THÔNG TƯ
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-
Hướng dẫn về kế hoạch hóa đầu tư theo nghị định 42/CP của Chính phủ
-
______________________
Nhằm nâng cao hơn hiệu quả công tác kế hoạch hoá đầu tư, căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn về kế hoạch hoá đầu tư thay thế thông tư hướng dẫn số 03 UB/KHH ngày 23 tháng 2 năm 1995 như sau:
1. Kế hoạch vốn đầu tư của mỗi ngành, mỗi cấp phải phản ánh các nguồn vốn đầu tư trong kỳ kế hoạch của ngành cấp mình: (cả nước, ngành, cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện, xã và doanh nghiệp).
1.1. Trước mỗi kỳ kế hoạch, các doanh nghiệp, các địa phương, các bộ, ngành cần điều tra đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư của kỳ báo cáo. Các chủ đầu tư có nhiệm vụ báo cáo lên các cơ quan chủ quản về tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc các nguồn theo biểu mẫu quy định. Về vốn đầu tư của dân và tư nhân, ngoài tài liệu báo cáo của cơ quan cấp Giấy phép đầu tư, cơ quan kế hoạch, thống kê các cấp cần tổ chức, điều tra điển hình để đánh giá. Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài theo dõi qua Giấy phép đã được cấp và báo cáo thống kê tình hình thực hiện dự án.
Trên cơ sở kết quả phân tích đánh giá của kỳ báo cáo, các Bộ, Tổng công ty thành lập theo Quyết định 91/CP (gọi tắt Tổng Công ty 91), các tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp tình hình thực hiện vốn đầu tư chung của cả nước (vốn đầu tư thuộc NSNN, vốn tín dụng nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp NN, vốn đầu tư của dân và tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).
1.2. Kế hoạch đầu tư hằng năm, 5 năm của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, của các bộ, địa phương, doanh nghiệp phải thể hiện đầy đủ nhu cầu, và cân đối các nguồn vốn đầu tư trong phạm vi mình quản lý:
+ Vốn Ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn đầu tư XDCB tập trung, vốn đầu tư các chương trình quốc gia, vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng);
Trong đó: Vốn ngoài nước (vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn viện trợ quốc tế dành cho đầu tư phát triển) đối với các dự án do Ngân sách cấp phát;
+ Vốn tín dụng theo Kế hoạch của Nhà nước (trong đó vốn ngoài nước theo các dự án đã ký kết);
+ Vốn thuộc quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia (theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của cơ quan có thẩm quyền);
+ Vốn vay thương mại cho mục đích đầu tư (vay từ các Ngân hàng trong nước, vay tư nhân nước ngoài có bảo lãnh và không có bảo lãnh);
+ Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (khấu hao cơ bản, lợi tức sau thuế, vốn tự huy động bao gồm cả hình thức cổ phần hoá hoặc phát hành trái phiếu nếu được phép, vốn góp từ đất, nhà xưởng vào hợp tác liên doanh với nước ngoài);
+ Vốn huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để xây dựng kết cấu hạ tầng dưới các hình thức: quỹ từ thiện, quà tặng, biếu, v.v.
+ Vốn đầu tư xây dựng của dân và tư nhân;
+ Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) không kể phần Việt Nam đóng góp (Vốn thực hiện).
Vốn đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng theo kế hoạch của Nhà nước, nếu có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cần ghi cụ thể danh mục và mức vốn sử dụng cho từng chương trình, dự án.
1.3. Cơ quan kế hoạch và đầu tư các cấp thực hiện kế hoạch hoá trực tiếp nguồn vốn Nhà nước thông qua hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh và hướng dẫn, quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nguồn vốn này. Yêu cầu chủ đầu tư và các cấp kế hoạch định kỳ báo cáo tình hình triển khai và thực hiện kế hoạch, đặc biệt đối với dự án công trình nhóm A.
Đối với các nguồn vốn khác, thực hiện kế hoạch hoá gián tiếp thông qua kế hoạch định hướng, quản lý theo quy hoạch, có các chính sách khuyến khích đầu tư (theo vùng, lĩnh vực, sản phẩm), các biện pháp ưu đãi về lãi suất, thuế, trợ giá đầu vào hoặc đầu ra, v.v... nhằm huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.
2. Thực hiện kế hoạch hoá đầu tư theo chương trình và dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Một chương trình, dự án đầu tư có thể là một chương trình, dự án độc lập hay một chương trình gồm nhiều dự án có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong quyết định đầu tư phải xác định tổng mức vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình dự án bao gồm cả trượt giá, độ dài thời gian xây dựng (trường hợp thời gian xây dựng nhiều năm, không xác định được trượt giá phải ghi rõ trong quyết định). Khi bố trí kế hoạch vốn đầu tư đối với các chương trình, dự án được duyệt phải bảo đảm đúng tiến độ đã ghi trong quyết định đầu tư.
Đối với vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng mức đầu tư của các bộ và địa phương, trong đó ghi cụ thể mức vốn đầu tư cho các dự án thuộc nhóm A và B. Danh mục dự án thuộc nhóm C do các bộ, địa phương, Hội đồng quản trị các tổng công ty bố trí kế hoạch, nhưng phải nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải bảo đảm bố trí không thấp hơn 60% vốn đầu tư dự án nhóm C trong kỳ kế hoạch cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch tín dụng của Nhà nước theo quyết định về nguồn vốn và cơ chế tín dụng của Thủ tướng Chính phủ.
3. Vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng
Vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng được sử dụng vào những mục tiêu sau đây:
Đầu tư cho một số chương trình của Nhà nước thực hiện trong một số năm (như Chương trình 327, 773).
Chi cho sửa chữa lớn các cơ sở vật chất không sản xuất kinh doanh.
Đối với những dự án thuộc loại thứ nhất. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các tỉnh, thành phố và các bộ. Đối với những dự án thuộc loại thứ 2, sau khi nhận được chỉ tiêu chi ngân sách Nhà nước, các Bộ và địa phương bố trí kế hoạch đầu tư của mình và đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong quý I năm kế hoạch để kiểm tra việc chấp hành thủ tục XDCB và cấp phát thanh toán.
4. Nội dung và điều kiện ghi kế hoạch đầu tư hằng năm: Thực hiện theo khoản b điểm 5 của Điều 10 Nghị định 42/CP của Chính phủ, nay hướng dẫn cụ thể như sau:
4.1. Kế hoạch vốn đầu tư cho công tác điều tra, khảo sát và lập quy hoạch.
Vốn đầu tư cho công tác điều tra, khảo sát và quy hoạch nói tại Thông tư này bao gồm vốn cho công tác điều tra, khảo sát lập quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội vùng lãnh thổ; quy hoạch bố trí không gian đô thị, nông thôn và vùng phụ cận (ngoài hàng rào của khu công nghiệp). Kế hoạch này phải xuất phát từ mục tiêu chiến lược, yêu cầu công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, từng ngành, vùng, lãnh thổ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ danh mục dự án quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và dự án quy hoạch khu công nghiệp tập trung mới, đô thị mới cần thực hiện trong kỳ kế hoạch, kiến nghị cơ quan chủ trì để làm cơ sở ghi kế hoạch và giao kế hoạch.
Danh mục các dự án quy hoạch mới đưa vào kế hoạch là các dự án có chỉ định của Thủ tướng Chính phủ hoặc được xem xét theo văn bản yêu cầu tiến hành quy hoạch của cấp bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc.
Danh mục dự án ghi vào kế hoạch phải có nhiệm vụ và đề cương được duyệt trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu là dự án triển khai tiếp tục phải có báo cáo khối lượng thực hiện trước thời điểm ghi kế hoạch và ước tính đến 31 tháng 12 của năm trước năm ghi kế hoạch.
Những dự án có tổng mức chi phí thiết kế quy hoạch từ một tỷ đồng trở lên và các quy hoạch liên vùng, liên quan đến sử dụng nguồn vốn ODA và vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế phải có ý kiến thoả thuận của Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trước khi xét duyệt.
Các cơ quan chủ quản không có lực lượng chuyên môn làm công tác điều tra, khảo sát lập quy hoạch phải ký hợp đồng với đơn vị và các cơ quan tư vấn có chức năng chuyên làm công tác điều tra, khảo sát, lập quy hoạch.
4.2. Kế hoạch chuẩn bị đầu tư.
Vốn chuẩn bị đầu tư là vốn để thực hiện các công việc: điều tra khảo sát lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi, thẩm định dự án và quyết định đầu tư. Kinh phí lập dự án, thẩm định dự án đầu tư thực hiện theo Điều 21 của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Nội dung dự án tiền khả thi, khả thi như Điều 14, 15; việc thẩm định dự án đầu tư thực hiện như Điều 16 của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các thông tư hướng dẫn chi tiết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với dự án đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư phải có báo cáo thực hiện khối lượng trước thời điểm ghi kế hoạch và ước tính đến 31-12 của năm trước năm kế hoạch.
4.3. Kế hoạch chuẩn bị thực hiện dự án:
Vốn đầu tư chuẩn bị thực hiện dự án là vốn đầu tư để thực hiện các công việc: khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ mời thầu, đền bù giải phóng mặt bằng (trong một số trường hợp, đối với đường giao thông, tuyến kênh mương... có thể tiến hành giải phóng mặt bằng đồng thời với kế hoạch thực hiện dự án). Đối với một số công trình đặc biệt quan trọng, thời gian xây dựng dài, được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng khu phụ trợ, nhà tạm của công nhân xây dựng và các chi phí cho công tác chuẩn bị thực hiện dự án khác có liên quan thì chi phí này cũng được ghi trong kế hoạch chuẩn bị thực hiện dự án.
Chỉ được ghi vào kế hoạch chuẩn bị thực hiện cho những dự án đã có Quyết định đầu tư.
4.4. Kế hoạch thực hiện dự án:
Vốn thực hiện dự án là vốn để thực hiện xây dựng và lắp đặt, mua sắm thiết bị, đào tạo, chi phí chuyển giao công nghệ chi phí nghiệm thu bàn giao, chi phí chạy thử có tải theo quy phạm v.v... có liên quan đến việc đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Các chương trình đầu tư lớn có nhiều dự án nhỏ, thì dự án khởi công trong kỳ kế hoạch phải có thiết kế và dự toán được duyệt.
Dự án đầu tư lớn, có phân đoạn xây dựng thì hạng mục ghi vào kế hoạch khởi công phải có thiết kế và dự toán được duyệt.
Một dự án không được phép vừa ghi kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và thực hiện dự án. Trong trường hợp đang trong giai đoạn thực hiện dự án, một hạng mục nào đó của dự án cần phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật làm thay đổi tổng dự toán không phải dừng lại để làm công tác chuẩn bị thực hiện dự án, mà được làm đồng thời để công trình thi công không bị gián đoạn. Riêng đối với những dự án vừa và nhỏ (thuộc nhóm C có vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng), nếu giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án có thể hoàn thành nhanh thì kết hợp cả 2 giai đoạn và ghi kế hoạch thực hiện dự án.
5. Trình tự xây dựng và tổng hợp kế hoạch.
5.1- Giai đoạn hướng dẫn, xây dựng kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định và tổng hợp nguồn thông tin, thông báo cho các bộ, một số tổng công ty lớn, các địa phương vào tháng 6 hàng năm để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch năm sau:
Dự báo khả năng nguồn vốn đầu tư bằng nguồn ngân sách tập trung và các nguồn khác của kỳ kế hoạch.
Hướng dẫn đầu tư tập trung vào các chương trình, dự án, vùng trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên.
Thông tin về những chương trình, dự án cần đẩy mạnh chuẩn bị các điều kiện, thủ tục đầu tư xây dựng.
Những cơ chế, chính sách dự kiến sẽ được áp dụng trong kỳ kế hoạch.
5.2- Giai đoạn các bộ, địa phương, doanh nghiệp xây dựng và báo cáo kế hoạch.
Căn cứ tiến độ thực hiện dự án và các mục tiêu ưu tiên đã hướng dẫn, các bộ, địa phương, doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan xác định cụ thể danh mục và vốn đầu tư các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Trên cơ sở đăng ký kế hoạch dầu tư của DNNN, DN ngoài quốc doanh, các tổ chức chính trị xã hội khác..., tính toán, xác định các nguồn vốn đầu tư (nội dung các nguồn vốn theo hướng dẫn tại điểm 1.2), trong đó làm rõ vốn trong nước cần thiết cho các dự án có vốn ODA, báo cáo kế hoạch đầu tư cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, tổng công ty 91, địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào tháng 8 hàng năm.
Kiến nghị các cơ chế chính sách cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch đầu tư.
5.3- Giai đoạn tổng hợp, cân đối và báo cáo kế hoạch đầu tư của cả nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất các mục tiêu chiến lược, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, ngành và lãnh thổ, trong đó có những mục tiêu chương trình đầu tư công cộng, tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tổng mức vốn đầu tư và danh mục chương trình, dự án đầu tư ưu tiên thuộc ngân sách Nhà nước, đối tượng đầu tư bằng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9 năm trước năm kế hoạch.
Căn cứ vào các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, tổng công ty 91 và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ vốn đầu tư tập trung thuộc NSNN và vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho các bộ, tổng công ty 91, địa phương trình Chính phủ vào tháng 11.
5.4- Giao kế hoạch đầu tư
Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, các Tổng công ty 91 các tỉnh, thành phố các chỉ tiêu:
Tổng mức vốn đầu tư tập trung của ngân sách Nhà nước, chia ra vốn trong nước, vốn ngoài nước, trong đó:
+ Vốn thực hiện dự án.
+ Cơ cấu vốn đầu tư theo một số ngành, mục tiêu quan trọng
+ Danh mục và vốn đầu tư các công trình, dự án thuộc nhóm A, trong đó xây lắp, thiết bị.
Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu:
Vốn điều tra, khảo sát, lập quy hoạch và danh mục các dự án quan trọng có mức dự toán từ một tỷ đồng trở lên.
Vốn chuẩn bị đầu tư và danh mục các dự án nhóm A, B.
Vốn chuẩn bị thực hiện dự án và danh mục nhóm A, B.
Danh mục và vốn thực hiện dự án các dự án thuộc nhóm B, trong đó xây lắp, thiết bị.
Năng lực mới huy động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Hướng dẫn vốn KHCB để tái đầu tư của các bộ, Tổng Công ty 91 (theo ngành) và của các tỉnh, thành phố.
Tổng mức vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, danh mục các dự án vay vốn, mức vốn được vay của một số dự án quan trọng (A, B).
Căn cứ tổng mức, cơ cấu vốn thực hiện dự án do Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao theo uỷ quyền và hướng dẫn, các bộ, địa phương doanh nghiệp chủ động bố trí cụ thể số vốn còn lại của nhóm C và đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong quí I hàng năm.
Vốn vay đầu tư từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho từng chương trình, dự án cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và theo hợp đồng vay vốn đã ký giữa chủ đầu tư với cơ quan cho vay vốn.
6. Kiểm tra, theo dõi thực hiện kế hoạch đầu tư
Các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thống kê về "thực hiện vốn đầu tư xây dựng" do Tổng cục Thống kê ban hành.
Các bộ, ngành, Tổng công ty 91, địa phương định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm lập báo cáo tổng hợp và chi tiết về tình hình thực hiện các dự án đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Thống kê. (Riêng các chủ dự án công trình nhóm A còn phải báo cáo nhanh hàng tháng và giao ban XDCB với Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện kế hoạch các chương trình, dự án đầu tư xây dựng; có thể yêu cầu các bộ, Tổng Công ty và các tỉnh, thành phố bố trí lại hoặc điều chỉnh các dự án nhóm C cho phù hợp với quy định và tập trung đầu tư xây dựng.