QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng
___________________________
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
Hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này qui định về việc thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm đa dạng hoá hoạt động tín dụng, bổ sung vốn lưu động cho khách hàng, thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước và quốc tế.
2. Đối tượng áp dụng:
2.1. Tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán là các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, gồm:
- Ngân hàng thương mại nhà nước;
- Ngân hàng thương mại cổ phần;
- Ngân hàng liên doanh;
- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Công ty tài chính.
2.2. Khách hàng được tổ chức tín dụng bao thanh toán là các tổ chức kinh tế Việt Nam và nước ngoài cung ứng hàng hoá và được thụ hưởng các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá theo thoả thuận giữa bên bán hàng và bên mua hàng tại hợp đồng mua, bán hàng (sau đây được viết tắt là bên bán hàng).
Điều 2. Khái niệm
Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá đã được bên bán hàng và bên mua hàng thoả thuận trong hợp đồng mua, bán hàng.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện bao thanh toán:
Hoạt động bao thanh toán phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng được thực hiện bao thanh toán và phù hợp với qui định của pháp luật Việt Nam;
2. Đảm bảo các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào hợp đồng bao thanh toán và các bên có liên quan đến khoản phải thu;
3. Khoản phải thu được bao thanh toán phải có nguồn gốc từ các hợp đồng mua, bán hàng phù hợp với qui định của pháp luật liên quan.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị bao thanh toán: là các tổ chức tín dụng quy định tại điểm 2.1, khoản 2, Điều 1 của Quy chế này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thực hiện hoạt động bao thanh toán.
2. Bao thanh toán trong nước: là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng, trong đó bên bán hàng và bên mua hàng là người cư trú theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
3. Bao thanh toán xuất-nhập khẩu: là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng xuất- nhập khẩu.
4. Đơn vị bao thanh toán xuất khẩu: là đơn vị thực hiện bao thanh toán cho bên bán hàng là bên xuất khẩu trong hợp đồng xuất-nhập khẩu.
5. Đơn vị bao thanh toán nhập khẩu: là đơn vị được phép hoạt động bao thanh toán tham gia vào qui trình bao thanh toán xuất-nhập khẩu.
6. Bên mua hàng: là tổ chức được nhận hàng hoá từ bên bán hàng và có nghĩa vụ thanh toán các khoản phải thu quy định tại hợp đồng mua, bán hàng.
7. Hợp đồng mua, bán hàng: là thoả thuận bằng văn bản giữa bên bán hàng và bên mua hàng về việc mua, bán hàng hoá theo quy định của pháp luật, trong đó bên mua hàng chưa đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
8. Chứng từ bán hàng: là các chứng từ liên quan đến việc giao hàng và việc yêu cầu thanh toán của bên bán hàng đối với bên mua hàng trên cơ sở hợp đồng mua, bán hàng.
9. Số dư bao thanh toán: là số tiền mà đơn vị bao thanh toán ứng trước cho bên bán hàng theo thoả thuận tại hợp đồng bao thanh toán.
10. Khoản phải thu: là khoản tiền bên bán hàng phải thu từ bên mua hàng theo hợp đồng mua, bán hàng.
11. Hạn mức bao thanh toán: là tổng số dư tối đa của các khoản phải thu được bao thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định theo thoả thuận của đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng trong hợp đồng bao thanh toán.
Điều 5. Cơ quan cho phép hoạt động bao thanh toán
Các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 1 của Quy chế này muốn được thực hiện hoạt động bao thanh toán phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Điều 6. Áp dụng các điều ước và tập quán quốc tế
1. Các điều ước quốc tế về bao thanh toán mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định tại Quy chế này thì áp dụng quy định tại điều ước quốc tế đó.
2. Các bên có thể thoả thuận áp dụng các quy tắc, tập quán và thông lệ về bao thanh toán, nếu các quy tắc, tập quán và thông lệ đó không trái với pháp luật Việt Nam.
Chương II
HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN
Mục 1
CHẤP THUẬN HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN
Điều 7. Điều kiện để được hoạt động bao thanh toán:
1. Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động bao thanh toán trong nước khi tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện sau:
a. Có nhu cầu hoạt động bao thanh toán;
b. Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối tháng của 3 tháng gần nhất dưới 5%; không vi phạm các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng;
c. Không thuộc đối tượng đang bị xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhưng đã khắc phục được hành vi vi phạm.
2. Đối với hoạt động bao thanh toán xuất-nhập khẩu:
Ngoài các điều kiện qui định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng xin hoạt động bao thanh toán xuất-nhập khẩu phải là tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.
Điều 8. Hồ sơ xin chấp thuận hoạt động bao thanh toán
1. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động bao thanh toán bao gồm:
a. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng hoặc người được uỷ quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tổ chức tín dụng hoạt động bao thanh toán. Trường hợp uỷ quyền, phải có văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị;
Đối với Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phải có văn bản của Tổng giám đốc (Giám đốc) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
b. Phương án hoạt động bao thanh toán, trong đó nêu rõ nhu cầu thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán, đối tượng khách hàng dự kiến và kế hoạch hoạt động;
c. Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d. Báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng năm gần nhất đã được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập; báo cáo về việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất theo qui định.
2. Đối với hoạt động bao thanh toán xuất-nhập khẩu:
Ngoài các hồ sơ qui định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ xin hoạt động bao thanh toán xuất - nhập khẩu còn bao gồm bản sao giấy phép hoạt động ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Điều 9. Trình tự và thủ tục chấp thuận hoạt động bao thanh toán
Trình tự và thủ tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng:
1. Tổ chức tín dụng cổ phần gửi 02 bộ hồ sơ xin chấp thuận hoạt động bao thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính.
Trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, có ý kiến bằng văn bản về điều kiện, hồ sơ xin hoạt động bao thanh toán theo quy định tại các Điều 7 và Điều 8 Quy chế này và gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) kèm theo 01 bộ hồ sơ của tổ chức tín dụng cổ phần.
2. Các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng cổ phần) gửi 01 bộ hồ sơ xin chấp thuận hoạt động bao thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng).
3. Trong thời gian tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng cổ phần), 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của tổ chức tín dụng cổ phần do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố gửi tới, Ngân hàng Nhà nước xem xét và có ý kiến bằng văn bản về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho phép hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng có nhu cầu hoạt động bao thanh toán. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 10. Điều kiện để tiến hành hoạt động bao thanh toán
1. Trước khi thực hiện hoạt động bao thanh toán, tổ chức tín dụng phải tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng báo Trung ương, địa phương 3 số liên tiếp bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Tổ chức tín dụng phải gửi tới Ngân hàng Nhà nước bản đăng ký của cơ quan đăng ký kinh doanh và các tài liệu khác có liên quan.
Mục 2
CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN
Điều 11. Loại hình bao thanh toán
1. Đơn vị bao thanh toán được thực hiện các hình thức bao thanh toán sau:
a. Bao thanh toán có quyền truy đòi: đơn vị bao thanh toán có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu.
b. Bao thanh toán không có quyền truy đòi: đơn vị bao thanh toán chịu toàn bộ rủi ro khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu. Đơn vị bao thanh toán chỉ có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng trong trường hợp bên mua hàng từ chối thanh toán khoản phải thu do bên bán hàng giao hàng không đúng như thoả thuận tại hợp đồng mua, bán hàng hoặc vì một lý do khác không liên quan đến khả năng thanh toán của bên mua hàng.
2. Đơn vị bao thanh toán được thực hiện bao thanh toán trong nước và bao thanh toán xuất - nhập khẩu.
Điều 12. Phương thức bao thanh toán
1. Bao thanh toán từng lần: Đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng thực hiện các thủ tục cần thiết và ký hợp đồng bao thanh toán đối với các khoản phải thu của bên bán hàng.
2. Bao thanh toán theo hạn mức: Đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng thoả thuận và xác định một hạn mức bao thanh toán duy trì trong một khoảng thời gian nhất định.
3. Đồng bao thanh toán: hai hay nhiều đơn vị bao thanh toán cùng thực hiện hoạt động bao thanh toán cho một hợp đồng mua, bán hàng, trong đó một đơn vị bao thanh toán làm đầu mối thực hiện việc tổ chức đồng bao thanh toán.
Điều 13. Quy trình hoạt động bao thanh toán:
1. Hoạt động bao thanh toán được thực hiện theo các bước chính như sau:
a. Bên bán hàng đề nghị đơn vị bao thanh toán thực hiện bao thanh toán các khoản phải thu;
b. Đơn vị bao thanh toán thực hiện phân tích các khoản phải thu, tình hình hoạt động và khả năng tài chính của bên bán hàng và bên mua hàng;
c. Đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng thoả thuận và ký kết hợp đồng bao thanh toán.
d. Đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng đồng ký gửi văn bản thông báo về hợp đồng bao thanh toán cho bên mua hàng và các bên liên quan, trong đó nêu rõ việc bên bán hàng chuyển giao quyền đòi nợ cho đơn vị bao thanh toán và hướng dẫn bên mua hàng thanh toán trực tiếp cho đơn vị bao thanh toán.
đ. Bên mua hàng gửi văn bản cho bên bán hàng và đơn vị bao thanh toán xác nhận về việc đã nhận được thông báo và cam kết về việc thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán.
e. Bên bán hàng chuyển giao bản gốc hợp đồng mua, bán hàng, chứng từ bán hàng và các chứng từ khác liên quan đến các khoản phải thu cho đơn vị bao thanh toán;
g. Đơn vị bao thanh toán chuyển tiền ứng trước cho bên bán hàng theo thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán;
h. Đơn vị bao thanh toán theo dõi, thu nợ từ bên mua hàng
i. Đơn vị bao thanh toán tất toán tiền với bên bán hàng theo quy định trong hợp đồng bao thanh toán;
k. Giải quyết các vấn đề tồn tại phát sinh khác.
2. Đối với hoạt động bao thanh toán xuất-nhập khẩu: qui trình nghiệp vụ bao thanh toán có thể được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được thực hiện thông qua đơn vị bao thanh toán nhập khẩu. Đơn vị bao thanh toán nhập khẩu chịu trách nhiệm phân tích khoản phải thu, tình hình hoạt động, khả năng tài chính của bên mua hàng là bên nhập khẩu trong hợp đồng xuất-nhập khẩu; thực hiện việc thu nợ theo uỷ quyền của đơn vị bao thanh toán xuất khẩu và cam kết sẽ thanh toán thay cho bên nhập khẩu trong trường hợp bên nhập khẩu không có khả năng thanh toán khoản phải thu.
Trường hợp hoạt động bao thanh toán thực hiện qua đơn vị bao thanh toán nhập khẩu, đơn vị bao thanh toán xuất khẩu và đơn vị bao thanh toán nhập khẩu phải thoả thuận và ký kết một hợp đồng riêng phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên.
Điều 14. Qui định về đồng tiền được sử dụng trong hoạt động bao thanh toán
Các giao dịch bao thanh toán được thực hiện bằng Đồng Việt Nam. Đối với các giao dịch bao thanh toán thực hiện bằng ngoại tệ, đơn vị bao thanh toán, bên bán hàng và bên mua hàng phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Điều 15. Lãi và phí trong hoạt động bao thanh toán
Lãi và phí trong hoạt động bao thanh toán do các bên thoả thuận tại hợp đồng bao thanh toán, gồm:
1. Lãi được tính trên số vốn mà đơn vị bao thanh toán ứng trước cho bên bán hàng phù hợp với lãi suất thị trường.
2. Phí được tính trên giá trị khoản phải thu để bù đắp rủi ro tín dụng, chi phí quản lý sổ sách bán hàng và các chi phí khác.
Điều 16. Bảo đảm cho hoạt động bao thanh toán
Đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng thoả thuận áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm cho hoạt động bao thanh toán. Các hình thức bảo đảm bao gồm: ký quỹ, cầm cố, thế chấp tài sản, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba và các biện pháp bảo đảm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Các quy định về gia hạn thanh toán và chuyển nợ quá hạn trong bao thanh toán
Các quy định về gia hạn thanh toán và chuyển nợ quá hạn trong bao thanh toán được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 18. Quy định về thuế
Các quy định về thuế đối với hoạt động bao thanh toán được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Các khoản phải thu không được bao thanh toán
Những khoản phải thu sau đây không được thực hiện bao thanh toán:
1. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá bị pháp luật cấm;
2. Phát sinh từ các giao dịch, thoả thuận bất hợp pháp;
3. Phát sinh từ các giao dịch, thoả thuận đang có tranh chấp;
4. Phát sinh từ các hợp đồng bán hàng dưới hình thức ký gửi;
5. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày.
6. Các khoản phải thu đã được gán nợ hoặc cầm cố, thế chấp.
7. Các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng.
Điều 20. Quy định về an toàn
1. Hoạt động bao thanh toán phải bảo đảm các quy định về an toàn tại Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước;
2. Tổng số dư bao thanh toán cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của đơn vị bao thanh toán. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổng số dư bao thanh toán cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
3. Số dư các khoản phải thu mà đơn vị bao thanh toán nhập khẩu bảo lãnh thanh toán cho 01 bên nhập khẩu phải nằm trong giới hạn tổng số dư bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho 01 khách hàng theo quy định tại Quy chế Bảo lãnh ngân hàng.
4. Trường hợp nhu cầu bao thanh toán của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của đơn vị bao thanh toán thì các đơn vị bao thanh toán được thực hiện đồng bao thanh toán cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
5. Tổng số dư bao thanh toán không được vượt quá vốn tự có của đơn vị bao thanh toán.
Chương III
HỢP ĐỒNG BAO THANH TOÁN
Điều 21. Hợp đồng bao thanh toán
1. Hợp đồng bao thanh toán là văn bản thoả thuận giữa đơn vị bao thanh toán và bên bán hàng về việc mua lại các khoản phải thu phù hợp với các quy định của pháp luật.
2. Hợp đồng bao thanh toán có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nếu các bên liên quan có thoả thuận.
Điều 22. Nội dung hợp đồng bao thanh toán
Hợp đồng bao thanh toán bao gồm các nội dung chính sau:
1. Tên, địa chỉ, điện thoại, Fax..... của các bên ký hợp đồng bao thanh toán;
2. Giá trị các khoản phải thu được bao thanh toán, quyền và lợi ích liên quan đến khoản phải thu theo hợp đồng mua, bán hàng;
3. Lãi và phí bao thanh toán;
4. Giá mua, bán khoản phải thu: được xác định trên cơ sở giá trị khoản phải thu sau khi trừ đi lãi và phí bao thanh toán.
5. Số tiền ứng trước và phương thức thanh toán;
6. Thông báo về việc bao thanh toán cho bên mua hàng và các bên có liên quan;
7. Hình thức bảo đảm cho đơn vị bao thanh toán truy đòi lại số tiền đã ứng trước, giá trị tài sản làm bảo đảm;
8. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng bao thanh toán;
9. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
10. Phương thức chuyển giao hợp đồng mua, bán hàng, chứng từ bán hàng, quyền, lợi ích và các giấy tờ liên quan đến khoản phải thu được bao thanh toán;
11. Quy định về việc truy đòi của đơn vị bao thanh toán;
12. Giải quyết tranh chấp phát sinh;
13. Các thoả thuận khác.
Chương IV
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bao thanh toán
1. Quyền của đơn vị bao thanh toán:
a. Được yêu cầu bên bán hàng cung cấp các thông tin và tài liệu liên quan đến khoản phải thu, khả năng tài chính và tình hình hoạt động của bên bán hàng;
b. Được yêu cầu bên bán hàng chuyển giao toàn bộ bản gốc hợp đồng mua, bán hàng, chứng từ bán hàng, quyền, lợi ích và các giấy tờ có liên quan đến khoản phải thu được bao thanh toán;
c. Có quyền đòi nợ đối với bên mua hàng theo giá trị khoản phải thu được bao thanh toán và được hưởng các quyền và lợi ích khác mà người bán hàng được hưởng theo quy định tại hợp đồng mua, bán hàng;
d. Được chuyển quyền đòi nợ, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng bao thanh toán có thoả thuận không được chuyển giao quyền đòi nợ.
2. Nghĩa vụ của đơn vị bao thanh toán:
a. Thông báo cho bên mua hàng và các bên có liên quan theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 13 của Quy chế này;
b. Thanh toán cho bên bán hàng theo giá mua khoản phải thu đã được thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán;
c. Chịu toàn bộ rủi ro khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu trong trường hợp thực hiện bao thanh toán không có quyền truy đòi.
d. Thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán.
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của bên bán hàng
1. Quyền của bên bán hàng:
Nhận tiền thanh toán của đơn vị bao thanh toán theo giá mua, bán khoản phải thu đã thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán;
2. Nghĩa vụ của bên bán hàng:
a. Cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực thông tin, tài liệu và báo cáo theo yêu cầu của đơn vị bao thanh toán;
b. Thông báo cho bên mua hàng và các bên có liên quan theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 13 của Quy chế này;
c. Chịu rủi ro khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản phải thu trong trường hợp bao thanh toán có quyền truy đòi.
d. Chuyển giao đầy đủ và đúng hạn cho đơn vị bao thanh toán hợp đồng mua, bán hàng, chứng từ bán hàng, quyền, lợi ích và các giấy tờ khác có liên quan đến khoản phải thu được bao thanh toán theo thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán;
e. Thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán và hợp đồng mua, bán hàng.
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của bên mua hàng
1. Quyền của bên mua hàng:
a. Được thông báo về việc bao thanh toán;
b. Không thay đổi về quyền lợi và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng mua, bán hàng, ngoại trừ bên nhận tiền thanh toán khoản phải thu. Việc điều chỉnh các điều khoản quy định tại hợp đồng mua, bán hàng phải được bên mua hàng chấp thuận bằng văn bản.
2. Nghĩa vụ của bên mua hàng:
a. Xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận được thông báo và cam kết thanh toán theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 13; trường hợp từ chối thanh toán phải có lý do xác đáng và phải thông báo bằng văn bản ngay cho bên bán hàng và đơn vị bao thanh toán.
b. Thanh toán cho đơn vị bao thanh toán theo đúng các điều khoản quy định tại hợp đồng mua, bán hàng.
c. Không được đòi lại số tiền đã thanh toán cho đơn vị bao thanh toán trong trường hợp bên bán hàng không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các điều khoản quy định tại hợp đồng mua, bán hàng, trừ trường hợp đơn vị bao thanh toán cố tình thanh toán khoản chi trả của bên mua hàng cho bên bán hàng sau khi đã được bên mua hàng thông báo về việc bên bán hàng có hành vi vi phạm hợp đồng mua, bán hàng.
Chương V
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 26. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Quy chế này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của đơn vị bao thanh toán: Căn cứ vào Quy chế này và các qui định của văn bản pháp luật có liên quan, đơn vị bao thanh toán ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ bao thanh toán cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm và Điều lệ của mình.
2. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước:
a. Vụ Các Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố:
- Tiếp nhận hồ sơ xin phép hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng theo đúng trình tự và thủ tục được quy định tại Chương II mục 1 của Quy chế này.
- Phối hợp với các Vụ có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thống đốc quyết định việc cho phép Tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán.
b. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:
- Phối hợp và cung cấp cho Vụ Các Ngân hàng về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định cho phép Tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán.
- Tổ chức thanh tra, giám sát việc thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán; Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại Quy chế này.
c. Vụ Chính sách tiền tệ:
- Hướng dẫn các quy định về gia hạn thanh toán và chuyển nợ quá hạn trong bao thanh toán của Tổ chức tín dụng.
- Quy định chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động bao thanh toán cho các đơn vị có thẩm thẩm quyền thuộc Ngân hàng Nhà nước.
d. Vụ Kế toán - Tài chính: hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ bao thanh toán của các tổ chức tín dụng.
e. Vụ Tín dụng: hướng dẫn các đơn vị bao thanh toán thực hiện đồng bao thanh toán.
Điều 28. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.