• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 24/08/1998
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Số: 25-LCT/HĐNN8
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 17 tháng 10 năm 1989

PHÁP LỆNH

Về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 

Để thực hiện chính sách đối ngoại, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước và các dân tộc trên thế giới, góp phần bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế;

Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế;

Căn cứ vào Điều 14 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này quy định việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1- Điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, thoả thuận, công hàm trao đổi và các văn kiện pháp lý quốc tế khác ký kết giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hay nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế.

2- Điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký kết với danh nghĩa;

a) Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, (sau đây gọi là cơ quan cấp ngành).

Điều 2

Nguyên tắc ký kết điều ước quốc tế.

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết điều ước quốc tế với các nước và các tổ chức quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

 

CHƯƠNG II

KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 3

Đề xuất ký kết điều ước quốc tế.

Việc đề xuất ký kết điều ước quốc tế được tiến hành như sau;

1- Điều ước quốc tế về hoà bình, an ninh, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về quyền và nghĩa vụ công dân do Bộ Ngoại giao đề xuất và trình Hội đồng bộ trưởng sau khi có ý kiến của cơ quan hữu quan.

2- Điều ước quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật do các cơ quan cấp ngành đề xuất và trình Hội đồng bộ trưởng sau khi có ý kiến Bộ Ngoại giao.

3- Dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản trái với pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải có ý kiến của Bộ tư pháp trước khi trình Hội đồng bộ trưởng.

Điều 4

Thẩm quyền quyết định việc ký kết điều ước quốc tế.

1- Hội đồng Nhà nước quyết định việc ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những điều ước quốc tế có điều khoản trái với luật hoặc pháp lệnh.

2- Hội đồng bộ trưởng quyết định việc ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3- Thủ trưởng cơ quan cấp ngành quyết định việc ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa cơ quan cấp ngành sau khi được Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng bộ trưởng cho phép.

Điều 5

Uỷ quyền đàm phán và ký điều ước quốc tế.

1- Trưởng đoàn đàm phán và ký điều ước quốc tế phải được uỷ quyền;

a) Của Hội đồng Nhà nước, khi đàm phán và ký với danh nghĩa Nhà nước;

b) Của Hội đồng bộ trưởng, khi đàm phán và ký với danh nghĩa Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xác nhận uỷ quyền của Hội đồng bộ trưởng, trừ trường hợp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng trực tiếp ký uỷ quyền;

c) Của thủ trưởng cơ quan cấp ngành, khi đàm phán và ký với danh nghĩa cơ quan cấp ngành.

2- Bộ ngoại giao làm thủ tục uỷ quyền của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng và hướng dẫn việc cấp giấy uỷ quyền của cơ quan cấp ngành.

Điều 6

Đàm phán và ký điều ước quốc tế không cần giấy uỷ quyền.

1- Theo thẩm quyền và chức năng của mình, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không cần giấy uỷ quyền khi đàm phán và ký điều ước quốc tế.

2- Thủ trưởng cơ quan cấp ngành không cần giấy uỷ quyền khi đàm phán và ký điều ước quốc tế với danh nghĩa cơ quan cấp ngành.

3- Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc bên cạnh tổ chức quốc tế không cần giấy uỷ quyền khi đàm phán với nước sở tại hoặc với tổ chức quốc tế hữu quan về văn bản điều ước quốc tế; nhưng khi ký điều ước quốc tế đó thì phải có giấy uỷ quyền theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này.

Điều 7

Phê chuẩn điều ước quốc tế.

1- Điều ước quốc tế phải được phê chuẩn là điều ước nói tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này và điều ước quốc tế có điều khoản quy định việc phê chuẩn.

2- Việc phê chuẩn điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhà nước, trừ trường hợp Hội đồng Nhà nước thấy cần trình Quốc hội quyết định.

3- Việc xin phê chuẩn điều ước quốc tế do cơ quan đề xuất việc ký kết phối hợp với Bộ Ngoại giao đề nghị Hội đồng bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước.

4- Sau khi có quyết định phê chuẩn, Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn điều ước quốc tế và thông báo cho cơ quan hữu quan ngày bắt đầu có hiệu lực của điều ước quốc tế đó.

Điều 8

Phê duyệt điều ước quốc tế.

1- Điều ước quốc tế phải được phê duyệt là điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Chính phủ hoặc danh nghĩa cơ quan cấp ngành trong đó có điều khoản quy định việc phê duyệt.

2- Việc phê duyệt điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Hội đồng bộ trưởng.

3- Việc xin phê duyệt điều ước quốc tế do cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế trình Hội đồng bộ trưởng.

4- Sau khi có quyết định phê duyệt, Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt điều ước quốc tế và thông báo cho cơ quan hữu quan ngày bắt đầu có hiệu lực của điều ước quốc tế đó.

Điều 9

Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên.

1- Hội đồng Nhà nước quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản quy định việc phê chuẩn hoặc có điều khoản trái luật hoặc pháp lệnh. Hội đồng bộ trưởng quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên khác.

2- Điều ước quốc tế nhiều bên liên quan đến lĩnh vực thuộc cơ quan cấp ngành nào thì cơ quan đó nghiên cứu đề xuất việc gia nhập và phối hợp với Bộ Ngoại giao làm tờ trình Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng bộ trưởng.

3- Sau khi có quyết định của Hội đồng Nhà nước hoặc của Hội đồng bộ trưởng, Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên và thông báo cho cơ quan hữu quan ngày bắt đầu có hiệu lực của điều ước quốc tế đó.

Điều 10

Bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên.

Đối với điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản cần bảo lưu, cơ quan hữu quan phải nêu rõ yêu cầu và nội dung bảo lưu đó, khi xin ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập.

 

CHƯƠNG III

THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 11

Tuân thủ điều ước quốc tế.

1- Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đòi hỏi các bên ký kết khác cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế đã ký kết với Việt Nam.

2- Hội đồng bộ trưởng tổ chức chỉ đạo và đôn đốc việc thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ ngoại giao giúp Hội đồng bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

3- Các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuộc chức năng của mình liên quan đến điều ước quốc tế đã ký kết, đồng thời đòi hỏi các bên ký kết khác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi trong điều ước quốc tế đó.

4- Trong trường hợp điều ước quốc tế bị các bên ký kết với Việt Nam vi phạm nghiêm trọng, cơ quan đề xuất việc ký kết phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị lên Hội đồng bộ trưởng những biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5- Từng thời kỳ, theo quy định hoặc khi có yêu cầu, cơ quan cấp ngành phải báo cáo lên Hội đồng bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước hoặc Quốc hội về việc thực hiện điều ước quốc tế đã ký kết, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để theo dõi.

6- Trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cơ quan cấp ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ tư pháp trình kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật đó.

Điều 12

Sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế.

1- Cơ quan đề xuất việc ký kết, sau khi có ý kiến của Bộ ngoại giao, kiến nghị việc bổ sung, sửa đổi hoặc gia hạn điều ước quốc tế đã ký kết để Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng bộ trưởng xem xét và quyết định.

2- Sau khi có quyết định của Hội đồng Nhà nước hoặc của Hội đồng bộ trưởng, cơ quan đề xuất việc ký kết phối hợp với Bộ ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế.

3- Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan hữu quan hiệu lực của việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế.

Điều 13

Công bố điều ước quốc tế.

1- Hội đồng Nhà nước quyết định việc công bố điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước; Hội đồng bộ trưởng quyết định việc công bố các điều ước quốc tế khác.

2- Bộ ngoại giao trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan đề xuất việc ký kết kiến nghị với Hội đồng Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng việc công bố điều ước quốc tế và tiến hành việc công bố đó.

3- Điều ước quốc tế được công bố trong công báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 14

Đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế.

1- Hội đồng Nhà nước quyết định việc đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước hoặc do Hội đồng Nhà nước quyết định việc ký, phê chuẩn, hoặc gia nhập.

2- Hội đồng bộ trưởng quyết định việc đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Chính phủ và điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa cơ quan cấp ngành.

3- Cơ quan đề xuất việc ký kết kiến nghị lên Hội đồng bộ trưởng việc đình chỉ hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế, sau khi có ý kiến của Bộ ngoại giao.

4- Bộ Ngoại giao trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan làm thủ tục đối ngoại về việc đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ điều ước quốc tế và thông báo cho cơ quan hữu quan ngày có hiệu lực của việc đình chỉ hoặc huỷ bỏ đó.

Điều 15

Trách nhiệm của các Uỷ ban thường trực của Quốc hội.

Theo chức năng của mình, Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban đối ngoại và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội có trách nhiệm xem xét, làm báo cáo thẩm tra về các điều ước quốc tế trình Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước quyết định việc phê chuẩn, đình chỉ hiệu lực hoặc huỷ bỏ.

Điều 16

Lưu trữ điều ước quốc tế và văn bản liên quan đến điều ước quốc tế.

1- Bộ Ngoại giao thống nhất quản lý và lưu trữ tất cả các bản gốc điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, giấy uỷ quyền và các tài liệu liên quan khác.

2- Cơ quan cấp ngành có trách nhiệm chuyển cho Bộ ngoại giao bản gốc điều ước quốc tế đã ký kết.

Điều 17

Sao lục điều ước quốc tế.

Bộ Ngoại giao sao lục điều ước quốc tế đã ký kết gửi Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Văn phòng Hội đồng bộ trưởng và các cơ quan hữu quan khác.

Điều 18

Đăng ký điều ước quốc tế.

Bộ Ngoại giao tiến hành việc đăng ký tại Ban thư ký Liên hợp quốc hoặc tại cơ quan tương ứng của tổ chức quốc tế khác những điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết.

Điều 19

Lưu chiểu điều ước quốc tế.

Bộ Ngoại giao đảm nhiệm chức năng lưu chiểu điều ước quốc tế trong trường hợp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nước lưu chiểu.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 20

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 21

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

 

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Chí Công

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.