• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/03/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 05/03/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 07/2015/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 16 tháng 1 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

Qy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và

cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh

________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 24 tháng 01 năm 2010;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.

Hội đồng Cạnh tranh có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Council, viết tắt là VCC.

2. Hội đồng Cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc tại Hà Nội, có con dấu hình Quốc huy và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh:

a) Tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh;

b) Xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh;

c) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Về giải quyết khiếu nại:

a) Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh;

b) Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại.

3. Về tham gia tố tụng hành chính:

Tham gia tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật tố tụng hành chính.

4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác:

a) Theo dõi việc thi hành các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

b) Tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực, văn bản hành chính có liên quan;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh trong phạm vi thẩm quyền;

d) Tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Cạnh tranh;

đ) Hợp tác quốc tế về cạnh tranh trong phạm vi thẩm quyền;

e) Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh;

g) Các nhiệm vụ khác trong phạm vi thẩm quyền.

Điều 3. Tổ chức và hoạt động

Hội đồng Cạnh tranh tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Hội đồng Cạnh tranh có từ 11 (mười một) đến 15 (mười lăm) thành viên, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Thành viên Hội đồng Cạnh tranh phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật Cạnh tranh. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Cạnh tranh là 05 (năm) năm và có thể được bổ nhiệm lại.

3. Các thành viên Hội đồng Cạnh tranh được hưởng chế độ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Hội đồng Cạnh tranh có cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Điều 5. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh

1. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng Cạnh tranh trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Cạnh tranh.

2. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có Chánh Văn phòng và không quá 03 (ba) Phó Chánh Văn phòng. Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh là thành viên của Hội đồng Cạnh tranh.

3. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh được tổ chức các phòng trực thuộc.

4. Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

5. Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh thực hiện nhiệm vụ Chủ tài khoản của Hội đồng Cạnh tranh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

6. Công chức Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh thực hiện nhiệm vụ Thư ký Phiên điều trần theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh.

7. Bộ trưởng Bộ Côn g Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tuyển dụng, bổ nhiệm công chức của Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.

Điều 6. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh

1. Chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng Cạnh tranh.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng Cạnh tranh theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.

3. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 79 Luật Cạnh tranh.

4. Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Tòa án và cử đại diện của Hội đồng Cạnh tranh tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định của Hội đồng Cạnh tranh về giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc.

Điều 7. Trách nhiệm của thành viên Hội đồng Cạnh tranh

1. Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Cạnh tranh trong việc giải quyết khiếu nại theo quy định.

2. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh và Chủ tọa phiên điều trần quy định tại Điều 80 và Điều 81 Luật Cạnh tranh, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh.

3. Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng Cạnh tranh khi được Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh cử theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công hoặc ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2015.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Hội đồng Cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.