• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 06/06/2024
CHÍNH PHỦ
Số: 43/2024/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 19 tháng 4 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu

“Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”

trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ

______________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân là người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xét, trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

3. Nghị định này không áp dụng đối với cá nhân đang được xét tặng hoặc đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghề thủ công mỹ nghệ là nghề có tính lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; các sản phẩm, tác phẩm làm ra có tính chất văn hóa, mỹ thuật, thủ công; việc sản xuất, chế tác sản phẩm, tác phẩm đều bằng tay hoặc phần quyết định chất lượng và hình thức đặc trưng của sản phẩm vẫn làm bằng tay.

2. Nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù là nghề thủ công mỹ nghệ có nguy cơ mai một, ít người học, việc truyền dạy nghề khó khăn, thời gian truyền dạy nghề kéo dài.

3. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sản phẩm thủ công mà chức năng văn hóa, thẩm mỹ trở nên quan trọng hơn chức năng sử dụng thông thường.

Điều 4. Thời gian xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được xét tặng và công bố thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Thi đua, khen thưởng.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”

Cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của pháp luật.

2. Tích cực truyền, dạy nghề, gìn giữ nghề, hiện vật khen thưởng; không ngừng hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo nghề.

3. Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ do các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương phát động.

4. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU

“NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước.

4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:

a) Sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, đạt một trong các tiêu chí: Đạt giải nhì trở lên các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

b) Trường hợp “Nghệ nhân ưu tú” trên 70 tuổi, không đáp ứng tiêu chuẩn tại điểm a khoản này thì phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Là người dân tộc thiểu số (hiện đang làm nghề và sinh sống ổn định tại vùng dân tộc thiểu số từ 05 năm trở lên); có 02 sản phẩm, tác phẩm trở lên được chọn làm tặng phẩm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng khách cấp cao nước ngoài theo quy định về nghi lễ đối ngoại; được bảo tàng cấp quốc gia lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp quốc gia.

5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước; nắm giữ kỹ năng, bí quyết nghề, truyền dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 20 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất hoặc từ 01 cá nhân trở lên được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Điều 7. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:

a) Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 tác phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao.

b) Đã có sản phẩm, tác phẩm đạt một trong các tiêu chí: Đạt từ giải nhì trở lên trong các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức phạm vi cấp tỉnh hoặc giải ba trở lên trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; được bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng cấp tỉnh lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp tỉnh, cấp quốc gia.

5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 15 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất.

 

Chương III

HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU

“NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

 

Điều 8. Nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc, thành phần của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ

1. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập ở từng cấp Hội đồng, theo từng lần xét tặng, các Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Các cấp Hội đồng

a) Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Hội đồng cấp tỉnh);

b) Hội đồng chuyên ngành cấp bộ;

c) Hội đồng cấp Nhà nước.

3. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có nhiệm vụ:

a) Tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định tại Nghị định này (bao gồm cả việc xét tặng cho cá nhân từ trần nếu đã hoàn thiện hồ sơ đáp ứng quy định, được Hội đồng cấp tỉnh gửi hồ sơ trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ);

b) Công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng và kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông;

c) Hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền;

d) Xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.

4. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” làm việc theo nguyên tắc:

a) Dân chủ, công khai, bỏ phiếu kín;

b) Cuộc họp của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được tổ chức khi có ít nhất 75% tổng số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền. Tổ thư ký có trách nhiệm lấy ý kiến thành viên Hội đồng vắng mặt bằng Phiếu bầu theo Mẫu số 07, Mẫu số 08 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

c) Hội đồng cấp Nhà nước chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp bộ trình, Hội đồng chuyên ngành cấp bộ chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp tỉnh trình; không xét các hồ sơ không đúng quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

d) Hội đồng cấp tỉnh trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ, Hội đồng chuyên ngành cấp bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ danh sách cá nhân đạt từ 90% số phiếu thành viên Hội đồng đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng;

đ) Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” không tham gia Hội đồng các cấp;

e) Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp bộ, Hội đồng cấp Nhà nước.

5. Thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Hội đồng là các đại diện đơn vị quản lý lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan và các cá nhân có uy tín, am hiểu chuyên môn về nghề thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân.

6. Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” quyết định thành lập Tổ Thư ký giúp việc cho Hội đồng.

Điều 9. Hội đồng cấp tỉnh

1. Hội đồng cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương có từ 10 đến 13 thành viên, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Sở Công Thương;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh là Sở Công Thương. Hội đồng cấp tỉnh sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 10. Hội đồng chuyên ngành cấp bộ

1. Hội đồng chuyên ngành cấp bộ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, có từ 10 đến 13 thành viên, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Công Thương;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ là Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương. Hội đồng chuyên ngành cấp bộ sử dụng con dấu của Bộ Công Thương.

Điều 11. Hội đồng cấp Nhà nước

1. Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có từ 10 đến 13 thành viên, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Công Thương;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Công Thương; Lãnh đạo Bộ Nội vụ;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước là Bộ Công Thương. Hội đồng cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Công Thương.

 

Chương IV

HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG

DANH HIỆU “NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

Điều 12. Hồ sơ đề nghị xét tặng

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng của cá nhân bao gồm:

a) Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” theo Mẫu số 01 và Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Có một trong các tài liệu chứng minh những đóng góp đối với việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề: Băng hoặc đĩa hình hoặc ảnh mô tả các kỹ năng, kỹ xảo đang nắm giữ hoặc bản chứng thực trong trường hợp cá nhân nộp hồ sơ qua đường bưu điện, bản photocopy (có bản gốc để đối chiếu) trong trường hợp cá nhân nộp trực tiếp giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng, Bằng khen hoặc các tài liệu khác liên quan.

2. Hồ sơ của Hội đồng cấp tỉnh trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ bao gồm:

a) Tờ trình của Hội đồng cấp tỉnh theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng cấp tỉnh theo Mẫu số 05 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này; biên bản kiểm phiếu (có đóng dấu treo) kèm Phiếu bầu của thành viên Hội đồng theo Mẫu số 06, Mẫu số 07, Mẫu số 08 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại điểm b khoản này theo Mẫu số 09 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

đ) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan về các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước;

e) Quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh.

3. Hồ sơ của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước bao gồm:

a) Tờ trình của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân’’, “Nghệ nhân ưu tú” theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng chuyên ngành cấp bộ theo Mẫu số 05 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này; Biên bản kiểm phiếu (có đóng dấu treo) kèm Phiếu bầu của thành viên Hội đồng theo Mẫu số 06, Mẫu số 07, Mẫu số 08 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại điểm b khoản này theo Mẫu số 09 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

đ) Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp bộ.

4. Hồ sơ của Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tờ trình của Hội đồng cấp Nhà nước theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng cấp Nhà nước theo Mẫu số 05 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này; biên bản kiểm phiếu (có đóng dấu treo) kèm Phiếu bầu của thành viên Hội đồng theo Mẫu số 06, Mẫu số 07, Mẫu số 08 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại điểm b, khoản này theo Mẫu số 09 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

đ) Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước.

Điều 13. Nộp và tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng

1. Cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân khác lập hồ sơ và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đến Sở Công Thương nơi cá nhân đề nghị xét tặng.

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ theo quy định và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cá nhân không hợp lệ, cần bổ sung, chỉnh sửa, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày tính từ khi nhận lại hồ sơ, cá nhân hoàn thiện và nộp hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận.

Điều 14. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng cấp tỉnh

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh có nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

b) Công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Báo, Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình…), thời gian ít nhất 15 ngày trước khi họp Hội đồng;

c) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên của Hội đồng cấp tỉnh và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ, tiến hành xét chọn như sau:

a) Thẩm định nội dung các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu theo quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức đánh giá thực tế cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” tại cơ sở sản xuất;

c) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ;

d) Thông báo công khai kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Báo, Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình…), thời gian ít nhất 15 ngày;

đ) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng cấp tỉnh cùng với 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định này kèm tệp tin điện tử của hồ sơ (trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước) đến Hội đồng chuyên ngành cấp bộ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

e) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến cá nhân đã gửi hồ sơ đề nghị.

3. Thời gian tổ chức hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại Hội đồng cấp tỉnh không quá 90 ngày.

Điều 15. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng chuyên ngành cấp bộ

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ có nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp bộ;

b) Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng cấp tỉnh gửi đến; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa, hướng dẫn bằng văn bản để Hội đồng cấp tỉnh hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn;

c) Công khai danh sách cá nhân được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời gian ít nhất 15 ngày;

d) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp bộ và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng chuyên ngành cấp bộ tổ chức thẩm định hồ sơ, tiến hành xét chọn như sau:

a) Thẩm định nội dung các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu theo quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức đánh giá thực tế cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” (nếu cần thiết) tại cơ sở sản xuất;

c) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trình Hội đồng cấp Nhà nước;

d) Thông báo kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời gian ít nhất 15 ngày;

đ) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ cùng với 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này đến Hội đồng cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

e) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến Hội đồng cấp tỉnh đã gửi hồ sơ.

3. Thời gian tổ chức hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ không quá 120 ngày.

Điều 16. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng cấp Nhà nước

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước có nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước;

b) Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp bộ gửi; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu có trong hồ sơ cần hướng dẫn để Hội đồng chuyên ngành cấp bộ hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn;

c) Công khai danh sách cá nhân được Hội đồng chuyên ngành cấp bộ đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến Nhân dân trong thời gian ít nhất 15 ngày;

d) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên Hội đồng và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và xét chọn như sau:

a) Thẩm định nội dung các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu theo quy định tại Nghị định này;

b) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

c) Thông báo kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 15 ngày;

d) Hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

đ) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng cấp Nhà nước cùng với 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định này đến Bộ Nội vụ để tổng hợp hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

e) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến Hội đồng chuyên ngành cấp bộ.

3. Thời gian tổ chức hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại Hội đồng cấp Nhà nước không quá 120 ngày.

Điều 17. Công bố Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Lễ công bố, trao tặng danh hiệu cho “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 18. Quy định chuyển tiếp

Các cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đáp ứng quy định, đã gửi đến Sở Công Thương trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đang trong quá trình xét tặng theo quy định tại Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ……….. tháng ……..... năm 2024.

2. Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trần Lưu Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.