Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội huyện Quảng Trạch thời kỳ 2001-2010

________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 2371 QĐ/UB ngày 08/12/1999 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ bổ sung hoàn chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể KTXH đến năm 2010 của các ngành và huyện thị;

Căn cứ Quyết định số 25/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KTXH toàn tỉnh thời kỳ 2001-2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 406/KHĐT-TH ngày 11/12/2000 và đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch tại công văn số 187/ TT-UB ngày 28/11/2000.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể Kinh tế - Xã hội huyện Quảng Trạch giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I - MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2010:

1. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2001- 2010 là 10,5 - 11%.

2. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010 như sau: Nông lâm ngư: 22,5%, CN - XD: 48% và dịch vụ thương mại: 29,5%.

3. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thời kỳ 2001-2010 tăng bình quân hàng năm 5 - 5,5%.

4. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN thời kỳ 2001 -2010 tăng bình quân hàng năm 13,5 - 14%.

5. Giá trị thương mại dịch vụ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2010 là 11,5 - 12%.

6. Sản lượng lương thực ( có hạt ) đạt 55 ngàn tấn.

7. Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm đạt 12 - 13%.

8. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1%.

9. Phổ cập trung học cơ sở cho toàn huyện.

10. Cơ bản xoá hộ đói, giảm hộ nghèo còn 1,5 -2%.

11. Số xã có Bác sĩ đạt 100%.

12. Hàng năm giải quyết việc làm cho 4.000 - 4.500 lao động.

13. Giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỜI KỲ 2001 - 2010:

1/ Định  hướng phát triển chủ yếu:

Huy động ở mức cao mọi nguồn lực của địa phương, của mọi thành phần kinh tế, sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế để phát triển KTXH nhằm khai thác tốt các lợi thế về tiềm năng đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn...Nâng cao nhịp độ tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng bước tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Chú trọng phát triển lĩnh vực văn hoá xã hội, nâng cao mức sống và trình độ dân trí đồng đều trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào miền núi, miền biển, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, xây dựng đời sống xã hội miền núi ngày càng văn minh. Tăng cường công tác an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

2. Những lĩnh vực cụ thể:

- Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Phát triển nông nghiệp toàn diện, coi trọng đảm bảo an ninh lương thực và tăng nhanh nông sản hàng hoá, nhất là hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu. Phát triển mạnh cây công nghiệp, cây ăn quả (Hồ tiêu, lạc, ớt, mía...), chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng công tác giống và thuỷ lợi, đưa các tiến bộ kỹ thuật đến với các hộ nông dân nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản. Đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn gia súc gia cầm, phát triển ngành nghề tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ở nông thôn. Đẩy mạnh việc cải tạo và nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hệ thống giao thông, hạ tầng nông thôn. Chú trọng hơn nữa việc bảo vệ rừng phòng hộ, khôi phục rừng ngập mặn, trồng và chăm sóc rừng gắn với công tác ĐCĐC nhằm ổn định đời sống đồng bào miền núi. Tăng cường đầu tư phát triển, cả đánh bắt, nuôi trồng và dịch vụ thuỷ sản để tăng nhanh nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, mặt khác phải gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

Tập trung phát triển những ngành có lợi thế trên địa bàn như sản xuất xi măng, vật  liệu xây dựng, khai thác đá, cát, sạn, phân lân vi sinh, chế biến nông lâm ngư, nhất là chế biến hải sản xuất khẩu, đóng và sửa chữa tàu thuyền, phát triển cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sửa chữa điện tử và đồ gia dụng. Từng bước nâng công suất, đổi mới thiết bị công nghệ các cơ sở hiện có trên địa bàn, mặt khác khôi phục và mở rộng sản xuất các mặt hàng truyền thống khác trong nông thôn như mặt mây, nón lá, đồ tre đan, muối, nhằm thu hút lao động tại chỗ, tạo thêm việc làm, phát triển sản xuất hàng hoá.

- Phát triển các ngành dịch vụ:

Phát triển mạng lưới thương mại và dịch vụ đều khắp, tập trung xây dựng chợ Ba Đồn thành trung tâm thương mại lớn phía Bắc của tỉnh, ngoài ra cần xây dựng các chợ trung tâm của các tiểu vùng, củng cố và mở rộng các chợ nông thôn nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá, dịch vụ và mở rộng sản xuất trên địa bàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển dịch vụ thương mại đến tận bản làng, đưa các mặt hàng thiết yếu đến với đồng bào miền núi. Tổ chức tốt mạng lưới thu mua hàng hải sản, nông sản để tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu trên địa bàn.

Đầu tư tôn tạo, nâng cấp tạo nên các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hoá, xây dựng các cơ sở dịch vụ, khách sạn để thu hút khách du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thông tin liên lạc, bưu chính, vận tải và các loại hình dịch vụ khác. Phát triển các hoạt động tài chính, ngân hàng nhằm khai thác mọi nguồn thu và cung cấp dịch vụ cho các thành phần kinh tế.

- Phát triển cơ sở hạ tầng:

Đầu tư xây dựng thị trấn Ba Đồn thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của các huyện phía Bắc, theo hướng trở thành thị xã.

Huy động tối đa các nguồn vốn nội lực, tăng cường thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, cần ưu tiên cho các xã thường xẩy ra ngập lụt, bị lũ quét uy hiếp, bảo đảm phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Thực hiện tốt phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời tranh thủ nguồn vốn các tổ chức quốc tế đến năm 2010 hệ thống giao thông nông thôn đều được nâng cấp, hệ thống giao thông qua vùng ngập lụt đều được cứng hoá, đảm bảo thông suốt giữa các vùng trong mùa mưa lũ. Cần ưu tiên đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão và hạ tầng khu vực Hòn La để từng bước xây dựng thành Cảng thương mại Hòn La, đầu tư có hiệu quả  chương trình kiên cố hoá kênh  mương đảm bảo cấp đủ  nước cho sản xuất. Tích cực phát triển lưới điện để đưa điện đến phục vụ các thôn bản, phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% số xã có điện. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước cho thị trấn và các vùng lân cận, phát triển hệ thống cấp nước sạch cho các xã miền núi, cồn bãi, phấn đấu đến năm 2010 có trên 90% dân cư được dùng nước sạch. Phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông hiện đại hoá thiết bị viễn thông, phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% số xã có điện thoại và nhà bưu điện văn hoá. Nâng cấp hệ thống các trường học,  bệnh viện, trạm y tế, tăng cường cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, TDTT.

- Phát triển về văn hoá - xã hội:

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các ngành học, cấp học, huy động học sinh vào học các cấp với tỷ lệ ngày càng tăng, tiếp tục phát triển giáo dục phổ thông bằng nhiều loại hình với quy mô thích hợp nhằm nâng cao dân trí cho mọi người, chú trọng đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo lại cho lực lượng cán bộ nhằm phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH của huyện.

Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, thực hiện tốt công tác  phòng bệnh và chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám và điều trị chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nhất là đồng bào miền núi, hạn chế có hiệu quả các loại dịch bệnh xảy ra và đi đến thanh toán các bệnh xã hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới dịch vụ KHHGĐ từ huyện xuống cơ sở nhất là các xã đặc biệt khó khăn, miền núi.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, phát triển phong trào văn hoá quần chúng, đồng thời tích cực đưa VHTT về cơ sở, ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội. Tạo bước chuyển biến rộng khắp trong hoạt động thể dục - thể thao làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển TDTT từ huyện xuống xã, nâng cấp trạm phát lại truyền hình để phục vụ tốt hơn cho mọi người dân.

Đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm, tạo việc làm cho mọi người. Tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói giảm nghèo, phấn đấu đến  năm 2010 cơ bản xoá hộ đói, giảm hộ nghèo còn 1,5 - 2%.

Thực hiện tốt chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng, với đồng bào miền núi và người già, người tàn tật không nơi nương tựa.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm đảm bảo cho nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, mặt khác tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đa dạng hoá hình thức huy động vốn, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, động viên các nguồn lực trong các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn để tăng hiệu quả vốn đầu tư.

- Tích cực tìm kiếm thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh bạn, huyện bạn để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

- Mở rộng công tác thông tin, khuyến nông, khuyến ngư đến tận thôn bản, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông, ngư nghiệp vào sản xuất, phát triển  mạnh kinh tế trang trại, kinh tế vườn..

- Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm nghiệp, đất nông thôn để tạo điều kiện cho các hộ gia đình yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh và được vay vốn sản xuất.

- Tăng cường đổi mới công tác quản lý, thường xuyên chăm lo công tác đào tạo cán bộ kế cận, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân kỹ thuật mặt khác có chính sách thu hút cán bộ, công nhân bậc cao về làm việc trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH trước mắt và lâu dài.

- Nâng cao hiệu lực chỉ đạo điều hành thực hiện công tác quy hoạch của UBND huyện theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công.

- Định hướng trong quy hoạch cần được thể hiện bằng các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và được xây dựng bằng các chương trình dự án phát triển, dự án đầu tư và có bước đi thích hợp cho từng thời kỳ.

 Điều 2:  Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy hoạch tổng thể KT-XH của huyện Quảng Trạch.

- Các Sở, Ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình cùng với UBND huyện tổ chức chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chương trình dự án của ngành mình trên địa bàn huyện Quảng Trạch theo mục tiêu, nội dung, chương trình của quy hoạch đề ra.

- UBND huyện Quảng Trạch căn cứ vào nội dung quy hoạch, phối hợp với các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn của huyện nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Điều 3: Chánh Văn Phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Trạch, thủ trưởng đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Hữu Cường