• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 27/11/2023
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 12/2023/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 12 tháng 10 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.   

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản, điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

  1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 1 như sau:

“b) Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Dự báo, thống kê, Vụ Pháp chế, Cục Phát hành và Kho quỹ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Truyền thông.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Muộn nhất cuối quý I hằng năm, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê xác định mức dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm trình Thống đốc phê duyệt để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê xác định hạn mức của Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và bổ sung khoản 6a vào Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) như sau:

“5. Định kỳ 06 tháng, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê đánh giá tình hình quản lý và thực hiện tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và tiêu chuẩn lựa chọn đối tác thực hiện các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước khác; xây dựng tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và tiêu chuẩn lựa chọn đối tác thực hiện các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước khác cho kỳ tiếp theo báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.”

b) Bổ sung khoản 6a như sau:

“6a. Trường hợp thị trường tài chính trong nước và quốc tế có biến động bất thường, hệ thống xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới có thay đổi và các trường hợp khác có ảnh hưởng tới tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước báo cáo Trưởng Ban Điều hành. Trên cơ sở chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và tiêu chuẩn lựa chọn đối tác thực hiện các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước khác báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 như sau:

“2. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê nghiên cứu và báo cáo Trưởng Ban Điều hành trình Thống đốc quyết định:

a) Bổ sung hình thức đầu tư khác trong từng thời kỳ;

b) Hướng dẫn đầu tư đối với hình thức ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư khác đã được Thống đốc quyết định theo quy định tại điểm a Khoản này trong từng thời kỳ.

3. Căn cứ Quyết định của Thống đốc về bổ sung hình thức đầu tư, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước bổ sung hình thức đầu tư khác vào cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức trình Thống đốc quyết định. Trên cơ sở Quyết định cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức của Thống đốc, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước bổ sung hình thức đầu tư khác vào phương án đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức.

4. Căn cứ Quyết định của Thống đốc về hướng dẫn đầu tư đối với việc ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư khác theo quy định tại khoản 2 Điều này, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trình Trưởng Ban Điều hành phê duyệt đối tác, các nội dung thỏa thuận với đối tác. Trên cơ sở phê duyệt của Trưởng Ban Điều hành, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện đầu tư và ủy thác đầu tư.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 6 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Định kỳ 06 tháng, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê đánh giá tình hình quản lý và thực hiện cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức; xây dựng cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức cho kỳ tiếp theo báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trường hợp thị trường tài chính trong nước và quốc tế có biến động bất thường, thay đổi lớn trong mục tiêu chính sách tiền tệ và xu thế đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước biến động lớn và các trường hợp khác có ảnh hưởng tới cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước báo cáo Trưởng Ban điều hành. Trên cơ sở chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:

“3. Định kỳ hằng quý hoặc khi cần thiết, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Dự báo, thống kê đánh giá tình hình thực hiện phương án đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức kỳ trước và xây dựng phương án đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức kỳ tiếp theo trình Trưởng Ban điều hành phê duyệt.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh

1. Căn cứ nhu cầu quản trị rủi ro đối với hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định việc sử dụng các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh và hạn mức áp dụng đối với từng nghiệp vụ.

2. Trên cơ sở các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh, hạn mức áp dụng đối với từng nghiệp vụ đã được Thống đốc quyết định và phương án đầu tư đã được Trưởng Ban điều hành phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tổ chức thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh.”

  1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 9 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) như sau:

“a) Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính;”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng

1. Căn cứ cơ cấu đầu tư vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Cục Phát hành và Kho quỹ, Vụ Quản lý ngoại hối và các đơn vị liên quan báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc phê duyệt việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng, bao gồm:

a) Khối lượng vàng xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Loại vàng cần xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Nguyên tắc xác định giá vàng xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Thời điểm xuất khẩu, nhập khẩu vàng;

đ) Các nội dung khác có liên quan.

2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng để đối ứng với khối lượng vàng đã mua, bán can thiệp thị trường vàng trong nước được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

3. Trên cơ sở phê duyệt của Thống đốc đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc giao dịch với đối tác nước ngoài, thực hiện thủ tục thanh toán và hướng dẫn giao, nhận. Cục Phát hành và Kho quỹ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục hải quan, giao vàng, nhận vàng.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

“Điều 11. Điều chuyển ngoại hối từ Quỹ Dự trữ ngoại hối sang Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng

1. Trong trường hợp số dư ngoại hối của Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng không đáp ứng được yêu cầu can thiệp, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chuyển ngoại hối từ Quỹ Dự trữ ngoại hối sang Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

2. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trình Thống đốc ban hành Quyết định điều chuyển ngoại hối từ Quỹ Dự trữ ngoại hối sang Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

3. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc điều chuyển ngoại hối từ Quỹ Dự trữ ngoại hối sang Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng theo Quyết định của Thống đốc.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước

1. Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính về việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ trình Thống đốc có ý kiến đối với đề xuất của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và công văn đề nghị của Bộ Tài chính, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trình Thống đốc ban hành Quyết định sử dụng ngoại hối từ Quỹ Dự trữ ngoại hối cho nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

3. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc trích ngoại hối theo Quyết định của Thống đốc, báo cáo Trưởng Ban điều hành đồng gửi các Vụ có liên quan.

4. Trường hợp sử dụng ngoại hối để tạm ứng hoặc cho vay ngân sách nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước có trách nhiệm hạch toán, theo dõi và thu hồi các khoản tạm ứng và cho vay theo Quyết định của Thống đốc, hằng quý báo cáo Thống đốc và Trưởng Ban điều hành tiến độ hoàn trả các khoản tạm ứng và cho vay, đồng gửi Vụ Kiểm toán nội bộ.

5. Trường hợp các khoản tạm ứng và cho vay không được hoàn trả theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị có liên quan trình Thống đốc có ý kiến với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thu hồi.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) như sau:

“2. Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

a) Báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hình thức can thiệp thị trường ngoại tệ khác quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Trình Thống đốc quyết định các hình thức mua bán khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Đề xuất phương án can thiệp thị trường ngoại tệ báo cáo trưởng Ban điều hành trình Thống đốc phê duyệt.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:

“2. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị có liên quan báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định việc bổ sung các hình thức đầu tư ngắn hạn khác và các nghiệp vụ quản lý khác quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này trong từng thời kỳ.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Hướng dẫn đầu tư đối với tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác

1. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Dự báo, thống kê và các đơn vị có liên quan báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định hướng dẫn đầu tư đối với tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác trong từng thời kỳ.

2. Căn cứ hướng dẫn đầu tư đã được Thống đốc quyết định, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tổ chức thực hiện đầu tư đối với nguồn tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:

Điều 27. Chế độ báo cáo

1. Muộn nhất vào ngày 15 tháng 8 hằng năm, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trình Thống đốc phê duyệt Báo cáo diễn biến quy mô và tình hình sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước 06 tháng đầu năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính.

2. Muộn nhất vào ngày 31 tháng 3 hằng năm, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Dự báo, thống kê xây dựng trình Thống đốc phê duyệt Báo cáo về tình hình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước năm trước, dự kiến mức dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính.

3. Muộn nhất vào ngày làm việc cuối cùng hằng tháng, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước báo cáo Thống đốc và Trưởng Ban điều hành, đồng gửi các đơn vị thành viên Ban điều hành và Vụ Kiểm toán nội bộ về tình hình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tháng trước.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:

“Điều 28. Chế độ cung cấp thông tin

Việc cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước được thực hiện như sau:

1. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cung cấp:

a) Hàng ngày: Số liệu về dự trữ ngoại hối nhà nước của ngày làm việc hôm trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Muộn nhất ngày 05 hằng tháng: Báo cáo cơ cấu dự trữ ngoại hối chính thức và Báo cáo tình hình mua, bán sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước của tháng trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 và Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Muộn nhất ngày 15 hằng tháng:

- Báo cáo tình hình đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước tại nước ngoài của tháng trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo tình hình đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước tại nước ngoài theo đối tác đầu tư của tháng trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Muộn nhất vào ngày cuối tháng đầu mỗi quý hoặc khi cần thiết: Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cung cấp cho Vụ Kiểm toán nội bộ tài liệu đánh giá xếp hạng các ngân hàng đại lý quý trước bao gồm: tài liệu của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và tài liệu đánh giá của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế;

đ) Báo cáo Thống đốc và Trưởng Ban điều hành kết quả đấu thầu vàng miếng trong nước và mua vàng đối ứng trên thị trường quốc tế trong ngày Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu, đồng gửi Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Kiểm toán nội bộ;

e) Cung cấp cho các đơn vị thành viên Ban điều hành và Vụ Kiểm toán nội bộ:

- Quyết định của Thống đốc về cơ cấu dự trữ ngoại hối chính thức, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước trong từng thời kỳ;

- Hạn mức Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ;

- Các Quyết định, văn bản về sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Vụ Dự báo, thống kê cung cấp cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

a) Muộn nhất ngày 25 hằng tháng: Số liệu liên quan đến diễn biến thanh khoản ngoại tệ và tình hình tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước của tháng trước;

b) Muộn nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý báo cáo/60 ngày kể từ ngày kết thúc năm báo cáo: Số liệu thực hiện cán cân thanh toán quốc tế quý/năm trước và ước thực hiện cán cân thanh toán cho quý/năm hiện tại;

c) Muộn nhất ngày 20 tháng cuối hằng quý: Dự báo tình hình thị trường tài chính quốc tế theo các quốc gia và khu vực có đồng tiền thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước của quý sau;

d) Muộn nhất ngày 15 tháng đầu hằng quý: Báo cáo về tỷ lệ lạm phát tiền tệ và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước của quý trước;

đ) Muộn nhất ngày cuối cùng hằng tháng: Bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và Bảng cân đối tiền tệ toàn ngành của tháng trước.

3. Vụ Chính sách tiền tệ cung cấp cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

a) Định kỳ 06 tháng: Báo cáo tỷ trọng các loại ngoại tệ trong giao dịch mua bán ngoại tệ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và các giải pháp điều hành.

4. Muộn nhất ngày 15 tháng đầu hằng quý và khi có thay đổi, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo về khối lượng tồn kho vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng miếng và vàng khác tại các kho của Ngân hàng Nhà nước theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Muộn nhất vào ngày 31 tháng 01 hằng năm, Vụ Hợp tác quốc tế cung cấp cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước số liệu giải ngân dự kiến theo quý của các chương trình, dự án hỗ trợ ngân sách trực tiếp từ các tổ chức, đối tác quốc tế trong năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Muộn nhất ngày 15 hằng tháng, Vụ Tài Chính – Kế toán cung cấp cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Kiểm toán nội bộ số dư tài khoản Vốn do đánh giá lại tài sản - Đánh giá lại ngoại tệ và Chênh lệch tỷ giá hối đoái của tháng trước.

7. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị liên quan cung cấp cho Vụ Kiểm toán nội bộ các thông tin cần thiết về dự trữ ngoại hối nhà nước theo yêu cầu về kiểm toán nội bộ.

8. Vụ Quản lý ngoại hối cung cấp cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

a) Định kỳ 06 tháng: Tỷ lệ các loại ngoại tệ trong hoạt động vay trả nợ nước ngoài của Việt Nam;

b) Tình hình thị trường vàng trong nước và quốc tế, khả năng can thiệp thị trường vàng và nhu cầu nhập khẩu vàng (nếu có).

9. Sở Giao dịch cung cấp:

a) Hàng ngày: Báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác theo mẫu quy định tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Số liệu về dự trữ ngoại hối nhà nước của ngày làm việc hôm trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và Báo cáo tình hình mua, bán sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước của tháng trước theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này cho đến khi Thống đốc quyết định giao Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:

Điều 29. Công bố thông tin

Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Truyền thông và Vụ Hợp tác quốc tế công bố thông tin về dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định của pháp luật.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 6 vào Điều 32 như sau:
  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị liên quan xây dựng, báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Kiểm toán nội bộ xây dựng và báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc ban hành Quyết định về thành lập và tổ chức hoạt động của Ban điều hành quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Quyết định về thẩm quyền quyết định của Trưởng Ban điều hành và Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định sử dụng các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối chính thức khác theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

d) Chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định bổ sung thêm loại ngoại tệ được phép đầu tư trong cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức theo Điều 7 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

đ) Xác định giá vàng quy đô la Mỹ và đồng Việt Nam của vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước và thông báo cho các đơn vị liên quan theo nguyên tắc xác định quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư này;

e) Xây dựng quy trình nghiệp vụ quản lý nội bộ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước để tổ chức thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước theo các quy định tại Thông tư này;

g) Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan đàm phán các điều khoản và điều kiện tại các thỏa thuận của Ngân hàng Nhà nước với các đối tác nước ngoài liên quan đến quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

h) Đại diện Ngân hàng Nhà nước ký kết biên bản kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính trên cơ sở phê duyệt của Thống đốc hoặc Phó Thống đốc phụ trách;

i) Đề xuất trình Trưởng Ban điều hành quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phê duyệt việc mua, bán ngoại tệ đối với tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban điều hành quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

k) Công bố trên mạng giao dịch FXT hoặc các phương tiện khác một số nội dung của phương án can thiệp theo phê duyệt của Thống đốc tại từng phương án can thiệp thị trường ngoại tệ;

l) Công bố tỷ giá tham khảo giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ có trong cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống mạng thông tin Refinitiv;

m) Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến dự trữ ngoại hối nhà nước theo hướng dẫn của Vụ Tài chính – Kế toán;

n) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này.

2. Sở Giao dịch:

a) Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến dự trữ ngoại hối nhà nước theo hướng dẫn của Vụ Tài chính – Kế toán;

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này.”

b) Bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Trường hợp Trưởng Ban điều hành vắng mặt, các đơn vị đầu mối lấy ý kiến các đơn vị có liên quan theo quy định tại Thông tư này và trình Thống đốc phê duyệt hoặc quyết định.”

  1. Thay thế một số cụm từ như sau:

a) Thay thế cụm từ “Vụ Quản lý ngoại hối” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại Điều 13 và khoản 1 Điều 22.

  1. Thay thế cụm từ “Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại khoản 6 Điều 4, khoản 3 Điều 6, khoản 4 Điều 7, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 12, khoản 6 Điều 15, khoản 2, 3, 7 Điều 16, khoản 2 Điều 17, Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 1 Điều 20, Điều 21, khoản 2, 3 Điều 22 và khoản 3 Điều 26.
  2. Thay thế cụm từ “Giám đốc Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại điểm b khoản 3 Điều 12, khoản 8 Điều 16, khoản 4 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 30 và Điều 31.
  1. Thay thế, bổ sung các Phụ lục như sau:

a) Thay thế các Phụ lục số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-NHNN bằng các Phụ lục số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08 tương ứng ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Bổ sung Phụ lục số 09.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản điều của Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

Điều 14. Thông báo kết quả giao dịch

Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.”

  1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

“b) Vào cuối ngày ký xác nhận giao dịch và cuối ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước lập danh sách các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ tiền mua vàng miếng trong ngày và thông báo bằng văn bản cho Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Phát hành và Kho quỹ để thực hiện thủ tục giao vàng miếng cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại điểm c Khoản này.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:

“b) Ngay sau khi kết thúc việc giao, nhận vàng miếng, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch để thực hiện thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

Điều 20. Trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

1. Làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.

2. Đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng.

3. Thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc.

4. Thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.

5. Phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối và Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

6. Phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt.

7. Thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

8. Các trách nhiệm khác theo quy định tại Thông tư này.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:

“2. Thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ giao vàng miếng để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc theo quy định tại Điều 16 Thông tư này và để làm căn cứ xem xét tạm ngừng giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

Điều 25. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

1. Thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông tin quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Trên cơ sở đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tín dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này, làm đầu mối trình Thống đốc cho phép, chấm dứt cho phép tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước; thông báo cho tổ chức tín dụng quyết định của Ngân hàng Nhà nước về cho phép, chấm dứt cho phép giao dịch mua, bán vàng miếng, đồng gửi cho Ban kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tín dụng, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở giao dịch.

3. Thực hiện hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.”

  1. Bổ sung Điều 25a như sau:

Điều 25a. Trách nhiệm của Sở Giao dịch

1. Thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng trên cơ sở các thông báo của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo các quy định tại Thông tư này.”

  1. Thay thế một số cụm từ như sau:
  1. Thay thế cụm từ “Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại Điều 3, khoản 4 Điều 4, khoản 1 và khoản 3 Điều 11, khoản 1 và 2 Điều 12, khoản 6 Điều 19, khoản 2 và khoản 3 Điều 21, Điều 22, Phụ lục 1, 2, 3 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2013/TT-NHNN. 
  2. Thay thế cụm từ “Giám đốc Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2013/TT-NHNN.

Điều 3. Thay thế cụm từ của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thay thế cụm từ “Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại khoản 2 Điều 12, khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 15, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Phụ lục 1, 2 và 3 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2021/TT-NHNN.

Điều 4. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, khoản của Thông tư số 32/2018/TT-NHNN ngày 18/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ

1. Thay thế cụm từ “Sở Giao dịch” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại khoản 2 Điều 4, Điều 5, khoản 1 và khoản 3 Điều 6, Điều 9 và Điều 10.

2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 6.

Điều 5. Bổ sung cụm từ tại Thông tư số 38/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán, cách viết chữ số trên chứng từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bổ sung cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” vào sau cụm từ “Sở Giao dịch” tại Điều 5, khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 9.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Thông tư số 39/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 như sau:

“3. Thông tư này áp dụng đối với Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch, Cục Công nghệ thông tin, Cục Phát hành và Kho quỹ, Cục Quản trị, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước).”

Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 25/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định Quy trình luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ kế toán trong hệ thống “Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống” tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Sửa  đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

Điều 12. Luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu và tập hợp chứng từ tại Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước

Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước được ban hành Quy định nội bộ về luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu tập hợp, sắp xếp, đóng chứng từ phù hợp với đặc điểm hoạt động và tổ chức công tác kế toán theo nguyên tắc sau:

1. Luân chuyển, kiểm soát, đối chiếu chứng từ tuân thủ quy định tại Điều 4 Thông tư này; đảm bảo khớp đúng từ kế toán chi tiết đến kế toán tổng hợp.

2. Tập hợp, sắp xếp, đóng chứng từ đảm bảo thuận tiện cho công tác hậu kiểm, tra cứu chứng từ khi đưa vào lưu trữ và tránh thất lạc chứng từ.”

Điều 8. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

Điều 2. Định kỳ hằng tháng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sử dụng mẫu Bảng kê từ Phụ lục số 01 đến Phụ lục số 07 và Phụ lục số 09, 11 ban hành kèm theo Thông tư này để tính, thu phí dịch vụ thanh toán và tổng hợp số liệu thu phí dịch vụ thanh toán theo mẫu Phụ lục số 08, 12 ban hành kèm theo Thông tư này; Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước sử dụng mẫu Bảng kê Phụ lục số 10 để tính và thu phí dịch vụ thanh toán quốc tế.

Trường hợp số dư trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của đối tượng trả phí tại Ngân hàng Nhà nước không đủ để thực hiện ghi Nợ tài khoản và thu phí, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (đối với phí duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ quy định tại Điều 1b Thông tư này) và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (đối với phí dịch vụ thanh toán quốc tế tại Phần IV Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này) tính quy đổi số phí phải thu ra Đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá hạch toán tại Ngân hàng Nhà nước của ngày thu phí, sau đó ghi Nợ vào tài khoản thanh toán bằng VND của đối tượng trả phí để thực hiện thu phí.”

2. Thay thế cụm từ “Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước” bằng cụm từ “Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước” tại phần IV “Phí dịch vụ thanh toán quốc tế” tại Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 15/2020/TT-NHNN ngày 20/11/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số khoản tại Thông tư số 15/2020/TT-NHNN ngày 20/11/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 như sau:

“2. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mối phối hợp với Sở Giao dịch, Vụ Chính sách tiền tệ và các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất mức phí duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ gửi Vụ Thanh toán làm căn cứ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định về mức phí duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước.

3. Cục Công nghệ thông tin xây dựng chương trình phần mềm tính, thu phí duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ và phí dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch phù hợp với quy định tại Thông tư này.

4. Vụ Tài chính – Kế toán hướng dẫn việc hạch toán kế toán đối với các giao dịch thu phí duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ và phí dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch.”

2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 1.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, khoản tại Chế độ quyết toán năm của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1710/2005/QĐ-NHNN ngày 28/11/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 như sau:

“2. Đối tượng áp dụng: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Giao dịch; Cục Quản trị; Chi Cục Quản trị của NHNN tại thành phố Hồ Chí Minh; Cục Phát hành và Kho quỹ; Chi Cục Phát hành và Kho quỹ; Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Cục Công nghệ thông tin; Chi Cục Công nghệ thông tin; Tạp chí Ngân hàng; Thời báo Ngân hàng; Trung tâm Thông tin tín dụng; Ban Quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành của NHNN; Vụ Tài chính – Kế toán và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán (sau đây gọi tắt là các đơn vị kế toán).”

  1. Thay thế một số cụm từ như sau:
  1. Thay thế cụm từ “Vụ Kế toán - Tài chính” bằng cụm từ “Vụ Tài chính - Kế toán” tại khoản 2 Điều 1, khoản 1 Điều 3, khoản 2 Điều 5, khoản 5 Điều 6, khoản 1 Điều 7, khoản 3, khoản 4 Điều 8, khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 10, khoản 2 Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 20.
  2. Thay thế cụm từ “Cục Công nghệ tin học ngân hàng” bằng cụm từ “Cục Công nghệ thông tin” tại khoản 2 Điều 1 và khoản 4 Điều 8.
  3. Thay thế cụm từ “Vụ Tổng Kiểm soát” bằng cụm từ “Vụ Kiểm toán nội bộ” tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 20.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số cụm từ, điểm của Chế độ báo cáo tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 23/2008/QĐ-NHNN ngày 08/8/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 2 như sau:

“a. Các đơn vị NHNN là các đơn vị kế toán phụ thuộc, bao gồm: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Vụ Tài chính – Kế toán; Sở Giao dịch NHNN; Cục Quản trị NHNN; Chi Cục Quản trị của NHNN tại thành phố Hồ Chí Minh; Cục Phát hành và Kho quỹ; Chi Cục Phát hành và Kho quỹ; Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Cục Công nghệ thông tin; Chi Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán;”

  1. Thay thế một số cụm từ như sau:
  1. Thay thế cụm từ “Vụ Kế toán – Tài chính” bằng cụm từ “Vụ Tài chính – Kế toán” tại khoản 2 Điều 7, Điều 8, Điều 13, khoản 1 Điều 15, điểm a khoản 1 Điều 19 và Mẫu số B01a/NHNN, B01b/NHNN, B03/ĐV-NHNN, B03/NHNN, B04/ĐV-NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 23/2008/QĐ-NHNN ngày 08/8/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
  2. Thay thế cụm từ “Cục Công nghệ tin học ngân hàng” bằng cụm từ “Cục Công nghệ thông tin” tại Điều 8.
  3. Thay thế cụm từ “Vụ Tổng Kiểm soát” bằng cụm từ “Vụ Kiểm toán nội bộ” tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 15.

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hạch toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến dự trữ ngoại hối nhà nước cho đến khi Thống đốc quyết định về việc phân công nhiệm vụ hạch toán giữa Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch.

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/11/2023.

2. Thông tư này bãi bỏ các quy định sau:

a) Khoản 2, khoản 11, khoản 12, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

b) Khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 12/2015/TT-NHNN ngày 28/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 37/2018/TT-NHNN ngày 25/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phạm Thanh Hà

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.