Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

________________________________

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông còn ở mức cao, có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Hàng năm các cơ quan, Ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế một bước nhưng không bảo đảm độ bền vững. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu tính tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, do đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Để tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông (sau đây gọi là Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP), kiên quyết ngăn chặn và hạn chế tai nạn giao thông trong năm 2010 và các năm tiếp theo, đặc biệt bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, đảm bảo cho nhân dân vui xuân an toàn, thuận lợi, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ban An toàn giao thông tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban ATGT), các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thuỷ, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về Kế hoạch hành động số 337/UBATGTQG ngày 14 tháng 10 năm 2009 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thực hiện quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong năm 2010 nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh quán triệt đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức và lao động đơn vị gương mẫu tuân thủ, đi đầu thực hiện quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo hoạt động Ban ATGT cùng cấp theo đúng quy chế, đảm bảo nền nếp và hiệu quả; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thuộc quyền quản lý nghiêm túc, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Ban ATGT cùng cấp hoạt động có nền nếp, ổn định và phát huy tính tích cực.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian học chính khoá và ngoại khoá, tuyên truyền các quy định của pháp luật an toàn giao thông cho đối tượng là giáo viên, học sinh và sinh viên. Xử lý kỷ luật nghiêm túc đối với những giáo viên, học sinh, sinh viên cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT.

5. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tăng cường và đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý kiên quyết các phương tiện vận tải khách nội, ngoại tỉnh vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết nguyên đán Canh Dần 2010 và các năm tiếp theo. Bồi dưỡng về nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an cấp xã, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở địa phương.

6. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý công tác đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật phương tiện đường thủy, đường bộ, công tác đào tạo sát hạch cấp bằng và giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa theo quy định của pháp luật, đảm bảo có đội ngũ lái xe, lái thuyền có phẩm chất đạo đức tốt và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; quản lý và bố trí luồng, tuyến vận tải khách hợp lý phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết đón xuân an toàn, thuận lợi.

7. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin và phát sóng truyền hình về chuyên mục an toàn giao thông, đồng thời đưa các gương người tốt, việc tốt và các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác phòng ngừa tai nạn giao thông trong nhân dân, góp phần hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao thông.

Yêu cầu Ban ATGT tỉnh; Giám đốc các Sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện thường xuyên báo cáo kết quả và tình hình thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Ban ATGT tỉnh) để kịp thời theo dõi và chỉ đạo./

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Hoài