• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 16/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 65/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 11 tháng 6 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật

____________

 

CHÍNH PHỦ

   Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
   Nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng về tư vấn pháp luật của cá nhân, tổ chức, nâng cao ý thức pháp luật và giúp công dân ứng xử theo pháp luật trong quan hệ đời sống hàng ngày; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư theo quy định của Pháp lệnh luật sư, của Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Hình thức tổ chức và phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ điều kiện quy định tại Nghị định này thì được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định này để thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên của tổ chức mình.

Nhà nước khuyến khích Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng quy định tại Nghị định này, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu phí từ các đối tượng khác để tự trang trải cho hoạt động của mình theo quy định của Nghị định này.

Điều 3. Quản lý hoạt động tư vấn pháp luật

Quản lý hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định tại Nghị định này được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định này.

Chương II

TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Điều 4. Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp muốn thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất 3 tư vấn viên pháp luật có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

b) Có địa điểm riêng của Trung tâm tư vấn pháp luật để giao dịch và làm việc.

2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là tổ chức chủ quản) cấp tỉnh, cấp Trung ương ra quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật do người đứng đầu tổ chức chủ quản ký và có nội dung chính sau đây:

a) Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Mục đích, nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Lĩnh vực tư vấn pháp luật;

d) Chế độ tài chính của Trung tâm tư vấn pháp luật.

3. Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật phải thể hiện rõ tên gọi của tổ chức chủ quản. Trong trường hợp một tổ chức chủ quản thành lập từ 2 Trung tâm tư vấn pháp luật trở lên, thì tên gọi của các Trung tâm này phải có sự phân biệt với nhau.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Trung tâm tư vấn pháp luật có Giám đốc Trung tâm, tư vấn viên pháp luật và nhân viên khác. Bộ máy tổ chức của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản quyết định.

Trung tâm tư vấn pháp luật được sử dụng cộng tác viên tư vấn pháp luật.

2. Trung tâm tư vấn pháp luật có con dấu để giao dịch.

Việc khắc và sử dụng con dấu của các Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu.

3. Trung tâm tư vấn pháp luật được đặt chi nhánh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở chính của tổ chức chủ quản. Trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh.

Điều 6. Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của tổ chức chủ quản.

Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:

a) Đơn đăng ký hoạt động;

b) Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Điều lệ Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản ban hành;

d) Quyết định của tổ chức chủ quản về việc cử Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật;

đ) Danh sách dự kiến tư vấn viên pháp luật, kèm theo bản sao bằng cử nhân luật, giấy chứng nhận đã được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật, giấy tờ xác nhận thời gian công tác pháp luật của người được dự kiến;

e) Giấy tờ xác nhận về địa điểm làm việc của Trung tâm tư vấn pháp luật;

g) Biểu phí do tổ chức chủ quản quy định căn cứ vào Điều 10 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản cho người làm đơn.

3. Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đồng thời cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật cho người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này.

Danh sách tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật phải được niêm yết tại trụ sở của Trung tâm.

Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật.

4. Trung tâm tư vấn pháp luật được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 7. Phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Phạm vi tư vấn pháp luật bao gồm các việc sau đây:

a) Hướng dẫn, giải đáp pháp luật;

b) Tư vấn soạn thảo đơn, di chúc và các giấy tờ khác;

c) Tư vấn soạn thảo hợp đồng có giá trị từ 100.000.000 đồng trở xuống;

d) Cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật.

Các việc quy định tại khoản này phải do tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện.

2. Trung tâm tư vấn pháp luật không được nhận thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật

1. Trung tâm tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:

a) Được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi quy định tại Điều 7 của Nghị định này;

b) Được đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nhờ Trung tâm thực hiện tư vấn;

c) Được kiến nghị với các cơ quan nhà nước hữu quan về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên tổ chức mình;

d) Được nhận các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí theo quy định của pháp luật.

2. Trung tâm tư vấn pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân theo các quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

b) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện tư vấn pháp luật của tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm;

c) Báo cáo Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm, theo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; báo cáo tổ chức chủ quản theo quy định của tổ chức đó.

Điều 9. Tư vấn pháp luật miễn phí

Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng sau đây:

1. Thành viên của tổ chức chủ quản;

2. Người nghèo, đối tượng chính sách được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Điều 10. Tư vấn pháp luật được thu phí

1. Trung tâm tư vấn pháp luật có thể thực hiện tư vấn pháp luật thu phí đối với cá nhân, tổ chức khác ngoài các đối tượng quy định tại Điều 9 của Nghị định này để bù đắp chi phí cần thiết cho hoạt động của Trung tâm.

2. Chi phí cần thiết cho hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm:

a) Mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm và tài liệu cần thiết cho hoạt động tư vấn pháp luật;

b) Trả thù lao hoặc phụ cấp cho Giám đốc, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật và các nhân viên khác;

c) Các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện tư vấn pháp luật.

3. Mức phí được thu tối đa như sau:

a) Hướng dẫn, giải đáp pháp luật bằng miệng, cung cấp các thông tin pháp luật, văn bản pháp luật: 50.000 đồng/1vụ việc;

b) Hướng dẫn, giải đáp pháp luật bằng văn bản: 100.000 đồng/1vụ việc;

c) Tư vấn soạn thảo đơn, di chúc và các giấy tờ khác: 100.000 đồng/1 vụ việc;

d) Tư vấn soạn thảo hợp đồng: 200.000 đồng/1vụ việc.

Khi giá cả trên thị trường biến động từ 10% trở lên, Bộ Tư pháp cùng Bộ Tài chính hướng dẫn việc điều chỉnh mức trần quy định tại khoản này.

4. Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức chủ quản lập biểu phí áp dụng cho Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập. Biểu phí phải được niêm yết tại trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật.

5. Trung tâm tư vấn pháp luật phải lập sổ sách theo dõi việc thu, chi theo quy định của pháp luật; chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức chủ quản, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

Điều 11. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động

1. Việc thay đổi địa điểm làm việc, Giám đốc Trung tâm, danh sách tư vấn viên pháp luật, đặt chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật phải được thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.

2. Trong trường hợp bổ sung tư vấn viên pháp luật thì Trung tâm tư vấn pháp luật phải có văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật, kèm theo bản sao bằng cử nhân luật, giấy chứng nhận đã được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật, giấy tờ xác nhận thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.

Điều 12. Chấm dứt hoạt động

1. Trung tâm tư vấn pháp luật chấm dứt hoạt động trong những trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của tổ chức chủ quản;

b) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.

2. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quyết định của tổ chức chủ quản, thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động. Trung tâm tư vấn pháp luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo Quyết định về việc chấm dứt hoạt động cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.

Chương III

TƯ VẤN VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 13. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật:

a) Có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên;

b) Đã được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật;

c) Có tư cách, đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;

d) Có đủ năng lực hành vi dân sự.

2. Cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước không được cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật.

3. Tư vấn viên pháp luật chỉ được làm việc cho một Trung tâm tư vấn pháp luật.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của tư vấn viên pháp luật

1. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật có các quyền sau đây:

a) Được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật;

c) Được hưởng phụ cấp hoặc thù lao theo quy định của tổ chức chủ quản;

2. Tư vấn viên pháp luật có nghĩa vụ thực hiện tư vấn pháp luật trung thực, khách quan; tuân thủ các quy định của tổ chức chủ quản và của pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn do mình thực hiện.

Điều 15. Những điều cấm đối với tư vấn viên pháp luật

ưKhi thực hiện tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật không được làm các việc sau đây:

1. Xúi giục đương sự khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo không có căn cứ;

2. Lợi dụng danh nghĩa Trung tâm tư vấn pháp luật, lạm dụng danh nghĩa là tư vấn viên pháp luật vì mục đích tư lợi hoặc để tiến hành các hoạt động trái pháp luật, trái đạo đức xã hội;

3. Trực tiếp nhận phí tư vấn pháp luật từ tổ chức, cá nhân nhờ Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn;

4. Tiết lộ thông tin về vụ việc, về cá nhân, tổ chức nhờ tư vấn mà tư vấn viên pháp luật biết được trong khi thực hiện tư vấn pháp luật, trừ trường hợp được cá nhân, tổ chức đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 16. Cộng tác viên tư vấn pháp luật

1. Cộng tác viên tư vấn pháp luật phải có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c, d khoản 1 Điều 13 của Nghị định này. Người không có bằng cử nhân luật, nhưng đã có thời gian trực tiếp làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể là cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Cán bộ, công chức có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp việc làm cộng tác viên đó không trái với pháp luật về cán bộ, công chức.

Danh sách cộng tác viên của Trung tâm tư vấn pháp luật phải được niêm yết tại trụ sở của Trung tâm.

2. Cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật theo hợp đồng cộng tác viên được ký kết giữa Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng tác viên tư vấn pháp luật được quy định trong hợp đồng cộng tác viên.

Những điều cấm đối với tư vấn viên pháp luật quy định tại Điều 15 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với cộng tác viên tư vấn pháp luật.

3. Trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Chương IV

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Điều 17. Quản lý Nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật

1. Bộ Tư pháp thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tư vấn pháp luật và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;

b) Xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị định này;

c) Kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong các trường hợp để giải quyết khiếu nại, để xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc các trường hợp cần thiết khác theo đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật theo đề nghị của các tổ chức chủ quản.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương mình, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật theo thẩm quyền;

b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tư pháp giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nội dung quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều này và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị định này;

b) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật;

d) Hỗ trợ tổ chức chủ quản cùng cấp trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các tư vấn viên pháp luật;

đ) Báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp định kỳ 6 tháng và hàng năm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương.

Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức chủ quản trong việc quản lý hoạt động tư vấn pháp luật

1. Tổ chức chủ quản chịu trách nhiệm về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quyết định thành lập, giải thể Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Ban hành và kiểm tra việc thực hiện Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật; xử lý vi phạm theo Điều lệ của tổ chức mình;

c) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật;

d) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của tổ chức mình.

2. Tổ chức chủ quản báo cáo cơ quan tư pháp cùng cấp bằng văn bản định kỳ 6 tháng và hàng năm về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Khen thưởng

Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật có thành tích trong hoạt động tư vấn pháp luật được khen thưởng theo quy định của nhà nước và của tổ chức chủ quản.

Điều 20. Xử lý vi phạm đối với Trung tâm tư vấn pháp luật

Trung tâm tư vấn pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo các hình thức sau đây:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện tư vấn pháp luật khi chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động;

b) Thực hiện tư vấn pháp luật ngoài phạm vi hoạt động quy định tại Nghị định này;

c) Không niêm yết danh sách tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật tại trụ sở của Trung tâm;

d) Sử dụng những người không phải là tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật;

đ) Không niêm yết biểu phí tư vấn pháp luật tại trụ sở của Trung tâm;

e) Thu phí tư vấn pháp luật trái với quy định tại Điều 10 của Nghị định này;

g) Vi phạm các quy định khác của Nghị định này.

2. Thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp tái phạm hoặc hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng.

Trường hợp vi phạm gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Xử lý vi phạm đối với tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật

1. Tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng:

a) Cố ý tư vấn trái pháp luật;

b) Đòi thêm tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản phí mà Trung tâm tư vấn pháp luật đã thu;

c) Lợi dụng danh nghĩa Trung tâm tư vấn pháp luật, lạm dụng danh nghĩa tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật nhằm thu lợi cho riêng mình hoặc để tiến hành các hoạt động khác trái pháp luật.

2. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 của Điều này, người vi phạm còn có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật hoặc xoá tên khỏi danh sách cộng tác viên tư vấn pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Thẩm quyền xử lý vi phạm

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành của Sở Tư pháp có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật; xoá tên khỏi danh sách cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Điều 23. Thủ tục xử lý vi phạm

ưThủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định này; sau thời hạn kể trên mà không đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định này thì phải chấm dứt hoạt động.

2. Người đã được công nhận là chuyên viên tư vấn pháp luật từ 5 năm trở lên và đang là chuyên viên tư vấn pháp luật thuộc các Văn phòng tư vấn pháp luật hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, của Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác vào thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì được công nhận là tư vấn viên pháp luật theo quy định của Nghị định này.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chỉ thị số 620/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động tư vấn pháp luật và Thông tư số 1119/TTQLTPK ngày 24 tháng 12 năm 1987 của Bộ Tư pháp về công tác dịch vụ pháp lý hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 26. Hướng dẫn thi hành

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.