• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/1996
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 08/NN-KNKL/TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 9 năm 1996

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành nghị định 15/cp ngày 19/3/1996 về quản lý thức ăn chăn nuôi

Thi hành Nghị định 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

I. SẢN XUẤT, KINH DOANH

1. Đăng ký sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

a) Tổ chức, cá nhân đăng ký xin giấy phép sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau:

- Có địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình công nghệ để sản xuất thức ăn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh chăn nuôi thú y và vệ sinh môi trường;

- Có điều kiện hoặc phương tiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trước khi xuất xưởng;

- Có nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi.

b) Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp và các loại hình cơ sở sản xuất. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Đối với liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc biệt (aminoacid, vitamin…), các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đối với tổ chức, cá nhân trực thuộc địa phương phải có ý kiến thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

c) Các loại thức ăn chăn nuôi phải đăng ký sản xuất:

- Thức ăn đăng ký sản xuất lần đầu.

- Thức ăn đã được cấp đăng ký sản xuất nhưng có thay đổi về tên gọi, hàm lượng các chất dinh dưỡng, công thức, dạng sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu.

- Thức ăn đã sản xuất ở nước ngoài nhưng nay đăng ký sản xuất ở Việt Nam.

- Thức ăn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép dùng thử.

d) Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sản xuất và lưu hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố (Phụ lục 1). Nếu ở ngoài danh mục phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và cho phép dùng thử.

2. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có giấy phép hành nghề do cơ quan quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp:

- Đối với các cơ sở liên doanh sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc biệt (aminoacid, vitamin…), các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành do Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy phép hành nghề.

- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trực thuộc địa phương do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thành phố, đặc khu thuộc trung ương cấp giấy phép hành nghề.

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

c) Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm báo cáo thống kê về tình hình sản xuất hàng quý, hàng năm với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

d) Nghiêm cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi không có giấy phép, sai trong quy định của giấy phép.

đ) Địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên doanh nghiệp như đăng ký. Nơi đặt biển phải thuận tiện, dễ nhìn để mọi người biết.

e) Thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường phải qua kiểm tra xuất xưởng và lưu mẫu. Phiếu kiểm tra xuất xưởng phải lưu giữ tối thiểu là 3 năm.

g) Các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa đều phải có bao bì và có nhãn. Trường hợp giao hàng rời, không cần có nhãn thì phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng, có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.

h) Các nguyên liệu quý hiếm làm thức ăn chăn nuôi phải đựng trong bao bì và phải có nhãn.

i) Việc trình bày trên nhãn, mác phải viết bằng chữ Việt Nam, nhưng cũng có thể viết thêm bằng chữ nước ngoài. Nội dung nhãn, mác của các loại thức ăn phải viết như sau:

Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh:

- Tên thương mại của thức ăn chăn nuôi.

- Số đăng ký được phép sản xuất.

- Tên tổ chức, cá nhân sản xuất.

- Nơi sản xuất.

- Khối lượng tịnh.

- Tên và tỷ lệ thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong hỗn hợp (độ ẩm, protein, năng lượng trao đổi, xơ thô, canxi, phốt pho, muối).

- Dùng cho loại gia súc, gia cầm nào; cách sử dụng.

- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.

Thức ăn đậm đặc:

- Tên thương mại của thức ăn đậm đặc.

- Số đăng ký được phép sản xuất.

- Tên tổ chức, cá nhân sản xuất.

- Nơi sản xuất.

- Khối lượng tịnh.

- Tên và tỷ lệ thành phần dinh dưỡng chủ yếu (độ ẩm, protein, năng lượng thô xơ, năng lượng trao đổi, canxi, phốt pho, vitamin và amino acid chủ yếu).

- Dùng cho loại gia súc, gia cầm nào, cách sử dụng.

- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.

Thức ăn bổ sung:

- Tên thương mại của thức ăn bổ sung.

- Số đăng ký được phép sản xuất.

- Tên tổ chức, cá nhân sản xuất.

- Nơi sản xuất.

- Khối lượng tịnh.

- Tên và tỷ lệ thành phần các chất bổ sung (ghi rõ tên các chất bổ sung)

- Dùng cho loại gia súc, gia cầm nào: Cách sử dụng (nếu đặc chủng cần lưu ý cách dùng).

- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.

3. Lưu thông thức ăn chăn nuôi

a) Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, không bị nhiễm các chất độc hại, nhiễm khuẩn, không gây biến đổi chất làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.

b) Tổ chức, cá nhân lưu giữ thức ăn chăn nuôi phải có kho chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng thức ăn, vệ sinh chăn nuôi thú y, môi trường.

c) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau:

- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Có cửa hàng, kho chứa, trang bị cần thiết.

d) Phạm vi kinh doanh thức ăn chăn nuôi

- Chỉ được bán các loại thức ăn chăn nuôi trong danh mục được phép sử dụng và lưu hành ở Việt Nam.

- Không được bán thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn kém phẩm chất, thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn không đúng nhãn hiệu đã đăng ký, không có dấu kiểm tra xuất xưởng.

- Trong gian hàng chứa thức ăn chăn nuôi không được chứa bất kỳ một loại vật phẩm nào như phân hóa học thuốc trừ sâu, xăng dầu,… có thể làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn chăn nuôi.

đ) Bao bì chứa thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường phải nguyên đai, nguyên kiện, không được bán thức ăn chăn nuôi chứa trong bao bì rách, hỏng.

e) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên cửa hàng như đăng ký. Nơi đặt biển phải thuận tiện, dễ nhìn để mọi người biết.

II. XUẤT NHẬP KHẨU THỨC ĂN VÀ NGUYÊN LIỆU LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI

1. Nhập khẩu

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm lập kế hoạch cân đối nhu cầu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Xác định nhu cầu nhập khẩu và cấp giấy phép cho phép tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào những thời điểm thích hợp nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

b) Hồ sơ xin nhập khẩu gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm:

- Đơn xin nhập khẩu (cần ghi rõ: Chủng loại, số lượng hàng xin nhập, nơi nhập, thời hạn xin nhập).

- Chứng nhận chất lượng từng loại hàng nhập của cơ quan quản lý Nhà nước cấp quốc gia nước xuất hàng.

- Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp.

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật hoặc động vật theo điều lệ về kiểm dịch thực vật (ban hành kèm theo Nghị định số 92/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ) hoặc theo điều lệ phòng chống dịch bệnh cho động vật (ban hành kèm theo Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ).

2. Xuất khẩu

Tổ chức, cá nhân muốn xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý và có các điều kiện sau:

- Có hợp đồng đặt hàng của nước ngoài.

- Có giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại.

III. THỨC ĂN CHĂN NUÔI CẤM SẢN XUẤT – KINH DOANH

Tổ chức, cá nhân không được sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu để bán các loại thức ăn chăn nuôi sau đây:

1. Thức ăn chăn nuôi kém phẩm chất hoặc quá hạn.

2. Thức ăn chăn nuôi không đăng ký hoặc đã bị đình chỉ thu hồi đăng ký.

3. Thức ăn chăn nuôi đựng trong bao bì không đúng quy cách, không có nhãn mác.

4. Thức ăn chăn nuôi có trong danh mục không được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định (Phụ lục 2).

5. Thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có hàm lượng độc tố và các chất có hại trên mức quy định (Phụ lục 1).

IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong cả nước.

Trong khi chưa có hệ thống tổ chức kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi từ trung ương đến cơ sở, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm thời hướng dẫn như sau:

1. Ở Trung ương

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ định các trung tâm khoa học hoặc các phòng phân tích làm nhiệm vụ phân tích mẫu thức ăn chăn nuôi ở 3 vùng trong cả nước.

b) Ban hành các văn bản, quy định và hướng dẫn nội dung nghiệp vụ về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

c) Thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước.

2. Ở tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn quản lý của địa phương.

b) Theo dõi, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất và lưu thông trên địa bàn quản lý như:

- Tổ chức lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi 2 lần trong năm.

- Tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết và phải được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Nội dung kiểm tra gồm:

+ Kiểm tra hồ sơ chất lượng hàng hóa xuất xưởng và xuất xứ.

+ Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi theo đúng thủ tục quy định để gửi đi phân tích chất lượng.

+ Kiểm tra nhãn mác, bao bì và khối lượng.

+ Kiểm tra vệ sinh thức ăn chăn nuôi, vệ sinh môi trường sản xuất và bảo quản thức ăn chăn nuôi.

- Khi kiểm tra phải lập biên bản, bên kiểm tra và bên được kiểm tra phải ký vào biên bản, biên bản được sao thành 4 bản trong đó 1 bản gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Khuyến nông và Khuyến lâm).

- Kết quả phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở đã kiểm tra.

c) Thu lệ phí, phí tổn trong quá trình kiểm tra, giải quyết khiếu nại, đăng ký theo mức quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

V. KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

-  Tổ chức, cá nhân, viên chức nhà nước khi có hành vi vi phạm Nghị định 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ tùy theo mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Các Cục, Vụ, Ban, ngành trực thuộc Bộ và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng và quyền hạn của mình hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc cần sửa đổi báo cáo Bộ kịp thời (Cục Khuyến nông và Khuyến lâm).

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thế Dân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.