm định của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường:
1. Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên.
2. Hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định do Tổng cục tổ chức thực hiện tương ứng với lĩnh vực được chỉ định.
3. Có ít nhất mười hai (12) tháng kinh nghiệm hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với lĩnh vực được chỉ định.
Điều 30. Hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
Tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường (gọi tắt là hồ sơ nhân viên kiểm định) gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường (theo Mẫu 12.ĐNCNKĐVĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Sơ yếu lý lịch (theo Mẫu 13.SYLL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) của từng nhân viên kiểm định.
3. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên của nhân viên kiểm định (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận, cấp thẻ).
4. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Thông tư này.
5. Hai (02) ảnh màu cỡ (2 x 3) cm, chụp trên nền trắng (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận, cấp thẻ).
Điều 31. Xử lý hồ sơ nhân viên kiểm định
1. Trường hợp hồ sơ nhân viên kiểm định được gửi cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định theo thời hạn quy định tại Điều 13 của Thông tư này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường quy định tại Mục 3 Chương III của Thông tư này.
2. Trường hợp hồ sơ nhân viên kiểm định nhận được không cùng thời gian với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra ra quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Điều 32, Điều 34 của Thông tư này.
Điều 32. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định được chỉ định;
b) Họ tên, năm sinh của kiểm định viên đo lường;
c) Số hiệu của kiểm định viên;
d) Lĩnh vực kiểm định;
đ) Thời hạn hiệu lực.
2. Thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn hiệu lực đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định.
3. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được gửi tới tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 33. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ nhân viên kiểm định quy định tại Điều 30 và quyết định chứng nhận, cấp kiểm định viên đo lường quy định tại Điều 32 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức kiểm định được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường tại trụ sở của tổ chức.
4. Hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 34. Thẻ kiểm định viên đo lường
1. Thẻ kiểm định viên đo lường (sau đây viết tắt là thẻ) do Tổng cục cấp cho từng kiểm định viên đo lường.
2. Mỗi kiểm định viên đo lường chỉ được cấp một (01) thẻ.
3. Thẻ không còn giá trị hiệu lực khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực.
4. Nội dung và hình thức của thẻ kiểm định viên đo lường theo Mẫu 14.TKĐVĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 35. Điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường, cấp lại thẻ
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị điều chỉnh;
b) Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định đối với lĩnh vực kiểm định đề nghị bổ sung đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị bổ sung lĩnh vực kiểm định cho kiểm định viên đo lường);
b) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Trường hợp đề nghị cấp lại thẻ do mất thẻ, thẻ bị rách, nát, hư hỏng, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị cấp lại thẻ;
b) Hai (02) ảnh màu cỡ ảnh (2 x 3) cm, chụp trên nền trắng.
3. Việc xử lý hồ sơ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.
4. Việc ban hành quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường hoặc cấp lại thẻ được thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 32, Điều 34 của Thông tư này.
5. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 36. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức kiểm định được chỉ định bị đình chỉ lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận, cấp thẻ cho kiểm định viên đo lường;
b) Kiểm định viên đo lường không hoàn thành trách nhiệm theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng trong các trường hợp sau đây:
- Không thực hiện kiểm định mà cấp chứng chỉ kiểm định cho phương tiện đo;
- Không tuân thủ quy trình kiểm định quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
- Sử dụng chứng chỉ kiểm định không đúng quy định;
- Kiểm định phương tiện đo chưa được phê duyệt mẫu theo quy định hoặc không đúng mẫu đã được phê duyệt;
- Kiểm định phương tiện đo khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã hết hiệu lực.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định có kiểm định viên đo lường bị đình chỉ (gọi tắt là tổ chức bị đình chỉ), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị đình chỉ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ và nêu rõ lý do đề nghị, hồ sơ, tài liệu có liên quan.
6. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
7. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực).
8. Quyết định bãi bỏ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
9. Quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ hiệu lực và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 37. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực đối với lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận, cấp thẻ cho kiểm định viên đo lường;
b) Quá thời hạn đình chỉ quy định tại Điều 36 của Thông tư này, tổ chức bị đình chỉ không có hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị hủy bỏ hiệu lực do kiểm định viên đo lường hiện không còn tham gia hoạt động kiểm định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực) và thu hồi thẻ đã cấp.
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị hủy bỏ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
Mục 4
CHỨNG CHỈ KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Điều 38. Dấu kiểm định
1. Dấu kiểm định được đóng, kẹp, in, ghi khắc, sơn trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu quy định của quy trình kiểm định tương ứng và ở vị trí thích hợp.
2. Dấu kiểm định gồm 2 kiểu có nội dung và hình thức theo Mẫu 15.DKĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Dấu kiểm định kiểu 1 được sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Sử dụng độc lập cho loại phương tiện đo, chuẩn đo lường không có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ;
b) Sử dụng đồng thời với tem kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định đối với loại phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ.
4. Dấu kiểm định kiểu 2 được sử dụng độc lập để thực hiện đồng thời hai chức năng niêm phong và thông báo hết hiệu lực kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ mà không cần phải sử dụng kèm theo với tem kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định.
Điều 39. Tem kiểm định, tem hiệu chuẩn
1. Tem kiểm định
a) Tem kiểm định có nội dung và hình thức tương ứng theo Mẫu 16.TKĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tem kiểm định được dán trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu quy định của quy trình kiểm định tương ứng và ở vị trí thích hợp;
c) Tem kiểm định được sử dụng kết hợp với dấu kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định để thông báo có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ;
d) Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không đủ chỗ hoặc không thể dán tem kiểm định thì được phép sử dụng giấy chứng nhận kiểm định để thông báo thời hạn có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
2. Tem hiệu chuẩn
a) Tem hiệu chuẩn có nội dung và hình thức theo Mẫu 17.THC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tem hiệu chuẩn được dán trực tiếp trên phương tiện đo, chuẩn đo lường hoặc ở vị trí thích hợp;
c) Tem hiệu chuẩn được sử dụng kết hợp với giấy chứng nhận hiệu chuẩn để thông báo thời hạn có giá trị của việc hiệu chuẩn đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường;
d) Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không đủ chỗ hoặc không thể dán tem hiệu chuẩn thì được phép sử dụng giấy chứng nhận hiệu chuẩn để thông báo thời hạn có giá trị của việc hiệu chuẩn đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
Điều 40. Giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm
1. Giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm có nội dung và hình thức tương ứng theo Mẫu 18.GCNKĐ, Mẫu 19.GCNHC, Mẫu 20.GCNTN tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận kiểm định được cấp cho từng phương tiện đo đạt yêu cầu quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
3. Giấy chứng nhận hiệu chuẩn được cấp cho từng phương tiện đo hoặc từng chuẩn đo lường để cung cấp giá trị đo (cùng với độ không đảm bảo đo của giá trị đo) của chuẩn đo lường, phương tiện đo hoặc cung cấp mối quan hệ giữa với giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng đo.
4. Giấy chứng nhận thử nghiệm (hoặc giấy chứng nhận kết quả đo, thử nghiệm) được cấp cho từng mẫu phương tiện đo, chuẩn đo lường để cung cấp đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
5. Giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với dấu kiểm định, tem kiểm định trong các trường hợp quy định tại Điều 38, Khoản 1 Điều 39 của Thông tư này theo yêu cầu sử dụng và quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
6. Giấy chứng nhận hiệu chuẩn được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với tem hiệu chuẩn trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Thông tư này theo yêu cầu sử dụng và quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
Điều 41. Trình bày nội dung trên giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm
1. Giấy chứng nhận được trình bày trên khổ giấy A4 (210 x 297) mm
2. Phần chữ tiếng Anh phải có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
3. Nội dung ghi phải rõ ràng, sạch, không viết tắt, không tẩy xóa. Tên và kí hiệu đơn vị đo, giá trị đại lượng, giá trị sai số... phải trình bày đúng quy định về đơn vị đo pháp định.
4. Số của phương tiện đo, chuẩn đo lường: Ghi theo số sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường. Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không có số sản xuất, nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đánh số lên phương tiện đo, chuẩn đo lường và coi đó là số của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
5. Nơi sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường: Ghi rõ tên nhà máy hoặc hãng sản xuất và nước sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
6. Phần đặc trưng kỹ thuật đo lường: Ghi tóm tắt các đặc trưng đo lường chính của phương tiện đo, chuẩn đo lường như phạm vi đo, cấp chính xác... Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không ghi cấp chính xác thì ghi sai số cho phép hoặc giá trị độ chia nhỏ nhất hoặc độ không đảm bảo đo. Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường có nhiều phạm vi đo thì ghi các đặc trưng này theo từng phạm vi đo của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
7. Phương pháp thực hiện: Ghi số hiệu và tên văn bản hoặc quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được dùng để thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
8. Phần kết quả được ghi như sau:
a) Đối với giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo: Ghi “Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường”;
b) Đối với giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm: Ghi “Xem kết quả tại trang…..”.
9. Tem kiểm định: Phải ghi đầy đủ số seri và số của tem kiểm định. Trong trường hợp không phải sử dụng tem, mục này để trống.
10. Phần có giá trị đến: Ghi ngày cuối, tháng cuối của chu kỳ kiểm định, hiệu chuẩn quy định.
11. Phần ký giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
a) Có đủ chữ ký, họ và tên của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hoặc của Trưởng phòng thí nghiệm. Trường hợp cấp giấy chứng nhận kiểm định, nhân viên kiểm định phải là người đã được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường;
b) Có đủ chữ ký, họ và tên, dấu chức danh của Thủ trưởng hoặc người được ủy quyền và đóng dấu hành chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Điều 42. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Duy trì các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về: Quản lý và sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chế tạo và quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
4. Định kỳ hàng năm trước ngày 31 tháng 01 hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lập báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) gửi về Tổng cục và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương.
5. Thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định
1. Duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về: Duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chế tạo và quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu quy định tại của Thông tư này.
4. Chỉ được tiến hành kiểm định phương tiện đo sau khi chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đã được chứng nhận và nhân viên kiểm định đã được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường.
5. Yêu cầu kiểm định viên đo lường xuất trình và đeo thẻ khi thực hiện kiểm định phương tiện đo.
6. Thu hồi thẻ, báo cáo và nộp thẻ của kiểm định viên đo lường không còn được giao tham gia hoạt động kiểm định về Tổng cục.
7. Lập báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 của Thông tư này.
8. Thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 44. Trách nhiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo phân công của người đứng đầu tổ chức và phù hợp, trong lĩnh vực hoạt động đã đăng ký hoặc được chỉ định của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và phù hợp với lĩnh vực đã được đào tạo;
b) Tuân thủ đúng trình tự quy định tại quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Không chịu sự can thiệp dưới mọi hình thức đối với việc thực hiện và kết quả hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
c) Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đo lường phải báo ngay với người đứng đầu tổ chức để phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác về đo lường.
2. Kiểm định viên đo lường trong tổ chức kiểm định được chỉ định ngoài các trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này còn có các trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm định phương tiện đo trong phạm vi lĩnh vực kiểm định đã được chứng nhận;
b) Đeo thẻ khi thực hiện kiểm định phương tiện đo;
c) Không được dùng thẻ kiểm định viên đo lường vào các mục đích khác;
d) Nộp lại thẻ kiểm định viên đo lường cho tổ chức kiểm định được chỉ định khi không còn được giao tham gia thực hiện kiểm định.
Điều 45. Trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Thực hiện việc đăng ký tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Chương II của Thông tư này và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Chương III của Thông tư này.
2. Ban hành văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam, phê duyệt chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo nghiệp vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, nghiệp vụ đánh giá về đo lường.
3. Hướng dẫn, quản lý và tổ chức thực hiện đào tạo nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, chuyên gia đánh giá về đo lường.
4. Kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
5. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
2. Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo lường trên địa bàn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
Điều 47. Trách nhiệm Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
2. Tuyên truyền, phổ biến quy định tại thông tư này cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 48. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2013.
2. Bãi bỏ hiệu lực thi hành của các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 17/2005/QĐ-BKHCN ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về dấu kiểm định, tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định;
b) Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo;
c) Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường;
d) Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo;
đ) Thông tư số 12/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
e) Thông tư số 13/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định về việc chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường ban hành kèm theo Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
g) Thông tư số 15/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo ban hành kèm theo Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 49. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức kiểm định được công nhận theo quy định tại Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện việc kiểm định phương tiện đo trong phạm vi được công nhận và theo các quy định tại Thông tư này đến hết thời hạn hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Việc kiểm định chuẩn đo lường theo quy định tại Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện cho tới khi ban hành mới văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương ứng.
2. Kiểm định viên đo lường đã được chứng nhận, cấp thẻ theo quy định tại Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm định trong phạm vi được chứng nhận và theo các quy định tại Thông tư này đến thời điểm gần nhất trong hai (02) thời điểm sau đây:
a) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp cho kiểm định viên;
b) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Sau thời điểm quy định ở trên, để được tiếp tục kiểm định phương tiện đo, kiểm định viên này phải được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Thông tư này.
3. Chuẩn đo lường đã được chứng nhận theo quy định tại Quyết định 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn hoặc giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh còn thời hạn có giá trị được tiếp tục sử dụng để kiểm định phương tiện đo và phù hợp với các quy định tại Thông tư này đến thời điểm gần nhất trong hai (02) thời điểm sau đây:
a) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp cho chuẩn đo lường;
b) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Sau thời điểm quy định ở trên, để được tiếp tục sử dụng để kiểm định phương tiện đo, chuẩn đo lường này phải được chứng nhận theo quy định tại Thông tư này.
Điều 50. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.