CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về triển khai việc cấm sử dụng một số hóa chất, kháng sinh
trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản
Trong những năm gần đây, việc chế biến xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu năm 2000 là 1,475 tỷ USD tăng lên 1,8 tỷ USD năm 2001, đồng thời hàng thủy sản đã từng bước thâm nhập và không ngừng tăng thị phần trên các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ, trong đó mặt hàng chiếm tỷ trọng cao là tôm nuôi.
Tuy nhiên từ tháng 9 năm 2001 đến nay, Ủy ban Liên minh Châu âu đã liên tiếp ban hành các Quyết định kiểm tra 100% sản phẩm tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonexia, Myanma, Pakistan để kiểm tra dư lượng chất độc hại, đặc biệt là Chloramphenicol. Qua kết quả kiểm tra cho thấy số mẫu bị phát hiện Chloramphenico1 trong nguyên liệu khai thác tự nhiên nhiều hơn so với nguyên liệu từ đầm nuôi. Một số lô hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào EU phát hiện có chứa Chloramphenico1 và EU quyết định tiêu hủy toàn bộ số hàng này, tổn thất khoảng 5 - 6 triệu USD.
Sau khi Uỷ ban EU công bố lệnh kiểm tra tăng 100% sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thủy sản đã ban hành Chi thị số 07/2001/CT-BTS ngày 24-9-2001 về việc cấm sử dụng Chloramphenicol và quản lý việc dùng hóa chất, thuốc thú y trong sản xuất thủy sản; Quyết định số 01/2002/QĐ BTS ngày 22-01-2002 về việc cấm sử dụng một số hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản và một số văn bản khác có liên quan.
Để đảm bảo chất lượng hàng thủy sản Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng giữ vững nhịp độ xuất khẩu và bảo đảm uy tín trên thị trường quốc tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Giao Sở Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư và các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 01/2002/QĐ-BTS ngày 22-01-2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản đến tất cả các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thức ăn, hóa chất dùng trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản, các chủ đìa nuôi tôm, chủ tàu đánh bắt, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản.
Giao Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn, hóa chất dùng trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản, các đìa nuôi, tàu đánh bắt, cơ sở thu mua nguyên liệu trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, sử dụng các sản phẩm có chứa Chloramphenicol và các hóa chất cấm sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản trong toàn bộ quá trình sản xuất thủy sản; chú trọng kiểm tra việc ghi nhãn mác gồm thành phần, công dụng, thời hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng trên tất cả các sản phẩm từ bán buôn đến bán lẻ trên thị trường. Tiến hành truy xuất nguồn gốc, xử lý (tái kiểm, thu hồi tiêu hủy) các sản phẩm bị phát hiện nhiễm Chloramphenicol và các chất cấm sử dụng khác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tổ chức cập nhật các văn bản pháp lý, rà soát cập nhập hồ sơ, biểu mẫu lưu trữ chuẩn bị các điều kiện để thanh tra theo quy trình của Bộ Thủy sản, Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm NAFIQACEN.
Giao Trung tâm Khuyến ngư hướng dẫn cho người nuôi thủy sản thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản tiên tiến, hiệu quả cao và cách bảo quản sản phẩm thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh cho chủ tàu đánh bắt, các cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản. Tổ chức tập huấn, phổ biến các thành phần trên không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong danh mục cấm vào mục đích nuôi trồng thủy sản hoặc bảo quản sản phẩm thủy sản, nhằm loại trừ triệt để việc nhiễm các chất cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản.
2. Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn tỉnh trong khâu sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng các hóa chất, thuốc kháng sinh (có phụ lục kèm theo) cấm sử dụng cho các hoạt động nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị ven biển phối hợp với ngành Thủy sản tổ chức việc tuyên truyền phổ biến các quy định cấm và công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.
4. Hội Nông dân, Hội nghề cá tỉnh và các tổ chức Đoàn thể khác có liên quan tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người sản xuất, kinh doanh thủy sản hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong việc sử dụng hóa chất, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh thủy sản, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng sản phẩm của người dân sản xuất ra và bảo đảm uy tín chất lượng hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
5. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản, các chủ đìa, chủ tàu cá, cơ sở cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng hóa chất, thuốc thú y thủy sản trong sản xuất, bảo quản và chế biến. Thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất kinh doanh và cập nhật các hồ sơ, biểu mẫu lưu trữ để giải trình cho các đoàn thanh tra chức năng. Các cơ sở trên chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của các đơn vị chức năng được Nhà nước quy định. Các trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương thực hiện các nội dung công việc đạt kết quả tốt. Giao cho Sở Thủy sản theo dõi, tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Chỉ thị cho Ủy ban nhân dân tỉnh./.
____________________________________________
Danh mục một số hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất
kinh doanh thủy sản
(Phụ lục kèm theo Chỉ thị số 12/2002/CT ngày 04-3-2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
TT | Tên chất | Phạm vi cấm sử dụng |
1 | Aristolochia Spp và các chế phẩm của chúng | Thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa, kem bôi da tay trong tất cả các khâu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá và bảo quản, chế biến thủy sản |
2 | Chloramphenicil |
3 | Chloroform |
4 | Chlopromazine |
5 | Colchicine |
6 | Dapson |
7 | Dimetridazole |
8 | Metronidazole |
9 | Các Nitronidazole (bao gồm cả Furazolidone) |
10 | Ronidazole |