QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, buôn, khu phố; mức hỗ trợ và phụ cấp kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 445/TTr-SNV ngày 22 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2024 và thay thế Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tuyển dụng, điều động, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách và quản lý những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên
(Kèm theo Quyết định số:64/2024/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận và quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (viết tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chương II
BẦU CỬ, TUYỂN CHỌN, TIẾP NHẬN NGƯỜI HOẠT ĐỘNG
KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ
Điều 3. Nguyên tắc bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận
1. Thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
3. Bảo đảm sự cạnh tranh công bằng.
4. Công tác bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận phải căn cứ theo số lượng người hoạt động không chuyên trách được giao và chọn người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định.
5. Ưu tiên người có trình độ đại học trở lên; người có công với cách mạng; người đồng bào dân tộc thiểu số để giới thiệu bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận nhằm tạo nguồn quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 4: Bầu cử người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Thực hiện bầu cử theo quy định của Điều lệ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà người hoạt động không chuyên trách là thành viên, quy định của pháp luật có liên quan và quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với các chức danh: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội người cao tuổi, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ.
2. Ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định
số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người được giới thiệu bầu các chức danh theo khoản 1 Điều này phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà người hoạt động không chuyên trách là thành viên.
Điều 5. Thực hiện tuyển chọn thông qua hình thức xét tuyển
1. Các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện tuyển chọn thông qua hình thức xét tuyển, ngoại trừ các chức danh theo khoản 1 Điều 4 Quy định này. Riêng chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ tình hình thực tế của địa phương và các quy định của pháp luật hiện hành để chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện việc xét tuyển đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được giao, quy định về chức danh, nhu cầu cần tuyển, trao đổi, thống nhất với Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã để tổ chức thực hiện việc xét tuyển.
3. Nội dung xét tuyển
Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí cần tuyển; kiểm tra kiến thức, kỹ năng thực thi nhiệm vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí cần tuyển.
4. Không thực hiện xét tuyển đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh khác của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã xem xét, thống nhất nhân sự là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm thêm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
5. Thẩm quyền tuyển chọn, quyết định kiêm nhiệm, bổ nhiệm
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tổ chức tuyển chọn theo kế hoạch.
b) Bí thư Đảng uỷ cấp xã ban hành quyết định tuyển chọn, kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách vào các chức danh thuộc khối Đảng, đoàn thể. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định tuyển chọn, kiêm nhiệm vào các chức danh còn lại.
c) Riêng việc bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.
Điều 6. Tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách
Căn cứ yêu cầu công tác, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được giao, tiêu chuẩn, điều kiện của từng chức danh và nguyện vọng chuyển công tác của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã (nơi đến) quyết định tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khác trên địa bàn tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã (nơi đi) và Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã (nơi đến). Riêng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định tiếp nhận sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện nơi đi và nơi đến.
2. Văn bản thống nhất cho chuyển công tác (nơi đi) và quyết định tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khác chuyển công tác (nơi đến) phải được gửi đến phòng Nội vụ nơi đi và nơi đến để quản lý, theo dõi và kiểm tra.
Chương III
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH
Ở CẤP XÃ
Điều 7. Thẩm quyền quản lý các chức danh
1. Bí thư Đảng ủy cấp xã quản lý các chức danh bầu cử (trừ chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Chủ tịch Hội người cao tuổi) và các chức danh thuộc khối Đảng, đoàn thể.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trừ các chức danh Bí thư Đảng ủy cấp xã quản lý.
Điều 8. Điều động, phân công nhiệm vụ
1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ; điều kiện, tiêu chuẩn của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã và sau khi thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã, Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định điều động người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong nội bộ đơn vị cấp xã theo thẩm quyền quản lý các chức danh. Riêng đối với các chức danh thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì Đảng ủy cấp xã trao đổi, thống nhất với Thường trực ban chấp hành tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đó ở cấp huyện trước khi ban hành quyết định điều động.
2. Căn cứ quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Bí thư Đảng ủy cấp xã hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định phân công, phân công lại chức danh, kiêm nhiệm chức danh cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và năng lực công tác của mỗi người.
3. Không phân công người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã làm thay nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.
4. Sau khi thực hiện việc bầu cử, xét tuyển và phân công nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) để quản lý, theo dõi và kiểm tra.
Điều 9. Nghĩa vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
2. Tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân;
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức; giữ gìn và bảo vệ tài sản công; bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;
4. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
5. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
6. Gương mẫu thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tham gia sinh hoạt với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân tại nơi cư trú;
7. Bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi thi hành nhiệm vụ.
Điều 10. Thời gian làm việc
1. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã làm việc ít nhất 15 giờ/tuần; không quá 30 giờ/tuần đối với người chỉ giữ 01 chức danh và không quá 40 giờ/tuần đối với người kiêm nhiệm thêm chức danh. Thời gian làm việc này bao gồm thời gian làm việc tại trụ sở cơ quan và thời gian đi cơ sở.
2. Căn cứ quy định của UBND cấp huyện về nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; thời gian làm việc quy định tại khoản 1 Điều này và tình hình thực tiễn của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trao đổi, thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã về thời gian làm việc của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai thời gian làm việc cho từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại trụ sở làm việc và báo cáo UBND cấp huyện (qua phòng Nội vụ).
Điều 11. Bãi nhiệm, miễn nhiệm, giải quyết thôi việc và nghỉ hưu
1. Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh bầu cử được thực hiện theo quy định của điều lệ tổ chức mà người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là thành viên và theo phân cấp quản lý cán bộ ở địa phương.
2. Sau khi có ý kiến thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã, Bí thư Đảng uỷ cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho thôi việc đối với chức danh thuộc thẩm quyền quản lý, trong các trường hợp sau:
a) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 02 năm liên tiếp được
đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có nguyện vọng xin nghỉ việc.
3. Đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
4. Sau khi giải quyết cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã miễn nhiệm, bãi nhiệm, thôi việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) để quản lý, theo dõi và kiểm tra.
5. Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã biết; trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ra quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Điều 12. Quản lý hồ sơ
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, cập nhật, quản lý và lưu trữ hồ sơ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; áp dụng theo quy định của pháp luật về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật liên quan
Việc thực hiện Quy định này phải bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan của Điều lệ Đảng, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định có liên quan của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong trường hợp các Điều lệ, quy định pháp luật chuyên ngành và quy định có liên quan của Hội đồng nhân dân tỉnh được sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các quy định hiện hành.
Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn việc quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định.
2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.