QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị
______________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ và cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 59/HĐBT ngày 14/4/1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định 132/HĐBT ngày 05/5/1990 về việc phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị và Chỉ thị 19/CT ngày 22/1/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc chấn chỉnh công tác quản lý đô thị;
Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ Đô thị - Nông thôn và Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và hướng dẫn nội dung chủ yếu các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
Điều 2. Bản quy định này áp dụng trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị trong cả nước. Những quy định trước đây của Bộ Xây dựng và ủy ban Nhân dân các tỉnh trái với quy định này đều bãi bỏ. Riêng giá thiết kế quy hoạch đô thị nông thôn ban hành theo Quyết định số 142-BXD/VKT của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 18/5/1989 vẫn được tiếp tục áp dụng đến khi ban hành giá mới.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
(Đã ký)
Ngô Xuân Lộc
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC LẬP CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 322-BXD/ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
________________________________
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.Tất cả các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) đều phải có đồ án quy hoạch cải tạo và xây dựng.
Các đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng, đồ án quy hoạch chung cho toàn bộ lãnh thổ đô thị và đồ án quy hoạch chi tiết cho từng phần lãnh thổ của đô thị.
Điều 2.Công tác quy hoạch xây dựng đô thị có nhiệm vụ cụ thể hoá chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển đô thị quốc gia, phối hợp với các quy hoạch chuyên ngành, bảo đảm cho quá trình đô thị hoá và sự phát triển các đô thị đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Điều 3. Đồ án quy hoạch xây dựng đô thị phải do các tổ chức chuyên trách được Nhà nước công nhận lập và phải tuân theo luật lệ, tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình của Nhà nước và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồ án quy hoạch được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản, lập các kế hoạch cải tạo, xây dựng đô thị hàng năm, ngắn hạn và dài hạn thuộc các ngành và địa phương.
Điều 4
1. Các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt phải được phổ biến công khai để nhân dân biết và thực hiện.
2. Trong quá trình thực hiện, các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị cần phải được điều chỉnh:
- Việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung được tiến hành theo định kỳ 5 năm một lần.
- Các điều chỉnh bổ sung không theo định kỳ trên đối với đồ án quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết được tiến hành thường xuyên khi xét thấy cần thiết.
Mọi việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đều phải được phép của cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án dó.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
II.1. SƠ ĐỒ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG:
Điều 5. Sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng nhằm xác lập các cơ sở để lập đồ án quy hoạch xây dựng các độ thị hoặc các khu công nghiệp, các điểm dân cư nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường trong vùng. Sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng được lập theo quy định của Chính phủ trong giai đoạn 15 - 20 năm, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng vùng, các quy hoạch chuyên ngành theo vùng và các quy định, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Điều 6. Sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng được lập cho các loại vùng lãnh thổ có chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành (công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng, bảo vệ thiên nhiên, lâm nghiệp v.v.) và các vùng kinh tế - hành chính tỉnh, huyện, các khu vực phát triển kinh tế. Nhiệm vụ của sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng là:
1. Đánh giá tổng hợp thực trạng và các nguồn lực phát triển vùng.
2. Dự báo các khả năng tăng trưởng về kinh tế, dân số, đất đai, nhu cầu xã hội, các quan hệ nội, ngoại vùng, quá trình đô thị hoá và sự bất ổn định của môi trường tự nhiên ... hình thành các phương án cân đối khả năng với nhu cầu.
3. Xây dựng các mục tiêu và quan điểm phát triển vùng.
4. Định hướng tổ chức không gian (phân định các vùng chức năng), cơ sở hạ tầng và các biện pháp bảo vệ môi trường.
5. Chọn các khu vực và đối tượng ưu tiên phát triển, hình thành danh mục các chương trình và dự án đầu tư trọng điểm, cân đối yêu cầu vốn đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
6. Kiến nghị cơ chế và các chính sách quản lý phát triển vùng.
Điều 7. Sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng được lập trên các bản đồ địa hình có tỷ lệ được quy định như sau:
1. Vùng có quy mô đến 30.000 km2 áp dụng bản đồ có tỷ lệ 1/25.000 + 1/100.000
2. Vùng có quy mô lớn hơn 30.000 km2 áp dụng bản đồ có tỷ lệ 1/100.000 - 1/300.000
Điều 8. Thành phần hồ sơ chủ yếu của sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng gồm:
8.1. Phần bản vẽ:
1. Sơ đồ vị trí và các quan hệ liên vùng (tỷ lệ lựa chọn theo quy mô của vùng nghiên cứu có tác động trực tiếp ảnh hưởng đến vùng quy hoạch).
2. Bản đồ hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất đai.
3. Sơ đồ định hướng phát triển vùng (tổ chức không gian, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng.
4. Sơ đồ quy hoạch xây dựng đợt đầu (tổ chức không gian, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng có kèm theo danh mục các dự án đầu tư sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.)
5. Sơ đồ minh hoạ quy hoạch xây dựng các khu vực ưu tiên đầu tư (theo tỷ lệ thích hợp).
Tỷ lệ bản đồ quy định tại Điều 7 chỉ áp dụng cho các sơ đồ 2, 3, 4 khi lập hồ sơ nghiên cứu (hồ sơ mầu) để báo cáo trong các buổi xét duyệt. Đối với hồ sơ chính thức, tất cả các sơ đồ, bản đồ quy định tại Điều 8 đều được thu nhỏ ở tỷ lệ thích hợp (có ghi tỷ lệ xích) để đưa vào phần minh hoạ của thuyết minh.
8.2. Phần văn bản:
1. Thuyết minh tóm tắt và tổng hợp, tờ trình và phụ lục.
Dự thảo văn bản quản lý xây dựng theo sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng. Hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được gửi đến các Bộ, Ngành và các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để thực hiện.
II.2. ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
Điều 9. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị xác định phương hướng, nhiệm vụ cải tạo và xây dựng đô thị về phát triển không gian, cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường sống thích hợp có xét đến sự cân đối hài hoà giữa sự mở rộng đô thị với sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc phòng và các hoạt động kinh tế khác, với việc bảo tồn các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên có tính đến hậu quả của thiên tai cũng như các sự cố công nghệ có thể xảy ra.
Điều 10. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị được lập cho một đô thị riêng biệt hoặc hệ thống các điểm dân cư đô thị có quan hệ thường xuyên chặt chẽ với nhau về lãnh thổ, kinh tế, xã hội, dịch vụ và các mặt khác. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị được thể hiện bằng sơ đồ định hướng phát triển đô thị 15 - 20 năm và quy hoạch xây dựng đợt đầu 5 - 10 năm, trong đó tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên, hiện trạng và các thế mạnh hoặc động lực phát triển đô thị.
2. Luận chứng xác định tính chất, cơ sở kinh tế - kỹ thuật, quy mô dân số, đất đai, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu cải tạo và phát triển đô thị.
3. Định hướng phát triển đô thị (không gian, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng).
4. Quy hoạch xây dựng đợt đầu 5 - 10 năm.
5. Xác lập các căn cứ pháp lý để quản lý xây dựng đô thị.
6. Hình thành các cơ sở để lập các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư.
Điều 11. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị được lập trên bản đồ địa hình có tỷ lệ được quy định như sau:
Bảng 1
Ký hiệu tỷ lệ
|
Nội dung
|
Loại đô thị theo QĐ 132/HĐBT
|
|
|
A
|
Sơ đồ liên hệ vùng hoặc sơ đồ QHXD vùng
|
1/25.000 - 1/300.000
|
|
|
B
|
Định hướng phát triển dài hạn
|
1/10.000-1/25.000
|
1/10.000
|
-1/5.000
|
C
|
Quy hoạch xây dựng đợt đầu
|
1/10.000-1/5000
|
1.500
|
1/2.000
|
Các bản đồ gốc phải bảo đảm chính xác, rõ ràng và không được quá thời hạn 5 năm kể từ khi ban hành.
Trường hợp địa hình, địa mạo và hiện trạng đã có nhiều biến đổi, trước khi sử dụng, bản đồ phải được đo đạc bổ sung và phải có kèm theo không ảnh. Riêng đối với đô thị loại I, khi lập đồ án quy hoạch chung nhất thiết phải sử dụng không ảnh mới nhất, còn đối với các đô thị loại II, III ở nơi có điều kiện thì phải triệt để khai thác các tài liệu không ảnh để kiểm tra, làm chính xác lại các bản đồ gốc.
Điều 12.Thành phần hồ sơ chủ yếu của đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị gồm:
12.1. Phần bản vẽ
1. Sơ đồ liên hệ vùng (tỷ lệ A)
2. Bản đồ hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất xây dựng (tỷ lệ B)
3. Sơ đồ định hướng phát triển không gian (tỷ lệ B)
4. Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (tỷ lệ B)
5. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai 5 - 10 năm (tỷ lệ C).
6. Bản đồ quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường (tỷ lệ C)
7. Sơ đồ tổng hợp các đường dây, đường ống kỹ thuật (Tỷ lệ C)
8. Hồ sơ các mặt cắt và chỉ giới đường đỏ các đường phố chính.
9. Các sơ đồ, biểu bảng minh hoạ.
Các bản vẽ 1 - 8 và các sơ đồ, biểu bảng minh hoạ (9) áp dụng bắt buộc đối với hồ sơ nghiên cứu (hồ sơ màu) để sử dụng trong các cuộc họp báo cáo xét duyệt.
Khi lập hồ sơ chính thức, tất cả các bản vẽ từ 1 - 6 và 9 phải được thu nhỏ ở tỷ lệ thích hợp, có kèm theo tỷ lệ xích để đưa vào phần minh hoạ hoặc phụ lục của thuyết minh. Riêng các bản vẽ 3, 4, 5, 6, 7, 8 phải được thể hiện trên bản đồ theo đúng tỷ lệ quy định tại Điều 11 (hồ sơ mực) và phải được lưu trữ bằng máy vi tính để đảm bảo tính chính xác khi khai thác sử dụng.
12.2. Phần văn bản
1. Tờ trình, thuyết minh tóm tắt
2. Thuyết minh tổng hợp, trong đó thể hiện những nội dung chính sau đây:
- Căn cứ vào cơ sở lập đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị.
- Nội dung chi tiết của đồ án
- Các kết luận và khuyến nghị.
- Phụ lục: các văn bản thoả thuận của các cơ quan thẩm định, các bản vẽ thu nhỏ, các sơ đồ và biểu bảng minh hoạ.
3. Dự thảo "Điều lệ quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch", kèm theo bản đồ phân vùng quản lý trong đó khoanh định các khu vực đặc trưng và quy định chế độ quản lý và sử dụng đất (có kèm theo các tiêu chí kiến trúc quy hoạch và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu) của từng khu vực đó.
II.3. Các đồ án quy hoạch chi tiết
Điều 13. Các đồ án quy hoạch chi tiết nhằm cụ thể hoá và làm chính xác các quy định của đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị và lập cho các khu đất có yêu cầu cải tạo và xây dựng trong khu vực trước mắt dưới 10 năm. Các đồ án quy hoạch chi tiết phân chia và quy định cụ thể chế độ quản lý sử dụng các khu đất hoặc các lô đất dành cho việc sử dụng công cộng hoặc tư nhân, phục vụ cho các mục đích cải tạo chỉnh trang hoặc xây dựng các công trình nhà ở, dịch vụ, các công trình sản xuất, kinh doanh, các khu cây xanh, công viên văn hoá - nghỉ ngơi; nghiên cứu chuẩn bị kỹ thuật mặt bằng khu đất, cải tạo và phát triển các mạng lưới hạ tầng kỹ thuật; quy định việc giữ gìn, tôn tạo và phát triển các công trình kiến trúc và các khu vực cảnh quan thiên nhiên có giá trị, bảo đảm an toàn phòng, chữa cháy và bảo vệ môi trường đô thị.
Các đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt là cơ sở để chỉ đạo việc lập các dự án đầu tư xây dựng, triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo và tiến hành các thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch, giao đất và cấp giấy phép xây dựng ...
Điều 14. Nhiệm vụ của các đồ án quy hoạch chi tiết
1. Cụ thể hoá và làm chính xác những quy định của đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị.
2. Đánh giá thực trạng xây dựng và khả năng sử dụng quỹ đất hiện có và quỹ đất dự kiến phát triển.
3. Tập hợp và cân đối các yêu cầu đầu tư cải tạo và xây dựng tại khu đất quy hoạch.
4. Xây dựng mặt bằng sử dụng đất đai, phân chia các khu đất hoặc các lô đất và quy định chế độ quản lý sử dụng đất đai cho các đối tượng sử dụng.
5. Nghiên cứu đề xuất các định hướng kiến trúc và bảo vệ cảnh quan đô thị.
6. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải tạo và xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.
7. Nghiên cứu phân kỳ đầu tư cải tạo và xây dựng.
8. Xác định chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng các đường phố.
9. Soạn thảo quy chế quản lý xây dựng
Điều 15. Các đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm
1. Đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai
Được lập ở hai mức độ như sau:
1.1. Đối với khu đất có diện tích trên 200 ha áp dụng bản đồ tỷ lẹ 1/2000 - 1/5000, nhằm cụ thể hoá và làm chính xác quy định của đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị về quản lý sử dụng đất đai; việc cải tạo và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, định hướng về kiến trúc và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cho mỗi khu đất có quy mô 4 đến 20 ha.
1.2. Đối với khu đất từ 20 đến 200 ha áp dụng bản đồ 1/1000 - 1/2000, nhằm cụ thể hoá và làm chính xác quy định của đồ án quy hoạch chung và đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất có liên quan, đồng thời xác định rõ mục tiêu, chế độ quản lý sử dụng đất các yêu câu về bố cục quy hoạch - kiến trúc, và các cơ sở hạ tầng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, vệ sinh môi trường ... cho từng khu đất dành để xây dựng các cụm công trình hoặc công trình.
2. Đồ án quy hoạch chia lô:
Được lập cho khu đất có diện tích dưới 20 ha trên bản đồ địa chính và bản đồ địa hình có tỷ lệ 1/200 - 1/500 nhằm quy định chế độ quản lý và sử dụng đất đai và các yêu cầu cải tạo hoặc xây dựng các công trình tại từng lô đất.
Các bản đồ gốc sử dụng để lập các đồ án quy hoạch chi tiết phải bảo đảm rõ ràng, chính xác phản ánh nội dung cập nhật về địa hình và thực trạng khu đất.
Điều 16. Thành phần hồ sơ chủ yếu của đồ án quy hoạch chi tiết gồm:
16.1. Phần bản vẽ
1. Sơ đồ vị trí và giới hạn khu đất (trích lập từ bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai của đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị hoặc đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai nếu là đồ án quy hoạch chia lô)
2. Bản đồ đánh giá hiện trạng và quỹ đất xây dựng .
3. Bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
4. Sơ đồ cơ cấu quy hoạch (tối thiểu phải đề xuất 2 phương án để so sánh, lựa chọn)
5. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai hoặc bản đồ quy hoạch chia lô (đối với đồ án quy hoạch chia lô).
6. Sơ đồ tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc và cảnh quan (mặt bằng và các mặt đứng triển khai).
7. Bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật (có kèm theo các bản vẽ thiết kế chi tiết)
8. Bản đồ tổng hợp đường dây và đường ống kỹ thuật
9. Hồ sơ chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.
Các sơ đồ 1, 4 và 6 được áp dụng tỷ lệ thích hợp, tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng đồ án.
Các bản đồ 2, 3, 5, 7, 8, 9 phải áp dụng tỷ lệ được quy định tại Điều 15, khi lập hồ sơ nghiên cứu (hồ sơ màu) để báo cáo trong các buổi xét duyệt.
Khi lập hồ sơ chính thức (hồ sơ mực), các bản vẽ 5, 7, 8, 9 được thể hiện trên bản đồ có tỷ lệ được quy định tại Điều 15 và được lưu trữ bằng máy vi tính để đảm bảo tính chính xác khi khai thác sử dụng. Các bản vẽ còn lại phải được thu nhỏ ở tỷ lệ tích hợp có kèm theo tỉ lệ xích để đưa vào phần minh hoạ hoặc phụ lục của thuyết minh.
16.2. Phần văn bản
1. Tờ trình, thuyết minh tóm tắt và tổng hợp, phụ lục và các văn bản thoả thuận của các cơ quan thẩm định hoặc xét duyệt đồ án.
2. Dự thảo điều lệ quản lý xây dựng.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Bản quy định này áp dụng trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị trong cả nước.
Các ông Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ông Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ trực thuộc bộ, các ông Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Sở Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện bản quy định này.
Điều 18. Bản quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành, các quy định trước đây của Bộ Xây dựng và ủy ban Nhân dân các địa phương trái với bản quy định này đều bãi bỏ.