THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ
về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
_________________________
Căn cứ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn một số điều của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là Nghị định số 34/2014/NĐ-CP).
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động ở khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới đất liền).
Điều 2. Khu vực biên giới
Khu vực biên giới đất liền quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP tổng hợp, báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP.
Điều 3. Vành đai biên giới
1. Thẩm quyền xác định vành đai biên giới
a) Việc xác định chiều sâu vành đai biên giới từ 100m đến 1.000m, do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
b) Trường hợp do địa hình cần phải xác định chiều sâu vành đai biên giới dưới 100m hoặc trên 1.000m thì Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Khi xác định chiều sâu vành đai biên giới phải căn cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, xã hội, địa hình để quy định cho phù hợp; ở những khu vực có cửa khẩu, chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu phải căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các dự án, công trình để quy định, không ảnh hưởng đến xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; lưu thông hai bên biên giới.
Điều 4. Vùng cấm
1. Các ngành chức năng trong tỉnh khi xác lập vùng cấm phải thống nhất với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh để xác định, xây dựng nội quy quản lý đối với vùng cấm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
2. Đối với công trình quốc phòng, Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xác định rõ tính chất những công trình cần quy định vùng cấm, tổng hợp báo cáo Tư lệnh Quân khu trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
3. Đối với công trình biên giới, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xác định rõ tính chất những công trình cần quy định vùng cấm, tổng hợp báo cáo Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
4. Sau khi có quyết định xác định vùng cấm, cơ quan có thẩm quyền quản lý vùng cấm xây dựng nội quy, tổ chức bảo vệ và quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Mẫu biển báo và vị trí cắm các loại biển báo
1. Biển báo "khu vực biên giới", "Vành đai biên giới", "vùng cấm" theo mẫu thống nhất bằng tôn, dày 1,5mm, cột bằng thép ống đường kính 100mm, dày 2mm; mặt biển, chữ trên biển báo sơn phản quang; nền biển sơn màu xanh, chữ trên biển sơn màu trắng, cột sơn phản quang, màu trắng, đỏ; chữ trên biển báo ghi thành ba dòng: Dòng thứ nhất chữ bằng tiếng Việt Nam, dòng thứ hai chữ bằng tiếng của nước đối diện, dòng thứ ba chữ bằng tiếng Anh. Kích thước biển báo, chữ viết trên biển báo theo mẫu từ Mẫu số 1 đến Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Biển báo "khu vực biên giới" cắm ở ranh giới tiếp giáp giữa xã, phường, thị trấn khu vực biên giới với xã, phường, thị trấn nội địa; vị trí cắm biển ở những nơi dễ nhận biết, cạnh trục đường giao thông (đường bộ, đường sắt, đường sông) vào khu vực biên giới.
3. Biển báo "vành đai biên giới”:
a) Khu vực biên giới có địa hình rừng núi, đi lại khó khăn, biển báo "vành đai biên giới" cắm ở bên phải trục đường giao thông theo hướng ra biên giới.
b) Khu vực biên giới có địa hình bằng phẳng, khó phân biệt giới hạn, biển báo "vành đai biên giới" được cắm cách nhau từ 600m đến 1.000m.
c) Trên trục đường giao thông từ nội địa ra cửa khẩu không cắm biển báo "vành đai biên giới", chỉ cắm ở hai bên giới hạn phạm vi khu vực cửa khẩu.
4. Căn cứ địa hình, tính chất từng vùng cấm, biển báo "vùng cấm" được cắm ở nơi phù hợp, dễ nhận biết.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN
TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI
Điều 6. Đi vào khu vực biên giới
1. Đối với công dân Việt Nam
a) Công dân Việt Nam (không phải là cư dân biên giới) vào khu vực biên giới phải:
- Có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật;
- Xuất trình giấy tờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Trường hợp nghỉ qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an xã, phường, thị trấn;
- Hết thời hạn lưu trú phải rời khỏi khu vực biên giới;
- Trường hợp có nhu cầu lưu lại quá thời hạn đã đăng ký phải đến nơi đã đăng ký xin gia hạn.
b) Công dân Việt Nam (không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP) vào vành đai biên giới phải có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại. Trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã theo quy định của pháp luật; Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng sở tại biết để phối hợp theo dõi, quản lý.
c) Người, phương tiện vào hoạt động trong khu vực biên giới phải có giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy phép hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
d) Những người không được cư trú ở khu vực biên giới có lý do đặc biệt vào khu vực biên giới như có bố (mẹ), vợ (chồng), con chết hoặc ốm đau; ngoài giấy tờ tùy thân phải có giấy phép của Công an cấp xã nơi người đó cư trú, đồng thời phải trình báo Đồn Biên phòng hoặc Công an cấp xã sở tại biết thời gian lưu trú ở khu vực biên giới; trường hợp ở qua đêm hoặc vào vành đai biên giới phải được sự đồng ý của Đồn Biên phòng sở tại.
2. Đối với người nước ngoài
a) Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài thường trú, tạm trú hoặc giấy phép của Giám đốc Công an tỉnh biên giới nơi đến; trường hợp ở lại qua đêm trong khu vực biên giới, người quản lý trực tiếp, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú cho người nước ngoài với Công an cấp xã sở tại theo quy định của pháp luật; đồng thời Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng sở tại biết để phối hợp quản lý; trường hợp vào vành đai biên giới phải được sự đồng ý và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng sở tại.
b) Cư dân biên giới nước láng giềng vào khu vực biên giới phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của quy chế quản lý biên giới giữa hai nước; phải tuân thủ đúng thời gian, phạm vi, lý do, mục đích hoạt động; trường hợp ở lại qua đêm phải đăng ký lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam, hết thời hạn cho phép phải rời khỏi khu vực biên giới. Trường hợp lưu trú quá thời hạn cho phép phải được sự đồng ý của Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại.
3. Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài ở khu du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu vực cửa khẩu liên quan đến khu vực biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các khu vực đó và pháp luật có liên quan.
Trường hợp hoạt động liên quan đến vành đai biên giới, vùng cấm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và Thông tư này.
4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa hoặc mời người nước ngoài theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP vào khu vực biên giới phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết.
Điều 7. Xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các dự án, công trình hoặc tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực biên giới phải có trách nhiệm quản lý người, phương tiện, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian hoạt động ở khu vực biên giới; đồng thời có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương sở tại để phối hợp quản lý.
2. Khi xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương và chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định tại Điều 8 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, đồng thời chấp hành nghiêm quy định về quy chế quản lý biên giới giữa hai nước; không được làm ảnh hưởng đến công trình biên giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới.
3. Cục Kế hoạch và Đầu tư Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh (nơi có dự án, công trình xây dựng) tổng hợp báo cáo Bộ Quốc phòng để có văn bản trả lời cơ quan gửi xin ý kiến đối với việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP; hàng năm, tổng hợp báo cáo Bộ Quốc phòng về việc liên quan đến xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới.
4. Đồn Biên phòng có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến cho tổ chức, cá nhân có liên quan nhận biết dấu hiệu đường biên giới quốc gia, phạm vi "vành đai biên giới", "vùng cấm", quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện trong quá trình hoạt động ở khu vực biên giới.
Điều 8. Tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới
1. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng có thẩm quyền tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP.
Trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt, cấp phó được cấp trưởng ủy quyền, thay thế có quyền ra quyết định tạm dừng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trưởng về quyết định của mình.
2. Người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này, trước khi ra quyết định tạm dừng phải xác định các yếu tố sau:
a) Tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình xảy ra trên biên giới, đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP để xem xét, quyết định. Trường hợp chưa đủ yếu tố, điều kiện cần thiết ra quyết định tạm dừng thì phải điều tra, xác minh nghiên cứu nắm tình hình cụ thể và ra quyết định đúng với quy định của pháp luật;
b) Dự kiến hậu quả có thể xảy ra khi ra quyết định tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhân dân ở khu vực biên giới để quyết định cho phù hợp;
c) Thời gian, phạm vi khu vực cần tạm dừng các hoạt động xác định trên bản đồ và trên thực địa.
3. Thực hiện tạm dừng:
a) Ra quyết định tạm dừng theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thông báo theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP. Hình thức thông báo bằng văn bản theo các Mẫu số 18, 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Chỉ đạo, theo dõi nắm chắc tình hình trong khu vực tạm dừng để hướng dẫn mọi người chấp hành, giải quyết, xử lý những tình huống phát sinh theo đúng quy định của pháp luật;
d) Trường hợp kéo dài thời hạn tạm dừng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định gia hạn thời gian tạm dừng theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và tổ chức thi hành.
4. Kết thúc thực hiện quyết định tạm dừng và quyết định gia hạn tạm dừng
Người ra quyết định tạm dừng phải:
a) Ra quyết định bãi bỏ quyết định tạm dừng, quyết định bãi bỏ quyết định gia hạn tạm dừng theo các Mẫu số 21, 22 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, đồng thời phải thông báo cho các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, theo các Mẫu số 23, 24 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tham gia khắc phục hậu quả của quyết định tạm dừng và quyết định gia hạn tạm dừng (nếu có);
c) Đánh giá tác động của việc tạm dừng, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chương III
TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG, QUẢN LÝ,
BẢO VỆ KHU VỰC BIÊN GIỚI
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới đất liền:
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch dân cư, điểm họp chợ biên giới, bến, bãi neo đậu của các loại phương tiện thủy, phương tiện bộ, phương tiện đường sắt; xây dựng các công trình dân sinh trong khu vực biên giới phù hợp với quy định của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này.
2. Hàng năm, thống kê số lượng người, phương tiện nước ngoài vào khu vực biên giới, vành đai biên giới; số lượng vụ việc, đối tượng vi phạm quy chế khu vực biên giới, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp tổ chức, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới cho phù hợp.
3. Tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát lưu động để kiểm tra, kiểm soát việc ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới, vành đai biên giới; hướng dẫn người nước ngoài vào khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
4. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, các ngành hữu quan tại địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
5. Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ, các biện pháp công tác trong quản lý, bảo vệ biên giới; đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm hiệp định về quy chế quản lý biên giới; ngăn ngừa các hành vi vi phạm về môi trường và các hành vi khác ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới.
6. Phối hợp với Công an cấp tỉnh chỉ đạo:
a) Các Đồn Biên phòng, Công an cấp huyện và Công an cấp xã biên giới tiến hành kiểm tra người cư trú, ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới;
b) Thường xuyên trao đổi tình hình an ninh, trật tự, tình hình người nước ngoài ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới;
c) Hướng dẫn nhân dân thực hiện việc đăng ký khai báo, đăng ký tạm trú, lưu trú, tạm vắng và chấp hành nội quy bến bãi khi vào khu vực biên giới.
7. Quan hệ với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương nước láng giềng tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.
8. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới chỉ đạo việc theo dõi, đánh giá việc bồi lắng, xói lở sông, suối biên giới; tổ chức khảo sát phục vụ việc xây kè sông, suối biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới; xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới
1. Chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng khảo sát, rà soát phạm vi vành đai biên giới, vùng cấm; chất liệu và vị trí cắm các loại biển báo theo quy định của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và Thông tư này để điều chỉnh lại cho phù hợp.
2. Chỉ đạo cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh.
3. Chỉ đạo các ngành trong tỉnh thực hiện chức năng quản lý theo ngành; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh tế, thuế, đất đai cho các doanh nghiệp, cá nhân, chủ đầu tư các công trình, dự án về kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
4. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, mốc quốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
5. Thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, chỉ đạo xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới.
6. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt phân bổ ngân sách từ nguồn kinh phí địa phương cho xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 7 năm 2015 và thay thế Thông tư số 179/2001/TT-BQP ngày 22 tháng 01 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo các ngành chức năng rà soát phạm vi vành đai biên giới, vùng cấm; kích thước, chất liệu biển báo và vị trí cắm các loại biển báo đã xác định theo Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đối với những trường hợp còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP thì tiếp tục giữ nguyên, những trường hợp không còn phù hợp cần điều chỉnh cho thống nhất theo quy định của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và Thông tư này.
Điều 13. Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quán triệt thực hiện nội dung Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành tới các cấp, các ngành ở địa phương, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới quần chúng nhân dân để tổ chức thực hiện thống nhất.
2. Việc lập dự toán chi cho xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP; pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư.
Hàng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh lập dự toán chi ngân sách địa phương bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới gửi cơ quan tài chính, cơ quan có liên quan cùng cấp tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và Thông tư này. Hàng năm, tiến hành sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Quốc phòng.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.