• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 40/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 7 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn

của Đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường sắt

___________________

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn đối với Đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.

Điều 3. Đăng kiểm viên

1. Đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là Đăng kiểm viên) là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, được công nhận là Đăng kiểm viên để thực hiện hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.

2. Đăng kiểm viên gồm 02 hạng, cụ thể:

a) Đăng kiểm viên;

b) Đăng kiểm viên bậc cao.

Chương II

TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 4. Tiêu chuẩn của Đăng kiểm viên

1. Đối với Đăng kiểm viên:

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đầu máy, toa xe hoặc đầu máy - toa xe;

b) Ngoại ngữ: tiếng Anh, trình độ A hoặc tương đương trở lên;

c) Tin học: trình độ A hoặc tương đương trở lên;

d) Có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên;

đ) Có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 12 tháng về đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt;

e) Có Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên.

2. Đối với Đăng kiểm viên bậc cao:

a) Có thời gian tối thiểu 05 năm làm việc ở vị trí Đăng kiểm viên;

b) Ngoại ngữ: tiếng Anh, trình độ B hoặc tương đương trở lên;

c) Có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên bậc cao;

d) Có Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên bậc cao;

đ) Có thời gian thực tập nghiệp vụ tối thiểu 12 tháng về thẩm định thiết kế mới phương tiện; phân tích, xác định nguyên nhân tai nạn.

Điều 5. Nhiệm vụ của Đăng kiểm viên

1. Đối với Đăng kiểm viên:

a) Thẩm định hoặc tham gia thẩm định thiết kế hoán cải các loại phương tiện giao thông đường sắt;

b) Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt;

c) Lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng kiểm tra;

d) Tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ;

đ) Tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ;

e) Hướng dẫn thực hành cho học viên đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt;

g) Tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung về chuyên môn nghiệp vụ;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị.

2. Đối với Đăng kiểm viên bậc cao:

Đăng kiểm viên bậc cao thực hiện các nhiệm vụ của Đăng kiểm viên theo quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, xây dựng, bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật;

b) Tham gia thẩm định thiết kế mới các loại phương tiện giao thông đường sắt;

c) Phúc tra kết quả kiểm tra của Đăng kiểm viên, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khi có yêu cầu;

d) Hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ và đánh giá Đăng kiểm viên tham gia tập huấn nghiệp vụ;

đ) Tham gia tập huấn nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 6. Quyền hạn của Đăng kiểm viên

1. Có quyền bảo lưu, báo cáo cấp trên khi ý kiến của mình về kết luận đánh giá tình trạng kỹ thuật phương tiện, thiết bị khác với ý kiến của lãnh đạo đơn vị.

2. Có quyền dừng việc kiểm tra đối với phương tiện và báo cáo cấp trên nêu thấy phương tiện, thiết bị kiểm tra không đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm tra.

Điều 7. Trách nhiệm của Đăng kiểm viên

1. Đăng kiểm viên chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị và trước pháp luật về kết quả công việc được phân công.

2. Đăng kiểm viên phải thực hiện các hoạt động kiểm tra một cách khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ theo nhiệm vụ được giao.

Chương III

TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KIỂM VIÊN

Điều 8. Tập huấn nghiệp vụ

1. Chương trình tập huấn nghiệp vụ đối với Đăng kiểm viên bao gồm:

a) Chương trình tập huấn nghiệp vụ đối với Đăng kiểm viên;

b) Chương trình tập huấn nghiệp vụ đối với Đăng kiểm viên bậc cao.

2. Nội dung chương trình tập huấn nghiệp vụ đối với Đăng kiểm viên được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Căn cứ nội dung chương trình tập huấn quy định tại khoản 2 Điều này, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm xây dựng, ban hành tài liệu tập huấn nghiệp vụ cho Đăng kiểm viên.

4. Hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành lớp tập huấn theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên

1. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên có thời hạn 03 năm.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Văn bản của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Lý lịch chuyên môn theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học;

đ) Bản sao Giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên;

e) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ Tin học;

g) 02 ảnh mầu (chụp trong vòng 06 tháng);

h) Báo cáo kết quả thực tập nghiệp vụ đăng kiểm (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị).

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên:

Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên được cấp lại khi hết hạn, hỏng, mất. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Văn bản đề nghị của đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Thủ tục cấp và cấp lại Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên

1. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này và nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ (đối với trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác).

3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy hẹn trả kết quả và tiến hành đánh giá hồ sơ. Nếu hồ sơ đạt thì cấp hoặc cấp lại Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp không đạt, sau 01 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả đánh giá hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác.

Điều 12. Thu hồi Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên bị thu hồi Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên khi bị xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo trở lên đối với vi phạm sau:

1. Vi phạm các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về kiểm tra phương tiện giao thông đường sắt.

2. Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, cố ý gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015. Bãi bỏ Quyết định số 063/2004/QĐ-ĐK ngày 19 tháng 4 năm 2004 của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc ban hành Tiêu chuẩn Đăng kiểm viên Đường sắt.

2. Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên đã được cấp theo Quyết định số 063/2004/QĐ-ĐK ngày 19 tháng 4 năm 2004 của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam còn thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng đến thời điểm hết hiệu lực trên Giấy chứng nhận.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.