CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt
động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 23/2010/TT- BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT- BTP), hoạt động bán đấu giá tài sản ở tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Vai trò quản lý nhà nước đối với công tác bán đấu giá tài sản chưa được phát huy đầy đủ, tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá tài sản chưa cao; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước khi có tài sản bán thanh lý không chuyển giao cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Hội đồng bán đấu giá tài sản các huyện, thành phố thành phần chưa hợp lý.
Để thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu :
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP, bảo đảm khách quan, minh bạch, hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BTP cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm vững và thực hiện.
2. Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra, rà soát các quy định liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản đang có hiệu lực để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới thay thế cho phù hợp với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP; tiến hành thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những sai sót trong tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư 23/2010/TT-BTP.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; rà soát việc chuyển giao tài sản nhà nước, tài sản thanh lý, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP;
b) Hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có tài sản nhà nước bán đấu giá thực hiện việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá và chuyển giao tài sản đấu giá cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc hợp đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt theo đúng quy định tại Điều 22 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Điều 23 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP;
4. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức liên quan thực hiện các thủ tục để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất; nghiêm cấm việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa có quy hoạch được phê duyệt, chưa có quyết định thu hồi đất và chưa hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
5. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp và thực hiện việc chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước cho tổ chức bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Thông tư 23/2010/TT-BTP và các quy định pháp luật có liên quan.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Thành lập, kiện toàn, củng cố Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thành phần Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP;
b) Chỉ đạo việc bán đấu giá tài sản theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
c) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về bán đấu giá và hoạt động của Hội đồng bán đấu giá tài sản của cấp mình cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; Báo Quảng Bình tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư 23/2010/TT-BTP và Chỉ thị này đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện.
8. Các Tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Thông tư 23/2010/TT-BTP và các quy định pháp luật có liên quan, tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản; quản lý và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của đấu giá viên trong các cuộc đấu giá; chấp hành đúng thời gian hoàn thành việc đấu giá không được dây dưa, chậm trễ, kéo dài. Báo cáo định kỳ 1 tháng 1 lần và báo cáo kết quả đấu giá từng đợt cho UBND tỉnh và đơn vị liên quan.
Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ:
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND Tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- TT Tin học, Trung tâm Công báo;
- Lưu VT, NC.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Hữu Hoài
|