Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012 – 2015

__________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 và Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các Chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 27/10/2011 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2012/NQ-HĐND ngày 05/10/2012 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012-2015;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 190/BC-STP ngày 12/9/2012; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1595/TTr- SNN&PTNT ngày 15/10/2012 về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012 – 2015,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012 - 2015, với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

- Sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và cấp nước cho các ngành kinh tế khác.

- Tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng, chi phí quản lý, tăng mức bảo đảm cấp nước đến mặt ruộng và mở rộng thêm diện tích được tưới chủ động, nâng cao hệ số lợi dụng kênh mương từ h= 0,6÷0,7 lên h = 0,8÷0,9.

- Tạo điều kiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, khoa học.

- Giảm diện tích chiếm đất của kênh.

- Kết hợp phát triển giao thông nông thôn, góp phần cải thiện môi trường.

- Nâng cao ý thức làm chủ và giữ gìn bảo vệ công trình của mọi người dân trong cộng đồng.

- Góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

Kiên cố hóa các tuyến kênh loại III thuộc 33 xã đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn 2012-2015: Bình Dương, Bình Thới và Bình Trung (huyện Bình Sơn); Tịnh Trà, Tịnh Khê, Tịnh Giang và Tịnh Châu (huyện Sơn Tịnh); Nghĩa Hòa, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương, Nghĩa Kỳ và Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa); Hành Thịnh, Hành Minh, Hành Trung, Hành Thuận, Hành Đức, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Phước và Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành); Đức Tân, Đức Hòa, Đức Nhuận, Đức Thạnh (huyện Mộ Đức); Phổ Vinh, Phổ Hòa, Phổ Ninh (huyện Đức Phổ); Trà Bình (huyện Trà Bồng); Sơn Thành (huyện Sơn Hà); Long Sơn (huyện Minh Long); Ba Chùa (huyện Ba Tơ) và An Hải (huyện Lý Sơn).

3. Quy mô đầu tư: Kiên cố hóa các tuyến kênh loại III thuộc 33 xã nêu trên, cụ thể:

- Số tuyến kênh kiên cố hóa: 394 tuyến.

- Chiều dài kênh kiên cố hóa: 333,62 km.

- Diện tích tưới sau kiên cố hóa so với thực tế trước kiên cố hóa: 8.439 ha/6.155ha.

4. Khái toán kinh phí đầu tư, nguồn vốn và cơ chế huy động vốn

a) Khái toán kinh phí đầu tư: 433.943 triệu đồng.

b) Nguồn vốn:

- Ngân sách Trung ương (TW), ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép các Chương trình (dự án) khác: 353.733 triệu đồng.

- Vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân: 80.210 triệu đồng.

c) Kế hoạch vốn đầu tư hàng năm:

Năm 2012-2013: 191.892 triệu đồng

Năm 2014: 121.067 triệu đồng

Năm 2015: 120.984 triệu đồng

d) Cơ chế huy động vốn:

Các huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành):

- Vốn ngân sách TW, ngân sách tỉnh, Chương trình (dự án) khác: 80%.

- Vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân: 20%.

Các huyện miền núi (Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng) và huyện đảo Lý Sơn: Vốn ngân sách TW, ngân sách tỉnh, Chương trình (dự án) khác: 100%.

đ) Cơ chế thực hiện:

Thực hiện theo Quy chế quản lý, thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 – 2015 do UBND tỉnh ban hành.

5. Giải pháp

a) Về tuyên truyền, vận động

- Các Sở, ngành, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, quản lý khai thác sử dụng tiết kiệm và hiệu quả kênh mương đã được kiên cố hóa.

- UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên cơ sở Đề án và kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm tổ chức thực hiện lấy ý kiến của nhân dân vùng hưởng lợi về việc ưu tiên lựa chọn các danh mục công trình kiên cố hóa trong năm kế hoạch để đầu tư xây dựng và vận động đóng góp của nhân dân.

Đối với nguồn vốn đóng góp của nhân dân, chủ yếu vận động bằng hình thức đóng góp ngày công, vật liệu, cát, đá, sỏi có sẵn tại địa phương theo tinh thần tự nguyện, đúng Quy chế dân chủ cơ sở và quy định hiện hành của pháp luật.

b) Về vốn đầu tư:

- Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư và bố trí đủ vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo cơ cấu vốn được duyệt trong Đề án, kể cả việc nghiên cứu bổ sung thêm nguồn vốn vay tín dụng nhằm đảm bảo đủ vốn để thực hiện Đề án.

- Lồng ghép kế hoạch kiên cố hóa kênh mương thủy lợi bằng các nguồn vốn đầu tư của các chương trình (dự án) khác để huy động nguồn lực tổng hợp thực hiện Đề án.

- Hàng năm, ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí đủ vốn cho các huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Đối với các huyện còn lại, ưu tiên bố trí vốn nếu ngân sách huyện, xã và phần huy động đã bố trí đủ theo Đề án được duyệt.

- Các huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án gửi UBND tỉnh trước kỳ phân bổ vốn cuối năm 2012 và những năm tiếp sau để có cơ sở xem xét phân bổ vốn (phần ngân sách tỉnh quản lý); đồng thời các huyện phải chủ động bố trí phần vốn huyện, xã và nguồn vận động nhân dân để thực hiện Đề án.

c) Giải pháp công trình:

- Loại hình kênh kiên cố hóa: Tùy thuộc vào địa hình, địa chất vùng tuyến kênh để lựa chọn hình thức kênh hở, kênh ống hoặc kênh hộp có nắp tấm đan và mặt cắt ngang phù hợp như : Chữ nhật, hình thang hoặc ống buy.

- Công tác khảo sát xây dựng, lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước hoặc có thể áp dụng thiết kế kênh định hình hoặc sử dụng lại thiết kế đã có theo quy định hiện hành.

- Kết cấu chủ yếu: Kiên cố bằng bê tông và bê tông cốt thép các loại.

- Giải pháp thi công xây dựng: Thi công kiên cố hóa kênh mương nhưng phải đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất theo mùa vụ của địa phương.

d) Các giải pháp khác:

- Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xuyên suốt quá trình thực hiện đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương và thông báo cho nhân dân các nội dung đã thực hiện.

- Tăng cường tập huấn về quản lý chất lượng công trình và quản lý vốn đầu tư cho đội ngũ cán bộ cấp xã, hợp tác xã.

- Rà soát kế hoạch hàng năm, ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng các tuyến kênh thuộc vùng có diện tích tưới lớn, vùng có khả năng mở rộng diện tích tưới, vùng chuyển đổi lúa từ 3 vụ sang 2 vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi để thực hiện mở rộng đối với các xã còn lại trong giai đoạn tiếp theo hoặc khi huy động được nguồn vốn khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015.

- Xây dựng quy chế quản lý, thực hiện Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012 – 2015, trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án với Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Đề án.

3. Giao UBND các huyện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2012-2015 tại các xã trên địa bàn huyện theo nội dung Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; Thủ trưởng các sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi; các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã Ký)
Cao Khoa

 

 

ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THỦY LỢI

THUỘC 33 XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2012-2015
(Kèm theo Quyết định số35/2012/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

___________________

 

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG GIAI ĐOẠN 2002-2011, SỰ CẦN THIẾT ĐẦU TƯ, CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THỦY LỢI GIAI ĐOẠN 2012-2015

I. Kết quả thực hiện kiên cố hóa kênh mương qua các giai đoạn từ năm 2002-2011

1. Kết quả giai đoạn 2002-2005

Thực hiện kiên cố hóa 252 tuyến/302 tuyến theo kế hoạch (bao gồm: 26/77 tuyến kênh loại II và 226/225 tuyến kênh loại III). Chiều dài kênh kiên cố hoá: 281,6 km/500 km theo kế hoạch (gồm 74,7 km/162 km kênh loại II và 206,9 km/337,5 km kênh loại III); đạt 56,3% về chiều dài kênh.

* Giai đoạn 2006-2010

Thực hiện kiên cố hóa 266 tuyến/314 tuyến theo kế hoạch (gồm 02/10 tuyến loại II và 264/304 tuyến loại III). Chiều dài kênh kiên cố hoá: 204,312 km/506,207 km (gồm 12,262 km/53,341 km kênh loại II và 192,05 km/452,87 km kênh loại III); đạt 40,4% về chiều dài kênh so với Đề án được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 43/2006/NQ-HĐND ngày 08/7/2006.

* Năm 2011

Thực hiện kiên cố hóa kênh loại III là 23 tuyến/85 tuyến theo kế hoạch. Chiều dài kênh kiên cố hoá: 15,84 km/87,216 km theo kế hoạch, không có kênh loại II; đạt 17 % về chiều dài kênh so với kế hoạch.

2. Hiệu quả đạt được

a) Diện tích tưới lúa tăng thêm:

- Giai đoạn 2002-2005: 5.070 ha;

- Giai đoạn 2006-2010: 3.759 ha;

- Năm 2011: 641,7 ha.

b) Năng suất lúa trước và sau khi kiên cố hóa: Đạt 39,2/54,5 (tạ/ha).

c) Sản lượng tăng thêm nhờ kiên cố hóa:

- Sản lượng lúa năm 2011 tăng so với năm 2002 khoảng 29.000 tấn (chưa kể tăng thêm do giống, khuyến nông, phân bón thuốc trừ sâu v.v..);

- Góp phần tăng sản lượng cây có hạt trên toàn tỉnh từ 375.000 tấn giai đoạn (2002-2005) lên 433.000 tấn năm 2011.

3. Đánh giá kết quả thực hiện

a) Ưu điểm:

- Tuy kết quả thực hiện chưa đạt kế hoạch so với Đề án được duyệt nhưng các tuyến kênh được kiên cố hóa đã phát huy tốt hiệu quả và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và cấp nước cho các ngành kinh tế khác. Chi phí duy tu bảo dưỡng và chi phí quản lý hàng năm giảm.

- Giảm diện tích chiếm đất kênh mương thủy lợi và kết hợp phát triển giao thông nông thôn.

b) Tồn tại:

- Do nguồn vốn đầu tư hàng năm thấp và có biến động lớn về giá vật tư, vật liệu, nhân công v.v....nên kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 40,4% chiều dài kênh mương cần kiên cố hóa (Có Phụ lục I: Kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2006-2010);

- Quá trình thực hiện kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi còn những hạn chế như: Lực lượng thi công kênh chủ yếu là nhà thầu xây lắp, chưa huy động các Hợp tác xã Nông nghiệp có chức năng xây lắp tổ chức thực hiện theo phương châm “xã có công trình dân có việc làm và có thu nhập”; nhiều nơi, vốn huy động của dân chỉ đạt 40-50% so với kế hoạch.

- Nhiều địa phương chưa chủ động hoặc chậm chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán. Khi có Quyết định phân bổ vốn hỗ trợ của tỉnh mới triển khai khảo sát thiết kế, nên chậm hoàn thành công trình.

- Ở các huyện miền núi, việc triển khai chương trình kiên cố hóa kênh mương thiếu chủ động từ khâu lập kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện; các xã thuộc Chương trình 135 hầu như không huy động được vốn của dân.

- Một số địa phương còn ỷ lại, chờ đầu tư của cấp trên nên chưa huy động nguồn lực của địa phương để thực hiện kiên cố hóa kênh mương.

- Năng lực tổ chức thực hiện Đề án ở cấp cơ sở còn thiếu kinh nghiệm.

c) Những thuận lợi, khó khăn:

* Thuận lợi:

- Đề án Kiên cố hóa kênh mương được sự đồng tình hưởng ứng rộng rãi, tích cực của nhân dân và sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị. Kinh phí xây dựng phần lớn do Nhà nước đầu tư và có một phần kinh phí huy động nhân dân đóng góp.

- Đầu tư kiên cố hoá kênh mương đã nâng cao mức bảo đảm tưới, tiêu chủ động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn; góp phần tăng năng suất, giá trị sản xuất các loại cây trồng trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực.

* Khó khăn:

- Hàng năm, kinh phí đầu tư kiên cố kênh mương còn rất thấp so với kế hoạch trong Đề án (kể cả vốn đóng góp của huyện, xã và nhân dân); việc bố trí kế hoạch vốn chậm nên ảnh hưởng tiến độ hoàn thành công trình; Chương trình kiên cố hóa kênh mương triển khai đồng thời với Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hoá trường học và một số chương trình khác nên khó huy động đủ vốn đóng góp của dân.

- Việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương chưa được thực hiện rộng rãi ở các địa phương trong tỉnh.

- Hệ thống kênh mương thủy lợi luôn bị thiên tai gây hư hỏng nặng, nhưng kinh phí hàng năm không đủ để duy tu, sửa chữa kịp thời nên công trình mau xuống cấp.

- Giai đoạn 2002-2005 và 2006-2010, có sự biến động lớn về giá cả vật tư, vật liệu và chi phí nhân công làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện Đề án.

- Cơ chế quản lý tài chính một số địa phương còn lúng túng, việc thanh quyết toán còn chậm nên giải ngân không kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

d) Bài học kinh nghiệm:

- Nơi nào được cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện thì nơi ấy kết quả thực hiện Đề án Kiên cố hoá kênh mương đạt hiệu quả cao.

- Phải thường xuyên tuyên truyền quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi để cán bộ và nhân dân hiểu rõ về mục đích, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện.

- Về thủ tục đầu tư xây dựng: Cần phải chuẩn bị kỹ hồ sơ thiết kế, dự toán và tổ chức huy động vốn đóng góp trước khi tiến hành khởi công xây dựng; tổ chức thi công nhanh, gọn v.v…để đạt kết quả tốt.

- Trong tổ chức thực hiện: Xã phải thành lập Ban Quản lý, Ban Giám sát công trình và huy động người hưởng lợi tham gia thực hiện xây dựng công trình.

- Phải minh bạch về tài chính để tạo được niềm tin trong nhân dân.

- Ban Chỉ đạo Kiên cố hóa kênh mương các cấp: Cần thực hiện tốt công tác trực báo, sơ kết, tổng kết đánh giá, động viên những địa phương đơn vị thực hiện có kết quả tốt góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào kiên cố hóa kênh mương toàn tỉnh.

II. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012-2015 (sau đây gọi tắt là Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015)

1. Kết quả thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi tại 33 xã đến năm 2011

Tính đến cuối năm 2011, các tuyến kênh loại III thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2012 -2015 do xã quản lý có tổng chiều dài 696 km.

Trong đó, chiều dài kênh đã được kiên cố hóa từ 2002 - 2011: 160,3 km, tỷ lệ km kênh được kiên cố hóa bình quân đạt 23,02%, còn rất thấp so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới (phải đạt 70%).

(Có Phụ lục II: Tổng hợp chiều dài kênh loại III thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới kèm theo)

2. Sự cần thiết phải đầu tư

- Việc xây dựng Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015 nhằm góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.

- Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi là thực sự cần thiết, nhằm sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp sau nhiều năm khai thác sử dụng; đồng thời nâng cao năng lực tưới tiêu và hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

III. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 và Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các Chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015;

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 10/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

- Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN ngày 25/9/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện kiên cố hóa kênh mương;

- Thông tư số 156/2009/TT-BTC ngày 03/8/2009 của Bộ Tài chính Hướng dẫn cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương, đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn;

- Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 27/10/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XI - Kỳ họp thứ 3 về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 27/12/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Kế hoạch số 1167/KH-UBND ngày 19/4/2012 của UBND tỉnh xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020;

- Đề án, kế hoạch kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2012-2015 của UBND các huyện; Đề án xây dựng nông thôn mới của 33 xã trong giai đoạn 2012-2015.

Phần II

NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

I. Mục tiêu

- Sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và cấp nước cho các ngành kinh tế khác.

- Tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng, chi phí quản lý, tăng mức bảo đảm cấp nước đến mặt ruộng và mở rộng thêm diện tích được tưới chủ động, nâng cao hệ số lợi dụng kênh mương từ h= 0,6 ÷ 0,7 lên h = 0,8 ÷ 0,9.

- Tạo điều kiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, khoa học.

- Giảm diện tích chiếm đất của kênh.

- Kết hợp phát triển giao thông nông thôn, góp phần cải thiện môi trường.

- Nâng cao ý thức làm chủ và giữ gìn bảo vệ công trình của mọi người dân trong cộng đồng.

- Góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

II. Nhiệm vụ chủ yếu

Kiên cố hóa các tuyến kênh loại III thuộc 33 xã xây dựng đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn 2012-2015, các xã: Bình Dương, Bình Thới và Bình Trung (huyện Bình Sơn); Tịnh Trà, Tịnh Khê, Tịnh Giang và Tịnh Châu (huyện Sơn Tịnh); Nghĩa Hòa, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương, Nghĩa Kỳ và Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa); Hành Thịnh, Hành Minh, Hành Trung, Hành Thuận, Hành Đức, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Phước và Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành); Đức Tân, Đức Hòa, Đức Nhuận, Đức Thạnh (huyện Mộ Đức); Phổ Vinh, Phổ Hòa, Phổ Ninh (huyện Đức Phổ); Trà Bình (huyện Trà Bồng); Sơn Thành (huyện Sơn Hà); Long Sơn (huyện Minh Long); Ba Chùa (huyện Ba Tơ) và An Hải (huyện Lý Sơn).

III. Phân loại kênh kiên cố hóa

Theo Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN ngày 25/9/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân loại kênh kiên cố hóa như sau:

Kênh loại III: Kênh nhánh, kênh nội đồng thuộc phạm vi 1 xã.

IV. Quy mô đầu tư

Kiên cố hóa các tuyến kênh loại III thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới

- Số tuyến kênh kiên cố hóa: 394 tuyến.

- Chiều dài kênh kiên cố hóa: 333,62 km.

- Diện tích tưới sau kiên cố hóa so với thực tế trước kiên cố hóa: 8.439 ha/6.155ha.

- Khái toán kinh phí đầu tư: 433.943 triệu đồng.

(Có Phụ lục III-1: Kế hoạch kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2012-2015 theo từng huyện kèm theo)

V. Kế hoạch kiên cố hoá

1. Từ năm 2012 - 2013:

- Số tuyến kiên cố hóa: 175 tuyến.

- Chiều dài kiên cố: 145,486 km.

- Diện tích tưới (sau kiên cố hóa so với thực tế): 4.180 ha/3.113 ha.

2. Năm 2014:

- Số tuyến kiên cố hóa: 116 tuyến.

- Chiều dài kiên cố: 94,507 km.

- Diện tích tưới (sau kiên cố hóa so với thực tế): 2.151 ha/1.502 ha.

3. Năm 2015:

- Số tuyến kiên cố hóa: 103 tuyến.

- Chiều dài kiên cố: 93,628 km.

- Diện tích tưới (sau kiên cố hóa so với thực tế): 2.108 ha/1.540 ha.

(Có Phụ lục III-2: Danh mục kiên cố hóa kênh mương tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015 phân theo từng năm kèm theo)

VI. Khái toán kinh phí đầu tư, nguồn vốn và cơ chế huy động vốn

1. Khái toán kinh phí đầu tư là: 433.943 triệu đồng.

2. Nguồn vốn:

- Ngân sách Trung ương (TW), tỉnh, vốn lồng ghép các Chương trình (dự án) khác: 353.733 triệu đồng.

- Vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân: 80.210 triệu đồng.

3. Kế hoạch vốn đầu tư hàng năm:

- Năm 2012-2013 : 191.892 triệu đồng

- Năm 2014 : 121.067 triệu đồng

- Năm 2015 : 120.984 triệu đồng

4. Cơ chế huy động vốn:

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và các quy định hiện hành, cơ chế huy động vốn thực hiện Đề án như sau:

- Các huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành):

+ Vốn ngân sách TW, ngân sách tỉnh, Chương trình (dự án) khác: 80%.

+ Vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân: 20%.

- Các huyện miền núi (Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng) và huyện đảo Lý Sơn: Vốn ngân sách TW, ngân sách tỉnh, Chương trình (dự án) khác: 100%.

5. Cơ chế thực hiện:

Thực hiện theo Quy chế quản lý, thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 – 2015 do UBND tỉnh ban hành.

VII. Giải pháp

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương phù hợp với quy hoạch thủy lợi của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh với các giải pháp chủ yếu như sau:

1. Về tuyên truyền, vận động:

- Các Sở, ngành, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, quản lý khai thác sử dụng tiết kiệm và hiệu quả kênh mương đã được kiên cố hóa.

- UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên cơ sở Đề án và kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm tổ chức thực hiện lấy ý kiến của nhân dân vùng hưởng lợi về việc ưu tiên lựa chọn các danh mục công trình kiên cố hóa trong năm kế hoạch để đầu tư xây dựng và vận động đóng góp của nhân dân.

- Đối với nguồn vốn đóng góp của nhân dân, chủ yếu vận động bằng hình thức đóng góp ngày công, vật liệu, cát, đá, sỏi có sẵn tại địa phương theo tinh thần tự nguyện, đúng Quy chế dân chủ cơ sở và quy định hiện hành của pháp luật.

2. Về vốn đầu tư:

- Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư và bố trí đủ vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo cơ cấu vốn được duyệt trong Đề ánkể cả việc nghiên cứu bổ sung thêm nguồn vốn vay tín dụng nhăm đảm bảo đủ vốn để thực hiện Đề án.

- Lồng ghép kế hoạch kiên cố hóa kênh mương thủy lợi bằng các nguồn vốn đầu tư của các chương trình (dự án) khác để huy động nguồn lực tổng hợp thực hiện Đề án.

- Hằng năm, ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí đủ vốn cho các huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Đối với các huyện còn lại, ưu tiên bố trí vốn nếu ngân sách huyện, xã và phần huy động đã bố trí đủ theo Đề án được duyệt.

- Các huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án gửi UBND tỉnh trước kỳ phân bổ vốn cuối năm 2012 và những năm tiếp sau để có cơ sở xem xét phân bổ vốn (phần ngân sách tỉnh quản lý); đồng thời các huyện phải chủ động bố trí phần vốn huyện, xã và nguồn vận động nhân dân để thực hiện Đề án.

3. Giải pháp công trình:

- Loại hình kênh kiên cố hóa: Tùy thuộc vào địa hình, địa chất vùng tuyến kênh để lựa chọn hình thức kênh hở, kênh ống hoặc kênh hộp có nắp tấm đan và mặt cắt ngang phù hợp như : Chữ nhật, hình thang hoặc ống buy.

- Công tác khảo sát xây dựng, lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước hoặc có thể áp dụng thiết kế kênh định hình hoặc sử dụng lại thiết kế đã có theo quy định hiện hành.

- Kết cấu chủ yếu: Kiên cố bằng bê tông và bê tông cốt thép các loại.

- Giải pháp thi công xây dựng: Thi công kiên cố hóa kênh mương nhưng phải đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất theo mùa vụ của địa phương.

4. Các giải pháp khác:

- Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xuyên suốt quá trình thực hiện đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương và thông báo cho nhân dân các nội dung đã thực hiện.

- Tăng cường tập huấn về quản lý chất lượng công trình và quản lý vốn đầu tư cho đội ngũ cán bộ cấp xã, hợp tác xã.

- Rà soát kế hoạch hàng năm, ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng các tuyến kênh thuộc vùng có diện tích tưới lớn, vùng có khả năng mở rộng diện tích tưới, vùng chuyển đổi lúa từ 3 vụ sang 2 vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi để thực hiện mở rộng đối với các xã còn lại trong giai đoạn tiếp theo hoặc khi huy động được nguồn vốn khác.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, thực hiện Đề án kiên cố cố hóa kênh mương thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 - 2015.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án với Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Đề án.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện:

- Chủ trì và chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án Kiên cố kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015 tại các xã; xây dựng và phê duyệt Kế hoạch kiên cố hóa kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện để thực hiện.

- Chủ động bố trí và huy động phần vốn huyện, xã gửi UBND tỉnh trước kỳ phân bổ vốn cuối năm 2012 và các kỳ phân bổ vốn hàng năm để UBND tỉnh có cơ sở xem xét phân bổ vốn (phần ngân sách do tỉnh quản lý)

- Chủ động nghiên cứu thực hiện mở rộng đối với các xã còn lại trong giai đoạn tiếp theo hoặc ngay trong giai đoạn này khi chủ động các nguồn vốn, hoặc tranh thủ lồng ghép vào các chương trình dự án khác.

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp tại Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 29/4/2011 ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các quy định hiện hành khác của nhà nước.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý chất lượng công trình xây dựng và quản lý vốn đầu tư kiên cố hóa kênh mương cho cấp cơ sở (nếu cần thiết).

4. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi:

Phối hợp với các địa phương về việc sắp xếp lịch cắt nước đảm bảo thi công xây dựng công trình kiên cố hóa để không làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất; hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương quản lý kỹ thuật kiên cố hoá kênh loại III trong hệ thống thủy lợi do Công ty quản lý để phát huy hiệu quả công trình.

5. Các tổ chức khác:

Mặt trận, Hội, Đoàn thể, Lực lượng vũ trang có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp vận động nhân dân tham gia thực hiện hoàn thành Đề án.

6. Chế độ thông tin báo cáo:

Các Chủ đầu tư lập và gửi báo cáo lên cấp trên của mình phải đảm bảo đầy đủ nội dung và đúng thời hạn như sau:

a) Nội dung báo cáo:

- Số liệu kết quả thực hiện báo cáo định kỳ (theo mẫu Phụ lục IV đính kèm).

- Đề xuất kế hoạch thực hiện kiên cố hóa cho kỳ tiếp theo (kể cả nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch Đề án và các danh mục ưu tiên đầu tư).

- Lập Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2012-2015.

b) Thời gian gửi và nhận báo cáo:

- Các đơn vị gửi Báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm cho cấp trên của mình vào ngày 05 tháng đầu của quý tiếp theo.

- Báo cáo của các huyện, thành phố gửi UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vào ngày 10 tháng đầu của quý tiếp theo./.

 

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Cao Khoa