Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020

____________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;

Sau khi xem xét Đề án kèm theo Tờ trình số 1808/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh về “Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh thống nhất thông qua đề án “Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020” do UBND tỉnh trình tại Tờ trình số 1808/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2006 như sau:

I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Thời gian qua, hoạt động Khoa học & Công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống, khảo nghiệm dẫn nhập giống cây trồng, con vật nuôi, các mô hình sản xuất nông- lâm kết hợp; bước đầu ứng dụng công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống; mạng thông tin phục vụ quản lý Nhà nước đã được xây dựng và phát huy hiệu quả. Nhiều đề tài khoa học xã hội nhân văn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.

Tuy nhiên, tiềm lực Khoa học và Công nghệ của tỉnh còn thấp, năng lực tham mưu, quản lý KH&CN của các cấp còn hạn chế, mang nặng tính hành chính; đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao chưa nhiều; cơ sở vật chất của các trung tâm, trạm thí nghiệm chưa đảm bảo nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; chưa xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm, mục tiêu

Phát triển Khoa học & Công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng và động lực xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp.

Phát triển KH&CN phải bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2010. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao Khoa học Công nghệ thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống. Gắn kết giữa KH&CN với giáo dục đào tạo.

Tăng cường nội lực, tiếp thu, lựa chọn, ứng dụng các thành tựu KH&CN thế giới; tập trung cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Chú trọng ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ Khoa học và Công nghệ góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đầu tư ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực KH&CN trọng điểm, đột phá để nâng cao hiệu quả đầu tư. Xã hội hoá công tác đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực KH&CN.

Nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu văn hóa phát triển, xây dựng chiến lược con người để phục vụ cho nhu cầu phát triển và hội nhập.

2. Chỉ tiêu định hướng

Tăng cường quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ cấp huyện; phấn đấu đến năm 2010, mỗi huyện, thị xã có 01 cán bộ chuyên trách quản lý KH&CN.

Xây dựng đề án đào tạo sau đại học, đến năm 2015 đào tạo 300 người có trình độ sau đại học, ưu tiên cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, luật pháp và quản lý kinh tế; đề án quy hoạch mạng lưới cơ quan nghiên cứu, ứng dụng Khoa học & Công nghệ; đề án phát triển công nghệ sinh học, thông tin Khoa học & Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh có ít nhất 60% phục vụ trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2015 đăng ký bảo hộ 100% sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Hằng năm, tỉnh cân đối kinh phí từ các nguồn đảm bảo chi bằng hoặc cao hơn mức Trung ương giao để thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về KH&CN

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN ở các Sở, ban, ngành và địa phương.

Đổi mới việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, cơ chế quản lý tài chính theo hướng phát huy, tôn trọng quyền tự chủ trong hoạt động KH&CN. Thực hiện cơ chế khoán kinh phí thực hiện đề tài khoa học. Đổi mới cơ chế quản lý các tổ chức nghiên cứu - phát triển (tổ chức R-D) tách biệt về quản lý giữa hành chính và sự nghiệp. Các tổ chức R-D công ích thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Có cơ chế liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người sản xuất trong quá trình xác định nhiệm vụ, hợp đồng, triển khai nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn.

Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện cho việc nhân rộng kết quả đề tài, dự án KH&CN sau khi đã nghiệm thu; chuyển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao Khoa học & Công nghệ sang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu.

2. Phát triển tiềm lực KH&CN

Tổ chức thực hiện tốt việc quy hoạch, thu hút, sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Củng cố và phát triển hệ thống thông tin về khoa học và công nghệ, chú trọng thông tin phục vụ nông thôn, miền núi. Xây dựng thư viện điện tử phục vụ tra cứu thông tin, phổ biến tri thức KH & CN. Đa dạng hoá kênh thông tin phù hợp trình độ dân trí. Đầu tư nâng cấp và xây dựng một số cơ quan nghiên cứu khoa học đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đa dạng hoá nguồn tài chính, huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho KH&CN.

Tập trung xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học & công nghệ nhằm góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo lập môi trường pháp lý cho thị trường Khoa học & Công nghệ hoạt động. Phát triển các tổ chức tư vấn, môi giới, dịch vụ chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.

Xây dựng tiềm lực Khoa học và Công nghệ để có đủ khả năng tiếp thu, làm chủ quản lý và phát triển công nghệ nhập.

3. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất trong các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Xây dựng cơ chế để tăng cường vai trò phản biện, giám định xã hội của liên hiệp các hội khoa học -kỹ thuật, các nhà khoa học.

4. Mở rộng hợp tác khoa học- công nghệ trong và ngoài nước

Xây dựng chương trình nghiên cứu, hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện công tác tư vấn, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các ngành, địa phương của tỉnh. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các nước, các tổ chức và các nhà khoa học trong lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ; khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực khoa học & công nghệ.

5. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò động lực của KH&CN đối với quá trình CNH, HĐH và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành và địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

HĐND tỉnh giao UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch KH&CN và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết này.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khoá VII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2006./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Sỹ