• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2021
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 79/2005/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 5 tháng 12 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành Quy định về trao đổi quốc tế

nguồn gen cây trồng quý hiếm

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm.

Điều 2. Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt và Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế trao đổi quốc tế kèm theo Quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung theo định kỳ cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ bảo tồn và trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm trong từng giai đoạn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 10/2002/QĐ-BNN ngày 17 tháng 01 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Về trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm

(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/2005/QĐ-BNN ngày 05 tháng 12 năm

2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy định này chỉ áp dụng đối với việc trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, không bao gồm việc nhập khẩu giống thương phẩm. Việc trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm phải gắn liền với nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền mà người trao đổi được giao với những nội dung hợp tác quốc tế cụ thể.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tại Quy định này, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện việc trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm được gọi chung là người trao đổi.

2. Nguồn gen cây trồng quý hiếm trong Quy định này được hiểu là những sinh vật sống hoàn chỉnh hay bộ phận sống của chúng (hạt, quả, củ, rễ, thân, cành lá, cây con, mắt ghép chồi, hạt phấn, mô tế bào và đoạn AND...) mang thông tin di truyền, có khả năng tạo ra cơ thể sống hoàn chỉnh.

3. Nguồn gen cây trồng quý hiếm của một loài cây trồng bao gồm các giống trồng trọt của loài đó và các đơn vị phân loại (taxon, thường là các loài và chi) cây hoang dại (wild relatives) có quan hệ họ hàng gần gũi với các loài cây trồng đó. Đó là các loài cây trồng bản địa hoặc nhập nội có các đặc tính giá trị cao về kinh tế và khoa học đã được phát hiện, đang có nguy cơ bị xói mòn.

Theo nguồn gốc xuất xứ và Trung tâm đa dạng di truyền, các loài cây trồng được chia thành 3 nhóm có tầm quan trọng khác nhau về trao đổi nguồn gen cây trồng quý hiếm. Mỗi loài trong từng nhóm đều có các giống: địa phương, cải tiến, nhập nội và các đơn vị phân loại cây hoang dại gần gũi với loài đó.

Nhóm 1: Gồm các loài mà nước ta thuộc khu vực xuất xứ hoặc khu vực đa dạng di truyền cao.

Nhóm 2: Gồm các loài nhập nội vào nước ta từ lâu đời, đã trở thành cây địa phương của ta.

Nhóm 3: Gồm các loài mới nhập nội gần đây.

Điều 3. Mục đích của quy định trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm

1. Tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước về hợp tác và trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm của nước ta.

2. Việc hợp tác trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm dựa trên cơ sở bình đẳng, các bên đều có lợi, ngăn chặn sự mất mát nguồn gen cây trồng quý hiếm, bảo vệ và làm phong phú thêm đa dạng sinh học, cung cấp giống cho sản xuất nông lâm nghiệp cũng như vật liệu di truyền cho nghiên cứu khoa học và lai tạo giống ở nước ta.

Điều 4. Quản lý công tác trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm.

Người trao đổi khi có nhu cầu phải có hồ sơ xin phép trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm, bao gồm:

- Đơn xin xuất hoặc nhập nguồn gen cây trồng quý hiếm (theo Mẫu 1);

- Lý lịch nguồn gen cây trồng quý hiếm cần trao đổi quốc tế (theo Mẫu 2);

- Các văn bản liên quan đến xuất hoặc nhập nguồn gen cây trồng quý hiếm (Dự án hợp tác nghiên cứu, hợp đồng nghiên cứu theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 của Quy định này).

Cục trưởng Cục Trồng trọt có trách nhiệm làm văn bản trình Bộ trưởng cho phép trao đổi nguồn gen cây trồng quý hiếm.

2. Cục Trồng trọt phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Trung tâm Tài nguyên thực vật và các đơn vị liên quan đến bảo tồn tài nguyên di truyền cây trồng để tổ chức xây dựng Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế hoặc chỉ trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt.

Danh mục này được sửa đổi, bổ sung theo định kỳ cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

3. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 5. Nội dung trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm

1. Nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế gồm hai danh mục:

Danh mục 1: Nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt bao gồm: Các loài cây hoang dại có quan hệ họ hàng gần gũi với cây trồng đang được chú ý khai thác, sử dụng và một số nguồn gen cây trồng quý hiếm có giá trị cao.

Danh mục 2: Nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế trao đổi quốc tế bao gồm: Một số nguồn gen cây trồng địa phương có giá trị đang được sử dụng trong sản xuất và bảo tồn tại ngân hàng gen.

2. Việc trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm thuộc Danh mục 1 và Danh mục 2 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.

Nguồn gen cây trồng quý hiếm không nằm trong Danh mục 1 và Danh mục 2 được trao đổi quốc tế, do Cục Trồng trọt quyết định.

Điều 6. Nguyên tắc cung cấp nguồn gen cây trồng quý hiếm cho một đối tác quốc tế

- Khi phía Việt Nam yêu cầu thì đối tác có trách nhiệm cung cấp lại nguồn gen cây trồng quý hiếm mà Việt Nam đã cấp trước đó.

- Cung cấp cho phía Việt Nam số liệu đánh giá và sử dụng nguồn gen cây trồng quý hiếm mà Việt Nam đã cấp.

- Phải có sự thỏa thuận (bằng văn bản) của phía Việt Nam thì mới cung cấp nguồn gen cây trồng quý hiếm của Việt Nam cho đối tác thứ ba.

- Khi đối tác sử dụng nguồn gen cây trồng quý hiếm do Việt Nam cung cấp thuộc quyền tác giả của Việt Nam để phổ biến trong sản xuất hoặc tạo ra giống mới, Việt Nam được hưởng quyền tác giả theo Công ước UPOV mà hai bên là các thành viên UPOV; nếu không đối tác chia sẻ quyền lợi với Việt Nam, thỏa thuận giữa hai bên theo thông lệ quốc tế./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.