• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2006
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ CÔNG AN
Số: 16/1998/TTLT/BLĐTBXH-BQP-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 25 tháng 11 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với

liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách

như thương binh, bệnh binh

 

Căn cứ Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Nghị định 28/CP) Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh như sau:

 

A. CÔNG NHẬN LIỆT SĨ VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

I. Tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ:

Liệt sĩ là người hy sinh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 28/CP và một số điểm hướng dẫn tại Thông tư này:

1. Được công nhận liệt sĩ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 bao gồm:

a) Những người được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong thời gian làm nhiệm vụ tại các nước (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của cơ quan, đơn vị).

b) Những người nói tại điểm a trên đây bị mắc bệnh phải đưa về nước điều trị tại bệnh viện nhưng không cứu chữa được mà bị chết (có hồ sơ bệnh án điều trị và biên bản xác nhận của bệnh viên hoặc đơn vị về trường hợp tử vong).

Những trường hợp bị chết trong khi đi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị, làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục... hoặc lao động theo các chương trình hợp tác về lao động với các nước... thì không thuộc diện xác nhận là liệt sĩ.

2. Được xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại khoản 6 Điều 11 bao gồm:

a) Những người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm những việc cấp bách, nguy hiểm trong khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ, bão lụt mà bị chết.

b) Những người có hành động dũng cảm ngăn chặn hành vi đang trực tiếp đe doạ đến tính mạng của nhân dân, tài sản và an ninh quốc gia mà bị chết, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập.

c) Những người dũng cảm trực tiếp làm các công việc cấp bách, nguy hiểm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh không có điều kiện thực hiện các quy trình kỹ thuật, bảo hộ lao động (trường hợp làm nhiệm vụ cấp bách) hoặc đã chấp hành nghiêm qui trình kỹ thuật, kỷ luật công tác nhưng vẫn không tránh khỏi tai nạn chết người.

3. Được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định tại khoản 7 Điều 11 bao gồm:

a) Những người trong quá trình làm nhiệm vụ ở vùng rừng núi, hải đảo nơi có phụ cấp lương đặc biệt mức 100% hoặc người làm nhiệm vụ ở nơi được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính mà bị ốm đau, tai nạn dẫn đến bị chết (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị).

b) Những người trong khi làm nhiệm vụ qui tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước bạn mà bị chết do tai nạn ốm đau (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị) hoặc xuất ngũ, chuyển sang công tác khác trong vòng một năm bệnh cũ mắc phải trong thời gian làm nhiệm vụ qui tập mộ bị tái phát phải đi điều trị tại các bệnh viện nhưng không cứu chữa được dẫn đến bị chết (có giấy xác nhận và bệnh án điều trị của bệnh viện).

4. Được xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại khoản 8 Điều 11:

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) do tái phát vết thương phải đi điều trị tại bệnh viện hoặc Trung tâm y tế nhưng không cứu chữa đượcc mà bị chết (có hồ sơ bệnh án điều trị vết thương và biên bản tử vong của bệnh viện hoặc Trung tâm y tế chữa trị) và được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) hoặc cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý thừa nhận xứng đáng là liệt sĩ. Riêng trường hợp thương binh chết tại gia đình thì ngoài chứng nhận của y tế xã và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã phải kèm bệnh án quá trình điều trị vết thương trước đó.

5. Các trường hợp không thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ theo quy định của Thông tư này:

Những trường hợp bị chết trong kháng chiến đã được quy định kết thúc việc xác nhận là liệt sĩ theo các văn bản: Thông tư số 12/TBXH ngày 10 tháng 11 năm 1975; Thông tư số 09/TBXH ngày 16 tháng 7 năm 1976 của Bộ Thương binh Xã hội (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thực hiện Chỉ thị số 105/CT ngày 29 tháng 4 năm 1989, Chỉ thị số 551/NC ngày 2 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tiếp tục giải quyết tồn động về chính sách sau chiến tranh, đến nay những tồn sót cơ bản đã được giải quyết, Liên Bộ quy định kết thúc việc xác nhận liệt sĩ đối với các trường hợp sau:

- Người đã chết trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc;

- Người chết trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc;

- Cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam đã tập kết ra miền Bắc theo hiệp định Giơnevơ năm 1954 sau không có tin tức là đã trở lại làm nhiệm vụ ở các chiến trường B, C, K;

Trường hợp đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ nhưng vì lý do đặc biệt còn sót lại cần được giải quyết thì cơ quan đơn vị có thẩm quyền ký giấy báo tử báo cáo Bộ Quốc phòng (Cục Chính sách - Tổng Cục chính trị) đối với quân nhân; Bộ Công an (Vụ Tổ chức cán bộ) đối với công an nhân dân; Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắc là tỉnh) đối với các đối tượng khác cho ý kiến trước khi cấp giấy báo tử).

II. Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ:

1. Đối với người hy sinh từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 trở về sau trong các trường hợp quy định tại Điều 11, Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì hồ sơ gồm có:

a) Giấy xác nhận đối với trường hợp hy sinh:

- Giấy xác nhận được giao đi làm nghĩa vụ quốc tế nếu hy sinh trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 28/CP, điểm 1 mục I phần A của Thông tư này.

- Biên bản xảy ra sự việc nếu hy sinh trong trường hợp quy định tại các khoản 5, 6 Điều 11 Nghị định 28/CP, điểm 2 mục I phần A Thông tư này (do cơ quan quản lý đương sự hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc lập). Trường hợp hy sinh do đấu tranh chống các loại tội phạm thì ngoài biên bản xảy ra sự việc còn kèm theo bản án (nếu có).

- Giấy xác nhận hưởng phụ cấp lương đặc biệt 100% nếu hy sinh trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 28/CP hoặc giấy xác nhận địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn, gian khổ theo quy định tại Thông tư 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính (do cơ quan đơn vị quản lý đương sự cấp).

- Hồ sơ thương binh; bệnh án điều trị và biên bản tử vong nếu hy sinh trong trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định 28/CP, điểm 3 mục 1 của Thông tư này (đối với trường hợp chết do vết thương tái phát).

b) Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ (4 bản theo mẫu số 3-LS1 đính kèm Thông tư này) do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký (quy định tại mục III, phần A dưới đây).

c) Giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ do Uỷ ban nhân dân xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú lập (theo mẫu số 3-LS3 đính kèm Thông tư này).

2. Đối với người hy sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước: trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại Thông tư này, nay mới đề nghị công nhận liệt sĩ thì hồ sơ gồm có:

a) Đơn phát hiện và đề nghị của gia đình kèm theo giấy chứng nhận của hai người biết trường hợp hy sinh (người biết sự việc cùng đơn vị từ Đại đội trở xuống hoặc cùng cơ quan) nói rõ lúc đó làm gì, ở đâu, lý do biết trường hợp hy sinh và có xác nhận của cơ quan quản lý hồ sơ, lý lịch nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân xã về chữ ký, về chức vụ đảm nhiệm trong thời gian cùng đơn vị, cơ quan với người hy sinh.

b) Biên bản của phiên hợp tập thể hội đồng xác nhận xã nơi có người hy sinh gồm đại diện: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban thương binh xã hội, Hội cựu chiến binh, Công an, xã đội (theo mẫu số 3-LS4 đính kèm Thông tư này).

Trường hợp hy sinh là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thoát ly thì gia đình gửi đơn phát hiện và đề nghị kèm theo xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã nơi cư trú (và chứng nhận của người biết trường hợp hy sinh - nếu có) đến cơ quan, đơn vị của người hy sinh hoặc Bộ, Ban, ngành, đoàn thể (cấp trên của cơ quan, đơn vị đó).

c) Các loại giấy quy định tại điểm 1 mục II phần A của Thông tư này.

3. Đối với người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 28/CP thì hồ sơ gồm có:

a) Đơn trình bày của gia đình, nói rõ nguồn tin cuối cùng nhận được; thư từ (bản sao), các giấy chứng nhận của người cùng trực tiếp làm nhiệm vụ (nếu có).

b) Biên bản phiên họp của tập thể Hội đồng xác nhận xã gồm đại diện: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Ban thương binh xã hội, Hội cựu chiến binh, Công an, Xã đội.

c) Phiếu xác minh kết luận của ban chỉ huy quân sự hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) hoặc đơn vị quản lý trực tiếp người đó trước khi mất tin, mất tích (theo mẫu số 3-LS5 đính kèm Thông tư này).

d) Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ như quy định tại tiết b, điểm 1 mục II phần A của Thông tư này.

e) Giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ do Uỷ ban nhân dân xã lập (theo mẫu số 3-LS3 đính kèm Thông tư này).

III. Thẩm quyền, trách nhiệm lập thủ tục công nhận liệt sĩ:

1. Đối với cơ quan, đơn vị quản lý người hy sinh:

a) Ký giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ:

a.1) Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên ký giấy báo tử đối với người hy sinh là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng theo thẩm quyền quy định tại Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21 tháng 11 năm 1995 của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn tại văn bản số 331/CS ngày 20 tháng 12 năm 1995 của Cục chính sách - Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng.

a.2) Thủ trưởng cấp Cục, Vụ hoặc cấp tương đương trở lên; Giám đốc công an tỉnh ký giấy báo tử đối với người hy sinh là công an, công nhân viên công an theo thẩm quyền quy định tại Thông tư 06/TT-BNV (X13) ngày 28 tháng 9 năm 1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trường hợp hy sinh hoặc mất tin mà đơn vị cũ không còn thì giấy báo tử do Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công an cấp.

a.3) Tỉnh đoàn, Thành đoàn, Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông vận tải ký giấy báo tử đối với người hy sinh là thanh niên xung phong thuộc quyền quản lý, sử dụng.

a.4) Tỉnh uỷ; Thành uỷ; các ban Đảng; Đảng đoàn, ban cán sự Đảng của Bộ ngành đoàn thể ở Trung ương theo thẩm quyền ký giấy chứng nhận hy sinh đối với người hy sinh là người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 (theo mẫu số 3-LS2 đính kèm Thông tư này).

a.5) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định sau đây ký giấy báo tử đối với người hy sinh là cán bộ công nhân viên chức, công dân thuộc quyền quản lý:

- Thủ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trực thuộc trung ương Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (hoặc thủ trưởng cơ quan được uỷ quyền) ký giấy báo tử đối với cán bộ công nhân viên chức thuộc cơ quan Trung ương.

- Tổng giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt quy định tại Quyết định số 185/TTg ngày 28 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ ký giấy báo tử đối với cán bộ công nhân viên thuộc doanh nghiệp mình.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ, thủ trưởng các cơ quan ban ngành tỉnh ký giấy báo tử đối với cán bộ công nhân viên chức thuộc thẩm quyền.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ký giấy báo tử đối với cán bộ công nhân viên chức thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc cấp huyện; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; công nhân viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn huyện; dân quân, du kích tự vệ, công an xã, cán bộ xã và công dân của địa phương.

b) Các cơ quan, đơn vị quản lý lưu giữ 01 giấy báo tử; bàn giao hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ (gồm các loại giấy quy định tại mục II phần A của Thông tư này) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú.

2. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ có trách nhiệm kiểm tra về thủ tục các loại giấy quy định trong hồ sơ, điều kiện tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ. Nếu hồ sơ hợp lệ đúng theo quy định thì ký nhận biên bản bàn giao và trong thời hạn 30 ngày phải hoàn thành các công việc sau:

a) Chuyển một giấy báo tử về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để hướng dẫn Uỷ ban nhân dân xã có căn cứ lập giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ.

b) Ghi số quản lý địa phương vào hồ sơ, viết bản trích lục (theo mẫu số 3-LS6 đính kèm Thông tư này) sau đó chuyển hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định trình Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ.

- Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc chưa đầy đủ thủ tục theo quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển lại cơ quan, đơn vị đã bàn giao hồ sơ để thông báo và giải thích cho gia đình rõ hoặc để bổ sung hồ sở đúng quy định.

- Trường hợp gia đình đã di chuyển đến tỉnh khác thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển lại cơ quan, đơn vị để bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ đang cư trú.

3. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến phải hoàn thành việc thẩm định lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" liệt sĩ.

Đối với những hồ sơ không hợp lệ, không đủ thủ tục theo quy định thì chuyển lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kèm theo hướng dẫn cách giải quyết.

IV. Giải quyết quyền lợi:

1. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Sau khi tiếp nhận Bằng "Tổ quốc ghi công", trong thời hạn 15 ngày phải hoàn thành các công việc sau:

a) Ghi số Bằng "Tổ quốc ghi công", ký trích lục để lưu trữ, đăng ký quản lý hồ sơ.

b) Chuyển bằng "Tổ quốc ghi công" và hồ sơ liệt sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ đang cư trú.

2. Trách nhiệm của sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Sau khi nhận được Bằng "Tổ quốc ghi công" và hồ sơ liệt sĩ, trong thời hạn 20 ngày phải hoàn thành các công việc sau:

a) Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp tiền tuất gia đình liệt sĩ, lập phiều trợ cấp tiền tuất gia đình liệt sĩ (theo mẫu số 3-LS7 và số 3-LS8 đính kèm Thông tư này). Trợ cấp tiền tuất được thực hiện từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".

b) Ghi chép vào sổ đăng ký quản lý, ghi số Bằng, số quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công vào từng hồ sơ và lưu giữ hồ sơ.

c) Thông báo cho cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử về việc xác nhận liệt sĩ.

d) Chuyển Bằng "Tổ quốc ghi công", quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phiếu trợ cấp tiền tuất gia đình liệt sĩ về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú.

3. Trách nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện:

a) Đăng ký quản lý danh sách liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

b) Giúp Uỷ ban nhân dân huyện chủ trì phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng cấp chỉ đạo xã tổ chức lễ báo tử, trao Bằng "Tổ quốc ghi công" giải quyết quyền lợi đối với gia đình liệt sĩ.

B. CÔNG NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH (GỌI CHUNG LÀ THƯƠNG BINH):

I. Tiêu chuẩn công nhận thương binh:

Thương binh là người bị thương trong trường hợp làm nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/CP hướng dẫn tại Thông tư này mà bị mất sức lao động do thương tật từ 21% trở lên.

1. Được xét công nhận là thương binh theo quy định tại khoản 4 - Điều 25 bao gồm:

a) Người có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm những việc cấp bách, nguy hiểm trong khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ, bão lụt mà bị thương.

b) Người có hành động dũng cảm ngăn chặn hành vi đang trực tiếp đe doạ đến tính mạng của nhân dân, tài sản và an ninh quốc gia mà bị thương xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập.

c) Những người dũng cảm trực tiếp làm các công việc cấp bách, nguy hiểm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh không có điều kiện thực hiện các qui trình kỹ thuật, bảo hộ lao động hoặc đã chấp hành nghiêm qui trình kỹ thuật, kỷ luật công tác nhưng vẫn không tránh khỏi tai nạn đến bị thương.

2. Được xét công nhận là thương binh theo quy định tại khoản 5 Điều 25 bao gồm:

a) Những người trong quá trình làm nhiệm vụ ở vùng rừng núi, hải đảo nơi có phụ cấp lương đặc biệt, mức 100% hoặc người làm nhiệm vụ ở nơi được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ theo quy định tại Thông tư số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính mà bị tai nạn dẫn đến bị thương (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị).

b) Những người trong khi làm nhiệm vụ qui tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước bạn mà bị tai nạn dẫn đến bị thương (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị).

3. Được xét công nhận thương binh theo quy định tại khoản 6 Điều 25 bao gồm:

Người được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị tai nạn hoặc bị thương trong thời gian làm nhiệm vụ tại các nước (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị).

4. Các trường hợp không thuộc diện xem xét công nhận thương binh theo quy định của Thông tư này:

Những trường hợp bị thương trong kháng chiến đã được quy định kết thúc việc xác nhận là thương binh theo các văn bản: Thông tư số 07/TBXH ngày 12 tháng 9 năm 1974; Thông tư số 09/TBXH ngày 16 tháng 7 năm 1976 của Bộ Thương binh xã hội (nay là bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thực hiện Chỉ thị số 105/CT ngày 29 tháng 4 năm 1989, Chỉ thị số 551/NC ngày 2 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tiếp tục giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, đến nay những tồn sót cơ bản đã được giải quyết, Liên Bộ quy định kết thúc việc xác nhận thương binh đối với các trường hợp sau:

a) Bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc, sau đó không đi làm nhiệm vụ ở các chiến trường B, C, K;

b) Bị thương trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sau đó không đi làm nhiệm vụ ở các chiến trường B, C, K;

c) Bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Nam đã tập kết ra Bắc, sau đó không đi làm nhiệm vụ ở các chiến trường B, C, K;

d) Người bị thương trong kháng chiến chống Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế (kể cả người bị địch bắt đã được trao trả) mà đã qua các đoàn an dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh.

Trường hợp đủ điều kiện xác nhận thương binh nhưng vì lý do đặc biệt còn sót lại cần được giải quyết thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký giấy chứng nhận bị thương báo cáo Bộ Quốc phòng (Cục chính sách - Tổng cục Chính trị) đối với quân nhân; Bộ Công an (Vụ Tổ chức cán bộ) đối với công an; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với các đối tượng bị thương khác, cho ý kiến trước khi cấp giấy chứng nhận bị thương.

II. Hồ sơ thương binh:

1. Đối với người bị thương từ ngày 1/1/1995 trở về sau theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại thông tư này thì hồ sơ gồm có:

a) Giấy xác nhận đối với trường hợp bị thương:

- Biên bản xảy ra sự việc nếu bị thương trong trường hợp quy định tại khoản 3, 4 Điều 25 Nghị định 28/CP, điểm 1 mục I phần B Thông tư này (do cơ quan quản lý đương sự hoặc chính quyền địa phương nơi xẩy ra sự việc lập). Trường hợp bị thương do đấu tranh chống các loại tội phạm thì ngoài biên bản xảy ra sự việc còn kèm theo bản án (nếu có).

- Giấy xác nhận hưởng phụ cấp lương đặc biệt mức 100% nếu bị thương trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định 28/CP hoặc giấy xác nhận địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ theo quy định tại Thông tư 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng - Lao động Thương binh và Xã hội - Tài chính.

- Giấy xác nhận được giao đi làm nhiệm vụ quốc tế nếu bị thương trong trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 25 Nghị định 28/CP, điểm 2 mục I phần B của Thông tư này.

b) Giấy ra viện sau khi điều trị vết thương

c) Giấy chứng nhận bị thương (4 bản theo mẫu số 6-TB1 đính kèm Thông tư này) do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký như quy định thẩm quyền ký giấy báo tử (nêu tại tiết a, điểm 1, Mục III, Phần A của Thông tư này).

d) Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền cấp (theo mẫu số 6- TB2 đính kèm Thông tư này).

2. Đối với người bị thương từ 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước: trong các trường hợp quy định tại Điều 25 Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì hồ sơ gồm có:

a) Bản khai cá nhân (theo mẫu số 6-TB3 đính kèm Thông tư này), có xác nhận và đề nghị của cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi đang công tác hoặc cư trú.

b) Giấy xác nhận quy định tại tiết a điểm 1 mục II phần B Thông tư này.

c) Giấy chứng nhận bị thương (bản chính) được đơn vị cấp sau khi bị thương.

Trường hợp không có giấy chứng nhận bị thương mà còn giữ được một trong các chứng từ ghi có bị thương; phiếu chuyển thương; bệnh án, giấy ra viện khi điều trị vết thương; phiếu sức khoẻ; lý lịch cũ; hồ sơ danh sách đăng ký quân nhân bị thương của đơn vị khi bị thương, thì các chứng từ này kết hợp với các vết thương thực thể để thủ trưởng cơ quan đơn vị có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương (theo tiết c, điểm 1, mục II phần B của Thông tư này).

Đối với lực lượng vũ trang giao cho Cục Chính sách - Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng và Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công an hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

d) Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền cấp (theo mẫu số 6-TB2 đính kèm Thông tư này).

e) Quyết định xuất ngũ, chuyển ngành, phục viên hoặc về nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công an nhân dân đã chuyển ra ngoài quân đội, công an.

Trường hợp không còn giữ được quyết định nói trên thì phải có giấy xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự, Công an huyện nơi đăng ký khi về hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

III. Thẩm quyền, trách nhiệm lập thủ tục công nhận thương binh của cơ quan, đơn vị quản lý người bị thương:

1. Lập hồ sơ:

Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại tiết a, b, c điểm 1 (đối với người bị thương từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 trở về sau) hoặc tiết a, b, c, e điểm 2 (đối với người bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước) mục II phần B của Thông tư này.

2. Giới thiệu giám định thương tật:

a) Đối với người bị thương là quân nhân, công an nhân dân đang tại ngũ: thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, cấp giấy giới thiệu (kèm hồ sơ theo quy định tại điểm 1 mục III phần B của Thông tư này) đến Hội đồng Giám định Y khoa theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Riêng đối với người khi bị thương là quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ do Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh lập hồ sơ giới thiệu giám định thương tật như quy định đối với quân nhân, công an còn tại ngũ nói trên.

b) Đối với cán bộ, công chức Nhà nước, thanh niên xung phong: Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương giới thiẹu (kèm hồ sơ) đến giám định thương tật tại Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh hoặc Hội đồng Giám định Y khoa ngành Giao thông vận tải (nếu người bị thương thuộc quản lý của ngành giao thông vận tải) đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người bị thương cư trú biết để phối hợp giải quyết.

c) Đối với người khi bị thương không thuộc các đối tượng nêu tại các tiết a, b, điểm 2, mục II phần B của Thông tư này thì Uỷ ban nhân dân huyện chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra và giới thiệu đến Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để giám định thương tật.

Sau khi nhận được kết quả giám định thương tật của Hội đồng Giám định Y khoa, cơ quan đơn vị giới thiệu đi giám định làm thủ tục di chuyển hồ sơ và giải quyết quyền lợi theo quy định tại mục IV phần B của Thông tư này.

IV. Thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương:

1. Đối với người bị thương là quân nhân, công an nhân dân (kể cả quân nhân, công an đã xuất ngũ):

a) Người có tỷ lệ thương tật từ 20% trở xuống thì Thủ trưởng đơn vị theo phân cấp quản lý ra quyết định trợ cấp một lần, mức trợ cấp quy định tại Điều 31 Nghị định 28/CP.

b) Người có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý:

- Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật (theo mẫu quy định tại Thông tư 2285/QP-TT ngày 21 tháng 11 năm 1995 của Bộ Quốc phòng, Thông tư 06/TT-BNV (X13) ngày 28 tháng 9 năm 1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị trong Quân khu và quân nhân - công nhân viên quốc phòng đã xuất ngũ đang cư trú trên địa bàn quân khu do Tư lệnh Quân khu ký.

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị khác do Cục trưởng Cục chính sách - Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng ký.

+ Đối với công an nhân dân do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công an ký.

- Lập phiếu trợ cấp thương tật (theo mẫu quy định tại Thông tư 2285/QP-TT ngày 21 tháng 11 năm 1995 của Bộ Quốc phòng, Thông tư 06/TT-BNV (X13) ngày 28 tháng 9 năm 1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị trong Quân khu và quân nhân - công nhân viên quốc phòng đã xuất ngũ đang cư trú trên địa bàn quân khu do Chủ nhiệm chính trị Quân khu ký.

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị khác do Cục trưởng Cục chính sách - Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng ký.

+ Đối với công an nhân dân do Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công an ký.

Riêng đối với quân nhân, công an nhân dân bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên và có mức lương khi bị thương cao hơn 312.000 đồng thì đơn vị trả trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 4 tháng lương khi bị thương (quy định tại khoản 3, Điều 30 Nghị định 28/CP).

c) Lập bản trích kục hồ sơ thương tật (theo mẫu số 6-TB4 đính kèm Thông tư này) do thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền lập phiếu trợ cấp thương tật ký.

đ) Sau khi làm các thủ tục giải quyết quyền lợi theo tiết a, b, c điểm 1 mục IV phần B của Thông tư này, đơn vị tổ chức lưu giữ hồ sơ đối với quân nhân, công an nhân dân đang thuộc quyền quản lý.

e) Đối với người bị thương là quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ thì sau khi làm các thủ tục giải quyết quyền lợi, đơn vị chuyển hồ sở đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân, công an nhân dân đang cư trú theo quy định như sau:

- Một bộ hồ sơ thương tật (bản chính) kèm theo giấy giới thiệu di chuyển (mẫu số 6-TB9), đối với thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên thì được giới thiệu để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả từ ngày Hội đồng Giám định Y khoa quân đội, công an có thẩm quyền kết luận. Riêng đối với thương binh nay mới xuất ngũ thì giấy giới thiệu ghi rõ đơn vj đã trả trợ cấp thương tật hết tháng nào, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân, công an nhân dân về cư trú trả tiếp từ tháng nào...

Quyền hạn ký giấy giới thiệu di chuyển:

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị trong Quân khu thì do trưởng phòng Chính sách Quân khu ký.

+ Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc các đơn vị khác do Thủ trưởng cơ quan chính trị các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng ký.

+ Đối với công an nhân dân do Giám đốc Công an tỉnh hoặc tương đương trở lên ký.

- Hồ sơ đi chuyển đơn vị giao cho thương binh hoặc đơn vị trực tiếp bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký giấy giới thiệu di chuyển) để được tiếp tục quản lý và thực hiện chế độ chính sách.

- Riêng đối với thương binh đã được xác nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, nay được chuyển ra ngoài quân đội, công an mà không còn hồ sơ theo quy định tại Thông tư này thì cơ quan, đơn vị căn cứ danh sách thương binh đang quản lý lập hai bản trích lục thương tật chuyển về Cục chính sách - Tổng Cục chính trị - Bộ Quốc phòng (đối với quân nhân) hoặc Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công an (đối với công an nhân dân) để kiểm tra và ký trước khi chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trong bản trích lục cần ghi rõ: cấp lại căn cứ sổ đăng ký danh sách thương binh năm... quyền số... trang... lưu lại...).

f) Sau khi tiếp nhận hồ sơ do Quân đội, Công an chuyển đến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, lập danh sách trích ngang kèm theo bản trích lục hồ sơ thương tật chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lưu bản trích lục, cho số quản lý vào bản danh sách chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất việc quản lý và giải quyết quyền lợi.

g) Những quân nhân, công an nhân dân được xác nhận là thương binh loại B từ ngày 31 tháng 12 năm 1993 trở về trước (nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động) đang công tác trong quân đội, công an nhân dân, khi xuất ngũ thì các đơn vị lập bản trích lục kèm hồ sơ và giới thiệu đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi quân nhân, công an cư trú để được tiếp nhận và giải quyết chế độ theo quy định hiện hành (hồ sơ khi di chuyển thực hiện như đối với hồ sơ thương binh nói tại tiết e điểm 1 mục IV phần B của Thông tư này).

2. Đối với người bị thương là cán bộ, công chức Nhà nước, thanh niên xung phong (do cơ quan quản lý giới thiệu đi giám định thương tật):

Nhận được biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa chuyển đến, các cơ quan dân chính Đảng, doanh nghiệp Nhà nước đăng ký để quản lý người bị thương của đơn vị mình. Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ thương binh đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi người bị thương cư trú để thẩm định, nếu đủ thủ tục thì giải quyết quyền lợi (như quy định tại điểm 3 mục IV phần B của Thông tư này). Nếu không đủ thủ tục thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển hồ sơ lại cho cơ quan có người bị thương để bổ xung hoặc trả lời cho đương sự rõ.

3. Đối với người bị thương là những đối tượng nêu tại tiết c điểm 2 mục III phần B của Thông tư này (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đi giám định thương tật):

Nhận được biên bản giám định thương tật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục giải quyết quyền lợi như sau:

a) Người có tỷ lệ thương tật từ 20% trở xuống thì Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định:

- Trợ cấp một lần, mức trợ cấp theo quy định tại Điều 31 Nghị định 28/CP (theo mẫu số 6-TB6 đính kèm Thông tư này).

- Lập bản trích lục hồ sơ thương tật (theo mẫu số 6-TB5 đính kèm Thông tư này).

b) Người có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật (theo mẫu số 6-TB7 đính kèm Thông tư này).

- Cấp phiếu lập trợ cấp thương tật (theo mẫu số 6-TB8 đính kèm Thông tư này).

- Lập bản trích lục hồ sơ thương tật.

Riêng đối với trường hợp bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước có tỷ lệ thương tật 21% trở lên và có mức lương khi bị thương cao hơn 312.000 đồng thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cấp khoản trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 4 tháng lương khi bị thương theo quy định tại khoản 3 Điều 30, Nghị định 28/CP.

Sau khi hoàn tất thủ tục giải quyết quyền lợi theo quy định tại điểm 3 mục IV phần B của Thông tư này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Thương binh liệt sĩ và người có công) để đăng ký số quản lý, đối chiếu bản trích lục để lưu trữ, còn hồ sơ sẽ chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý và giải quyết quyền lợi.

4. Trợ cấp thương tật hàng tháng đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (kể cả trường hợp bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước) được hưởng thống nhất từ ngày Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ mất sức lao động do thương tật theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 28/CP.

C. CÔNG NHẬN BỆNH BINH VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI BỆNH BINH:

I. Tiêu chuẩn để công nhận bệnh binh:

Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân trong khi làm các nhiệm vụ quy định tại Điều 42 Nghị định 28/CP, Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và một số điểm hướng dẫn tại Thông tư này mà mắc bệnh bị mất sức lao động từ 61% trở lên.

1. Được xét công nhận là bệnh binh theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định 28/CP bao gồm:

- Quân nhân, công an nhân dân trong thời gian làm nhiệm vvụ tìm kiếm, qui tập mộ liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và nước bạn mà bị mắc bệnh hoặc trong vòng một năm kể từ ngày chuyển sang công việc khác mà bệnh cũ mắc phải trong thời gian làm nhiệm vụ qui tập mộ tái phát (có hồ sơ bệnh cũ kèm theo bệnh án điều trị bệnh tái phát tại các bệnh viện) được Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền kết luận mất sức lao động do bệnh tật từ 61% trở lên.

2. Được xét công nhận là bệnh binh theo quy định (về địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ) tại khoản 2, khoản 3 Điều 42 Nghị định 28/CP bao gồm:

a) Quân nhân, công an nhân dân được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng trong thời gian làm nhiệm vụ nếu bị bệnh (có hồ sơ bệnh án điều trị bệnh và chứng từ xác nhận của bệnh viện) được Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền kết luận mất sức lao động do bệnh tật từ 61% trở lên.

b) Quân nhân, công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo ở những nơi có phụ cấp lương đặc biệt mức 100% hoặc địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn, gian khổ (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 7 năm 1998 của Liên bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính) mà bị ốm đau, bệnh tật phải xuất ngũ hoặc trong vòng một năm kể từ ngày chuyển sang địa bàn khác mà bệnh cũ tái phát (có hồ sơ bệnh cũ điều trị khi ở địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ kèm theo bệnh án điều trị bệnh tái phát tại các bệnh viện) được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận mất sức lao động do bệnh tật từ 61% trở lên.

Trường hợp bị mắc bệnh do bản thân gây nên, hoặc vi phạm pháp luật, quy định của cơ quan, đơn vị thì không được công nhận là bệnh binh.

3. Được xét công nhận bệnh binh đối với quân nhân, công an xuất ngũ mà mặc bệnh tâm thần.

Quân nhân, công an nhân dân bị mắc bệnh trong trường hợp quy định tại Điều 42 Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại điểm 1, điểm 2 mục I phần C của Thông tư này sau khi xuất ngũ về địa phương trong vòng 1 năm mà bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần, có đầy đủ chứng cứ điều trị thường xuyên tại các bệnh viện tâm thần (có bệnh án, giấy ra viện, sổ điều trị kèm theo) thì Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh nơi quân nhân, công an đang cư trú phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập hồ sơ để xem xét giải quyết.

II. CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN, CÔNG AN CÓ TRÁCH NHIỆM LẬP THỦ TỤC XÁC NHẬN BỆNH BINH VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI BỆNH BINH:

1. Hồ sơ công nhận bệnh binh gồm:

- Giấy chứng nhận bệnh tật (theo mẫu số 7-BB1 đính kèm Thông tư này) do Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ký như quy định đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký giấy báo tử (nêu tại điểm 1, mục III phần A của Thông tư này).

- Biên bản giám định bệnh tật do Hội đồng Giám định Y khoa quân đội, công an có thẩm quyền cấp (theo mẫu số 7-BB2 đính kèm Thông tư này).

- Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp bệnh binh (theo mẫu số 7-BB3 đính kèm Thông tư này) phiếu trợ cấp bệnh binh (theo mẫu số 7-BB4 đính kèm thông tư này) do Thủ trưởng quản lý quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ cấp (như quy định cấp giấy chứng nhận thương binh).

- Phiếu cá nhân (theo mẫu số 7-BB5 đính kèm Thông tư này).

- Bản trích lục hồ sơ bệnh binh (theo mẫu số 7-BB6 đính kèm Thông tư này) do thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ bệnh binh ký.

Riêng những trường hợp quân nhân, công an đã xuất ngũ bị bệnh cũ tái phát theo quy định tại điểm 1 và tiết b, điểm 2 và trường hợp bị mắc bệnh tâm thần theo quy định tại điểm 3, mục I, phần C của Thông tư này, hồ sơ còn phải có:

+ Đơn trình bày của bản thân, của gia đình (đối với trường hợp bị bệnh tâm thần) về quá trình bị bệnh của đương sự kèm toàn bộ chứng từ điều trị.

+ Quyết định xuất ngũ.

Trường hợp không còn quyết định xuất ngũ thì phải có xác nhận của cơ quan đơn vị có thẩm quyền cho quân nhân, công an nhân dân xuất ngũ về quá trình phục vụ trong quân đội, công an hoặc của Ban chỉ huy quân sự, công an huyện nơi quân nhân, công an về cư trú.

+ Phiếu xác minh về bệnh tật tái phát của cơ quan quân sự, công an huyện.

+ Biên bản xác nhận và đề nghị của hội đồng xác nhận xã gồm đại diện: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên mặt trận, Hội cựu chiến binh, Công an, Xã đội, Ban Thương binh xã hội. Nội dung biên bản phải xác định rõ tình trạng bệnh tật sau khi về địa phương thời điểm quân nhân, công an bị tái phát bệnh hoặc bị tâm thần, quá trình điều trị liên tục đến nay, ý kiến đề nghị giải quyết.

Hồ sơ do Ban chỉ huy quân sự, công an huyện thụ lý xem xét và chuyển đến Bộ chỉ huy quân sự, công an tỉnh kiểm tra thông nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận bệnh tật, giới thiệu đi giám định bệnh tật tại Hội đồng Giám định Y khoa theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Giải quyết quyền lợi đối với bệnh binh:

a) Đơn vị quản lý quân nhân, công an có trách nhiệm lập hồ sơ và giới thiệu quân nhân, công an giám định bệnh tật tại Hội đồng Giám định Y khoa theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Sau khi có kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa, nếu đủ điều kiện công nhận là bệnh binh thì Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền hoàn chỉnh hồ sơ bệnh binh theo quy định tại điểm 1, mục II, phần C của Thông tư này kèm giấy giới thiệu di chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi quân nhân, công an về cư trú.

b) Sau khi tiếp nhập hồ sơ do quân đội, công an chuyển đến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đăng ký quản lý giải quyết quyền lợi theo quy định hiện hành, đồng thời chuyển bản trích lục hồ sơ bệnh binh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lưu trữ.

c) Trợ cấp bệnh binh được thực hiện kể từ ngày quyết định xuất ngũ. Riêng đối với trường hợp đã xuất ngũ, chuyển sang công tác khác mà bệnh cũ tái phát thì trợ cấp bệnh binh được thực hiện kể từ ngày có kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa.

D. THỦ TỤC DI CHUYỂN HỒ SƠ THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, LIỆT SĨ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ DO NGÀNH LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ.

1. Nơi đi:

a) Đơn đề nghị di chuyển hồ sơ của người hưởng chế độ (trong đơn cần trình bày rõ lý do cần di chuyển có xác nhận của công an xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện).

b) Giấy giới thiệu di chuyển và trả trợ cấp do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đi cấp trong đó ghi rõ loại trợ cấp, mức hưởng, đã trả trợ cấp đến tháng, năm nào, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đến cấp tiếp từ tháng, năm nào.

c) Một bộ hồ sơ (bản gốc), riêng đối với trường hợp liệt sĩ có nhiều thân nhân chủ yếu đang hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có thân nhân chuyển đi thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho thân nhân chuyển đi một bộ hồ sơ sao y bản chính.

Mọi quyền lợi hoặc vướng mắc về thủ tục hồ sơ do cơ quan nơi đang quản lý thanh toán hoặc giải quyết trước khi lập thủ tục di chuyển.

d) Lập phiếu báo di chuyển hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi (theo mẫu đính kèm Thông tư này).

2. Nơi đến:

Trong thời giạn 30 ngày kể từ ngày ký giấy giới thiệu di chuyển, người hưởng chế độ phải đăng ký và nộp hồ sơ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đến.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra thủ tục hồ sơ, đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện các chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chuyển đến theo cách thức như sau:

a) Ghi số quản lý của địa phương mình vào từng hồ sơ, tổ chức quản lý và lưu trữ hồ sơ.

b) Làm thủ tục chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đăng ký quản lý và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định.

E. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Xác nhận liệt sĩ, thương binh là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp phải nâng cao trách nhiệm và có sự ohối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đảm bảo thực hiện chu đáo, đầy đủ, chính xác theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.

Đối với việc xác nhận liệt sĩ, thương binh trong diện tồn đọng sau chiến tranh cần chú ý những điểm sau:

a) Các cơ quan, đơn vị có người hy sinh, bị thương chịu trách nhiệm về việc xác nhận liệt sĩ, thương binh. Cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan quân sự, công an và cơ quan dân sự các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, kê khai danh sách, nắm chắc số lượng người thật sự phải xem xét giải quyết tại mỗi địa phương.

b) Thực hiện việc công khai xét duyệt và nhất thiết phải thông báo cho nhân dân địa phương (xã, phường, thị trấn) biết những trường hợp đủ điều kiện công nhận và những trường hợp không đủ điều kiện để công nhận.

c) Kết hợp việc rà soát những trường hợp còn tồn sót, đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra những trường hợp đã được giải quyết chính sách; nếu có phát hiện sai sót thì tiến hành giải quyết theo hướng dẫn tại mục 3 Thông tư số 11/LĐTBXH ngày 19 tháng 9 năm 1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quy định tại Điều 72, Điều 73 Nghị định 28/CP.

d) Việc giải quyết tồn đọng về chính sách chỉ áp dụng đối với những trường hợp thực sự vì hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến mà bị thương hoặc hy sinh đủ điều kiện quy định tại Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại Thông tư này mà đến nay chưa được giải quyết chế độ.

Những trường hợp bị thương, bị chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước đã kết luận không đủ điều kiện xác nhận thương binh, liệt sĩ hoặc đã giải quyết theo chế độ từ trần, tai nạn... thì nay không lập lại hồ sơ để xác nhận lại.

e) Những hồ sơ thương tật đã tạm dừng giải quyết theo quy định tại văn bản số 913/LĐTBXH ngày 21 tháng 3 năm 1997 và Văn bản số 3689/TBLS-CV ngày 15 tháng 10 năm 1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nay đều thống nhất thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này.

Những hồ sơ thương tật mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận thì chuyển trả lại cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương để xem xét, giải quyết theo quy định.

g) Đối với người hy sinh, bị thương thuộc lực lượng thanh niên xung phong do biến động về tổ chức và công tác quản lý mà không có đủ thủ tục hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số cơ quan liên quan hướng dẫn giải quyết cụ thể.

h) Việc xác nhận thương binh, liệt sĩ tồn đọng trong chiến tranh sẽ kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm 2000.

2. Việc xem xét giám định lại thương tật đối với người bị thương, giám định lại khả năng lao động đối với bệnh binh đã được Hội đồng Giám định Y khoa kết luận tỷ lệ mất sức lao động theo quy định tại Điều 32, Điều 48 Nghị định 28/CP phải do vết thương cũ, bệnh tật cũ thực sự tái phát và đã qua điều trị. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế sẽ hướng dẫn thêm về vấn đề này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo việc lập thủ tục hồ sơ giải quyết quyền lợi đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ thuộc trách nhiệm quyền hạn và giải quyết mọi khiếu nại vướng mắc về việc xác nhận thương binh, bệnh binh, liệt sĩ là quân nhân, công an nhân dân.

4. Theo phân cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thẩm định công tác xác nhận, quản lý hồ sơ và giải quyết quyền lợi đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn; giải quyết mọi khiếu nại vướng mắc về việc thực hiện chính sách chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với đối tượng hưởng chính sách.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc các địa phương phản ánh kịp thời về liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Công an để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Đình Liêu

Nguyễn Trọng Xuyên

Nguyễn Văn Tính

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.