• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/09/2001
BỘ THUỶ SẢN
Số: 07/2001/CT-BTS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 24 tháng 9 năm 2001

CHỈ THỊ

Về việc cấm sử dụng chloramphenicol và quản lý việc dùng hóa chất, thuốc thú y trong sản xuất thủy sản

__________

 

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2001, một số lô tôm của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị phát hiện nhiễm chloramphenicol đã dẫn đến việc Uỷ ban Châu Âu ra quyết định số 2001/699/EC ngày 19/9/2001 yêu cầu các nước thành viên EU buộc mọi lô tôm xuất phát hoặc xuất xứ từ Việt Nam phải chịu kiểm tra hoá học, đồng thời yêu cầu các nước thành viên đưa lên mạng cảnh báo nhanh kết quả kiểm tra đến tất cả các nước thành viên EU.

Nhằm giữ vững nhịp độ xuất khẩu, bảo vệ uy tín hàng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới và tránh hậu quả xấu có thể xảy ra trong xuất khẩu vào EU, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chỉ thị:

1- Nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng chloramphenicol trong toàn bộ quá trình sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản, sơ chế, bảo quản và chế biến thuỷ sản. Việc sử dụng các kháng sinh khác trong nuôi trồng thuỷ sản phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ Thuỷ sản.

2- Đối với Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản:

a) Thực hiện trong tháng 10 năm 2001 kế hoạch kiểm tra tăng cường, bao gồm:

- Tổ chức lấy mẫu kiểm tra tăng cường các chỉ tiêu hoá chất, thuốc thú y đặc biệt là chloramphenicol tại các vùng nuôi thuỷ sản, tập trung vào các vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh và các vùng có dịch bệnh;

- Phối hợp với cơ quan kiểm tra địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng hoá chất, thuốc thú y đặc biệt là chloramphenicol trong bảo quan, sơ chế tại tầu đánh bắt, đại lý thu gom, bảo quản và vận chuyển tôm nguyên liệu;

- Tăng cường kiểm tra khâu tiếp nhận nguyên liệu tôm nuôi tại các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản và lấy mẫu các nguồn nước sử dụng để kiểm tra dư lượng chloramphenicol, kiểm soát việc sử dụng hoá chất bảo quản, hoá chất tẩy rửa khử trùng (ví dụ: kem hoặc thuốc xoa tay đối với công nhân chế biến) có chứa chloramphenicol;

- Công bố rộng rãi kết quả kiểm soát dư lượng tới các doanh nghiệp chế biến, các Sở Thuỷ sản và các trại nuôi;

b) Phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Trung ương tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân các quy định về sử dụng thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản;

c) Có thư gửi Uỷ ban EU thông báo các hoạt động kiểm tra tăng cường dư lượng hoá chất dộc hại, trong đó có chloramphenicol trong hàng thuỷ sản Việt Nam và đề nghị EU thông báo cho Việt Nam về phương pháp và thiết bị kiểm tra áp dụng thống nhất trong EU và các nước xuất khẩu thuỷ sản vào EU;

d) Tổng hợp và báo cáo Bộ trước ngày 30 tháng 10 năm 2001;

e) Kinh phí triển khai các hoạt động kiểm tra được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ.

3- Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản:

a) Phổ biến Chỉ thị này tới các chủ trại giống, các chủ đầm nuôi, đại lý thu gom nguyên liệu thuỷ sản, các cơ sở chế biến thuỷ sản và phối hợp kiểm tra thực hiện. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng chloramphenicol trong sản xuất thuỷ sản. Đối với các trường hợp đã sử dụng kháng sinh khác đề phòng trị dịch bệnh cho thuỷ sản nuôi cần đảm bảo thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch là 4 tuần;

b) Chỉ đạo cơ quan kiểm tra địa phương, Trung tâm Khuyến ngư địa phương chủ trì phối hợp với Trung tâm và các Chi nhánh kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản triển khai các hoạt động nói tại mục a, điểm 2.

4- Đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào EU: Chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm do mình sản xuất , cụ thể là:

a) Phải đảm bảo các lô nguyên liệu được mua từ những vùng được phép thu hoạch theo thông báo hàng tháng của Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản về kết quả kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại trong thuỷ sản nuôi để chế biến xuất khẩu;

b) Trong quá trình tiếp nhận nguyên liệu, phải kiểm tra chặt chẽ chất lượng và an toàn vệ sinh, đặc biệt là các lô tôm xuất xứ từ những vùng có dịch bệnh. Trong thời gian này, doanh nghiệp cần phải thường xuyên gửi mẫu nguyên liệu đến Chi nhánh Kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản IV để kiểm tra đối với dư lượng kháng sinh và chloramphenicol;

c) Nghiêm cấm việc sử dụng các loại hoá chất tẩy rửa và khử trùng (ví dụ các loại kem xoa tay, thuốc bôi ngoài da cho công nhân trong thời gian sản xuất) có chứa chloramphenicol.

5- Đối với Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

a) Chủ trì phối hợp với Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản và Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu các văn bản của CODEX, EU, Mỹ và các nước khác, văn bản của các Bộ, ngành trong nước để đề xuất Bộ ban hành các danh mục thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép sử dụng/được phép sử dụng hạn chế/ cấm sử dụng trong nuôi, bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch và chế biến thuỷ sản;

b) Chủ trì việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị này tại các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản;

c) Phối hợp với Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản, Sở Thuỷ sản, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, các Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các Trung tâm khuyến ngư tại địa phương thực hiện các nội dung tại mục a điểm 2.

6- Đối với Trung tâm khuyến ngư Trung ương:

Chủ trì và phối hợp với Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản, Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn cho dân về các quy định sử dụng thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản.

Lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành chỉ thị này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hồng Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.