• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 12/02/2007
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 15/2005/TTLT/BTC-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 2 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí

sự nghiệp kinh tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 175-CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 143/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Để thống nhất quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung và một số chế độ chi tiêu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường như sau:

PHẦN I

QUI ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này qui định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

2. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện do ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động; nhiệm vụ bảo vệ môi trường do các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm.

3. Các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thuộc các nguồn kinh phí khác bảo đảm (như chi từ nguồn sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam) không thuộc phạm vi điều chỉnh qui định tại Thông tư này.

PHẦN II

QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Phân cấp nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường.

a. Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, gồm:

- Điều tra cơ bản các thành phần môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh học...); điều tra thống kê chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường tại các khu vực trọng điểm, khu công nghiệp, các điểm tồn lưu chất độc hóa học do chiến tranh để lại;

- Điều tra, khảo sát, đánh giá các vấn đề môi trường và các tác động lên môi trường phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy phạm kỹ thuật, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

- Hoạt động quan trắc và phân tích môi trường do các cơ quan, đơn vị Trung ương quản lý; thu thập, xử lý, lưu giữ, cung cấp thông tin, số liệu điều tra và quan trắc về môi trường; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm, các báo cáo môi trường định kỳ và đột xuất;

- Xây dựng, tổ chức trình diễn thử nghiệm mô hình quản lý về bảo vệ môi trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong bảo vệ môi trường;

- Thực hiện các dự án đánh giá tác động môi trường;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các vùng kinh tế - xã hội, các lưu vực sông lớn về môi trường;

- Các hoạt động thanh tra; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, sự cố môi trường; hoạt động sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

- Cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và các giấy phép khác về môi trường theo qui định của pháp luật;

- Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Tổ chức đào tạo, hợp tác quốc tế, tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường;

- Chi giải thưởng về môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định;

- Mua sắm, sữa chữa trang thiết bị phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn bảo vệ môi trường;

- Vốn đối ứng các dự án liên quan tới hoạt động bảo vệ môi trường;

- Kinh phí hoạt động của các Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

- Các nhiệm vụ khác có liên quan đến bảo vệ môi trường.

Riêng nhiệm vụ thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường được bảo đảm từ nguồn thu "Phí lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" theo qui định tại Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.

b. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, gồm:

- Điều tra cơ bản các thành phần môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh học...) phục vụ công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

- Điều tra đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế, khu công nghiệp, điểm tồn lưu chất độc hóa học do chiến tranh để lại tại địa phương;

- Hoạt động của các trạm quan trắc và phân tích môi trường của địa phương; thu thập, xử lý, trao đổi, lưu giữ thông tin, số liệu về môi trường; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường và các báo cáo khác về môi trường của địa phương;

- Lấy mẫu và phân tích mẫu lần đầu thực hiện việc thu phí về bảo vệ môi trường;

- Điều tra, khảo sát, thử nghiệm xây dựng, triển khai áp dụng các mô hình mẫu về quản lý và bảo vệ môi trường tại địa phương;

- Thực hiện các dự án đánh giá tác động môi trường tại địa phương;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường của địa phương;

- Các hoạt động thanh tra; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, sự cố môi trường; hoạt động sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương theo phân cấp;

- Cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và các giấy phép khác về môi trường theo qui định của pháp luật;

- Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tập huấn, hội nghị, hội thảo nghiệp vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường tại địa phương;

- Chi giải thưởng môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định;

- Mua sắm trang thiết bị phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường của địa phương;

- Vốn đối ứng các dự án quốc tế về bảo vệ môi trường của địa phương;

- Các nhiệm vụ khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương;

Việc phân định nhiệm vụ chi cụ thể về bảo vệ môi trường của ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã do ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Riêng nhiệm vụ thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường do địa phương thực hiện theo phân cấp được đảm bảo từ nguồn thu "Phí lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" theo qui định tại Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.

2- Một số mức chi cụ thể:

- Chế độ chi cho các nội dung liên quan để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường được thực hiện theo qui định hiện hành.

- Thông tư này hướng dẫn một số mức chi cụ thể (theo phụ lục đính kèm).

3- Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước:

Việc lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường thực hiện theo các qui định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

a- Về lập và phân bổ dự toán:

Hàng năm căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường của năm trước, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhịêm vụ bảo vệ môi trường của năm kế hoạch; các cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương lập dự toán chi bảo vệ môi trường cùng với dự toán năm của đơn vị gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp, đồng gửi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để phối hợp thực hiện. Cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp dự toán chi bảo vệ môi trường vào dự toán ngân sách hàng năm và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường được lập và xác định cho các nhóm công việc nêu tại phụ lục của Thông tư theo nguyên tắc sau:

- Đối với các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường đã có định mức kinh tế - kỹ thuật: Dự toán kinh phí được xác định trên cơ sở khối lượng công việc nhân (x) đơn giá hiện hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành sau khi thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan.

- Đối với các nhiệm vụ chi chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật: Dự toán kinh phí được lập theo khối lượng công việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước.

Căn cứ vào dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao; các Bộ, cơ quan Trung ương và cơ quan, đơn vị ở địa phương phân bổ cụ thể dự toán chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường cùng với dự toán ngân sách năm cho các đơn vị trực thuộc và tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định theo qui định của Luật ngân sách nhà nước.

b- Về triển khai thực hiện nhịêm vụ, dự toán và thanh quyết toán:

- Về thẩm quyền phê duyệt các đề án, dự án về bảo vệ môi trường:

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phê duyệt các đề án, dự án môi trường trọng điểm cấp quốc gia (có tính chất liên ngành, liên vùng).

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện phê duyệt các dự án, đề án, các nhiệm vụ cấp Bộ, ngành thuộc phạm vi Bộ, ngành phụ trách; triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện thanh quyết toán theo qui định.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện phê duyệt các dự án, đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được phân cấp cho địa phương thực hiện.

- Kinh phí thực hiện cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo qui định tại Thông tư này được phản ảnh và quyết toán vào loại 12 khoản 11 "Các hoạt động điều tra, thăm dò, khảo sát, tư vấn..." trong lĩnh vực môi trường, theo chương tương ứng của các Bộ, ngành, địa phương và chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước.

4- Thanh tra, kiểm tra:

Các cơ quan chủ quản ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí được cấp có thẩm quyền giao đúng mục đích, có hiệu quả.

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Mọi qui định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

 

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Huỳnh Thị Nhân

Phạm Khôi Nguyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.