QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế quản lý vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm
_____________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26/07/2003;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS ngày 24/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc ban hành Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung;
Quyết định số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17/05/2002 của Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi;
Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10/04/2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn;
Xét đề nghị của Sở Thuỷ sản và Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm.
Điều 2. Giao Sở Thuỷ sản chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thuỷ sản, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã Ký)
Nguyễn Xuân Huế
|
QUY CHẾ
Quản lý vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày24/10 /2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
__________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định nội dung quản lý các vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm nhằm mục đích xây dựng vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm an toàn, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động nuôi tôm thương phẩm (sau đây gọi tắt là cơ sở nuôi tôm); các cơ quan chức năng quản lý có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1- Vùng nuôi tôm là khu vực đã được quy hoạch để nuôi tôm, không phân biệt địa giới hành chính và phương thức nuôi; có từ 2 cơ sở nuôi tôm trở lên; cùng sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống thải nước. Hoạt động nuôi tôm được thực hiện riêng theo từng cơ sở, nhưng chịu sự quản lý chung của Ban quản lý vùng nuôi.
2- Vùng nuôi tôm an toàn là vùng nuôi tôm có 100% số cơ sở nuôi tôm trong vùng áp dụng GAP hoặc CoC, trong đó có ít nhất 80% số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vùng nuôi tôm đạt chuẩn GAP hoặc CoC (gọi chung là Giấy chứng nhận vùng nuôi tôm an toàn).
3- Cơ sở nuôi tôm là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi tôm, trong đó các ao nuôi tôm có cùng hình thức nuôi, sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống thải nước, do một tổ chức, cá nhân làm chủ.
4- Cơ sở nuôi tôm an toàn là cơ sở nuôi tôm áp dụng GAP hoặc CoC và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm đạt tiêu chuẩn GAP hoặc CoC (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn).
5- GAP (tiếng Anh: Good Aquaculture Practices) là quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (viết tắt là Quy phạm thực hành nuôi tốt), được ứng dụng trong nuôi tôm nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm.
6- CoC (tiếng Anh: Code of Conduct for Responsible Aquaculture) là quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm (viết tắt là Quy phạm nuôi có trách nhiệm) được ứng dụng trong nuôi tôm nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm nuôi, nâng cao tính cộng đồng và hiệu quả tổng hợp của nghề nuôi tôm.
7- Ban quản lý vùng nuôi (BQLVN) là tổ chức được thành lập ở những vùng có từ 2 cơ sở nuôi tôm trở lên, đại diện cho cộng đồng các cơ sở nuôi tôm, có nhiệm vụ thống nhất quản lý trong vùng nuôi tôm, được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi tôm.
Chương II
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÙNG NUÔI VÀ CƠ SỞ NUÔI TÔM
Điều 3. Về quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi tôm
1- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh khuyến khích việc đầu tư xây dựng các vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm thành các vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm an toàn.
2- Vùng nuôi tôm phải được quy hoạch chi tiết theo phân cấp, có hệ thống cấp, thoát nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tránh lây nhiễm bệnh giữa các ao trong vùng nuôi hoặc từ vùng này sang vùng khác, đáp ứng các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương.
3- Khuyến khích các địa phương có vùng nuôi tôm thành lập Quỹ dân lập hỗ trợ rủi ro trong nghề nuôi tôm trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ để hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và những rủi ro khác trong nghề nuôi tôm.
Điều 4. Bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm
1- Các dự án đầu tư, thành lập vùng nuôi tôm, phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có Bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xác nhận.
2- Chủ cơ sở khi xây dựng ao, đầm nuôi tôm phải thỏa mãn các điều kiện:
a. Tránh nguồn chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của khu vực dân cư. Nguồn nước nuôi tôm phải đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); chất đất phù hợp với yêu cầu của ao nuôi tôm.
b. Cơ sở nuôi tôm phải có hệ thống ao lắng, ao xử lý nước thải với diện tích phù hợp đáp ứng yêu cầu của quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn.
3- Hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng thuốc thú y và hóa chất trong nuôi tôm. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học thuộc danh mục cấm đã được Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sản quy định.
4- Nước thải từ hoạt động nuôi tôm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định của Nhà nước trước khi xả ra môi trường. Các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt phải được thu gom và xử lý. Phải có nơi để riêng biệt thức ăn, hóa chất, thuốc phòng trị bệnh, xăng dầu,... và không để chúng rò rỉ ra môi trường.
5- Cơ sở nuôi tôm phải có Nhật ký theo dõi diễn biến môi trường nước của ao nuôi, theo dõi các tác động gây ra ô nhiễm có thể xảy ra và thông báo cho cơ quan quản lý để kiểm soát các tác động này.
Điều 5. Phòng trừ bệnh dịch vùng nuôi tôm
1- Tôm giống phải có Hồ sơ nguồn gốc, trước khi đưa vào nuôi phải được thuần dưỡng và kiểm tra mầm bệnh, chất lượng tôm giống phải đảm bảo theo Tiêu chuẩn quy định.
2- Cơ sở nuôi tôm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh, coi đó là biện pháp chủ yếu. Chỉ được phép sử dụng các loại hóa chất, thuốc phòng trị bệnh cho tôm đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không để dư lượng vượt quá giới hạn cho phép trong sản phẩm nuôi. Phải lưu giữ toàn bộ hồ sơ các lần sử dụng thức ăn, thuốc hoặc hóa chất cho các ao nuôi tôm của mình (thời gian, loại thức ăn, thuốc hoặc hóa chất, lý do và liều lượng đã sử dụng). Ngừng việc dùng thuốc kháng sinh cho nuôi tôm thương phẩm trước khi thu hoạch 4 tuần.
3- Không dùng động vật tươi sống làm thức ăn cho tôm, không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý bón vào ao nuôi.
4- Ban quản lý vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng khi thấy tôm có biểu hiện bị bệnh; thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc phòng bệnh bắt buộc, xử lý tôm bị bệnh, khử trùng tiêu độc.
Điều 6. Quy định về thu hoạch tôm
1- Không thu hoạch tôm nuôi tại vùng nuôi bị cơ quan có thẩm quyền cấm thu hoạch hoặc cấm thu hoạch có thời hạn do trong quá trình giám sát, kiểm tra phát hiện tôm nuôi bị nhiễm hóa chất độc hại; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
2- Sau khi thu hoạch, sản phẩm tôm phải được xử lý đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định; không được sử dụng các hóa chất, chất phụ gia bị cấm sử dụng trong bảo quản; không để tôm bị nhiễm bẩn bởi các chất độc hại như dầu nhờn, nhiên liệu và các loại tạp chất khác như mảnh vụn kim loạị, các vật lạ khác.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm an toàn
1.Trách nhiệm của cơ sở nuôi tôm:
a. Chủ cơ sở trong vùng nuôi tôm là thành viên của vùng nuôi tôm, có trách nhiệm chấp hành Điều lệ tổ chức và hoạt động và chịu sự chỉ đạo của Ban quản lý vùng nuôi tôm.
b. Ngoài việc phải chấp hành nghiêm túc các quy định tại các Điều: 4, 5, 6 của Quy chế này, các cơ sở nuôi tôm còn phải thực hiện các quy định:
- Tham gia xây dựng và thực hiện các quy định cụ thể về vùng nuôi, hợp tác, chia sẻ thông tin để nâng cao nhận thức, hiểu biết giữa các cơ sở nuôi tôm trong vùng.
- Chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chuyên môn. Cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin diễn biến môi trường, bệnh dịch và mẫu tôm nuôi để phân tích dư lượng hóa chất độc hại theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc tìm phương án và xử lý môi trường khi có sự cố hoặc dịch bệnh xảy ra.
2- Trách nhiệm của cơ sở nuôi tôm an toàn:
a. Chủ cơ sở nuôi tôm an toàn phải đảm bảo cơ sở có đủ điều kiện về vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; phải đăng ký kinh doanh nuôi tôm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; khi đã đăng ký cơ sở nuôi tôm an toàn phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và quy phạm thực hành nuôi có trách nhiệm (CoC) theo lộ trình của Bộ Thủy sản.
b. Khi đã được công nhận là cơ sở nuôi tôm an toàn, phải duy trì sản phẩm tôm nuôi không có dư lượng các chất đã bị cấm sử dụng, hàm lượng các chất gây hại như: kim loại nặng, hóa chất tẩy trùng, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh sử dụng,... không vượt quá giới hạn cho phép. Hạn chế đến mức thấp nhất tác nhân làm sản phẩm tôm nuôi bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người tiêu dùng.
Điều 8. Trách nhiệm của Ban quản lý vùng nuôi tôm và Ban quản lý vùng nuôi tôm an toàn
1- Trách nhiệm của Ban quản lý vùng nuôi tôm:
Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 4,5,6 của Quy chế này, Ban quản lý vùng nuôi tôm còn phải thực hiện các quy định:
a. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi tôm.
b. Có kế hoạch, biện pháp kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định tại Chương II của Quy chế này đối với các cơ sở thành viên.
c. Phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm trong vùng.
2- Trách nhiệm của Ban quản lý vùng nuôi tôm an toàn:
Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định:
a. Tự xây dựng các Quy định cụ thể về đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm để các cơ sở nuôi tôm trong vùng tổ chức thực hiện. Có kế hoạch và biện pháp kiểm tra việc thực hiện các quy định trên. Thu thập, hợp tác và chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức cho các cơ sở thành viên về nuôi tôm an toàn.
b. Điều hành và tổ chức sự phối hợp các thành viên hoạt động nuôi tôm trong vùng, thống nhất quản lý trong vùng nuôi tôm về việc áp dụng GAP hoặc CoC.
c. Yêu cầu cơ sở nuôi tôm trong vùng thực hiện ghi chép, lưu trữ đầy đủ các loại Hồ sơ giống và Nhật ký nuôi tôm phù hợp với quy định quản lý toàn vùng.
d. Có mối liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng địa phương, nắm vững các quy định về quản lý của ngành liên quan đến an toàn vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 9. Quyền của Ban quản lý vùng nuôi, Chủ cơ sở nuôi tôm và của Ban quản lý vùng nuôi tôm an toàn và chủ cơ sở nuôi tôm an toàn
1- Quyền của Ban quản lý vùng nuôi tôm và Chủ cơ sở nuôi tôm:
a. Ngừng hoạt động nuôi tôm đến 250 ngày liên tục không phải thông báo đến cơ quan đã đăng ký kinh doanh.
b. Được đăng ký áp dụng GAP hoặc CoC với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được đào tạo, hướng dẫn thực hành GAP hoặc CoC.
c. Ngoài ra Ban quản lý vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2- Quyền của Ban quản lý vùng nuôi tôm an toàn và chủ cơ sở nuôi tôm an toàn:
a. Có quyền được quy định tại điểm a, điểm c, khoản 1 Điều này.
b. Yêu cầu cơ quan Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản có thẩm quyền ghi tên vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn của mình vào Danh sách các vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn.
c. Quảng bá vùng nuôi, cơ sở nuôi tôm an toàn của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương III
CHỨNG NHẬN VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI TÔM
Điều 10. Chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Toàn bộ tôm nguyên liệu trong ao nuôi của cơ sở nuôi tôm an toàn hoặc cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn nhưng kết quả kiểm tra các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm của mẫu tôm trong ao nuôi đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đều được cấp Giấy chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Điều 11. Kiểm tra, cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn; Giấy chứng nhận tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Nội dung, thủ tục kiểm tra, cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn; Giấy chứng nhận tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 12. Thẩm quyền kiểm tra, cấp hoặc thu hồi Giấy Chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn; Giấy chứng nhận tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
1- Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (bao gồm các Trung tâm Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản vùng trực thuộc) có thẩm quyền kiểm tra, cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.
2- Chi cục Quản lý chất lượng và Thú y thủy sản tỉnh có thẩm quyền kiểm tra, cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn đối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh; kiểm tra, chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho những cơ sở, vùng nuôi tôm đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn và những vùng, cơ sở nuôi tôm đã được Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản kiểm tra, thông báo đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
3- Chi cục Quản lý chất lượng và Thú y thủy sản tỉnh thực hiện kiểm tra, chứng nhận vùng, cơ sở nuôi an toàn đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh theo uỷ quyền của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản.
Điều 13. Chứng nhận vùng nuôi tôm an toàn
Vùng nuôi tôm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận vùng nuôi tôm an toàn nếu 100% số cơ sở nuôi tôm trong vùng áp dụng GAP hoặc CoC, trong đó có từ 80% số cơ sở trở lên, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn.
Điều 14. Chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn
Cơ sở nuôi tôm áp dụng GAP hoặc CoC và đáp ứng các quy định của Bộ Thủy sản về GAP hoặc CoC được cơ quan quản lý chất lượng và thú y thủy sản có thẩm quyền kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi tôm an toàn.
Điều 15. Phí, lệ phí kiểm tra, chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn và phí, lệ phí kiểm tra, chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
1- Cơ quan Quản lý chất lượng và thú y thủy sản được thu phí kiểm tra, lệ phí chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn và phí kiểm tra, lệ phí chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
2- Việc nộp, thu, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo các quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Thủy sản
1- Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản của tỉnh, chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các Sở, Ngành có liên quan hướng dẫn UBND huyện, thành phố tổ chức quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm trên địa bàn, xây dựng các vùng nuôi tôm, cơ sở nuôi tôm an toàn.
2- Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
3- Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường và các hoạt động quản lý môi trường vùng nuôi.
4- Soạn thảo và trình UBND tỉnh ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi tôm, trên cơ sở điều lệ mẫu do Bộ Thủy sản ban hành.
5- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phổ biến các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nuôi trồng thủy sản, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về nuôi tôm, kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật phòng trừ và phát hiện bệnh dịch, thông báo tình hình môi trường, thông tin thị trường thủy sản cho người nuôi.
Điều 17. Trách nhiệm của Chi cục Quản lý chất lượng và Thú y thủy sản
1- Tuyên truyền và hỗ trợ Ban quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi tôm xây dựng có hiệu quả vùng nuôi tôm an toàn, cơ sở nuôi tôm an toàn theo các tiêu chuẩn quy định của nhà nước.
2- Thực hiện và phối hợp thực hiện giám sát việc chấp hành quy định tại các Điều 4, 5, 6, 11, 12, 13, 14, 15, 16 của Quy chế này đối với Ban quản lý vùng nuôi và cơ sở nuôi tôm.
3- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, cấp, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi tôm an toàn, Giấy chứng nhận nguyên liệu tôm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo thẩm quyền và phân cấp, báo cáo kết quả về Sở Thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản.
4- Phối hợp với Trung tâm Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản trong việc lập và công bố Danh sách vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản.
Điều 18. Trách nhiệm của Thanh tra Sở Thủy sản
1- Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này.
2- Tiếp nhận, giải quyết và trình cấp có thẩm quyền giải quyết những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc thực hiện Quy chế này.
Điều 19. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố
1- Căn cứ Quy hoạch tổng thể nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đã được phê duyệt và hướng dẫn của các Sở, ngành chức năng, UBND huyện tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm, tổ chức xây dựng vùng nuôi tôm và cơ sở nuôi tôm an toàn trên địa bàn quản lý.
2- Chủ trì, phối hợp với Sở Thủy sản thành lập các Ban quản lý vùng nuôi tôm và xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi tôm.
3- Tổ chức xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho các cơ sở nuôi tôm theo đúng quy định.
4- Phối hợp với các Sở: Thủy sản, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia đánh giá, kiểm soát các hoạt động quản lý các cơ sở và vùng nuôi tôm trên địa bàn quản lý
5- Chỉ đạo và kiểm tra việc thu hoạch tôm tại các vùng bị cấm thu hoạch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
6- Phối hợp Sở Thủy sản và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở, chỉ đạo Phòng Nông-Lâm-Thủy sản, cơ quan thú y cùng cấp tham gia các chương trình tư vấn, hỗ trợ về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, kỹ thuật và công nghệ, thông tin thị trường, kiểm tra quản lý giống và sản phẩm, phòng trừ bệnh dịch, giám sát môi trường vùng nuôi tại các cơ sở nuôi tôm trong vùng.
Điều 20. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác
1- Sở Tài nguyên và Môi trường:
a. Phối hợp với Sở Thủy sản và UBND các huyện, thành phố trong việc quy hoạch các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
b. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc chọn tổ chức dịch vụ thẩm định đối với các Dự án nuôi tôm trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường.
c. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành Thủy sản thường xuyên kiểm tra, thanh tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm.
2- Công an, Quản lý thị trường: Chủ động hoặc phối hợp với Thanh tra Thủy sản kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền việc đưa các loại giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại các vùng nuôi, việc đưa tôm nuôi từ vùng bị cấm thu hoạch vào chế biến và lưu thông trên thị trường.
Chương V
KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 21. Về khen thưởng và xử phạt
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm Quy chế này tùy theo tính chất, mức độ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Về giải quyết khiếu nại và tố cáo
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về những hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy chế này.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và tố cáo.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Lộ trình áp dụng việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn
1.Thời gian áp dụng GAP:
a. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008: Cơ sở nuôi tôm thuộc diện các dự án nuôi tôm được Nhà nước đầu tư hoặc dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài; dự án nuôi tôm lớn thuộc diện phải xin phép đầu tư (theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình); cơ sở nuôi tôm thâm canh được xây dựng sau ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.
b. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008: Cơ sở nuôi tôm thâm canh không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này.
c. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2008: Cơ sở nuôi tôm không thuộc diện quy định tại điểm a và b, khoản này.
2- Thời gian áp dụng CoC:
a. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008: Cơ sở nuôi tôm thuộc diện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.
b. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2009: cơ sở nuôi tôm không thuộc diện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.
3- Khuyến khích các vùng và cơ sở nuôi tôm đăng ký áp dụng GAP hoặc CoC trước thời hạn quy định tại khoản 1, 2 Điều này.
Điều 24. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, có điều gì chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Sở Thủy sản) để xem xét, quyết định./.