Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ,

 quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của sở y tế tỉnh Quảng Ngãi

____________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12/4/2005 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về y tế ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại công văn số 405/SYT ngày 22/5/2006, Báo cáo số 58/BC-STP ngày 22/6/2006 của Sở Tư pháp về việc thẩm định văn bản Quy phạm pháp luật và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 1327/SNV ngày 26/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này, đồng thời tiến hành xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Sở và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Tư pháp; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2960/1998/QĐ-UB ngày 14/9/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

Đã ký
Nguyễn Xuân Huế

QUY ĐỊNH

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và cơ cấu tổ chức bộ máy của sở y tế tỉnh Quảng Ngãi

(Ban hành kèm theo Quyết định số 58 /2006/QĐ-UBND ngày 30 /9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi )

______________________

I- VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG.

1. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, gồm: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; về các dịch vụ công thuộc ngành Y tế; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.

2. Sở Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

II- NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN.

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phân cấp của Bộ Y tế.

2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành của Bộ Y tế.

3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc phân công, phân cấp hoặc ủy quyền quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đối với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định của pháp luật.

4. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành y tế.

5. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án y tế đã được phê duyệt; công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

6. Về y tế dự phòng:

6.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

6.2. Quyết định những biện pháp để điều tra, phát hiện và xử lý dịch, thực hiện báo cáo dịch theo quy định. Trường hợp phải huy động các nguồn lực để dập tắt dịch vượt quá thẩm quyền phải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích và thiên tai, thảm hoạ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân xảy ra trên địa bàn tỉnh.

6.3. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động về sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, sức khỏe lao động, vệ sinh nguồn nước ăn uống, quản lý bệnh nghề nghiệp và dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

6.4. Làm cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh.

7. Về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng:

7.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám định trên địa bàn tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

7.2. Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật về khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giám định, chỉnh hình, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế theo phân cấp và theo phân tuyến kỹ thuật.

7.3. Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

8. Về y dược học cổ truyền:

8.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

8.2. Quyết định theo thẩm quyền biện pháp kế thừa, phát huy, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y dược học cổ truyền tại địa phương.

8.3. Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân (hành nghề khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền và hành nghề thuốc y học cổ truyền); chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

8.4. Chịu trách nhiệm, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

9. Về thuốc và mỹ phẩm:

9.1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế và mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh.

9.2. Cấp, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược, vắc xin, sinh phẩm y tế tư nhân; giấy phép lưu hành, giới thiệu thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy đinh của pháp luật.

10. Về an toàn vệ sinh thực phẩm:

10.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chương trình hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, quyết định các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.

10.2. Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

10.3. Xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm; cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực phẩm đóng trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và quy định của pháp luật.

11. Về trang thiết bị và công trình y tế:

11.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và công trình y tế thuộc nguồn ngân sách nhà nước theo tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.

11.2. Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế chuyên môn về trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.

12. Về đào tạo cán bộ y tế:

12.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y tế của địa phương.

12.2. Quản lý các trường đào tạo cán bộ y tế theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chương trình đào tạo cán bộ y tế theo quy định của pháp luật.

 

13. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

14. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế theo quy định của pháp luật.

15. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc lĩnh vực quản lý của Sở.

16. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với các Hội và tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở địa phương theo qui định của pháp luật.

17. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu về các lĩnh vực quản lý của Sở.

18. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo qui định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

19. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, xã hội hoá hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duỵêt.

20. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.

21. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo qui định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

22. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

23. Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo qui định của pháp luật.

24. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với phòng y tế      thuộc các huyện, Thành phố.

25. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

III- TỔ CHỨC BỘ MÁY.

1- Lãnh đạo Sở:

- Sở Y tế làm việc theo chế độ Thủ trưởng, có Giám đốc và từ 01 đến 03 Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc Sở.

- Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở và việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế và Hội đồng nhân dân tỉnh khi được yêu cầu.

- Phó Giám đốc Sở là người giúp việc cho Giám đốc Sở, được Giám đốc Sở phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác của Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công hoặc ủy quyền.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và theo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ cấu tổ chức của Sở:

Sở Y tế có các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sau:

2.1. Các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ:

- Văn phòng.

- Thanh tra.

- Phòng Tổ chức - Cán bộ

- Phòng Kế hoạch tổng hợp.

- Phòng Tài chính kế toán.

- Phòng nghiệp vụ y.

- Phòng quản lý dược.

Giám đốc Sở Y tế quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và quy định trách nhiệm của Trưởng phòng và tương đương theo quy định của pháp luật.

2.2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:

+ Các đơn vị tuyến tỉnh:

- Trường Trung học Y tế.

- Bệnh viện đa khoa tỉnh;

- Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

- Bệnh viện Tâm thần (kể cả thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần khi được trưng cầu).

- Trung tâm y tế dự phòng tỉnh;

- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản;

- Trung tâm Mắt;

- Trung tâm Phong - Da liễu;

- Trung tâm Nội tiết;

- Trung tâm phòng, chống Sốt rét;

- Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ;

- Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

- Trung tâm giám định y khoa.

+ Các đơn vị tuyến huyện:

- Bệnh viện đa khoa thành phố Quảng Ngãi;

- Bệnh viện đa khoa Đặng Thuỳ Trâm (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Sa Huỳnh);

- Bệnh viện đa khoa huyện Mộ Đức (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Đức Thắng);

- Bệnh viện đa khoa huyện Tư Nghĩa (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Nghĩa Hà và Phòng khám đa khoa khu vực Nghĩa Thắng);

- Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Tịnh Bắc và Phòng khám đa khoa khu vực Tịnh Khê);

- Bệnh viện đa khoa huyện Bình Sơn;

- Bệnh viện đa khoa huyện Trà Bồng;

- Bệnh viện đa khoa huyện Tây Trà;

- Bệnh viện đa khoa huyện Ba Tơ (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Ba Vì);

- Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Hà (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Thành);

- Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tây;

- Bệnh viện đa khoa huyện Minh Long;

- Bệnh viện đa khoa huyện Nghĩa Hành;

- Bệnh viện đa khoa huyện Lý Sơn.

- Trung tâm y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Đức Phổ;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Mộ Đức;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Nghĩa Hành;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Sơn Tịnh;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Bình Sơn;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Trà Bồng;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Tây Trà;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Sơn Hà;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Sơn Tây;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Long;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Ba Tơ;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Lý Sơn.

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào đặc điểm cụ thể của tỉnh và yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong từng giai đoạn, Giám đốc Sở Y tế xây dựng đề án thành lập thêm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Giao cho Giám đốc Sở Y tế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Về biên chế của Sở: Do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trong tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Biên chế của Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ là biên chế hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

- Biên chế của các đơn vị sự nghiệp y tế là biên chế sự nghiệp; việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp y tế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của Sở phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

VI- MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.

1. Mối quan hệ giữa Sở Y tế với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố là mối quan hệ phối hợp. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có liên quan đến các Sở, ngành, địa phương hoặc được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ nhiệm giải quyết một công việc cụ thể thì Sở phải chủ động chủ trì, phối hợp để giải quyết và tổ chức triển khai thực hiện.

2. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ cho phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; cán bộ theo dõi lĩnh vực y tế ở xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo việc quản lý nhà nước về y tế thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, Giám đốc Sở Y tế tập hợp, trao đổi thống nhất với các cơ quan chức năng có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Huế