THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ
đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng
__________________________
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu tại Phụ lục số 01 kèm theo (sau đây gọi tắt là Danh mục cấm nhập khẩu);
b) Quy định nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học;
c) Quy định hoạt động gia công tái chế, sửa chữa các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài theo Điều 36 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là người nhập khẩu) có hoạt động nhập khẩu liên quan đến sản phẩm công nghệ thông tin và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động gia công tái chế, sửa chữa sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng là hoạt động bao gồm các công đoạn sản xuất: thay thế linh kiện, lắp ráp, sửa chữa, phục hồi, nâng cấp chức năng, làm mới các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để có các tính năng tương đương với sản phẩm mới.
2. Sản phẩm công nghệ thông tin tân trang là sản phẩm đã qua sử dụng được sửa chữa, thay thế linh kiện và các công đoạn khác để có chức năng, hình thức tương đương và có chế độ bảo hành như sản phẩm mới. Sản phẩm tân trang phải có nhãn hiệu bằng tiếng Việt ghi rõ sản phẩm tân trang, hoặc bằng tiếng Anh có ý nghĩa tương đương.
Chương II
DANH MỤC CẤM NHẬP KHẨU
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng và quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu
1. Nguyên tắc xây dựng Danh mục cấm nhập khẩu
a) Danh mục cấm nhập khẩu được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hóa và mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;
b) Danh mục cấm nhập khẩu được xây dựng, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật theo từng thời kì.
2. Các quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu
a) Danh mục chỉ cấm nhập khẩu những hàng hóa có mã số HS 8 số. Những mã HS 4 số và 6 số trong Danh mục cấm nhập khẩu chỉ có tác dụng làm rõ nội dung thông tin về chủng loại hàng hóa được quy định cấm bởi mã HS 8 số;
b) Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu;
c) Đối với máy in, máy photocopy kỹ thuật số đa màu, khi nhập khẩu thực hiện quy định của pháp luật về in. Đối với máy photocopy kỹ thuật số đơn sắc (đen trắng) có kết hợp tính năng in hoặc kết hợp tính năng khác đã qua sử dụng, khi nhập khẩu thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Trường hợp nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học
1. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cho phép nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học (bao gồm các hoạt động: nghiên cứu khoa học; làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất).
2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học như sau:
a) Người nhập khẩu có nhu cầu nhập khẩu gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin), địa chỉ: Số 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hồ sơ gồm:
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
- Đơn đề nghị nhập khẩu của người nhập khẩu, trong đó kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng và xác nhận, cam đoan tính xác thực của các nội dung này theo Mẫu 01 của Phụ lục 02 của Thông tư này: 01 (một) bản chính;
- Tài liệu mô tả sản phẩm: 01 (một) bản sao;
- Tài liệu liên quan khác (nếu có).
b) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu. Trường hợp không đồng ý, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Chương III
HOẠT ĐỘNG GIA CÔNG TÁI CHẾ, SỬA CHỮA CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐÃ QUA SỬ DỤNG THUỘC DANH MỤC CẤM NHẬP KHẨU CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Điều 5. Điều kiện thực hiện hoạt động gia công tái chế, sửa chữa các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài
Việc thực hiện hoạt động gia công tái chế, sửa chữa các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là hoạt động gia công) phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Có phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình gia công, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương nơi thực hiện hoạt động phê duyệt.
3. Tái xuất toàn bộ sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài sau quá trình gia công, không được phép tiêu thụ tại Việt Nam.
4. Được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thực hiện hoạt động gia công.
Điều 6. Hồ sơ, thủ tục đề nghị thực hiện hoạt động gia công
1. Hồ sơ đề nghị thực hiện hoạt động gia công bao gồm:
a) Đơn đề nghị thực hiện hoạt động gia công của tổ chức trong đó ghi rõ các nội dung liên quan đến thông tin tổ chức và thông tin hoạt động gia công theo Mẫu 02 của Phụ lục 02 của Thông tư này: 01 (một) bản chính;
b) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư): 01 (một) bản sao có chứng thực;
c) Hồ sơ năng lực của tổ chức bao gồm: hệ thống dây chuyền, thiết bị, thực hiện hoạt động gia công khả thi, hiệu quả đối với từng loại sản phẩm; nhân lực phù hợp với quy mô sản xuất và có đủ năng lực tài chính: 01 (một) bản chính;
d) Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình thực hiện hoạt động gia công đối với từng loại sản phẩm, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này: 01 (một) bản sao có chứng thực.
2. Quy trình, thủ tục đề nghị thực hiện hoạt động gia công:
a) Hồ sơ đề nghị gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin), địa chỉ: Số 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;
b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, có văn bản trả lời chấp thuận cho phép thực hiện hoạt động gia công. Trong trường hợp không cho phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Điều 7. Quy định về thủ tục hải quan và chế độ báo cáo
1. Thủ tục hải quan đối với trường hợp thực hiện hoạt động gia công được áp dụng theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài.
2. Định kỳ hàng năm, tổ chức báo cáo tình hình thực hiện hoạt động gia công theo văn bản cho phép về số lượng hàng nhập khẩu, xuất khẩu và tồn kho theo mẫu tại Phụ lục số 03 của Thông tư này qua mạng Internet và gửi bản sao Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu về Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình thực hiện hoạt động của tổ chức, theo văn bản cho phép.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2015.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 11/2012/TT-BTTTT ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời giải quyết./.