Sign In
UBND tỉnh

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001

 

Kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Để phát huy những kết quả đạt được, và khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 2000, đồng thời khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001, theo nội dung và tiến độ như sau:

1. Tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001.

Năm 2001 có ý nghĩa quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010). Năm 2001 có nhiều điểm thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức mới gay gắt; các cấp, các ngành khi xây dựng kế hoạch năm 2001, phải bám sát định hướng, quan điểm phát triển đã được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và thể hiện cụ thể, thiết thực vào kế hoạch của ngành, của địa phương. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1) Phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn năm 2000, tạo động lực mới, huy động tốt các nguồn lực để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, mở đầu thuận lợi cho thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tiếp theo.

Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tiếp tục đưa nhanh lúa lai, ngô lai vào sản xuất. Áp dụng thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cho khâu giống, thủy lợi, công nghệ chế biến và các làng nghề ở nông thôn. Chủ động phòng chống thiên tai có hiệu quả.

Rà soát toàn bộ các sản phẩm công nghiệp phân theo 3 loại (loại có ưu thế cạnh tranh, có khả năng tiêu thụ; loại khả năng cạnh tranh còn thấp, nhưng có thị trường tiêu thụ; loại khả năng cạnh tranh vừa kém, vừa không có thị trường tiêu thụ), để tổ chức lại sản xuất, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, đổi mới quản lý cho từng ngành, từng doanh nghiệp, từng loại sản phẩm, nhằm từng bước vững chắc xóa bỏ tình trạng thua lỗ, sản xuất chi phí lớn, giá thành cao, sức cạnh tranh và hiệu quả thấp.

Phát triển các loại hình dịch vụ, bám sát nhu cầu phát triển để đáp ứng, chú trọng dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, ngân hàng. Chú trọng phát triển thị trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, nâng cao sức mua của nhân dân.

2) Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên vùng núi, vùng sâu, vùng xa và đô thị. Chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, áp dụng các chính sách khuyến khích sự ủng hộ đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp của dân cư và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, chú trọng các dự án trọng điểm, dự án ưu tiên, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai, có thể hoàn thành trong năm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước.

3) Tiếp tục tổ chức sắp xếp lại, cổ phần hóa một số DNNN theo kế hoạch; thực hiện chủ trương bán, khoán, cho thuê và giao cho tập thể lao động đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và kinh doanh thua lỗ; theo dõi giúp đỡ các DNNN đã được cổ phần hóa ổn định, phát triển sản xuất. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, kinh tế hộ, kinh tế hợp tác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động, sản xuất kinh doanh.

4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp và đổi mới bộ máy quản lý nhà nước ở các ngành, các cấp. Nâng cao hiệu lực chấp hành pháp luật, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động kinh tế và xã hội, kết hợp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực.

5) Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, phát triển hệ thống dạy nghề, thúc đẩy thực hiện công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa".

6) Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm là việc làm cho người lao động, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho các tầng lớp dân cư.

7) Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, gắn củng cố quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

2. Về ngân sách Nhà nước.

Công tác lập và quyết định dự toán ngân sách Nhà nước phải thực hiện theo đúng Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Nhà nước.

Dự toán thu ngân sách của các cấp phải xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định của các luật thuế và theo đúng chế độ thu hiện hành, phù hợp với khả năng tăng trưởng và sinh lời trong từng lĩnh vực, có tác dụng khuyến khích sản xuất phát triển. Thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu, chống gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế, phấn đấu thu thuế và phí tăng hơn năm 2000.

Dự toán chi phải quán triệt nguyên tắc tiết kiệm, bảo đảm quan hệ hợp lý giữa chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Dự toán chi thường xuyên phải được tính toán chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm. Chi quản lý hành chính gắn liền với các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện cải cách hành chính; ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ môi trường theo Nghị quyết Trung ương 2, sự nghiệp văn hóa thông tin theo Nghị quyết Trung ương 5; bảo đảm chi thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao để huy động thêm nguồn lực, góp phần thay đổi cơ cấu chi ngân sách.

Dự toán chi đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2001 phải bố trí ưu tiên cho các công trình trọng điểm, cho vốn đối ứng ODA, cam kết đầu tư với các Bộ, ngành theo tiến độ đã thỏa thuận, các công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm, các công trình chuyển tiếp có hiệu quả, cho chương trình cứng hóa kênh mương; chỉ bố trí xây dựng mới các công trình đã có đủ thủ tục theo quy định; các công trình chưa thật cần thiết, cấp bách thì chưa đầu tư.

Dự phòng ở mức cần thiết, đúng quy định hiện hành để chủ động ứng phó với những nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

3. Phân công thực hiện và tiến độ xây dựng kế hoạch

3.1. Phân công thực hiện

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 2001; chủ trì phối hợp các Sở Tài chính - Vật giá làm việc với các cấp, các ngành, các đơn vị trực thuộc trong tỉnh; tổng hợp và xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch các chương trình mục tiêu, dự kiến danh mục và mức vốn đầu tư cho các công trình XDCB năm 2001 báo cáo UBND tỉnh.

Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các cấp, các ngành lập kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2001; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan xây dựng và tổng hợp kế hoạch thu, chi ngân sách theo Luật ngân sách Nhà nước, báo cáo UBND tỉnh.

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị căn cứ chỉ thị này và nội dung hướng dẫn của Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và lập kế hoạch thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành, báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp.

3.2. Tiến độ xây dựng kế hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngan sách nhà nước năm 2000, trước ngày 20/8/2000.

Trước ngày 30/8/2000 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị gửi báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước về sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính - Vật giá, để tổng hợp trình UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Việc tổng hợp báo cáo phải xong trước ngày 05 tháng 9 năm 2000.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.

UBND tỉnh Phú Thọ

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Điền