Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi

giai đoạn 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4057/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành, thông qua Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển cấp học giáo dục mầm non ổn định, bền vững, bảo đảm 100% trẻ em năm tuổi trên địa bàn tỉnh đến trường và được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý để trẻ em sẵn sàng đi học lớp 1.  

2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo đảm đủ số trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Đến năm 2015, 100% trẻ em năm tuổi được đi học lớp mẫu giáo năm tuổi; tỷ lệ huy động trẻ em 3 - 4 tuổi đến trường mầm non đạt 70%; có 25% số trẻ em dưới 3 tuổi ra nhà trẻ.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%; năm 2012, có 85% trở lên số trẻ em năm tuổi được học 2 buổi/ngày đạt yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới; trẻ em vùng dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1.

- Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non bảo đảm trình độ đạt chuẩn trở lên; năm 2015, có 50% giáo viên dạy lớp mầm non năm tuổi đạt trình độ cao đẳng trở lên và 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá.  

- Bảo đảm đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các lớp mầm non năm tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; có 50% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

- Phấn đấu năm 2011, có 75% số huyện, thành, thị trở lên và năm 2012, có 100% số huyện, thành, thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

II. Nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu

1. Nhiệm vụ

- Xây dựng hệ thống trường mầm non công lập đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, trong đó bảo đảm 100% trẻ em năm tuổi được đi học. 

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đủ về số lượng, chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới. Xây dựng kế hoạch biên chế giáo viên mầm non cho các trường công lập, bảo đảm đủ cán bộ quản lý, giáo viên cho trường, lớp mầm non năm tuổi theo định mức quy định (2 giáo viên/lớp). Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 1.000 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 1.800 giáo viên có trình độ A về tin học và ngoại ngữ; 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm tuổi được bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức và kỹ năng thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

- Đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục mầm non mới đối với các lớp mầm non năm tuổi. Năm 2015, trẻ em các lớp mầm non năm tuổi được tiếp cận với tin học, ngoại ngữ và có 90% trẻ em năm tuổi trở lên đạt chuẩn phát triển, thực hiện tốt chương trình, tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho các lớp mầm non năm tuổi người dân tộc thiểu số. 

- Xây dựng trường, lớp, nhóm trẻ bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tiến tới đạt chuẩn quốc gia.

+ Xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non bảo đảm các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị, đồ chơi cho trẻ em, ưu tiên cho lớp mầm non năm tuổi.

+ Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu xây dựng thêm ít nhất 75 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để thực hiện mục tiêu năm 2015, toàn tỉnh có 50% trở lên (158) trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện thí điểm, xây dựng mô hình trường, lớp mầm non chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các trường mầm non ngoài công lập.

2. Một số giải pháp chủ yếu

a. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

b. Rà soát, củng cố, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non.

c. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề.

- Tuyển dụng, bố trí đủ cán bộ quản lý, giáo viên cho các trường mầm non công lập; khuyến khích các trường ngoài công lập thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non. Thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho các trường mầm non công lập theo kế hoạch hàng năm như sau:

+ Năm 2011: Giao bổ sung 1.193 biên chế, trong đó: 306 cán bộ quản lý và                887 giáo viên mầm non.

+ Năm 2012: Giao bổ sung 614 biên chế giáo viên mầm non.

+ Từ năm 2013 đến năm 2015: Mỗi năm giao bổ sung biên chế để tuyển dụng 736 giáo viên. Trên cơ sở tuyển dụng đủ số cán bộ quản lý, giáo viên, tiếp tục thực hiện tuyển dụng nhân viên cho các trường mầm non công lập theo định mức quy định.

- Thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non. Bảo đảm chế độ, chính sách về xếp lương theo thời gian công tác đối với giáo viên khi được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước: Giáo viên có thời gian công tác d­ưới 05 năm được hưởng bậc 1; giáo viên có thời gian công tác từ 05 năm trở lên được h­ưởng lương và nâng lương theo quy định hiện hành; giáo viên khi được tuyển dụng vào biên chế được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi theo quy định hiện hành.

d. Phát triển mạng lưới, xây dựng trường, lớp mầm non đủ điều kiện đón                  nhận trẻ.

- Rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, bảo đảm các trường mầm non được ưu tiên địa điểm, đủ diện tích đất theo quy định. 

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các trường mầm non ngoài công lập và các giải pháp xã hội hóa huy động nguồn lực để xóa 588 phòng học tạm, phòng học nhờ và phòng học cấp 4 đã xuống cấp; xây dựng 1.177 phòng học chức năng; xây dựng nhà điều hành và mua sắm thiết bị, đồ chơi tối thiểu; thiết bị dùng chung và thiết bị cho trẻ làm quen với tin học, ngoại ngữ cho các trường mầm non công lập.

e. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

f. Đầu tư nguồn lực để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

 Tổng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi từ năm 2011 đến năm 2015: 585.000 triệu đồng, cân đối từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện như sau:

+ Vốn từ ngân sách Nhà nước (70% - 75%): 425.000 triệu đồng;

+ Huy động các nguồn vốn khác(25% - 30%): 160.000 triệu đồng. 

 Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.

 Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ hai mươi thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2010./. 

HĐND tỉnh Phú Thọ

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Ngô Đức Vượng