Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Ban hành quy chế quản lý thuốc bảo vệ thực vật

________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 11/7/1989;

- Căn cứ Quyết định số 32/CT ngày 21/01/1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thống nhất quản lý thuốc trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp;

- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và đồng chí Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 2: Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Giám đốc Chi cục bảo vệ thực vật và các ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Sự

QUY CHẾ QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Ban hành kèm theo Quyết định số 329/QĐ-UB ngày 02/4/1990

________________________

1. Thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ, trừ chuột... (gọi tắt là thuốc bảo vệ thực vật) do Nhà nước thống nhất quản lý mà trực tiếp là Chi cục bảo vệ thực vật  tỉnh. Các cơ quan Nhà nước, đơn vị tập thể, cá nhân làm dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật  phải có giấy phép của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.

2. Đối với những loại thuốc bảo vệ thực vật có tính bền vững cao, tích luỹ lâu trong nông sản thực phẩm, trong cơ thể con người và động vật...ảnh hưởng nặng đến môi trường sống như ĐDT, 2-4-5 TBHB kỹ thuật... và những loại thuốc mới chưa được khảo sát, chưa có hướng dẫn của Cục trồng trọt và BVTV thì nghiêm cấm các cơ quan đơn vị, tập thể và tư nhân mua bán và lưu hành trên thị trường.

3. Đối với thuốc bảo vệ thực vật nhập từ nước ngoài không qua con đường Nhà nước như tổ chức Việt Kiều đơn vị tập thể các công ty, hãng thuốc nước ngoài, tư nhân đưa vào địa bàn tình thì phải đăng ký với Cục trồng trọt và BVTV. Trước khi lưu hành phải thông qua Chi cục BVTV tỉnh khám nghiệm và kiểm tra chất lượng.

4. Các cơ quan Nhà nước, đơn vị ,tập thể, tư nhân được phép làm dịch vụ thuốc BVTV phải thực hiện đầy đủ những quy định về sấy chai, đóng gói, bảo quản và vận chuyển...như quy định trong Thông tư số 89/QĐ-LB ngày 18/02/1989 của Liên bộ ( Bộ Nội vụ, Y tế, Lao động và Nông nghiệp) về chế độ an toàn vệ sinh phòng độc với thuốc trừ sâu bệnh.

5. Chi cục BVTV tỉnh, các trung tâm BVTV huyện và các tổ chức BVTV tương đương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an, ban quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV trên các mặt.

a) Quy cách, chất lượng, chủng loại, giá thuốc thuộc các đối tượng được phép dịch vụ thuốc BVTV.

b) Kiểm tra hành chính đối với những đơn vị Nhà nước, tập thể, tư nhân đưa thuốc vào địa bàn tỉnh. Nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng mới cho phép lưu hành. Khi nghi ngờ chất lượng thì được phép lấy mẫu phân tích. Trường hợp không đảm bảo chất lượng thì lập biên bản tại chỗ và kiến nghị với UBND các cấp để quyết định biện pháp xử lý theo pháp luật.

c) Đối với những đơn vị, cá nhân buôn bán thuốc BVTV không có giấy phép hoặc buôn bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc cấm dùng trong nông nghiệp thì tuỳ theo tính chất và mức độ sai phạm sẽ bị xử lý 1 trong các hình thức sau:

- Phạt hành chính

- Tịch thu

- Truy tố trước pháp luật.

6. Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV để phát hiện, uốn nắn kịp thời các trường hợp làm không đúng chỉ thị này./.