QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức và chế độ chính sách
đối với Ban Nông nghiệp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
_______________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Để thực hiện Chương trình hành động số 21CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh uỷ Quảng Nam thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 BCHTW Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã;
Căn cứ Nghị quyết số 114/2009/NQ-HĐND ngày 22/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về thành lập Ban Nông nghiệp xã;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, tại tờ trình số: 1516 /TTr - SNV ngày 25 tháng 11 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức và chế độ chính sách đối với Ban Nông nghiệp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lê Minh Ánh
|
QUY ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và chế độ chính sách
đối với Ban Nông nghiệp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND
ngày 27 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)
______________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này Quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Nông nghiệp xã, thị trấn; Ban Kinh tế phường (sau đây gọi chung là Ban Nông nghiệp xã); nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật, của Ban Nông nghiệp xã trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Ban Nông nghiệp xã nêu tại Điều 1 của Quy định này bao gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban; cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật nông nghiệp làm công tác: Kế hoạch- giao thông - thuỷ lợi, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và ngành nghề nông thôn; kỹ thuật về trồng trọt (bao gồm nhiệm vụ bảo vệ thực vật và khuyến nông, an toàn thực phẩm lĩnh vực trồng trọt); kỹ thuật về chăn nuôi (bao gồm nhiệm vụ nuôi trồng và thú y thủy sản, an toàn thực phẩm lĩnh vực chăn nuôi); Công chức Kiểm lâm địa bàn xã; nhân viên chuyên môn, kỹ thuật của các mạng lưới cộng tác viên nông nghiệp hoạt động trên địa bàn cấp xã (sau đây gọi chung là nhân viên kỹ thuật nông nghiệp xã).
Điều 3. Thẩm quyền thành lập Ban Nông nghiệp xã
Ban Nông nghiệp xã do UBND xã, thị trấn, phường thành lập trên cơ sở phương án được UBND huyện, thành phố phê duyệt.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA BAN NÔNG NGHIỆP XÃ
Điều 4. Chức năng của Ban Nông nghiệp xã
Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về nông nhiệp và phát triển nông thôn; thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, dịch vụ trên địa bàn cấp xã; chịu sự quản lý nhà nước của UBND cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Nông nghiệp & PTNT (Phòng Kinh tế) huyện, thành phố và các cơ quan chuyên ngành về nông nghiệp, phát triển nông thôn cấp huyện.
Điều 5. Nhiệm vụ của Ban Nông nghiệp xã
Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:
1. Định hướng, tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn;
2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
3. Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, phát triển rừng hằng năm; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;
4. Xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng và tổ chức thực hiện phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bờ vùng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, phát triển rừng và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở, cháy rừng; biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành tại địa phương;
5. Thực hiện giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, công trình nước sạch nông thôn và mạng lưới thủy nông; việc sử dụng nước trong công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
6. Phối hợp hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản, thống kê rừng, kiểm kê rừng, diễn biến tài nguyên rừng, diễn biến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn cấp xã theo quy định. Tổng hợp tình hình thực hiện tiến độ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp;
7. Hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các ngành, nghề mới nhằm giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương;
8. Thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo quy định;
9. Hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông, cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn; củng cố các tổ chức dân lập, tự quản của cộng đồng dân cư theo quy định;
10. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, công tác thủy lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã theo quy định và thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND cấp xã giao.
Điều 6: Cơ cấu tổ chức của Ban Nông nghiệp xã
Ban Nông nghiệp xã được cơ cấu cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật kiêm nhiệm và chuyên trách, như sau:
1. Trưởng Ban Nông nghiệp xã: do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm;
2. Phó Trưởng Ban Nông nghiệp xã: là người hoạt động không chuyên trách, phụ trách chuyên trách Ban Nông nghiệp; kiêm nhiệm kỹ thuật về trồng trọt hoặc về chăn nuôi (tùy thuộc sự phát triển của ngành trồng trọt, chăn nuôi của địa phương nếu Phó Trưởng ban có chuyên môn kỹ thuật trồng trọt thì bố trí nhân viên kỹ thuật trong Ban có chuyên môn về chăn nuôi và ngược lại);
3. Nhân viên chuyên môn về Kế hoạch - giao thông - thủy lợi, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và ngành nghề nông thôn (định xuất này đã được bố trí theo quy định của Chính phủ).
4. Nhân viên kỹ thuật về trồng trọt (bao gồm nhiệm vụ bảo vệ thực vật và khuyến nông, an toàn thực phẩm lĩnh vực trồng trọt) hoặc nhân viên kỹ thuật về chăn nuôi (bao gồm nhiệm vụ nuôi trồng, thú y thủy sản và khuyến nông, an toàn thực phẩm lĩnh vực chăn nuôi), (định xuất thú y xã đã được bố trí theo quy định của Chính phủ).
5. Công chức Kiểm lâm địa bàn xã làm nhiệm vụ lâm nghiệp đối với những xã có rừng theo quy định.
6. Cộng tác viên là nhân viên chuyên môn, kỹ thuật của các tổ chức dân lập tự nguyện, tự quản của cộng đồng, gồm: Hợp tác xã, Tổ, Đội hợp tác, Câu lạc bộ, Chi hội, khuyến nông viên cá nhân hành nghề về dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật,…trên địa bàn được đăng ký hoạt động theo quy chế hoặc điều lệ do UBND cấp xã phê duyệt.
Chương III
NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN NÔNG NGHIỆP XÃ; TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CỦA NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN, KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP XÃ
Điều 7. Nhiệm vụ, mối quan hệ quản lý, công tác của các thành viên Ban Nông nghiệp xã
1. Nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Trưởng ban
- Chịu trách nhiệm trước UBND cấp xã về hoạt động của Ban Nông nghiệp xã và sự hướng dẫn, quản lý về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Nông nghiệp & PTNT hoặc Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Kỹ thuật và dịch vụ tổng hợp, Hạt Kiểm lâm);
- Phân công, quản lý, chỉ đạo, điều hành, quy định việc phối hợp công tác giữa các thành viên của Ban trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Quản lý hoạt động chuyên môn của đội ngũ nhân viên chuyên môn, kỹ thuật của các mạng lưới cộng tác viên hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất; tổ chức huy động lực lượng tham gia công tác phòng trừ dịch bệnh, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, ...trên địa của cấp xã;
- Tổ chức thực hiện công tác phối hợp và theo dõi, chỉ đạo tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn cấp huyện.
2. Nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Phó Trưởng ban
- Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban phân công hoặc ủy quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, UBND cấp xã và trước pháp luật về công việc được phân công hoặc ủy quyền;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, phối hợp công tác của các nhân viên chuyên môn, kỹ thuật;
- Thường xuyên quan hệ với các cơ quan chuyên môn cấp huyện để được hướng dẫn và phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ;
- Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ công tác khác được UBND cấp xã và Trưởng ban giao.
3. Nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các nhân viên chuyên môn, kỹ thuật nông nghiệp xã
Các nhân viên chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã thực hiện nhiệm vụ tại Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã và các nhiệm vụ sau:
- Chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp xã; sự phân công, điều hành, kiểm tra, giám sát của Trưởng, Phó Ban Nông nghiệp xã;
- Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) huyện, thành phố và các cơ quan kỹ thuật chuyên ngành liên quan cấp huyện (Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư, Trạm Kỹ thuật dịch vụ tổng hợp, Hạt Kiểm lâm…);
- Thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên ngành và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cấp trên để nắm bắt chủ trương, các chương trình kế hoạch, tiếp thu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ được phân công;
- Phối hợp, cộng tác giữa các thành viên thuộc Ban và nhân viên kỹ thuật nông nghiệp công tác trên địa bàn cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức hoạt động của mạng lưới cộng tác viên theo quy chế; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về lĩnh vực phụ trách theo quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác do UBND cấp xã và Trưởng, phó ban giao.
Điều 8. Tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên chuyên môn, kỹ thuật nông nghiệp xã
1. Tiêu chuẩn về kiến thức, năng lực
- Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành có liên quan đến công tác được giao;
- Nắm vững kiến thức cơ bản về chuyên môn, kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về lĩnh vực phụ trách;
- Biết cách hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và xử lý công việc; phối hợp các cơ quan và đồng nghiệp;
- Có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Biết sử dụng máy vi tính phục vụ công tác chuyên môn;
- Bảo đảm về sức khỏe.
2. Tiêu chuẩn về trình độ
Tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, kinh tế trở lên chuyên ngành phù hợp với công việc được giao (riêng các xã thuộc các huyện miền núi chưa đủ nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp trước mắt có thể sử dụng sơ cấp nhưng sau 24 tháng phải đào tạo, bồi dưỡng hoặc thay thế để đảm bảo có trình độ quy định) .
Chương IV
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN, KỸ TUHẬT BAN NÔNG NGHIỆP XÃ VÀ NGUỒN NGÂN SÁCH
Điều 9. Mức phụ cấp hằng tháng
- Trưởng ban: do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm: được hưởng phụ cấp 10% so với mức lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng.
- Phó Trưởng ban: Mức phụ cấp bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu chung và được hưởng thêm 10% (do kiêm nhiệm nhân viên kỹ thuật về trồng trọt hoặc chăn nuôi) so với mức phụ cấp đang hưởng.
- Nhân viên phụ trách Kế hoạch - giao thông - thủy lợi …; nhân viên Kỹ thuật về trồng trọt; nhân viên Kỹ thuật về chăn nuôi: được hưởng mức phụ cấp bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu chung.
Điều 10. Chế độ cho các cộng tác viên
- Việc trả thù lao cho cộng tác viên để thực hiện nhiệm vụ của địa phương do UBND cấp xã quyết định trong nguồn ngân sách cấp xã;
- Cộng tác viên tham gia thực hiện chương trình, dự án thuộc cơ quan, đơn vị nào phụ trách thì cơ quan, đơn vị đó chi trả.
Điều 11. Nguồn kinh phí
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% phần chênh lệch tăng thêm đối với mức phụ cấp hàng tháng các chức danh và nhân viên chuyên môn, kỹ thuật của Ban Nông nghiệp xã nêu tại điều 9 thuộc các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành.
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% đối với mức phụ cấp hàng tháng các chức danh và nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Ban Nông nghiệp xã nêu tại điều 9 thuộc các huyện miền núi: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước.
Chương V
TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì , phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, phối hợp của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã.
2. Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, cân đối và tham mưu phân cấp ngân sách bảo đảm việc chi trả phụ cấp theo quy định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng phương án tổ chức, quản lý Ban Nông nghiệp xã và quyết định phê duyệt để có cơ sở tổ chức thực hiện; chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Quy định này (qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Nội vụ).
4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xây dựng phương án tổ chức, quản lý Ban Nông nghiệp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; tuyển chọn, hợp đồng cán bộ, nhân viên đúng tiêu chuẩn quy định để tổ chức thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã theo quy chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo.
5. Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.