• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/09/2022
BỘ Y TẾ
Số: 10/2022/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 9 năm 2022

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI NỘI DUNG ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG DƯỢC LIỆU QUÝ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn phương án phát triển dược liệu, phê duyệt dự án và Danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, tổng mức đầu tư dự án, mức đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án, phương án vay của từng dự án và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án thuộc nội dung số 2 trong Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển dược liệu quý cùng tham gia thực hiện dự án.

2. Thôn, bản, xã, huyện, tỉnh nơi triển khai dự án.

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở sản xuất, kinh doanh) triển khai hoặc tham gia vào dự án dược liệu quý hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số (ưu tiên các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), có cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu của các dự án trên.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án dược liệu quý.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan chủ dự án thành phần dược liệu quý là Bộ Y tế.

2. Cơ quan chủ quản chương trình dược liệu quý là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án dược liệu quý được triển khai.

3. Cơ quan quản lý dự án dược liệu quý là cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ dự án dược liệu quý.

4. Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý (sau đây được viết tắt là dự án dược liệu quý) là dự án liên kết chuỗi giá trị dược liệu bao gồm Dự án vùng trồng dược liệu quý và Dự án Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Dự án Trung tâm nhân giống).

5. Liên kết chuỗi giá trị dược liệu là liên kết được thực hiện trên cơ sở hợp tác bằng văn bản giữa đơn vị chủ trì liên kết với các thành viên liên kết trong việc tổ chức thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống, nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, sản xuất, bảo quản gắn với tiêu thụ dược liệu.

6. Đơn vị chủ trì liên kết dự án dược liệu quý là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đề xuất dự án, kế hoạch liên kết để hợp tác với các cá nhân, tổ nhóm cộng đồng, tổ hợp tác để thực hiện dự án dược liệu quý hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

7. Thành viên liên kết dự án dược liệu quý là các doanh nghiệp khác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số tham gia vào dự án.

Điều 4. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án dược liệu quý

1. Bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP) và các quy định pháp luật có liên quan về nuôi trồng, quản lý và khai thác dược liệu.

2. Phát triển dự án dược liệu quý phải gắn với bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo đảm các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

3. Các dự án dược liệu quý triển khai trên đất rừng phải bảo đảm kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững theo quy định của pháp luật.

4. Ưu tiên lựa chọn các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ, dự án ứng dụng công nghệ cao và các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu.

Điều 5. Công khai thông tin và lưu giữ kết quả thực hiện dự án dược liệu quý

1. Công khai thông tin về dự án dược liệu quý thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Việc công khai thông tin về các dự án dược liệu quý bao gồm các thông tin sau:

a) Thông tin về dự án dược liệu quý bao gồm: Tên, mục tiêu, nội dung, sản phẩm, danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, đơn vị chủ trì liên kết, các thành viên liên kết, thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư, mức đầu tư của cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào dự án, tóm tắt kết quả thực hiện dự án, được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý dự án dược liệu quý, Cơ quan chủ quản chương trình dược liệu quý và Cơ quan chủ dự án thành phần dược liệu quý hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định hiện hành.

b) Việc truyền thông về kết quả thực hiện dự án dược liệu quý thực hiện theo quy định của Luật Báo chí và quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Thông tư số 15/2022/TT-BTC).

c) Địa phương triển khai dự án, Đơn vị chủ trì liên kết dự án dược liệu quý, tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ có trách nhiệm tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kết quả thực hiện của dự án.

3. Việc lưu giữ kết quả thực hiện dự án dược liệu quý thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Chương II

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU QUÝ

Điều 6. Địa điểm triển khai dự án dược liệu quý

Địa điểm triển khai thực hiện dự án dược liệu quý phải đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Là huyện có xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

2. Là huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số.

3. Có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao.

4. Đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển Sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.

Điều 7. Diện tích triển khai dự án dược liệu quý

1. Tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210 ha, bao gồm các khu vực: các vùng nuôi trồng dược liệu quý, khu vực nhà xưởng, cơ sở bảo quản, cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước trong hàng rào dự án. Ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có 30 ha ứng dụng công nghệ cao.

2. Tổng diện tích triển khai dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao tối thiểu là 50 ha bao gồm khu vực: bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, cây đầu dòng, giống gốc, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, sản xuất giống gốc, sản xuất giống thương phẩm, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước trong hàng rào dự án.

Điều 8. Đối tượng cây dược liệu quý

Việc lựa chọn cây dược liệu để triển khai thực hiện dự án dược liệu quý đáp ứng yêu cầu sau:

1. Thuộc danh mục dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao tại Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 - 2030.

2. Phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển tại địa phương, cho năng suất, chất lượng cao.

3. Ưu tiên bảo tồn phát triển cây dược liệu tại địa phương, thuộc danh mục cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 9. Tiêu chuẩn kỹ thuật

1. Dược liệu được nuôi trồng phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên được quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên.

2. Cơ sở chế biến, sản xuất dược liệu phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

3. Cơ sở bảo quản dược liệu phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

4. Dự án dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao là dự án đáp ứng tiêu chí theo Quyết định số 34/2019/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Chương III

HƯỚNG DẪN PHÊ DUYỆT DỰ ÁN, TỔNG MỨC ĐẦU TƯ, PHƯƠNG ÁN VAY CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH THAM GIA THỰC HIỆN DỰ ÁN DƯỢC LIỆU QUÝ

Điều 10. Mẫu hồ sơ, quy trình lựa chọn và nội dung quyết định phê duyệt dự án dược liệu quý

1. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu đề xuất lựa chọn dự án. Cơ quan chủ quản chương trình có thể tham khảo các biểu mẫu được ban hành tại phụ lục của Thông tư này để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ban hành mẫu hồ sơ, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý theo quy định.

2. Quy trình lựa chọn dự án dược liệu quý được thực hiện quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

3. Nội dung quyết định phê duyệt dự án dược liệu quý phải bao gồm các nội dung quy định tại điểm d khoản 3 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngoài ra bổ sung thêm Danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo thẩm quyền.

Điều 11. Tổng mức đầu tư dự án và mức đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án dược liệu quý

1. Tổng mức đầu tư dự án dược liệu quý là tổng các nguồn vốn được huy động để thực hiện các nội dung của dự án, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn của cơ sở sản xuất, kinh doanh (vốn của chủ trì liên kết, vốn của các thành viên liên kết), vốn tín dụng ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Mức đầu tư của cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào dự án dược liệu quý là nguồn vốn của cơ sở sản xuất, kinh doanh huy động để thực hiện các nội dung được cam kết cùng tham gia triển khai thực hiện dự án.

Điều 12. Nguyên tắc, điều kiện, nội dung, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước cho dự án dược liệu quý

1. Nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ dự án dược liệu quý thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

2. Dự án dược liệu quý được hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi triển khai thực hiện dự án căn cứ vào hướng dẫn của từng địa phương đề nghị được hỗ trợ theo nội dung sau đây:

a) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, ưu tiên hỗ trợ các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu.

b) Hỗ trợ đầu tư các khu, vùng nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.

c) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu.

d) Hỗ trợ kinh phí đầu tư để cải tạo xây dựng cơ sở chế biến dược liệu quý để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

đ) Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản dược liệu quý gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học, hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và thiết bị.

e) Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ.

g) Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh.

h) Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.

i) Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

k) Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm.

l) Nhà nước hỗ trợ chi phí sản xuất giống gốc và chi phí sản xuất giống thương phẩm đối với các dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

4. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ thực hiện dự án dược liệu quý từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

5. Mức chi hỗ trợ cho các dự án dược liệu quý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện theo Điều 13 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

Điều 13. Chính sách tín dụng ưu đãi

1. Chính sách tín dụng ưu đãi cho dự án dược liệu quý được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 31 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

2. Phương án vay vốn, hồ sơ vay vốn, quy trình thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi đối với từng dự án và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào dự án thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các quy định về tín dụng khác.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư này.

b) Thực hiện trách nhiệm của Cơ quan chủ dự án thành phần dược liệu quý theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

c) Thực hiện giám sát và đánh giá thực hiện các dự án dược liệu quý thuộc nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

d) Triển khai, hỗ trợ cho các dự án dược liệu quý ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu quý và sản phẩm y dược cổ truyền được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng; xúc tiến thương mại cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

đ) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến thực hiện nội dung dược liệu, truyền thông nội dung về dược liệu quý theo quy định.

2. Viện Dược liệu có trách nhiệm:

Hướng dẫn, hỗ trợ cho các địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý và triển khai Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao.

3. Đơn vị chủ trì liên kết có trách nhiệm:

a) Tố chúc triển khai thực hiện đầy đủ các điều khoản cam kết trong hợp đồng; bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực, kinh phí (từ ngân sách được cấp và kinh phí ngoài ngân sách) để thực hiện dự án.

b) Quản lý kinh phí thực hiện dự án và thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định; chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng kinh phí, vật tư, tài sản, sản phẩm của dự án theo quy định hiện hành.

c) Tổ chức thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản khác có liên quan.

d) Báo cáo tiến độ định kỳ 6 tháng theo quy định hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan liên quan, chủ trì tổ chức nghiệm thu mô hình của dự án.

đ) Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án, định kỳ 6 tháng báo cáo tiến độ theo quy định; chủ trì tổ chức nghiệm thu mô hình của dự án.

e) Báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án và kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý.

g) Báo cáo bằng văn bản với Cơ quan chủ quản chương trình dược liệu quý, tổng kết việc thực hiện dự án thông qua Cơ quan quản lý dự án (bản cứng và bản điện tử PDF không cài bảo mật).

h) Xây dựng kế hoạch và tổ chức nhân rộng kết quả của dự án.

4. Thành viên liên kết có trách nhiệm:

a) Phối hợp cùng đơn vị chủ trì liên kết đề xuất thực hiện dự án.

b) Tổ chức thực hiện đầy đủ các điều khoản cam kết trong hợp đồng liên kết, bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực, kinh phí (từ ngân sách được cấp và kinh phí ngoài ngân sách) để thực hiện dự án.

c) Báo cáo tiến độ định kỳ 6 tháng theo quy định hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan liên quan, chủ trì tổ chức nghiệm thu mô hình của dự án.

d) Báo cáo bằng văn bản với Đơn vị chủ trì liên kết những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án và kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý.

đ) Báo cáo bằng văn bản với Đơn vị chủ trì liên kết về tiến độ triển khai thực hiện Cơ quan chủ quản chương trình dược liệu quý, tổng kết việc thực hiện dự án thông qua Cơ quan quản lý dự án (bản cứng và bản điện tử PDF không cài bảo mật).

e) Quản lý tài chính, tài sản, sản phẩm của dự án theo quy định hiện hành.

Điều 15. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Xuân Tuyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.