• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/03/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 04/05/1999
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 59-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 21 tháng 3 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về các hoạt động tôn giáo

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Để đáp ứng nhu cầu hoạt động tôn giáo của đồng bào các tôn giáo;

Theo đề nghị của Trưởng Ban tôn giáo của Chính phủ;

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Điều 2. Mọi công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân.

Điều 3. Các hoạt động tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp và Luật pháp của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến khích.

Điều 5. Mọi hoạt động mê tín dị đoan bị bài trừ. Mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hoá lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

CHƯƠNG II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo. Mọi hành vi vi phạm quyền tự do đó đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 7. Tín đồ có quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo không trái với chủ trương chính sách và luật pháp của Nhà nước; có quyền tiến hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện tại gia đình và tham gia các hoạt động tôn giáo tại nơi thờ tự. Không được truyền bá mê tín dị đoan, không cản trở việc lao động sản xuất, học tập và thi hành nghĩa vụ công dân.

Điều 8. Những hoạt động tôn giáo thông thường tại nơi thờ tự (như các buổi cầu nguyện, hành lễ, giảng đạo, dạy giáo lý...) theo tập quán tôn giáo tại địa phương và theo chương trình đăng ký hàng năm thì không phải xin phép.

Những hoạt động tôn giáo bất thường hoặc vượt ra ngoài tập quán thông thường thì phải có sự chấp thuận của chính quyền.

Điều 9. Các cuộc tĩnh tâm của linh mục trong giáo phận, của các tu sĩ tập trung từ nhiều cơ sở dòng tu của đạo Thiên chúa, các lớp bồi linh của mục sư và truyền đạo của đạo Tin lành, các kỳ an cư kiết hạ của tăng ni đạo Phật, và những sinh hoạt tôn giáo tương tự của tôn giáo khác... phải xin phép Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương.

Điều 10. Đại hội theo nhiệm kỳ và hội nghị toàn quốc của các tổ chức tôn giáo cấp toàn quốc, từng miền hoặc từng vùng phải xin phép Hội đồng bộ trưởng.

Điều 11. Nơi thờ tự của tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; các tổ chức tôn giáo có trách nhiệm bảo vệ, tu bổ. Những công việc sửa chữa, cơi nới làm thay đổi kiến trúc công trình phải được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, hoặc cấp hành chính tương đương chấp thuận.

Điều 12. các khu vực dân cư đã ổn định và vùng kinh tế mới, nếu các tín đồ có nhu cầu xin xây dựng nơi thờ tự thì phải xin phép Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương xem xét, quyết định.

Điều 13. Những nơi thờ tự của tôn giáo đã được xếp hạng theo quy định của ngành văn hoá vẫn được bảo đảm việc hành đạo bình thường của tổ chức sắc, nhà tu hành và tín đồ.

Điều 14. Giáo hội các tôn giáo được phép in, xuất bản các loại kinh, sách tôn giáo, sản xuất hoặc nhập khẩu văn hoá phẩm tôn giáo, đồ dùng trong việc đạo theo các quy chế về in, xuất bản, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm của Nhà nước.

Cấm lưu hành, tàng trữ những sách báo, văn hoá phẩm có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc và chống lại chế độ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái pháp luật, gây chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc và nhân dân.

Điều 15. Các chức sắc, nhà tu hành được hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội như mọi công dân khác. Việc tổ chức lao động, sản xuất làm dịch vụ để cải thiện đời sống tại nơi tu hành, hoặc để xây dựng quỹ bảo dưỡng, trùng tu nơi thờ tự thì được khuyến khích và theo đúng chính sách, luật pháp của Nhà nước.

Điều 16. Các chức sắc, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo được hoạt động từ thiện trong những lĩnh vực được Nhà nước cho phép. Những cơ sở hoạt động từ thiện hiện do tôn giáo bảo trợ được tiếp tục hoạt động theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Điều 17. Các tôn giáo được mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, nhưng phải xin phép và được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng.

Tổ chức và hoạt động của các trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành phải chấp hành những quy định của Ban Tôn giáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Điều 18. Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương nơi có trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành cùng Ban Tôn giáo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm xem xét nhân sự, kiểm tra việc giảng dạy, học tập theo nội dung chương trình đã được xét duyệt.

Điều 19. Việc phong chức cho chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo phải được sự chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương. Đối với chức sắc từ bậc Hoà thượng trong đạo Phật, Hồng y, Giám mục, Giám quản trong đạo Thiên Chúa và những bậc tương đương trong các tôn giáo khác phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 20. Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển những chức sắc, nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo, kể cả những người do tín đồ bầu ra tuỳ theo địa bàn hoạt động cụ thể đều phải được cấp chính quyền quản lý hành chính địa bàn đó chấp thuận mới được hoạt động.

Điều 21. Các dòng tu (hoặc các hình thức tu hành tập thể tương tự) muốn hoạt động phải xin phép và được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng hoặc cơ quan được Hội đồng bộ trưởng uỷ quyền.

Các dòng tu được tiếp nhân người mới vào tu viện. Những người đó có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục về quản lý hành chính với chính quyền nơi có cơ sở tu viện và nơi thường trú.

Điều 22. Mọi hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo và chức sắc, nhà tu hành phải tuân theo quy định chung của Nhà nước về hoạt động đối ngoại.

Điều 23. Các chức sắc, nhà tu hành được các tổ chức tôn giáo ở ngoài nước phong chức, bổ nhiệm phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những cá nhân và tổ chức tôn giáo trong nước phải xin phép chính quyền trước khi thực hiện những hướng dẫn của tổ chức tôn giáo ở nước ngoài.

Điều 24. Các tổ chức tôn giáo cử người tham dự các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, mời chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo hoặc đại biểu các tổ chức tôn giáo nước ngoài vào nước ta đều phải xin phép và được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 25. Mọi hoạt động viện trợ của các tổ chức tôn giáo nước ngoài hoặc có liên quan đến tôn giáo nước ngoài đều tuân theo chính sách, chế độ quản lý hiện hành và thông qua các cơ quan được Hội đồng Bộ trưởng giao phụ trách công tác quản lý viện trợ.

Các tổ chức hoặc cá nhân tôn giáo trong nước muốn nhận viện trợ thuần tuý tôn giáo phải xin phép Hội đồng bộ trưởng.

Các tôn giáo ngoài hảo tâm, tự nguyện của tín đồ, không được tự ý đặt ra các khoản quyên góp trái với quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Trưởng ban Ban tôn Giáo của Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Nghị định này.

Điều 27. Ban tôn giáo của Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 28. Nghị định này thay thế Nghị quyết 297-CP ngày 11 tháng 11 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ./.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đỗ Mười

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.