• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2016
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 39/2016/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

 

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định s 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, các hoạt động thuộc Chương trình;

b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Giám sát” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo Chương trình thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đạt chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.

2. “Kiểm tra” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý Chương trình theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý Chương trình; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.

3. “Đánh giá” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định phê duyệt Chương trình. Đánh giá Chương trình bao gồm: Đánh giá đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ, và đánh giá cuối kỳ.

4. “Đánh giá đầu kỳ” là đánh giá được thực hiện ngay sau khi bắt đầu thực hiện Chương trình, dự án nhằm xem xét tình hình thực tế của Chương trình, dự án so với thời điểm phê duyệt để có biện pháp xử lý phù hợp.

5. “Đánh giá giữa kỳ” là đánh giá được thực hiện vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện Chương trình được phê duyệt, nhằm xem xét tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình từ khi bắt đầu triển khai, đề xuất các điều chỉnh cần thiết.

6. “Đánh giá cuối kỳ” là đánh giá được tiến hành vào năm cuối của Chương trình, dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm.

7. Các chỉ số giám sát, đánh giá và Khung kết quả

a) Đầu vào: là chỉ số thể hiện mức độ huy động các nguồn lực cho hoạt động của Chương trình. Ví dụ như số vốn đầu tư, số ngày công, số cây con giống.

b) Đầu ra: là chỉ số thể hiện hoạt động của Chương trình. Ví dụ như số km đường nông thôn được xây mới, nâng cấp.

c) Kết quả: là chỉ số thể hiện những thay đổi do các hoạt động của Chương trình mang lại. Trong ngắn và trung hạn, chỉ số này thể hiện kết quả trung gian. Ví dụ như thời gian vận chuyển tiết kiệm được nhờ đường nông thôn được xây mới, nâng cấp; năng suất cây trồng được nâng cao nhờ hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong dài hạn, chỉ số kết quả thể hiện tác động của Chương trình. Ví dụ như phần trăm nâng cao thu nhập hộ gia đình, tỷ lệ hộ thoát nghèo.

d) Khung kết quả: là một tập hợp của các chỉ số kết quả và một số đầu ra quan trọng mà việc đạt được những chỉ số này sẽ dẫn đến việc đạt được mục tiêu của Chương trình.

Điều 3. Quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Quy trình kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Mẫu báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Mẫu Báo cáo kiểm tra Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 6 tháng, cả năm thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mẫu Báo cáo giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 6 tháng, cả năm thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Mẫu Báo cáo đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Mẫu biểu thu thập thông tin

1. Khung kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Biểu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

a) Biểu số 03: Thông tin chung giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

b) Biểu số 04: Thông tin giám sát công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

c) Biểu số 05: Thông tin giám sát hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

d) Biểu số 06: Thông tin giám sát hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

đ) Biểu số 07: Thông tin giám sát hoạt động hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

e) Biểu số 08: Thông tin giám sát hoạt động Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

g) Biểu số 09: Thông tin giám sát hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

h) Biểu số 10: Thông tin về sự tham gia của hộ gia đình hưởng lợi trong lập kế hoạch cấp thôn hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Điều 6. Chế độ thu thập thông tin, báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Chế độ thu thập thông tin và tổng hợp các Biểu mẫu

a) Thu thập và tổng hợp định kỳ 6 tháng, cả năm: Biểu số 01, Biểu số 02, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09.

b) Thu thập và tổng hợp theo năm: Biểu số 03, Biểu số 10.

2. Chế độ báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

a) Báo cáo kiểm tra: Trong thời gian 10 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt kiểm tra, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các cấp địa phương gửi báo cáo kiểm tra về cơ quan thường trực Chương trình cùng cấp để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.

b) Báo cáo giám sát: Trước ngày 15 tháng 7 (đối với báo cáo giám sát 6 tháng) và trước ngày 15 tháng 3 (đối với báo cáo giám sát cả năm), các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động.

c) Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ.

- Trước ngày 15 tháng 12 năm 2016, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương gửi báo cáo đánh giá đầu kỳ (năm 2016) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động;

- Trước ngày 15 tháng 12 năm 2018, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương gửi báo cáo đánh giá giữa kỳ (giai đoạn 2016-2018) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động;

- Trước ngày 15 tháng 9 năm 2020, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương gửi báo cáo đánh giá cuối kỳ (giai đoạn 2016-2020) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động.

d) Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý các dự án, tiểu dự án, các hoạt động thuộc Chương trình.

3. Hình thức báo cáo

a) Cấp xã gửi các Biểu mẫu lên cấp huyện bằng bản giấy (và bản điện tử nếu có).

b) Cấp huyện gửi các Biểu mẫu và Báo cáo lên cấp tỉnh bằng cả bản giấy và bản điện tử.

c) Cấp tỉnh gửi các Biểu mẫu và Báo cáo lên cấp Trung ương bằng cả bản giấy và bản điện tử.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng kế hoạch kiểm tra và giám sát, đánh giá; phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức kiểm tra và giám sát, đánh giá tại các địa phương; tổng hợp, báo cáo chung kết quả kiểm tra và giám sát, đánh giá.

b) Các Bộ, cơ quan chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra và giám sát, đánh giá trên địa bàn; tổ chức thu thập và tổng hợp thông tin, báo cáo cơ quan chủ trì Chương trình theo định kỳ.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, trong đó:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp chung kết quả kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan theo quy định.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá theo quy định.

b) Các Sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động thuộc Chương trình

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã triển khai kiểm tra và giám sát, đánh giá; tổng hợp kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án, hoạt động do Sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện.

- Báo cáo kết quả thực hiện đối với các dự án, tiểu dự án, hoạt động do Sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện về các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã: xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và giám sát, đánh giá theo hướng dẫn quy định tại Thông tư này và hướng dẫn chi tiết của các Sở, ban, ngành.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức kiểm tra và giám sát, đánh giá Chương trình trên địa bàn được bố trí từ nguồn kinh phí Dự án Nâng cao năng lực và Giám sát đánh giá thực hiện Chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, ngân sách địa phương theo quy định tài chính hiện hành và nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2016.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2008/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hằng năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở các cấp địa phương.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Trọng Đàm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.