Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy

chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng

trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

__________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-TU ngày 04/6/2010 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng; theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 179/TTr-SNN&PTNT ngày 16 tháng 5 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

  

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)

 

Lê Phước Thanh

 


QUY ĐỊNH

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép thi công các công trình, dự án trong khu vực có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng theo quy định này (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) không thay thế các loại giấy tờ khác do pháp luật quy định.

Điều 2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận

1. Khu vực đăng ký đưa người, phương tiện vào rừng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp hoặc được cấp giấy phép khai thác lâm sản; điều tra, nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản.

2. Người mà tổ chức, cá nhân xin phép đưa vào rừng phải đảm bảo đầy đủ năng lực hành vi do pháp luật quy định (phải đảm bảo độ tuổi từ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ Luật Lao động).

3. Phương tiện, thiết bị, công cụ đưa vào rừng phải được đăng ký và được cơ quan chuyên ngành cấp huyện, thành phố kiểm tra, cho phép.

4. Các loại hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp đăng ký đưa vào rừng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

5. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện, thiết bị, dụng cụ thủ công, cơ giới và các vật dụng khác vào rừng chỉ được phép hoạt động trong phạm vi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chương 2.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 3. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận

UBND các huyện, thành phố nơi có các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng là cơ quan cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng (Theo mẫu tại Phụ lục 1) cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

1. Đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam, hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng (Theo mẫu tại phụ lục 2);

b) Bản sao các loại giấy tờ có liên quan về người và phương tiện như:

- Đối với người: Danh sách những cá nhân xin vào rừng kèm bản sao Chứng minh nhân dân và hợp đồng lao động (có xác nhận của địa phương nơi tạm trú), 01 ảnh chân dung cỡ 4cm x 6cm;

- Đối với phương tiện: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện, dụng cụ khác;

- Các loại giấy tờ cho phép sử dụng hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp của cơ quan có thẩm quyến cấp cho cá nhân, tổ chức (nếu có).

c) Bản cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng (Theo mẫu tại phụ lục 3);

2. Đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Ngoài các giấy tờ nêu tại Khoản 1, Điều này cần có thêm: Bản sao Hộ chiếu, Giấy phép lao động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, hợp đồng lao động.

Điều 5. Trình tự cấp giấy chứng nhận

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng phải trực tiếp nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện, thành phố nơi có công trình, dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định (nếu là người đại diện thì phải có giấy ủy quyền theo quy định pháp luật);

2. UBND cấp huyện, thành phố tiếp nhận hồ sơ khi có đầy đủ giấy tờ quy định tại Điều 5 Quy định này thì ghi giấy biên nhận; trong đó ghi rõ hẹn ngày trả kết quả.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên giấy biên nhận hồ sơ, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu bổ sung thì phải cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đăng ký.

Trường hợp không đảm bảo điều kiện cấp Giấy chứng nhận được thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận được biết.

Điều 6. Thời hạn cấp, gia hạn giấy chứng nhận

1. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng theo thời gian thi công công trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp phép.

2. Gia hạn giấy chứng nhận: Khi công trình, dự án thi công kéo dài thời gian hoàn thành, trước khi hết thời gian ghi trong giấy chứng nhận (15 ngày), nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục đưa người, phương tiện vào rừng hoạt động thì làm văn bản đề nghị gia hạn nộp tại cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận.

Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm: Đơn đề nghị gia hạn giấy chứng nhận; quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian hoàn thành chương trình, dự án hoặc giấy phép.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân đưa người, phương tiện vào rừng để thi công các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp mà không có giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng của UBND cấp huyện cấp, hoặc có giấy chứng nhận mà không thực hiện đúng cam kết, hoặc gây thiệt hại đến rừng, khoáng sản... thì tùy lĩnh vực quản lý mà bị xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2013 và các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; lĩnh vực đất đai; lĩnh vực khoáng sản; lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các địa phương và các ngành chức năng liên quan theo lĩnh vực quản lý có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý theo quy định

Điều 8. Thanh tra, kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra của tỉnh, cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, Công an tỉnh có quyền kiểm tra, thanh tra trên phạm vi địa bàn tỉnh.

2. Đoàn kiểm tra huyện, cơ quan Kiểm lâm cấp huyện, Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và Công an huyện có quyền kiểm tra, thanh tra trên phạm vi địa bàn huyện và trong lâm phận được giao.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và các ngành liên quan có trách nhiệm giúp UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định này cho các tổ chức, cá nhân có công trình, dự án tác động đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đưa người, phương tiện vào rừng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện và UBND cấp xã kiểm tra việc thực hiện quy định này.

3. Hạt Kiểm lâm, UBND cấp xã triển khai đến các tổ chức, cá nhân thi công các công trình, dự án có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn và nhân dân địa phương có hoạt động liên quan đến rừng ký cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.

Trong quá trình thực hiện quy định, nếu có vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm để xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Phước Thanh