Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của

các tổ chức tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

______________________

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

            Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

 

Điều 2. Quyết định ngày có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của các tổ chức

tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

(Ban hành kèm theo Quyết định số  2200 /2011/QĐ-UBND

 ngày  08  tháng  7  năm 2011 của UBND tỉnh Phú Thọ)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; chính sách và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đối với các tổ chức tự quản về an ninh trật tự.

Điều 2. Các tổ chức tự quản về an ninh trật tự trong văn bản này bao gồm: Ban An ninh trật tự, Tổ liên gia tự quản về An ninh trật tự, Dòng họ tự quản về An ninh trật tự:

 1. Ban An ninh trật tự (viết tắt là Ban ANTT) là tổ chức tự quản thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lập ra ở khu dân cư, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn an ninh trật tự xã hội; đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội có tổ chức, có kỷ cương, trong trạng thái bình yên, trên cơ sở những quy định của pháp luật và quy ước khu dân cư.

2. Tổ liên gia tự quản về An ninh trật tự (gọi và viết tắt là Tổ liên gia tự quản) là tổ chức tự quản thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của nhiều hộ dân sống gần nhau, hoặc sống chung trong một khu nhà (chung cư, nhà tập thể) để giúp đỡ, động viên mọi người trong tổ cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, bài trừ tệ nạn và phòng ngừa, làm giảm các tai nạn có thể sảy ra ở địa bàn dân cư; nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển của khu dân cư trên cơ sở những quy định của pháp luật và quy ước khu dân cư.

3. Dòng họ tự quản về An ninh trật tự (gọi và viết tắt là Dòng họ tự quản) là mô hình tự quản về an ninh trật tự của các hộ gia đình có chung huyết thống sống tập trung trong khu vực dân cư, thông qua tổ chức của dòng họ là Hội đồng gia tộc để động viên các thành viên trong dòng họ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn hoá, bảo vệ môi trường.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động và mối quan hệ của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự:

1- Ban An ninh trật tự, Tổ liên gia tự quản và Dòng họ tự quản về An ninh trật tự hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải về kinh phí và hoạt động theo cơ chế: Cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, lực lượng Công an làm nòng cốt, quần chúng nhân dân thực hiện.

2- Mối quan hệ giữa các tổ chức tự quản về an ninh trật tự này là mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

 

Chương II

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC

TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ

 

Mục 1

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BAN AN NINH TRẬT TỰ

 

Điều 4. Tổ chức của Ban ANTT:

1. Mỗi khu dân cư thành lập 1 Ban ANTT do Trưởng khu làm Trưởng ban; Công an viên, Tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố (đối với thành phố, thị xã) làm Phó ban Thường trực; Trưởng ban công tác Mặt trận làm Phó ban; các uỷ viên gồm: Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Bí thư chi Đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản, đại diện Dòng họ tự quản (nơi có Hội đồng gia tộc), Thôn đội trưởng (Chỉ huy Dân quân tự vệ).

2. Ban ANTT do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn Quyết định công nhận theo đề nghị của Trưởng khu dân cư, trên cơ sở Trưởng khu dân cư đã thống nhất với Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) về thành viên Ban ANTT.

3. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban ANTT theo nhiệm kỳ của Trưởng khu dân cư.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban ANTT

1. Ban ANTT có nhiệm vụ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về công tác bảo vệ an ninh trật tự đến toàn thể nhân dân trong khu dân cư; tham mưu cho ban chi uỷ chi bộ về công tác bảo vệ an ninh trật tự, làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu dân cư; phối hợp với các tổ hoà giải, các tuyên truyền viên và các tổ chức khác để phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm pháp luật.

2. Tổ chức nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự để phản ánh cho Công an cấp xã, đồng thời phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự theo sự chỉ đạo của UBND và Công an cấp xã.

3. Khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (gây mất an ninh trật tự, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, trộm cắp tài sản…) xảy ra trên địa bàn có mặt kịp thời để ngăn chặn hạn chế hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra, cấp cứu người bị nạn (nếu có), bảo vệ hiện trường, nắm tình hình có liên quan, kịp thời báo cáo Công an cấp xã giải quyết.

4. Đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trong khu dân cư chấp hành các quy định về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng; quy định về hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường…

5. Xây dựng quy ước về an ninh trật tự để Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức cho nhân dân trong khu dân cư ký cam kết thực hiện; đôn đốc nhân dân thực hiện quy ước; tổ chức luyện tập phương án vây bắt tội phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy; chủ động phối hợp với tổ hoà giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; xây dựng khu an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

6. Vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện công tác quản lý, giáo dục những người vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật tại khu dân cư do Chủ tịch UBND cấp xã giao; có phương án bảo vệ người tố giác và gia đình người tố giác những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự.

7. Tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi gây mất an ninh trật tự; bắt giữ người phạm tội quả tang; phối hợp với Công an truy bắt người đang bị truy nã, trốn thi hành án, gây án bỏ trốn… khi họ có mặt tại địa phương.

8. Phản ánh và đề nghị với chính quyền giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tham gia bình xét, đánh giá phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và gia đình văn hoá; nhận xét đánh giá sự chấp hành pháp luật và các quy định của địa phương đối với đối tượng đang quản lý tại cộng đồng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 6. Nguyên tắc hoạt động và lề lối làm việc

1. Ban ANTT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm thông qua mối quan hệ trực tiếp với các Tổ Liên gia tự quản, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chi bộ khu dân cư, hướng dẫn chuyên môn của Công an cấp xã; đối với các tổ chức đoàn thể, cơ quan đơn vị trên địa bàn là quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.

2. Trưởng Ban ANTT chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Ban; triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban để thông báo tình hình, kết quả các mặt công tác bảo vệ an ninh trật tự; thông báo các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước của khu dân cư; triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về công tác bảo vệ an ninh trật tự đến nhân dân trong khu dân cư.

3. Phó Trưởng ban Thường trực giúp việc Trưởng ban tổng hợp tình hình báo cáo Trưởng Công an cấp xã; thay Trưởng ban chỉ đạo, điều hành hoạt động của ban khi được Trưởng ban uỷ quyền.

 4. Các uỷ viên có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban; vận động các hộ gia đình trong Tổ liên gia tự quản do mình phụ trách cam kết chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương về công tác bảo vệ an ninh trật tự, quy ước của khu dân cư, tham gia quản lý giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư…

5. Ban ANTT mỗi quý họp một lần vào ngày đầu tuần của tháng đầu tiên trong quý do Trưởng ban hoặc Phó ban chủ trì, có thư ký ghi nội dung cuộc họp.

Nội dung họp: Kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thảo luận thống nhất biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, xây dựng mối đoàn kết trong khu, xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kiến nghị lên cấp trên giải quyết những nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.

 

Mục 2

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA

TỔ LIÊN GIA TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ

 

Điều 7. Tổ chức của Tổ liên gia tự quản

 1. Tổ liên gia tự quản được thành lập ở các khu dân cư; mỗi tổ liên gia tự quản có ít nhất 15 hộ dân (đối với vùng đồng bằng và khu đô thị); từ 10 hộ dân trở lên (đối với vùng đồi, núi). Ở những địa bàn dân cư thưa, sống không tập trung (vùng sâu, vùng xa) tuỳ theo điều kiện để thành lập tổ liên gia tự quản nhưng không dưới 5 hộ dân. Các Tổ liên gia tự quản trong một khu được gọi theo số thứ tự, từ tổ số 1 cho đến số của tổ cuối cùng.

2. Việc thành lập Tổ liên gia tự quản được thống nhất giữa Chi ủy Chi bộ khu dân cư, Trưởng khu dân cư với Trưởng Công an cấp xã. Trưởng khu dân cư lập danh sách các tổ trong khu dân cư và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét và ký quyết định công nhận.

 3. Mỗi Tổ liên gia tự quản bầu 1 tổ trưởng và từ 1 đến 2 tổ phó để điều hành công việc của tổ. Tổ trưởng, tổ phó Tổ liên gia tự quản là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có hiểu biết về pháp luật, nhiệt tình trách nhiệm, có sức khoẻ và được nhân dân tín nhiệm. Khuyến khích cán bộ xã, cán bộ các đoàn thể cư trú trên địa bàn kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó Tổ liên gia tự quản.

            4. Việc bầu tổ trưởng, tổ phó Tổ liên gia tự quản do Chi ủy Chi bộ khu dân cư và Trưởng khu dân cư giới thiệu, các hộ gia đình trong tổ bầu. Trưởng khu dân cư lập danh sách báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của tổ trưởng, tổ phó Tổ liên gia tự quản như nhiệm kỳ của Trưởng khu dân cư.

  5. Các thành viên Tổ liên gia tự quản là đại diện các hộ gia đình trong tổ.

Điều 8. Tổ liên gia tự quản có các nhiệm vụ

            1. Tuyên truyền, vận động các thành viên trong tổ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy ước về an ninh trật tự; giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, việc mừng thọ và lễ hội…

 2. Tham gia tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị tổ chức tại địa phương; chủ động phát hiện tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; bảo vệ tài sản cho hộ gia đình sống liền kề khi họ vắng nhà.

3. Tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng theo sự phân công của Trưởng khu dân cư; phối hợp giữa các hộ gia đình trong việc quản lý con em, người thân trong gia đình không để vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

4. Tích cực tham gia luyện tập phương án vây bắt tội phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy trong thực hiện thế trận an ninh nhân dân do khu dân cư tổ chức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong phương án khi có tình huống xảy ra.

5. Giữ gìn mối đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các hộ gia đình, kịp thời phát hiện và hoà giải các mâu thuẫn phát sinh, không để nảy sinh phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Điều 9. Tổ trưởng, tổ phó Tổ liên gia tự quản có các nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nắm vững tình hình trong tổ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các thành viên trong tổ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; phản ánh kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng nhân dân lên cấp trên.

2. Huy động các thành viên trong tổ tham gia tuần tra, bảo vệ, chữa cháy, vây bắt tội phạm, cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn hành vi gây mất trật tự công cộng…

3. Tổ chức và chủ trì các buổi họp tổ theo định kỳ hoặc đột xuất để kiểm điểm, giáo dục người vi phạm an ninh trật tự; đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng chống tội phạm, nhắc nhở hoặc đề nghị phê bình các tập thể, cá nhân vi phạm.

Điều 10. Hoạt động của Tổ liên gia tự quản.

1. Tổ liên gia tự quản đặt dưới sự lãnh đạo của chi uỷ, sự quản lý điều hành của Trưởng khu dân cư và sự hướng dẫn về chuyên môn của Công an cấp xã.

2. Tổ liên gia tự quản tổ chức họp định kỳ mỗi quý một lần. Các thành viên trong tổ có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp tổ. Trường hợp đột xuất theo sự chỉ đạo của Ban ANTT, tổ tưởng Tổ liên gia tự quản tổ chức họp để thực hiện các công việc cấp bách. Các buổi họp tổ có thể mời Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, các đoàn thể, Công an viên, Cảnh sát khu vực tham dự. Cuối năm họp tổng kết các hoạt động của tổ.

Nội dung họp tổ gồm: Thông báo tình hình liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn; kiểm điểm việc chấp hành chính sách, pháp luật, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và giải quyết các vụ việc xảy ra trong tổ; phản ánh, kiến nghị cấp trên các vấn đề còn vướng mắc. Nội dung họp tổ có thể kết hợp với các nội dung khác do khu dân cư, tổ dân phố triển khai. Sau các cuộc họp, tổ trưởng báo cáo kết quả với Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư.

3. Khi có những hiện tượng nghi vấn hoặc các vụ việc về an ninh trật tự xảy ra trong tổ thì tổ trưởng phải báo cáo ngay với Trưởng khu dân cư, Công an viên, Cảnh sát khu vực hoặc có thể báo cáo vượt cấp với Đảng uỷ, UBND cấp xã và Công an cấp trên để chỉ đạo giải quyết.

4. Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa Tổ liên gia tự quản để tổ chức họp tổ mang tính bè phái, gây chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân và vi phạm chính sách pháp luật.

 

Mục 3

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG HỌ

TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ

 

Điều 11. Những dòng họ có truyền thống, có điều kiện thì thành lập Hội đồng gia tộc tự quản về an ninh trật tự. Việc thành lập Hội đồng gia tộc tự quản về an ninh trật tự do các hộ gia đình trong họ bầu, gồm những người có uy tín như: Trưởng họ, trưởng chi hoặc người có địa vị xã hội, người có tầm ảnh hưởng rộng rãi đối với dòng họ. Thành phần, số lượng thành viên, phân công nhiệm vụ cho các thành viên do dòng họ quyết định. Người đứng đầu Hội đồng gia tộc báo cáo UBND cấp xã nơi mà Hội đồng gia tộc chọn làm điểm sinh hoạt tập chung của dòng họ (nơi đặt nhà thờ tổ, thờ họ,…) để được công nhận.

Điều 12. Nhiệm vụ chung của Hội đồng gia tộc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự

1. Xây dựng qui ước của dòng họ (sau đây gọi chung là Tộc ước). Nội dung Tộc ước không được trái quy định của pháp luật và các quy định của địa phương, trình Chủ tịch UBND cấp xã nơi quyết định công nhận Hội đồng gia tộc phê duyệt; đôn đốc các thành viên trong dòng họ chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và Tộc ước của dòng họ.

2. Giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong dòng họ.

3. Quản lý, giáo dục, cảm hoá người trong họ có hành vi vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội.

4. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội của thành viên trong dòng họ; phối hợp với các ban ngành, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở làm tốt các công việc liên quan đến dòng họ.

5. Tổ chức giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ cho các thành viên trong dòng họ, giúp đỡ, động viên mọi người, mọi gia đình xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, gia đình văn hoá, giữ gìn đoàn kết trong dòng họ và khu dân cư, chấp hành tốt qui định trong việc cưới, việc tang, việc mừng thọ và lễ hội. Giữ gìn trật tự công cộng, chấp hành Luật Giao thông, phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường.

Điều 13. Mối quan hệ giữa Hội đồng gia tộc với Ban ANTT và Tổ liên gia tự quản là mối quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Ban ANTT, Tổ liên gia tự quản có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ Hội đồng gia tộc tổ chức hoạt động của dòng họ theo đúng quy định của pháp luật; thông báo cho Hội đồng gia tộc về các thành viên trong dòng họ có hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội để dòng họ quản lý, giáo dục; đề xuất cấp trên khen thưởng cho dòng họ và phê bình nhắc nhở khi có vi phạm. Hội đồng gia tộc có trách nhiệm phối hợp thường xuyên với cấp uỷ, chính quyền địa phương và thông báo về hoạt động của dòng họ, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả hoạt động của dòng họ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự với Chủ tịch UBND cấp xã.

 

 

Chương III

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC

TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ

 

Điều 14. Ban ANTT, Tổ liên gia tự quản được hỗ trợ kinh phí phục vụ họp và các hoạt động chung khác từ nguồn thu Quỹ hỗ trợ Quốc phòng - An ninh theo Nghị quyết số 35/2002/NQ-HĐND-KXV của HĐND tỉnh về lập quỹ hỗ trợ quốc phòng, an ninh theo Pháp lệnh về Dân quân tự vệ; mức chi do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng gia tộc do dòng họ đó quyết định.

Điều 15. Những người bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng khi tham gia đấu tranh chống tội phạm thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giúp đỡ để hỗ trợ khắc phục khó khăn hoặc đề nghị Nhà nước cho hưởng chính sách theo quy định của pháp luật.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 16. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 17. Chủ tịch UBND cấp xã đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho Ban ANTT, Tổ liên gia tự quản. Chỉ đạo Trưởng Công an rà soát, củng cố, kiện toàn Ban ANTT, Tổ liên gia tự quản và báo cáo UBND cấp xã; hướng dẫn các dòng họ tổ chức hoạt động tự quản về an ninh trật tự. Tổ chức sơ kết công tác chỉ đạo hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự.

Điều 18. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp với lực lượng Công an các cấp tích cực tham gia xây dựng tổ chức và hoạt động của các tổ chức quần chúng nhân dân tự quản về an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, gắn với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá.

Điều 19. Các tổ chức hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan có thẩm quyền đề nghị khen thưởng. Các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm Quy chế này tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

                                                                  

UBND tỉnh Phú Thọ

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Dân Mạc