THÔNG TƯ
Quy định và hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo
về công tác dân tộc
Căn cứ Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09/5/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê, tổng hợp áp dụng với Bộ, ngành;
Ủy ban Dân tộc quy định và hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc trên phạm vi cả nước
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ) thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.
3. Các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
4. Cơ quan Công tác Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ban Dân tộc).
Điều 3. Yêu cầu và hình thức gửi thông tin, báo cáo
1. Các thông tin, báo cáo được thực hiện thường xuyên, kịp thời, chính xác và trung thực; thực hiện chế độ bảo mật theo quy định hiện hành.
2. Nội dung thông tin, báo cáo ngắn gọn, đầy đủ theo yêu cầu của từng loại báo cáo được quy định cụ thể tại chương II của Thông tư này.
3. Chế độ thông tin, báo cáo: được thực hiện bằng văn bản gửi theo đường bưu điện về địa chỉ: Ủy ban Dân tộc – số 80, Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội và gửi file công văn điện tử vào địa chỉ email: vutonghop@cema.gov.vn (công văn điện tử ghi rõ họ tên, chức vụ, người soạn thảo và người phê duyệt trước khi gửi).
Điều 4. Các loại báo cáo
1. Báo cáo định kỳ:
a) Báo cáo tháng;
b) Báo cáo quý;
c) Báo cáo 6 tháng đầu năm (bao gồm cả báo cáo tháng 6);
d) Báo cáo năm (bao gồm cả báo cáo tháng 12);
e) Báo cáo kế hoạch nhiệm vụ hằng năm, 5 năm và giai đoạn.
2. Báo cáo đột xuất.
3. Báo cáo chuyên đề
Điều 5. Hệ thống tin học hóa dữ liệu văn bản
Hệ thống báo cáo của các cơ quan, đơn vị và của Ủy ban Dân tộc được tin học hóa phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thuận tiện cho việc xử lý, tra cứu và được áp dụng theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Báo cáo định kỳ
1. Báo cáo tháng
a) Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các Vụ: đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc và các Ban Dân tộc.
b) Nội dung báo cáo:
- Báo cáo của các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc
Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Ủy ban giao; sự phối kết hợp của các Vụ, đơn vị liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong tháng được giao; những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân tồn tại; nhiệm vụ công tác tháng sau và giải pháp thực hiện.
Phần số liệu: Các số liệu liên quan đến tình hình thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong tháng và lũy kế đến tháng báo cáo.
- Báo cáo của Ban Dân tộc
Tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội và đời sống; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
Tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, dự án, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo; các Bộ, ngành Trung ương quản lý, chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc; công tác xóa đói giảm nghèo; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kế hoạch công tác tháng sau và những giải pháp thực hiện.
Phần số liệu: Các số liệu liên quan đến tình hình thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong tháng và lũy kế đến tháng báo cáo.
c) Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 25 hằng tháng.
2. Báo cáo quý
a) Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc và các Ban Dân tộc.
b) Nội dung báo cáo:
- Báo cáo của các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong quý về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; dự kiến nhiệm vụ công tác của quý tiếp theo và giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đối với báo cáo quý III bổ sung thêm nội dung xây dựng kế hoạch năm sau.
Phần số liệu: Kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được thực hiện theo Biểu số 4.
- Báo cáo của Ban Dân tộc
Tổng hợp, đánh giá tình hình chính trị, kinh tế - xã hội; tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, tình hình di dân tự do, các hoạt động về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào vùng dân tộc; sự phối hợp của các Sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện công tác dân tộc.
Tình hình thực hiện các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Dân tộc giao cho địa phương thực hiện. Những đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác dân tộc, nhiệm vụ của quý tới. Đối với báo cáo quý III thêm phần nội dung xây dựng kế hoạch năm sau.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện theo các Biểu số 4, 5, 9.
c) Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 20 của tháng cuối quý.
3. Báo cáo 6 tháng
a) Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
b) Nội dung báo cáo:
- Báo cáo của các Bộ
Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, Chỉ thị; Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện.
Kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc về công tác dân tộc.
Phần số liệu: do các Bộ chỉ đạo thực hiện theo biểu riêng của từng Bộ hoặc theo mẫu Biểu số 4.
- Báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh
Tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, nêu phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về công tác dân tộc với các nội dung chủ yếu sau:
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện công tác dân tộc; kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn;
Tổng hợp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng dân tộc: Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; hoạt động dịch vụ thương mại, phát triển ngành nghề, công tác giáo dục và đào tạo; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng và các lễ hội truyền thống; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp luật; tình hình đời sống của đồng bào và thực hiện chính sách an sinh xã hội; tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
Các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương trong về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện theo các Biểu số 4, 5, 8, 9.
- Báo cáo của các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong 6 tháng.
Dự kiến nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm và giải pháp tổ chức thực hiện.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc theo Biểu số 4.
c) Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 20 tháng 6 hằng năm.
4. Báo cáo năm
a) Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc
b) Nội dung báo cáo:
- Báo cáo của các Bộ
Tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện.
Kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Ủy ban Dân tộc về công tác dân tộc.
Phần số liệu: do các Bộ chỉ đạo thực hiện theo biểu riêng của từng Bộ hoặc theo mẫu Biểu số 4.
- Báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh
Tổng hợp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc cả năm, phương hướng và nhiệm vụ của năm sau. Trong đó bổ sung thêm một số nội dung: Khái quát đặc điểm tình hình chung của địa phương (địa giới hành chính, phân định các khu vực theo trình độ phát triển, dân số, thành phần dân tộc, tôn giáo); cơ cấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế, các thế mạnh của địa phương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh và riêng vùng dân tộc. Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện theo các Biểu số 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11.
- Báo cáo của các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm.
Dự kiến nhiệm vụ, kế hoạch nhiệm vụ năm sau và giải pháp tổ chức thực hiện.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc theo Biểu số 4.
c) Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
5. Báo cáo kế hoạch nhiệm vụ hằng năm, 5 năm và giai đoạn
a) Cơ quan, đơn vị thực hiện: Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
b) Nội dung báo cáo: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; các chính sách, chương trình, dự án; nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và Ủy ban Dân tộc, giao thực hiện hằng năm, 5 năm hoặc trong giai đoạn cụ thể.
Phần số liệu: Tổng hợp kết quả thực hiện theo Biểu 1, 2, 3.
c) Thời gian báo cáo:
- Báo cáo năm gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm thực hiện kế hoạch.
- Báo cáo kế hoạch 5 năm, giai đoạn gửi trong tháng đầu năm của năm thứ nhất thực hiện kế hoạch.
Điều 7. Báo cáo đột xuất
1. Báo cáo theo nội dung yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Ủy ban Dân tộc.
2. Báo cáo trong trường hợp có vụ việc đột xuất (thiên tai và thiệt hại do thiên tai; diễn biến bất bình thường về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, vùng dân tộc thiểu số; chặt phá rừng, di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật …).
Nội dung Báo cáo:
- Tóm tắt tình hình diễn biến của sự việc và nguyên nhân phát sinh;
- Những biện pháp đã áp dụng để xử lý và kết quả việc xử lý;
- Những đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.
3. Thời gian báo cáo: Báo cáo ngay khi có sự việc xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Gửi thông tin, báo cáo bằng phương tiện nhanh nhất, cập nhật thường xuyên diễn biến sự việc, tránh tình trạng báo cáo sự việc khi đã kết thúc.
Điều 8. Báo cáo chuyên đề
Báo cáo chuyên đề áp dụng đối với những nhiệm vụ, công tác theo yêu cầu của Ủy ban Dân tộc. Nội dung báo cáo từng chuyên đề sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc và cơ quan Công tác Dân tộc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo nội dung của Thông tư này.
Điều 10. Vụ Tổng hợp chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
1. Xử lý, tổng hợp thông tin, báo cáo của các cơ quan, đơn vị theo nội dung chương II của Thông tư này.
2. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện Thông tư.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bãi bỏ Quyết định số 291/QĐ-UBDT ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc ban hành các quy định chế độ báo cáo của Ủy ban Dân tộc.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.