Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nội dung điểm 3.a mục III của Thông tư số 09/1998-TT-BTC

ngày 20/1/1998 hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu

 

Căn cứ Công văn số 73/TB-VPCP ngày 3 tháng 4 năm 1998 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam; Căn cứ tình hình công tác chống buôn lậu hiện nay; Để góp phần tạo thuận lợi trong công tác chống buôn lậu;

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nội dung tiết a của điểm 3 thuộc mục III quy định tại Thông tư số 09/1998/TT-BTC ngày 20 tháng 1 năm 1998 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu như sau:

 

"a. Số tiền được trích (30%) để thưởng và bổ sung kinh phí cho các tổ chức và cá nhân có thành tích chống buôn lậu nói tại điểm 2b trên đây coi như 100% và được phân phối, sử dụng như sau:

a.1. 30% dùng để chi bồi dưỡng, chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích chống buôn lậu, các khoản chi phí bổ sung cho công tác chống buôn lậu như: chi cho công tác tuyên truyền, tổng kết; chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho các cán bộ thuộc các lực lượng bị tai nạn trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí cho các trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế...

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thưởng cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong khuôn khổ nguồn tiền thưởng được trích để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trên cơ sở quy định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chống buôn lậu có trách nhiệm xem xét việc chia tiền thưởng được trích cho các đơn vị, cá nhân có thành tích một cách công khai, dân chủ tuỳ thuộc tích chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng đơn vị, cá nhân. Trường hợp đặc biệt, việc chi thưởng theo mức của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định vượt quá số tiền 30% được trích thì Thủ trưởng đơn vị có thể trích thêm một phần từ khoản tiền 60% dùng cho việc mua sắm bổ sung các phương tiện chống buôn lậu (quy định tại tiết a.2 dưới đây) để chi thưởng. Việc trích thêm phải xem xét, cân nhắc đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

a.2. 60% dùng cho việc mua sắm bổ sung các phương tiện chống buôn lậu của đơn vị. Trường hợp đặc biệt có thể bổ sung nguồn tiền trích thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích.

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch mua sắm bổ sung trang thiết bị gửi cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt. Việc chi mua sắm phương tiện trang bị cho các lực lượng chống buôn lậu, phải tuân thủ theo đúng chế độ quản lý chi ngân sách Nhà nước hiện hành.

a.3. 10% nộp lên cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị được giao nhiệm vụ chống buôn lậu để thưởng cho các bộ phận phối hợp và chi cho công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, sơ kết, tổng kết. Cơ quan cấp trên chỉ đạo công tác chống buôn lậu trong mỗi ngành được quy định tại tiết 1 điểm C mục III của Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan số 07/1997/TTLT/BTC-BNV-BTM-TCHQ ngày 21 tháng 10 năm 1997. Cơ quan cấp trên trực tiếp của Chi cục quản lý thị trường là Cục quản lý thị trường; cơ quan cấp trên trực tiếp của Cục thuế là Tổng cục Thuế...

Trường hợp có nhiều ngành cùng phối hợp tham gia chống buôn lậu thì nộp lên cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện vụ chống buôn lậu.

Số tiền thưởng và bổ sung kinh phí cho các đơn vị cuối năm không sử dụng hết được kết chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp".

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký; đồng thời những quy định nêu tại tiết a của điểm 3 của mục III tại Thông tư số 09/1998/TT-BTC ngày 20 tháng 1 năm 1998 của Bộ Tài chính hết hiệu lực thi hành./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao