Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

_________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 170/2003 NĐ/CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ/CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2003 NĐ/CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 315 /TTr-STC ngày 04/8/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 39/2005/QĐ-UBND ngày 30/5/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Kế hoach và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải, Tư pháp; Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như điều 3;

- VPCP (b/c);

- Website Chính phủ;  

- Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);       

- TVTU, TTHĐND, UBND tỉnh;

- UBMTTQVN tỉnh;

- Cục KTVB QPPL Bộ Tư pháp;

- Đoàn ĐBQHội tỉnh;

-           VP TU, VP UBND, VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh;

-                 Trung tâm Tin học Công báo tỉnh;

- Đài PTTH và Báo QNam (để tuyên truyền);

- Lưu VT, TH, NC, KTN, KTTH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Lê Minh Ánh

 

 

                                        

QUY ĐỊNH

Quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

(Kèm theo Quyết định số       /2009/QĐ-UBND  ngày      /     /2009

của UBND tỉnh Quảng Nam).

_________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quyết định này quy định về danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập, trình, thẩm định phương án giá và quyết định giá; hồ sơ phương án giá và nội dung phương án giá; hồ sơ và thủ tục hiệp thương giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; đăng ký giá, kê khai giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ; công khai thông tin về giá và quản lý nhà nước về giá.

Điều 2. Nội dung điều hành, quản lý nhà nước về giá.

1. Triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý giá trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách giá phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

2. Triển khai, công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại địa phương.

3. Quyết định giá đối với những tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

4. Tổ chức hiệp thương giá theo yêu cầu, quy định của pháp luật.

5. Kiểm soát các yếu tố hình thành giá, chi phí sản xuất theo quy định của pháp luật về giá.

6. Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá; xử phạt vi phạm pháp luật về giá và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

1. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại điểm 1, khoản 2, Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ và điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá thực hiện theo quy định tại khoản 2, mục I, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Danh mục hàng hóa bình ổn giá tại phụ lục số 1a (đính kèm theo Quy định này).

2. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, bao gồm:

- Gạch xây dựng các loại (gạch thẻ, gạch ống 04 lỗ, 06 lỗ,…)

- Đá xây dựng các loại (đá hộc, đá dăm, đá 4 x 6, đá 1 x 2)

3. Khi giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá nêu tại điều này, có mức tăng hoặc giảm (trường hợp giảm: áp dụng đối với muối ăn do diêm dân sản xuất, thóc) từ 15% đến 20% trở lên, so với giá bán lẻ trên thị trường trước khi có biến động trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục; nguyên nhân do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế,…; các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế, liên kết về giá, đầu cơ, găm hàng hoặc do các tin đồn thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở từng vùng, khu vực hoặc trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ theo danh mục bình ổn giá có biến động phải áp dụng biện pháp bình ổn giá, thì Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương tham mưu UBND tỉnh quyết định công bố áp dụng một hay một số biện pháp bình ổn giá, như:

a) Các biện pháp theo thẩm quyền để điều hòa cung cầu hàng hóa;

b) Các biện pháp tài chính, tiền tệ;

c) Kiểm soát các yếu tố hình thành giá; đăng ký, kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá theo thẩm quyền;

d) Các biện pháp kinh tế, hành chính khác, bao gồm:

- Quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường.

- Phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý vào ngân sách nhà nước hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Quyết định tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá, biện pháp bình ổn giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết. Xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định của pháp luật.

- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành sản phẩm.

Điều 4. Quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc  tham mưu lập, trình, thẩm định phương án giá và quyết định giá theo thẩm quyền.

1. Giá bán Báo Quảng Nam.

Giá bán Báo Quảng Nam do Ban biên tập báo Quảng Nam lập phương án giá, Văn phòng Tỉnh ủy có ý kiến bằng văn bản gởi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

2. Giá bán hoặc giá cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để làm văn phòng hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá cho thuê nhà ở công vụ, do Sở Xây dựng lập phương án giá gởi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

3. Giá bán lẻ điện tại những nơi chưa có điện lưới quốc gia, do đơn vị kinh doanh bán lẻ điện xây dựng đề án đầu tư phát triển lưới điện và lập phương án giá bán lẻ gởi Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Giá nước sạch cho sinh hoạt và cho các mục đích sử dụng khác, do đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch lập phương án giá gởi cho cơ quan quản lý trực tiếp. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp (Sở Xây dựng đối với nước sạch sinh hoạt ở đô thị, khu công nghiệp,... hoặc  Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với nước sạch sinh hoạt nông thôn) gởi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

5. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, do đơn vị kinh doanh trực tiếp thực hiện lập phương án giá, sau khi có ý kiến của các Sở, ngành, địa phương liên quan (nếu có) gởi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

6. Giá rừng, giá cho thuê các loại rừng trên địa bàn tỉnh do Ban Quản lý dự án hoặc đơn vị trực tiếp quản lý lập phương án giá, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến bằng văn bản, gởi Sở Tài chính để tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

7. Giá các loại gỗ tịch thu; gỗ tận thu, tận dụng khai thác từ các công trình do các Ban Quản lý dự án hoặc UBND cấp huyện lập phương án giá gởi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến bằng văn bản gởi Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

 

8. Giá cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

9. Khung giá và Bảng giá các loại đất UBND tỉnh công bố hằng năm do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng gởi Sở Tài chính thẩm định bằng văn bản, để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.

Đối với giá đất của từng dự án hoặc thửa đất cụ thể: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan tham mưu xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thuê mặt nước trình UBND quyết định.

10. Giá sản phẩm, dịch vụ công ích được sản xuất theo đặt hàng, giao kế hoạch; giá hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của nhà nước thuộc ngân sách tỉnh, đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập phương án giá gởi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.

11. Giá các loại hàng hoá, dịch vụ khác (nếu có) do các đơn vị giao quản lý trực tiếp lập phương án giá gởi Sở Tài chính thẩm định hoặc Sở Tài chính phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu lập phương án giá trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 5. Hồ sơ phương án giá, thời hạn thẩm định và quyết định giá.1. Hồ sơ phương án giá, nội dung giải trình phương án giá: thực hiện theo quy định tại điểm 1, 2, 3 mục III, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính (Hồ sơ, biểu mẫu theo phụ lục số 02 đính kèm Quy định này).

2. Thời hạn thẩm định giá và quyết định phê duyệt phương án giá:

2.1. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ phương án giá thực hiện kiểm tra và có ý kiến bằng văn bản về nội dung phương án giá; thời gian là 05 ngày làm việc, gởi Sở Tài chính thẩm định và có văn bản trình UBND tỉnh quyết định. Thời gian Sở Tài chính thẩm định là 07 ngày làm việc; riêng đối với Khung giá và Bảng giá các loại đất để công bố hằng năm thời gian để thẩm định tối thiểu là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, phương án giá.

2.2. Thời gian quyết định phê duyệt phương giá là 05 ngày làmg việc tính từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, phương án giá.

2.3. Trường hợp cần thiết phải kéo dài thêm thời gian thẩm định phương án giá, quyết định giá thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định phương án giá và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá sẽ có văn bản nêu rõ lý do phải kéo dài thêm thời gian để cho cơ quan trình phương án giá biết, thời gian kéo dài thêm không quá 07 ngày làm việc.

Điều 6. Hiệp thương giá.

1. UBND tỉnh giao Sở Tài chính tổ chức hiệp thương giá, khi đảm bảo các điều kiện sau:

          - Có văn bản chỉ đạo yêu cầu hiệp thương giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc văn bản đề nghị hiệp thương giá của một trong hai (hoặc cả hai) bên mua, bán khi các bên này không thỏa thuận được giá mua, giá bán để ký hợp đồng.

- Hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục do nhà nước quyết định giá.

- Hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất, cung ứng trong điều kiện đặc thù, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán và các bên mua, bán phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, thị trường cạnh tranh hạn chế.

2. Hồ sơ, thủ tục và trình tự hiệp thương giá:  thực theo quy định tại khoản 8, Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ và tại điểm 1, 2 mục IV, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Hồ sơ, biểu mẫu hiệp thương giá theo phụ lục số 03 đính kèm theo Quy định này.

Điều 7. Kiểm soát các yếu tố hình thành giá.

Thực hiện theo quy định tại khoản 10, Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ (Điều 22a) và quy định tại các điểm 1, 2, 3 mục V, phần B Thông tư 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Các cơ quan, đơn vị chuyên quản ngành hàng hoặc liên quan trực tiếp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá, bình ổn giá của UBND tỉnh.

Điều 8. Đăng ký giá hàng hóa, dịch vụ.

1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá thực hiện theo phụ lục số 01b đính kèm theo Quy định này.

2. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá là các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, Công ty Cổ phần, Công ty TNHH có trên 50% vốn sở hữu nhà nước trong vốn Điều lệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá đã đăng ký, đồng thời thực hiện niêm yết giá và bán theo đúng mức giá đã đăng ký và niêm yết.

3. Hình thức, nội dung, thủ tục đăng ký giá: thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ (Điều 22b) và quy định tại điểm 3 mục VI, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Hồ sơ đăng ký giá theo mẫu quy định tại phụ lục số 04 đính kèm theo Quy định này.

4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá:

4.1. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh cấp giấy phép, thực hiện đăng ký giá theo quy định tại Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính, phải lập 03 bộ hồ sơ: 01 bộ đơn vị lưu, 01 bộ gởi Sở Tài chính và 01 bộ gởi cơ quan quản lý chuyên ngành để phối hợp với Sở Tài chính giải quyết khi có yêu cầu, cụ thể như sau: 

a) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với các danh mục hàng hóa gồm: thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gia súc, phân bón hóa học, giá rừng, giá cho thuê các loại rừng, giá nước sạch sinh hoạt nông thôn.

b) Sở Giao thông - Vận tải đối với các dịch vụ vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy nội bộ.    

c) Sở Xây dựng đối với các hàng hóa là xi măng, thép xây dựng, gạch và đá xây dựng các loại; giá cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, giá nước sạch cho sinh hoạt và các mục đích khác tại đô thị.

d) Sở Công thương đối với các hàng hóa là đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, gạo, muối ăn, xăng, dầu, khí hóa lỏng, giấy (giấy in, giấy in báo, giấy viết), điện sinh hoạt nông thôn.

đ) Sở Giáo dục và Đào tạo đối với sách giáo khoa. 

e) Sở Tài chính trực tiếp tổ chức thực hiện đối với một số hàng hóa, dịch vụ còn lại.

g) UBND thành phố Hội An (UBND thành phố Hội An có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện) tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh phòng nghỉ (nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn) trên địa bàn thành phố Hội An.

4.2. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, những ngành hàng nêu trên do UBND cấp huyện, thành phố cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì thực hiện đăng ký giá tại cơ quan quản lý nhà nước về giá cấp huyện. UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá theo đúng quy định.     

Điều 9.  Kê khai giá hàng hóa, dịch vụ.

1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá theo phụ lục số 1c; biểu mẫu, hồ sơ kê khai giá tại phụ lục số 05 đính kèm theo Quy định này.

 

2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ:

2.1. Sở Tài chính tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước vận tải bằng ôtô (vận tải khách, vận tải hàng hóa) của các doanh nghiệp vận chuyển thuộc tỉnh quản lý thực hiện theo Thông tư liên tịch số 86/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của liên Bộ Tài chính-Bộ Giao thông Vận tải.

2.2. Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ kê khai thuốc phòng, chữa bệnh cho người đối với các doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT/BYT-BTC-BCT ngày 31/8/2007 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.  

2.3. Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ còn lại (tại phụ lục 1c) phải kê khai giá (trừ điểm 2.1 và 2.2, khoản 2 trên đây) các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với các Sở, ngành quản lý; đồng thời gởi cho Sở Tài chính 01 bộ hồ sơ kê khai giá để phối hợp giải quyết khi có yêu cầu.

3. Doanh nghiệp thực hiện kê khai giá.

Tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 1 mục VII, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính đều phải kê khai giá:

- Hồ sơ kê khai giá lập thành 03 bộ: đơn vị lưu 01 bộ, gởi sở Tài chính 01 bộ, gởi cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý trực tiếp 01 bộ để phối hợp giải quyết khi có yêu cầu.

- Hình thức, nội dung và thủ tục kê khai giá thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 3 mục VII, phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

- Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn đối với hàng hóa, dịch vụ do mình kê khai và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá đã kê khai.

Điều 10. Công khai thông tin về giá.  

1. Phạm vi công khai thông tin về giá:

Cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tài sản, hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm công khai những thông tin về giá, bao gồm:

a) Các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giá của Nhà nước;

b) Các quyết định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Các mức giá do doanh nghiệp quyết định và các thông tin kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

Những quy định công khai thông tin về giá không áp dụng đối với những thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật.

2. Các hình thức công khai:

a) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài Quảng Nam), Công báo của tỉnh;

b) Niêm yết giá theo quy định;

c) Các hình thức khác;

d) Đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện khuyến mại giảm giá thực hiện theo quy định của Luật Thương mại.

3. Trách nhiệm trong việc công khai thông tin về giá:

a) Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai các văn bản về chế độ, chính sách giá, các quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền;

b) Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm công khai giá hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất, cung ứng;

c) Cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm đưa tin chính xác, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin theo các quy định hiện hành.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị.

1. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ,ngành và UBND cấp huyện có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra giá; kiểm soát chi phí sản xuất, phí lưu thông, giá thành của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc địa phương quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về giá theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất UBND tỉnh những biện pháp để bình ổn giá và xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước về giá theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính tình hình thực hiện quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Xây dựng, Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Công an, Cục Hải quan tỉnh,…tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình giá cả, thị trường; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất hợp lý.

    3. Các Sở, ngành có liên quan, UBND các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về thẩm quyền quản lý nhà nước về giá thuộc địa bàn và theo chuyên ngành quản lý, xử phạt vi phạm hành chính về giá theo sự phân công, phân cấp đã được quy định tại Quyết định này và các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước quy định.

4. Các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ các mặt hàng có liên quan theo quy định này phải thực hiện bình ổn giá, đăng ký, kê khai giá, niêm yết giá và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan; báo cáo cụ thể chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá theo quy định.

     Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có phát sinh, vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp tham mưu trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Minh Ánh