• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/09/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 30/10/2024
UBND TỈNH QUẢNG NGÃI
Số: 110/2005/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 9 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế quản lý giống thủy sản
 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

_____________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HDND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi ngày 5/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về việc quản lý giống vật nuôi;

Căn cứ Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20/8/2003 của Chính phủ bổ sung hàng hóa, dịch vụ thương mại vào danh mục 1 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện và Danh mục 3 về hàng hóa, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 03/2002/TT-BTS ngày 31/12/2002 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20/8/2003 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 425/2001/QĐ-BTS ngày 25/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản quy định tạm thời về công bố Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa chuyên ngành thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 18/2002/QĐ-BTS ngày 03/6/2002 của Bộ Thủy sản ban hành Quy chế khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn, thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản;

Xét đề nghị của Sở Thủy sản Quảng Ngãi tại Công văn số 219/TS ngày 09/08/2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng ngãi.

Điều 2. Giao Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Quảng Ngãi và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thủy sản, Khoa học và Công nghệ, Thương mại và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã Ký)
Trương Ngọc Nhi

QUY CHẾ

Quản lý giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

(Ban hành kèm theo Quyết định số 110/2005/QĐ-UBND ngày 16/9/2005 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

__________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định nội dung và trách nhiệm quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống vật nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tất cả mọi cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi thủy sản (gọi tắt là cơ sở), các cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đều chịu sự điều chỉnh của quy định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ trong Qui chế này được hiểu như sau:

1. Giống vật nuôi thủy sản (sau đây gọi tắt là giống thủy sản) là quần thể thủy sản nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố và phát triển do tác động của con người; phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

Giống thủy sản được phân loại trong Quy chế này gồm: giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ, giống thương phẩm và các sản phẩm giống của chúng như trứng, tinh dịch, phôi, ấu trùng.

2. Giống gốc là giống đã thuần chủng, ổn định về di truyền và năng suất; giống nhau về kiểu gen, ngoại hình và khả năng kháng bệnh.

3.Giống ông bà là giống nhân từ giống gốc và được chọn lọc có định hướng.

4. Giống bố mẹ là sản phẩm của giống ông bà, hoặc được khai thác ngoài tự nhiên, hoặc nuôi vỗ thành thục để sản xuất ra giống thương phẩm.

5. Giống thương phẩm là đàn giống thủy sản được sinh ra từ giống bố mẹ và được sử dụng để nuôi thương phẩm.

6. Khảo nghiệm giống thủy sản là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi theo quy phạm nhất định đối với giống thủy sản mới nhập khẩu lần đầu, giống mới được tạo ra trong nước nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống thủy sản đó.

7. Giống thủy sản mới là giống mới được tạo ra hoặc giống mới được nhập khẩu lần đầu nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ GIỐNG THỦY SẢN

Điều 3. Khuyến khích phát triển giống thủy sản

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất giống thủy sản, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng và làm đa dạng sản phẩm giống vật nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đúng quy hoạch đã duyệt được hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh liên doanh, hợp tác với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất giống thủy sản tại địa phương.

Điều 4. Điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

1. Sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm mục đích kiểm tra, giám sát chất lượng con giống trong quá trình sản xuất, chăm sóc, chọn lọc, nhân giống,… từ đó tạo ra đàn giống bố mẹ và đàn giống thương phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quy định.

2. Giống thủy sản được sản xuất và kinh doanh phải nằm trong Danh mục giống vật nuôi thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Thủy sản ban hành.

3. Các điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản:

3.1 Tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ lưu giữ) giống thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

b. Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt;

c. Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vân chuyển, lưu giữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng và phẩm cấp giống thủy sản, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, đàn giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được các cơ sở có chức năng đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;

e. Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống;

g. Thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc đối với sản xuất giống thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản.

3.2 Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống, tinh đực giống, trứng giống và ấu trùng động vật thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a. Các điều kiện quy định tại các điểm a,b,c, e,g điểm 3.1 điều này;

b. Có nhân viên kỹ thuật đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống thủy sản;

c. Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quản, pha chế tinh, phôi theo quy định của Bộ Thủy sản;

d. Đực giống, cái giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan chức năng kiểm dịch thú y;

đ. Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống, cái giống thủy sản, trứng giống, ấu trùng thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản.

Điều 5. Di chuyển giống và xuất nhập khẩu giống

1. Việc di chuyển giống từ địa phương khác về thuần dưỡng, chăm sóc tại Quảng Ngãi phải báo cáo và chịu sự giám sát theo quy định của ngành thủy sản thông qua công tác kiểm tra, kiểm dịch theo quy định hiện hành.

2. Việc xuất, nhập khẩu giống thủy sản (con giống, ấu trùng, phôi, trứng,…) tại Quảng Ngãi phải thực hiện theo Luật Thủy sản, Pháp lệnh Giống vật nuôi như sau:

a. Giống thủy sản nhập khẩu phải qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b. Giống thủy sản mới nhập khẩu lần đầu phải được Bộ Thủy sản cho phép bằng văn bản;

c. Giống thủy sản quá cảnh Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

d. Giống thủy sản xuất khẩu phải thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu chuyên ngành thủy sản, trừ trường hợp trao đổi giống, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, quà tặng và trường hợp đặc biệt khác do Bộ Thủy sản quy định

Điều 6. Khảo nghiệm giống thủy sản

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản muốn được phép tiến hành khảo nghiệm giống thủy sản mới phải thực hiện đúng các thủ tục, quy định hiện hành của pháp luật. Giống thủy sản mới chỉ được đưa vào sản xuất, kinh doanh hay thả nuôi đại trà trong tỉnh với điều kiện phải được Bộ Thủy sản công nhận kết quả khảo nghiệm và ghi tên vào Danh mục gống vật nuôi thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ, KIỂM TRA GIỐNG THỦY SẢN

Điều 7. Trách nhiệm của Cơ sở sản xuất giống thủy sản

1. Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giống thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; có địa điểm sản xuất, biển hiệu (tên gọi), địa chỉ rõ ràng. Phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện sản xuất giống tại điểm 3 Điều 4 của Quy chế này.

2. Phải công bố Tiêu chuẩn chất lượng giống được sản xuất tại cơ sở. Cơ sở phải tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng. Con giống khi xuất trại phải bảo đảm đạt chất lượng đã công bố và có Giấy chứng nhận kiểm dịch khi lưu thông ra khỏi địa bàn huyện.

3. Bao bì chứa giống khi lưu thông phải được ghi nhãn với nội dung như sau: Tên giống thủy sản; Tên và địa chỉ của cơ sở; Định lượng, kích cỡ giống; Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

4. Khi có nhu cầu xuất nhập khẩu và khảo nghiệm giống thủy sản phải tuân theo các quy định tại Điều 5, Điều 6 của Quy chế này.

5. Không sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục một số hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản do Bộ Thủy sản ban hành.

6. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của Cơ quan chức năng có thẩm quyền. Kịp thời báo cáo tình hình và chấp hành các biện pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra dịch bệnh hoặc các sự cố nguy hiểm khác.

7. Nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định.

Điều 8.  Trách nhiệm của Cơ sở kinh doanh giống thủy sản

1. Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giống thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; Có địa điểm kinh doanh, biển hiệu (tên gọi), địa chỉ rõ ràng.

2. Về cơ sở vật chất và kỹ thuật:

a) Phương tiện bảo quản, vận chuyển và trang thiết bị chuyên dùng trong quá trình kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng con giống.

b) Đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y cơ sở kinh doanh theo các Tiêu chuẩn ngành.

c) Có nhân viên kỹ thuật đã được tập huấn về kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển giống hoặc có bằng chuyên môn về nuôi trồng thủy sản từ trung cấp trở lên.

3. Bao bì chứa giống khi lưu thông phải được ghi nhãn với nội dung như sau: Tên giống thủy sản; Tên và địa chỉ của cơ sở; Định lượng, kích cỡ giống; Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

4. Không sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục một số hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản do Bộ Thủy sản ban hành.

5. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của Cơ quan chức năng có thẩm quyền. Kịp thời báo cáo tình hình và chấp hành các biện pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra dịch bệnh hoặc các sự cố nguy hiểm khác.

6. Nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Thủy sản

1. Giúp UBND thực hiện quản lý Nhà nước về giống thủy sản, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý nhà nước về giống thủy sản tại địa phương và các văn bản thuộc quy phạm ngành để quản lý về chuyên môn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện Quy chế này.

2. Xây dựng các đề án, chương trình phát triển giống thủy sản; quy hoạch các vùng sản xuất giông thủy sản trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Thủy sản về các hoạt động sản xuất giống thuộc địa bàn quản lý.

4. Phối hợp với các Viện Nghiên cứu, các trường và các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho kỹ thuật viên của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

5. Căn cứ Danh mục các giống thủy sản phải lưu giữ và thải loại do Bộ Thủy sản công bố, lập Danh mục các giống phải lưu giữ, thải loại trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình quản lý giống thủy sản tại địa phương gửi UBND tỉnh.

Điều 10. Trách nhiệm của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Kiểm tra điều kiện kinh doanh, điều kiện vệ sinh thúy y của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

2. Kiểm dịch giống bố mẹ trước khi nhân giống, giống thương phẩm trước khi tiêu thụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát và kiểm dịch giống thủy sản đang lưu thông trên địa bàn tỉnh hoặc theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan.

4. Hướng dẫn việc lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản của cơ sở, tổ chức kiểm tra tính phù hợp của Tiêu chuẩn công bố với các quy định của Nhà nước; xác nhận vào bản công bố tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở khi đã đầy hồ sơ hợp lệ. Hướng dẫn, kiểm tra việc đóng gói, ghi nhãn hàng hóa khi đưa giống vào lưu thông.

5. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, UBND xã kiểm tra, thanh tra và xử lý khi có dấu hiệu vi phạm về quản lý giống thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Quản lý Chất lượng An toàn Vệ sinh thú ý thủy sản về việc giám sát, kiểm tra, thu mẫu đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến chất lượng giống thủy sản tại địa phương.

7. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình chất lượng giống được sản xuất và lưu thông trên địa bàn gửi Sở Thủy sản.

Điều 11. Trách nhiệm của Trung tâm Giống thủy sản tỉnh

1. Nhận, lưu giữ và nhân rộng tại địa phương các giống thủy sản thuần chủng từ các Trung tâm giống của Bộ Thủy sản.

2. Thực hiện chuyển giao giống thủy sản mới có chất lượng cao, công nghệ tiên tiến trong các Cơ sở sản xuất giống.

3. Chọn lọc, lưu giữ và nhận rộng các sản phẩm giống thủy sản có chất lượng cao của tỉnh.

4. Tuân thủ các quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Quy chế này khi sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

5. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của Cơ quan kiểm tra bao gồm việc chấp hành các quy định về nhân rộng, chuyển giao các loại giống thủy sản tại địa phương.

6. Nộp các khoản phí, lệ phí kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch giống thủy sản theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của Thanh tra thủy sản

1. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh và quản lý giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ trì tổ chức thanh tra liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh và quản lý giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Trách của UBND cấp huyện, thành phố Quảng Ngãi

1. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Quy chế này trong phạm vi địa phương mình quản lý.

2. Phối hợp với Sở Thủy sản xây dựng chương trình phát triển giống thủy sản; quy hoạch sản xuất giống trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông con giống không có trong Danh mục của Bộ Thủy sản, con giống không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và con giống không có Chứng nhận kiểm dịch tại địa phương.

4. Hình thành tổ chức hoặc biên chế cán bộ thú y thủy sản cấp huyện và mạng lưới thú y thủy sản tại các xã có nuôi trồng thủy sản nhằm chủ động hoặc phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và xử lý khi có dịch bệnh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản tại địa phương.

5. Xử lý hành chính các hành vi vi phạm về quản lý giống thủy sản thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện cong tác quản lý nhà nước về giống thủy sản trên địa bàn xã.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình quản lý giống tại địa phương cho UBND tỉnh (thông qua Sở Thủy sản).

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác (Quản lý thị trường, Hải quan, Công an)

1. Có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý theo thảm quyền hoặc phối hợp với Thanh tra thủy sản khi cần thiết, nhằm không để giống thủy sản không có trong danh mục, không rõ xuất xứ, không có chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo chất lượng lưu thông trên địa bàn tỉnh.

2. Khi xử lý vi phạm, nếu có những vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật thì phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên môn của ngành Thủy sản để giải quyết.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 15. Về khen thưởng và xử phạt

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm Quy chế này tùy theo tích chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Về khiếu nại và tố cáo

tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về những hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy chế này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện thoe quy định của Luật Khiếu nại và tố cáo./.

 

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trương Ngọc Nhi

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.