• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 29/2013/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 7 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2009/TT-BGTVT

ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định

về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

_____________

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 109/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2009/TT-BGTVT ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2009/TT-BGTVT ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt

1. Điều 3 bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn Đường sắt Việt Nam, các Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt bão; ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt.”

2. Khoản 4 Điều 4 sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Tai nạn giao thông đường sắt phải được thông tin, báo cáo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.”

3. Điều 5 bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Sự cố giao thông đường sắt phải được thông tin, báo cáo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.”

4. Khoản 2 Điều 7 sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tai nạn khác là những tai nạn về người, xảy ra khi phương tiện giao thông đường sắt va, cán người; người nhảy lên hay rơi từ trên phương tiện giao thông đường sắt xuống; ném đất, đá, các vật khác lên phương tiện giao thông đường sắt hoặc rơi từ phương tiện giao thông đường sắt xuống gây thiệt hại về tài sản, tính mạng và sức khỏe của con người.”

5. Điều 8 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Phân loại theo mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra

1. Tai nạn giao thông đường sắt ít nghiêm trọng là tai nạn có từ 1 đến 5 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

2. Tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng là tai nạn có 1 người chết hoặc có từ 6 đến 8 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

3. Tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng là tai nạn có 2 người chết hoặc có từ 9 đến 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

4. Tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn có từ 3 người chết trở lên hoặc có từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.”

6. Điều 12 sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Tên Điều 12 sửa đổi như sau:

“Điều 12. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng hoặc người chủ trì và các thành viên Hội đồng giải quyết tai nạn”

b) Khoản 1 bổ sung điểm g như sau: “g) Tổng hợp các thiệt hại của vụ tai nạn để cung cấp cho các cơ quan chức năng phục vụ điều tra và bồi thường theo quy định của pháp luật (nếu có) cho tổ chức, cá nhân bị hại.”

7. Điều 14 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt

1. Khi nhận đuợc tin báo xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đội Thanh tra đường sắt khu vực phải kịp thời cử người đến hiện trường:

a) Tham gia giải quyết tai nạn; giám sát và thu thập tài liệu để phục vụ cho việc phân tích, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm;

b) Phối hợp trong việc điều tra, giải quyết tai nạn theo đề nghị của cơ quan công an có thẩm quyền.

2. Đội Thanh tra đường sắt khu vực phải báo cáo kịp thời các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này về Cục Đường sắt Việt Nam.”

8. Điều 18 sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Điểm c khoản 3 sửa đổi, bổ sung như sau:

"c) Đội Thanh tra đường sắt khu vực đối với tai nạn chạy tàu.”

b) Điểm d khoản 3 sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Các đơn vị liên quan trong khu ga và Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực (trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông trên đường sắt quốc gia).”

c) Điểm a khoản 4 sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Lãnh đạo Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt, lãnh đạo Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn Đường sắt Việt Nam thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.”

d) Khoản 5 sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Lãnh đạo Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt báo ngay cho lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chỉ đạo, tổ chức giải quyết tai nạn, cứu hộ theo quy định, đồng thời báo ngay cho lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam để phối hợp.”

đ) Bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Đối với tai nạn chạy tàu rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo ngay cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo.”

e) Bổ sung khoản 7 như sau:

“7. Trường hợp sự cố, tai nạn phải tổ chức cứu hộ có nguy cơ ách tắc chính tuyến nhiều giờ, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cập nhật quá trình giải quyết, các biện pháp giải quyết và báo cáo ngay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.”

9. Điều 20 bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức bộ phận thường trực, thiết lập số điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận và báo cáo kịp thời thông tin về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và công khai số điện thoại, số fax, địa chỉ hộp thư điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng.”

10. Điều 22 sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Khoản 1 sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Khi xảy ra tai nạn cùng với việc cấp cứu người bị nạn, Trưởng tàu hoặc Lái tàu (nêu tai nạn xảy ra ở khu gian), Trưởng ga hoặc Trực ban chạy tàu ga (nếu tai nạn xảy ra trong ga) phải thực hiện việc lập Hồ sơ ban đầu.

Hồ sơ ban đầu do Trưởng tàu hoặc Lái tàu (nếu tàu không có Trưởng tàu) lập được giao lại cho Trưởng ga hoặc Trực ban chạy tàu ga có đỗ gần nhất.”

b) Khoản 2 bổ sung điểm e như sau:

“e) Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn quy định theo Mẫu số 3 Phụ lục số 2 của Thông tư này.”

c) Khoản 3 sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Trưởng ga hoặc Trực ban chạy tàu ga, sau khi lập hoặc nhận bàn giao Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn, trong vòng 48 giờ, phải gửi cho các cơ quan có thẩm quyền như sau:

a) 01 bộ gửi cho cơ quan công an cấp quận, huyện nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt;

b) 01 bộ gửi cho đội Thanh tra đường sắt khu vực;

c) 01 bộ gửi cho Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.”

d) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trong trường hợp tai nạn xảy ra trên đường sắt chuyên dùng thì Trưởng ga hoặc Trực ban chạy tàu ga sau khi lập hoặc nhận bàn giao Hồ sơ ban đầu phải thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này và gửi cho doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng.”

11. Điểm b khoản 5 Điều 23 sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Biên bản khám nghiệm tử thi (nếu có).”

12. Điều 27 sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Khoản 1 sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải được tiến hành phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục và phòng ngừa. Việc phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải căn cứ vào các quy định hiện hành.”

b) Khoản 2 sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi quản lý. Đối với các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày tai nạn xảy ra phải thành lập Hội đồng phân tích, khi tổ chức phân tích có đại diện của Cục Đường sắt Việt Nam tham gia.”

13. Điều 29 bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Ngay sau khi có kết quả phân tích tai nạn rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng phải báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.”

Điều 2.

1. Bổ sung Mẫu số 3 Phụ lục 2.

2. Bổ sung Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này và thay thế Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2009/TT-BGTVT.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Các Doanh nghiệp tham gia hoạt động đường sắt có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải đường sắt thực hiện Thông tư này.

2. Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm Thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.