Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ( sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-TTg ngày 09/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình tại Công văn số 463/TP-NV ngày 11/10/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:  Ban hành kèm theo Quyết đinh này bản “ Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000”.

Điều 2: Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Quyết đinh này.

Điều 3: Chánh Văn Phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Đinh Hữu Cường

KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000

(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-UB ngày 10/11/2000 của UBND tỉnh)

________________________

Ngày 09/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/2000/CT-TTg về việc tổ chức thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó đã xác định  ngay từ quý III năm 2000, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp phải lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Luật Hôn nhân và Gia đình trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình; coi đây là 1 nhiệm vụ trọng tâm của công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong 6 tháng cuối năm 2000 và cả năm 2001.

Thực hiện Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình  năm 2000 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Hôn nhân và Gia đình 1 cách thường xuyên, sâu rộng trong cán bộ, công nhân, viên chức, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn, cụm dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình, trên cơ sở đó làm cho mọi người hiểu rõ những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung và Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết tình trạng hôn nhân thực tế để tự giác, chủ động chấp hành.

2. Hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình cần đa dạng, phong phú, đổi mới, có chiều sâu, tránh lối tuyên truyền, phổ biến mang nặng tính hình thức, bề nổi mà hiệu quả không cao.

3. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình ; trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

II. NHỮNG NỘI DUNG CẦN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986.

2. Những tư tưởng, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng như những nguyên tắc cơ bản của Luật.

3. Những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản và những điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình  năm 2000 so với Luật Hôn nhân và Gia đình  năm 1986.

III. CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000

Tuỳ theo đối tượng tuyên truyền, phổ biến và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mà có những hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp như:

- Tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan đơn vị, đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở...

- Tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về Luật Hôn nhân và Gia đình; các chương trình ngoại khoá về Luật này trong trường học; các cuộc thi tìm hiểu Luật.

- Tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng.

- Biên soạn tài liệu, tóm tắt giới thiệu những nội đung của Luật Hôn nhân và Gia đình.

 - Thành lập các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, tăng cường hoạt động tư vấn pháp lý về hôn nhân và gia đình.

- Tổ chức các phiên toà xét xử lưu động, các chuyến trợ giúp pháp lý đến vùng sâu, vùng cao...

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN:

A. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

Đây là 1 nhiệm vụ quan trọng của công tác PBGDPL vào cuối năm 2000, năm 2001và những năm tiếp theo, do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thị ( cơ quan tham mưu là Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp) có trách nhiệm chỉ đạo các thành viên xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản hướng dẫn khác. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ lãnh đạo chính quyền cơ sở. Tổ chức biên soạn đề cương, tài liệu giới thiệu Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Sở Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Hôn nhân và Gia đình cho thẩm phán, kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Hộ tịch viên và các cán bộ Tư pháp khác để đảm bảo việc áp dụng thống nhất và giám sát việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Tổ chức các phiên toà xét xử lưu động, các buổi trợ giúp pháp lý lưu động nhất là cho vùng sâu, vùng xa..

3. Uỷ ban MTTQVN tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh, Uỷ ban DS và KHHGĐ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Bình tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị quyết của Quốc Hội về thi hành Luật này cho mọi tầng lớp nhân dân. Chú ý việc triển khai ở cơ sở, đồng bào vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng cao, vùng nông thôn.

4. Các phương tiện thông tin đại chúng có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình từ nay cho đến hết năm 2001 và những năm tiếp theo. Tăng cường các chuyên mục, thời lượng phát sóng, đăng tải các nội dung và điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Sở Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện các quy tắc sinh hoạt cộng đồng liên quan và phù hợp với các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

5. Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân về Luật Hôn nhân và Gia đình; bổ sung; cấp phát tài liệu mới về Luật Hôn nhân và Gia đình  cho các trường học.

6. Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Tư pháp lập kế hoạch, dự toán kinh phí phục vụ cho công tác triển khai thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và công tác rà soát hệ thống hoá các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình.

7. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng phối hợp phổ biến công tác giáo dục pháp luật cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiến hành phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình trên địa bàn mình.  

B.THỜI GIAN THỰC HIỆN:

Trong tháng 10, 11 năm 2000 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật ở tỉnh, 7 huyện, thị xã.

- Từ tháng 12/2000 tất cả các đơn vị, địa phương đều tổ chức cho cán bộ, công chức và nhân dân ở cơ quan và đơn vị, địa phương mình học tập, quán triệt Luật Hôn nhân và Gia đình. Các năm tiếp theo tuỳ điều kiện, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tiếp tục triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình bằng các hình thức thích hợp.

Nhận được kế hoạch này, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp). Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo cho UBND tỉnh./.