THÔNG TƯ
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo
______________________________
Căn cứ Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo (sau đây viết gọn là Nghị định số 36/2009/NĐ-CP), bao gồm: quản lý việc sản xuất, mua, bán, vận chuyển, nhập khẩu, sử dụng pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa và tổ chức bắn pháo hoa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết gọn là tổ chức, cá nhân) liên quan đến hoạt động sản xuất, mua, bán, vận chuyển, nhập khẩu, sử dụng pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa và quản lý, tổ chức bắn pháo hoa.
Điều 3. Quản lý các loại pháo hoa
1. Việc quản lý các loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa và pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại các chương II, III, IV của Thông tư này.
2. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP khi sử dụng súng bắn thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nếu chỉ dùng thiết bị kỹ thuật khác (không sử dụng súng) thì việc quản lý thực hiện theo quy định của các bộ, ngành có liên quan.
3. Việc quản lý pháo hoa lễ hội bằng giấy, pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây tiếng nổ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
Chương II
QUẢN LÝ VIỆC SẢN XUẤT PHÁO HOA, THUỐC PHÁO HOA
Điều 4. Điều kiện cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa
Cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa;
2. Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
3. Bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động; phòng, chống cháy, nổ;
4. Được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Điều 5. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
2. Bản sao văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép sản xuất, gia công pháo hoa, thuốc pháo hoa;
3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
4. Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy;
5. Bản khai lý lịch cá nhân của người đứng đầu cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa có xác nhận của chính quyền cơ sở nơi thường trú hoặc của cơ quan quản lý trực tiếp và kèm theo hai ảnh cỡ 4 x 6 cm;
Điều 6. Nơi nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội Bộ Công an.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải kiểm tra các điều kiện của cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
3. Trường hợp thấy không đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa biết.
Cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải đóng lệ phí theo quy định.
Điều 7. Mua, bán pháo hoa
1. Cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa chỉ được bán pháo hoa cho các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
2. Các đơn vị, địa phương được phép sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa của các cơ sở được phép sản xuất pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại Điều 11 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
3. Hồ sơ mua pháo hoa bao gồm:
a) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Ban Tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch nêu cụ thể thời gian, địa điểm, số lượng, chủng loại pháo hoa;
b) Hợp đồng mua bán, vận chuyển (nếu có);
c) Người đến liên hệ mua pháo hoa phải xuất trình Giấy giới thiệu và Giấy chứng minh nhân dân.
Chương III
CẤP GIẤY PHÉP MANG PHÁO HOA, THIẾT BỊ, PHỤ KIỆN BẮN PHÁO HOA VÀO VIỆT NAM VÀ VẬN CHUYỂN PHÁO HOA, THUỐC PHÁO HOA, THIẾT BỊ, PHỤ KIỆN BẮN PHÁO HOA
Điều 8. Cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam
1. Việc cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham dự hội thi bắn pháo hoa quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam để dự thi nếu sử dụng không hết thì phải tái xuất số pháo hoa còn lại và các thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa; không được bán lại hoặc sử dụng vào mục đích khác tại Việt Nam.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam bao gồm:
a) Văn bản của Ban tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế đề nghị cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam; trong đó nêu cụ thể số lượng đoàn nước ngoài tham gia; chủng loại; số lượng pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa của từng đoàn; họ, tên, số hộ chiếu của người đại diện của từng đoàn; thời gian, cửa khẩu các đoàn mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi Việt Nam.
b) Bản sao ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế;
c) Quyết định thành lập Ban tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Người đến liên hệ xin cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam phải xuất trình Giấy giới thiệu và Giấy chứng minh nhân dân, kèm theo hai ảnh cỡ 4 x 6 cm.
3. Nơi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép và thời hạn cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam thực hiện như sau:
Hồ sơ xin cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Ban tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế phải nộp lệ phí cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam theo quy định.
Điều 9. Cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa, tổ chức bắn pháo hoa
Giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng cấp và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Chương IV
QUẢN LÝ, TỔ CHỨC BẮN PHÁO HOA
Điều 10. Quản lý bắn pháo hoa
1. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là cấp tỉnh) tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch có nhu cầu tổ chức bắn pháo hoa nhân các ngày kỷ niệm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP phải thành lập Ban tổ chức bắn pháo hoa. Thành phần Ban tổ chức bắn pháo hoa do lãnh đạo Bộ, ngành làm Trưởng ban (nếu do Bộ, ngành chủ trì tổ chức) hoặc đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức) và đại diện cơ quan liên quan: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Quân sự, Tài chính, Thông tin và Truyền thông.
2. Trách nhiệm của Ban tổ chức bắn pháo hoa
- Xây dựng Đề án tổ chức bắn pháo hoa; trong đó, nêu rõ quy mô, tầm bắn, thời lượng, số địa điểm bắn pháo hoa, các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ.
- Tổ chức bắn pháo hoa an toàn, đúng mục đích, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.
- Báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an về kết quả việc tổ chức bắn pháo hoa.
3. Trường hợp có nhu cầu thay đổi tầm bắn, thời lượng, thời gian, địa điểm bắn pháo hoa phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký; các quy định trước đây của Bộ Công an về quản lý, sử dụng pháo hoa trái với quy định này tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh các cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương báo cáo, phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.