Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My

trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 – 2025

_________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 06

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 6575/TTr-UBND ngày 27 tháng 11năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị quy định cơ chế hỗ trợ phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 – 2025; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-HĐND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và các ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 – 2025 được áp dụng trong phạm vi vùng quy hoạch phát triển và sản xuất chế biến sản phẩm từ Quế Trà My đã phê duyệt tại các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng được hỗ trợ để phát triển vùng nguyên liệu Quế Trà My: Hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các địa phương trong phạm vi điều chỉnh, có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng quế, đảm bảo điều kiện được hỗ trợ.

2. Đối tượng được hỗ trợ để bảo tồn, sản xuất, cung ứng giống gốc Quế Trà My: hộ gia đình, cá nhân có cây Quế Trà My được lựa chọn làm cây trội; hộ gia đình, cá nhân có rừng Quế Trà My được lựa chọn để chuyển hóa thành rừng giống và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống đảm bảo các quy định về sản xuất giống cây trồng.

Điều 3. Nguyên tắc và phương thức hỗ trợ

1. Nhà nước hỗ trợ khuyến khích, nhân dân tự làm là chính. Trên cơ sở dự toán ngân sách tỉnh phân bổ từ đầu năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chi hỗ trợ cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân.

2. Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng Quế theo phương thức hỗ trợ trước đầu tư bằng cây giống phù hợp với phạm vi, đối tượng, điều kiện được hỗ trợ.

3. Hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện bảo tồn, sản xuất giống theo tiến độ trên cơ sở kết quả nghiệm thu kỹ thuật đạt yêu cầu.

4. Kinh phí hỗ trợ cây giống được thanh toán cho các cơ sở sản xuất giống theo số lượng cây con đạt yêu cầu cấp phát đến các hộ, gia đình.

5. Cây giống gieo ươm cấp phát cho các hộ gia đình, cá nhân để trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Danh sách, số lượng cây cấp phát được UBND xã xác nhận để làm cơ sở thanh toán. 

6. Các cơ sở sản xuất giống khi mua hạt giống từ cây trội và các rừng giống chuyển hóa tự thỏa thuận với người cung cấp giống về đơn giá, phương thức chi trả.

Điều 4. Điều kiện hỗ trợ

1. Hộ gia đình, cá nhân có cây trội cam kết chăm sóc, bảo vệ cây trội được hỗ trợ.

2. Hộ gia đình, cá nhân có rừng Quế Trà My được lựa chọn chuyển hóa thành rừng giống, có phương án chuyển hóa rừng giống được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt và phải chấp hành đúng các quy định trong công tác sản xuất giống.

3. Hộ gia đình, cá nhân phát triển cây Quế Trà My

a) Có xác nhận hộ khẩu cư trú tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và có đất sử dụng hợp pháp.

b) Cam kết trồng đúng sơ đồ, diện tích, số lượng cây giống được hỗ trợ và đảm bảo tỷ lệ cây sống từ 85% trở lên (ngoại trừ trường hợp cây chết do các nguyên nhân bất khả kháng). Trường hợp không thực hiện trồng đúng cam kết thì phải bồi thường toàn bộ số tiền được nhận hỗ trợ.

c) Nguồn giống sử dụng phải có xuất xứ từ các cây trội và các rừng giống chuyển hóa được công nhận và chịu sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của cơ quan chức năng.

Điều 5. Cơ chế hỗ trợ

1. Hỗ trợ bảo tồn kết hợp xây dựng nguồn giống

a) Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ cây trội, ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí cho hộ gia đình cá nhân chăm sóc, bảo vệ cây trội để thu hái hạt giống với mức 500.000 đồng/cây/năm. Người dân được hưởng toàn bộ thành quả đối với hạt giống được thu hái từ các cây trội nêu trên.

b) Hỗ trợ kinh phí điều tra, xây dựng phương án; công lao động bình tuyển cây trội, tỉa thưa, chăm sóc, bảo vệ trong 02 năm đầu đối với 08 ha rừng Quế Trà My chuyển hóa thành rừng giống. Trong đó: năm 1 được hỗ trợ tối đa 28.000.000 đồng/ha; năm 2 được hỗ trợ tối đa 12.000.000 đồng/ha. Các năm tiếp theo các hộ tự chăm sóc, bảo vệ, thu hái hạt giống để bán.

2. Hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu (trồng mới)

a) Về cây giống Quế: hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên bằng cây giống, với mức hỗ trợ bằng 80% giá cây giống tại thời điểm hỗ trợ; giá cây giống Quế được tính theo đơn giá do Sở Tài chính phê duyệt hằng năm (cây 01 năm tuổi). Phần còn lại do hộ gia đình, cá nhân chi trả; tùy điều kiện cụ thể, ngân sách huyện, xã có thể hỗ trợ thêm. Kinh phí hỗ trợ được chi trả trực tiếp cho cơ sở gieo ươm nơi hộ gia đình, cá nhân nhận cây giống. Diện tích tối đa được hỗ trợ: 2 ha/hộ; mật độ được hỗ trợ đối với trồng tập trung là 1.100 cây/ha và cây phân tán là 1.000 cây/ha.

b) Hỗ trợ một phần kinh phí giống cây trồng xen và vật tư thiết yếu: Hộ gia đình, cá nhân trồng Quế Trà My trên đất trống được hỗ trợ một lần, với mức hỗ trợ tối đa 5.500.000 đồng/ha (các loại cây ăn quả, cây dược liệu và cây nông nghiệp) để trồng xen khi rừng Quế chưa khép tán. Kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân trồng. Diện tích tối đa hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ: 02 ha; chỉ hỗ trợ trồng tập trung; diện tích liền vùng tối thiếu 0,5 ha.

c) Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng Quế, hộ gia đình, cá nhân trồng Quế tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp

Hộ gia đình (đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 2, Nghị định 75/2015/NĐ-CP) chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng Quế, trồng Quế tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp: được hưởng cơ chế hỗ trợ trồng rừng sản xuất và được hỗ trợ gạo theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định 75/2015/NĐ-CP  ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.

 Hộ gia đình, cá nhân khác trồng Quế tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp: được hưởng cơ chế hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy định tại Điều 5, Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

3. Hỗ trợ triển khai cơ chế, tuyên truyền, tập huấn và chính sách hưởng lợi

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia được tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để triển khai.

b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; được tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình theo các chương trình khuyến nông, giảm nghèo.

c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cơ chế được hưởng toàn bộ sản phẩm làm ra và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm từ cây Quế Trà My được hưởng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ chế hỗ trợ khác theo quy định.

Điều 6. Kế hoạch hỗ trợ phát triển cây Quế Trà My

1. Số cây trội được hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ (bồi dục giống): 90 cây .

2. Diện tích chuyển hóa thành rừng giống: 08 ha.

3. Diện tích hỗ trợ phát triển Quế: 4.017 ha.

4. Diện tích hỗ trợ cây trồng xen và vật tư thiết yếu (60% diện tích trồng tập trung): 1.005 ha.

5. Triển khai, sơ kết, tổng kết cơ chế (37 xã/4 huyện): 40 đợt.

(Có bảng phụ lục 01 đính kèm)

Điều 7. Kinh phí và phân kỳ đầu tư

Tổng kinh phí hỗ trợ: 13.302.700.000 đồng (Mười ba tỷ ba trăm lẻ hai triệu bảy trăm ngàn đồng); trong đó:

1. Hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ cây trội để thu hái hạt giống: 360.000.000 đồng.

2. Hỗ trợ chuyển hóa rừng giống: 320.000.000 đồng.

3. Hỗ trợ phát triển (trồng mới) cây Quế Trà My: 6.695.200.000  đồng.

4. Hỗ trợ giống cây trồng xen canh và vật tư thiết yếu: 5.527.500.000 đồng.

5. Hỗ trợ các hoạt động triển khai, tập huấn, tuyên truyền, sơ kết và tổng kết cơ chế: 400.000.000 đồng.

(Có bảng phụ lục 02 đính kèm)

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Khi các văn bản quy định cơ chế, chính sách dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 12 năm 2017.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2017./. 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Quang