CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
_____________
Hoà giải ở cơ sở là hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản và là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Hoà giải ở cơ sở giúp hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng tình làng, nghĩa xóm và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vụ việc tranh chấp, khiếu nại gửi đến cơ quan có thẩm quyền; góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy công tác hòa giải đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội đoàn thể ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 tổ hòa giải với 8.000 hòa giải viên, hầu hết các thôn, tổ dân phố, khu dân trong tỉnh đều có tổ hòa giải và duy trì hoạt động khá đều, trung bình mỗi năm các tổ hoà giải trong tỉnh đã tiến hành hòa giải gần 3.000 trường hợp, tỷ lệ hòa giải thành đạt hơn 80%, nhiều tổ hòa giải và hòa giải viên có tâm huyết, tự nguyện, kiên trì, làm công tác hòa giải nhiều năm và có nhiều thành tích đáng được biểu dương.
Tuy nhiên công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở như: chưa thực hiện các thủ tục bầu, công nhận các tổ hòa giải và hòa giải viên theo đúng quy định, không theo dõi, thống kê được số lượng tổ hòa giải và hòa giải viên, việc bồi dưỡng nghiệp vụ, khen thưởng cho hoà giải viên chưa thực hiện kịp thời, đúng quy định; một số công chức tư pháp - hộ tịch chưa làm tốt vai trò tham mưu trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở; tỉ lệ hòa giải thành tuy cao nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế về trình độ, kiến thức, ít được tập huấn, cung cấp tài liệu, do vậy việc nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn bất cập, một số thiếu nhiệt tình, thiếu kỹ năng, né tránh, ngại va chạm; nhiều vụ việc hòa giải mang tính hình thức, máy móc hoặc áp đặt, không đúng bản chất của công tác hòa giải, thiếu tính thuyết phục, không được sự đồng tình của các bên có tranh chấp .
Để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nhất là việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Tư pháp:
- Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn, báo cáo, đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; đề xuất khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích thật sự xuất sắc tiêu biểu trong công tác hòa giải.
- Hướng dẫn trình tự thành lập, công nhận tổ hòa giải và hòa giải viên ở cở sở theo quy định của pháp luật. Thống kê, tổng hợp tình hình biến động tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động hòa giải, tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Biên soạn các tài liệu, đề cương hướng dẫn hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật cho hòa giải viên.
2. Sở Tài chính:
Kiểm tra, hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở năm 1998; Nghị định 160/1998/ NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 73/2010/TT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản có liên quan.
3. UBND các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng, củng cố kiện toàn lực lượng hòa giải viên cơ sở theo đúng quy định của Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở; Nghị định số 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan. Chú trọng công tác nhân sự cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố đều có tổ hòa giải. Tổ viên Tổ hòa giải phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
- Ban hành văn bản triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương; chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện việc quản lý công tác hòa giải ở cơ sở như: bầu, thành lập, công nhận tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn; các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tổ chức theo dõi, thống kê công tác hòa giải theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BTP ngày 26/5/2008 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành biểu mẫu thống kê về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở.
- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, cung cấp các văn bản, tài liệu cho hòa giải viên, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm; kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích thật sự xuất sắc tiêu biểu trong công tác hòa giải.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
- Kết hợp đồng bộ công tác hòa giải ở cơ sở với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng khu dân cư văn hóa, với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ công tác hòa giải về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp); thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề không phù hợp cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để vận động nhân dân trong việc tổ chức, xây dựng các Tổ hoà giải, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn là tổ viên Tổ Hoà giải để nhân dân bầu; tham gia hoà giải trực tiếp các vụ việc, các tranh chấp, mâu thuẩn trong nhân dân.
- Phối hợp xây dựng, củng cố Tổ hoà giải với các tổ chức tự quản khác trong cộng đồng dân cư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; phối hợp tiến hành sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở để hoạt động này ngày càng đạt hiệu quả cao.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.