• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/12/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2014
UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 4168/2010/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 10 tháng 12 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án

Đổi mới công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

________________________

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

 

            Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

            Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg  ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp dân; Công văn số 1844/TTCP-VP ngày 29/6/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân;

            Xét đề nghị của Chánh thanh tra tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

            Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch thực hiện  “Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

            Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

            Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                                          

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾ HOẠCH

 Thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4168/2010/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg  ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp dân;

Thực hiện Công văn số 1844/TTCP-VP ngày 29/6/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ  tiếp dân trong công tác tiếp công dân.

Kiện toàn về tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; tạo điều kiện thuận lợi để công dân phát huy quyền dân chủ nhân dân.

2. Yêu cầu:

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp dân;

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ trên địa bàn tỉnh;

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan nhà nước.

II. NỘI DUNG:

1.  Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án:

- Tuyên truyền nội dung Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh đến Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân cho cán bộ làm công tác tiếp công dân ở cả 3 cấp.

2. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân

Xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thường trực tiếp công dân các cấp trong tỉnh theo Đề án, cụ thể như sau:

a) Cấp tỉnh: UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Trụ sở tiếp công dân của tỉnh (làm nhiệm vụ tiếp công dân chung của Tỉnh ủy, UBND, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội). Văn phòng UBND tỉnh thành lập Phòng tiếp công dân (có từ 4 đến 5 biên chế, do một Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh phụ trách) để chủ trì, điều hòa, phối hợp việc tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; quản lý, bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động của trụ sở, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đơn khiếu nại, tố cáo. Trụ sở tiếp công dân có con dấu riêng. Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cử cán bộ tiếp công dân (có danh sách cán bộ tiếp công dân) để thực hiện công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

b) Cấp huyện: Thành lập Tổ tiếp công dân trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND; bố trí từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm thuộc các phòng ban chuyên môn của UBND cấp huyện tiếp công dân như: phòng Tài nguyên Môi trường, Kinh tế, Lao động, Thương binh và Xã hội...

c) Cấp xã: Bố trí cán bộ tư pháp hoặc cán bộ chuyên môn có hiểu biết về pháp luật kiêm nhiệm làm công tác tiếp công dân.

Việc điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ cho các cơ quan tiếp công dân của UBND các cấp và các sở, ngành thực hiện trên nguyên tắc: bổ sung đủ cán bộ có năng lực, phẩm chất, có kỹ năng công tác tiếp dân cho các cơ quan tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm; có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu tâm lý; có kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với các sở, ngành có nhiều nội dung liên quan đến việc giải quyết kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của công dân (như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh...) thì bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân, các sở, ngành khác thì có thể bố trí cán bộ kiêm nhiệm.

UBND các cấp, các sở, ngành thuộc UBND tỉnh căn cứ quy định của pháp luật và Đề án, xây dựng Quy chế, quy định quy trình tiếp dân.

Các đơn vị đã xây dựng Quy chế, quy định quy trình tiếp dân cần chủ động tiến hành kiểm tra, rà soát bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ.

3. Cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp dân:

a) Cấp tỉnh: Trước mắt cải tạo, nâng cấp, mở rộng Phòng tiếp dân hiện nay của Văn phòng UBND tỉnh thành Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; trang bị thêm phương tiện làm việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện việc tiếp công dân theo mô hình mới.

Về lâu dài, sẽ đầu tư xây dựng Trụ sở tiếp công dân của tỉnh độc lập ngoài khuôn viên của Văn phòng UBD tỉnh hiện nay.

Thanh tra tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh bố trí phòng tiếp dân riêng và phân công cán bộ tiếp công dân.

b) Cấp huyện và xã: Bố trí phòng tiếp công dân riêng có đủ nội quy, biển đề nơi tiếp công dân và các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp công dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

  1. Thời gian thực hiện

- Từ nay đến hết tháng 6/2011: Hoàn thành việc thành lập Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và Phòng tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; các huyện, thành, thị; sở, ban, ngành bố trí phòng tiếp công dân và phân công cán bộ làm công tác tiếp công dân. Tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Đề án Đổi mới tiếp công dân của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh đến Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.

- Từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012: Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân ở 3 cấp và tổ chức xong việc tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân.

- Từ 01/7/2012: Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, các huyện, thành, thị; sở, ban, ngành và cấp xã chính thức đi vào hoạt động theo Đề án đổi mới tiếp công dân của Chính phủ.

2. Phân công trách nhiệm

a. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Phối hợp với Thanh tra tỉnh giúp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới tiếp công dân của tỉnh đến Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các Sở, ngành của tỉnh;

Phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và thành lập Phòng tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3969/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng UBND tỉnh;

Đề xuất biên chế, tuyển dụng, bố trí cán bộ cho Phòng tiếp công dân của tỉnh và điều hành hoạt động của Trụ sở tiếp công dân;

Phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tiếp công dân;

Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của Trụ sở tiếp công dân;

Lập dự trù, trình duyệt, cấp kinh phí sửa chữa, trang bị thêm phương tiện làm việc của phòng tiếp dân hiện có;

Tham mưu đề xuất với UBND tỉnh lựa chọn phương án đầu tư cơ sở vật chất, làm chủ đầu tư xây dựng Trụ sở tiếp công dân của tỉnh (độc lập, bên ngoài khuôn viên UBND tỉnh) gửi cơ quan chức năng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

b)  Sở Nội vụ

Thẩm định, trình UBND tỉnh Quyết định việc thành lập Trụ sở tiếp công dân, thành lập Phòng tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3969/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng UBND tỉnh; hướng dẫn UBND cấp huyện bố trí cán bộ cho Phòng tiếp công dân của UBND cấp huyện.

c) Thanh tra tỉnh

Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan rà soát, thống kê đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân của tỉnh, huyện;

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác tiếp công dân;

Tham mưu giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg và Kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính

Thẩm định dự án cải tạo, nâng cấp phòng tiếp công dân hiện có; đầu tư mới Trụ sở tiếp công dân trình UBND tỉnh phê duyệt; bố trí kinh phí thực hiện Đề án (Kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí đào tạo, tập huấn...) cho trụ sở tiếp dân của tỉnh;

Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chế độ, chính sách đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

Rà soát quy hoạch sử dụng đất, lựa chọn, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng Trụ sở tiếp công dân của tỉnh (xây dựng mới ngoài khuôn viên Văn phòng UBND tỉnh).

g) Các sở, ngành

Thủ trưởng các Sở, ngành bố trí phòng tiếp công dân riêng tại Trụ sở của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc sở, ngành mình quản lý bố trí và thực hiện việc tiếp công dân theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo;Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Thành lập Tổ tiếp công dân trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bố trí phòng tiếp dân riêng trên cơ sở nâng cấp phòng tiếp dân của UBND cấp huyện hiện nay; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho phòng tiếp công dân đảm bảo khang trang, đủ các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác tiếp công dân. Lựa chọn và cử 1 hoặc 2 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ tiếp công dân.

Xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của Tổ tiếp công dân.

Tổng hợp, lập danh sách cán bộ làm công tác tiếp dân của cấp huyện báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổ chức tập huấn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp dân, nhận xử lý đơn cho cán bộ được phân công làm công tác tiếp công dân ở cấp xã;

Chỉ đạo các xã phường triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và nội dung Đề án và Kế hoạch  của tỉnh;

Báo cáo việc thực hiện Kế hoạch Đổi mới tiếp công dân theo Đề án của Chính phủ với Chủ tịch UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

i) Đối với cấp xã

Bố trí phòng tiếp công dân riêng tại Trụ sở UBND cấp xã và tổ chức tiếp công dân theo quy định; cử 01 cán bộ Tư pháp hoặc cán bộ am hiểu pháp luật kiêm nhiệm làm công tác tiếp dân.

Lập danh sách cán bộ làm công tác tiếp dân báo cáo UBND cấp huyện.

Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị chủ động triển khai thực hiện và báo cáo kết quả triển khai theo định kỳ 30/6/2011; 31/12/2011; 31/6/2012 (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ./.

                     

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.