THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát
______________________
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số điều của Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát như sau:
1. Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong dịch vụ chuyển phát quy định tại khoản 3, Điều 9 Nghị định gồm:
a) Các biện pháp bảo đảm bí mật thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ.
b) Các biện pháp bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin dưới dạng văn bản, kiện, gói hàng hoá chuyển qua mạng chuyển phát.
c) Các biện pháp bảo đảm an toàn đối với thiết bị, phương tiện vận chuyển, mạng chuyển phát.
d) Các biện pháp bảo đảm sự an toàn của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động chuyển phát.
đ) Các biện pháp phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động chuyển phát; ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng chuyển phát để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hoạt động buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
2. Thông tin riêng quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định gồm:
a) Nội dung của thông tin dưới dạng văn bản, kiện, gói hàng hoá.
b) Thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người gửi và người nhận.
c) Các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng dịch vụ chuyển phát.
3. Hồ sơ thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát (sau đây gọi là hồ sơ thông báo) quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị định được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ thông báo gồm:
- Văn bản thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát theo mẫu tại Phụ lục I Thông tư này.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực chuyển phát
- Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ.
- Bảng giá cước, tiêu chuẩn chất lượng, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong trường hợp phát sinh thiệt hại.
b) Hồ sơ thông báo quy định tại điểm a) khoản này được lập thành 01 bộ là bản chính.
c) Địa điểm tiếp nhận hồ sơ thông báo:
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đối với hồ sơ thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong phạm vi nội tỉnh.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội: Đối với hồ sơ thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong phạm vi liên tỉnh, trong nước hoặc quốc tế.
4. Thủ tục xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát quy định tại Điều 14 Nghị định được thực hiện như sau:
a) Thẩm tra hồ sơ thông báo, gồm:
- Thẩm tra việc khai đầy đủ, thống nhất các nội dung trong hồ sơ thông báo quy định tại điểm a) khoản 3 Thông tư này.
- Thẩm tra tư cách pháp nhân của doanh nghiệp thông qua Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
- Thẩm tra sự phù hợp của các nội dung trong hồ sơ thông báo so với các quy định của pháp luật.
- Trường hợp hồ sơ thông báo không đúng quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c) khoản 3 Thông tư này gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư này trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo.
b) Xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c) khoản 3 Thông tư này xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục III Thông tư này và gửi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo hợp lệ.
5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư (sau đây gọi là hồ sơ đề nghị cấp phép) quy định tại khoản 1, Điều 16 Nghị định được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ đề nghị cấp phép gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư theo mẫu tại Phụ lục IV Thông tư này.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực chuyển phát.
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có).
- Đề án kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, gồm các nội dung chính sau:
+ Thông tin về doanh nghiệp: Tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh; website và e-mail của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác.
+ Địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ.
+ Hệ thống quản lý, điều hành dịch vụ.
+ Quy trình khai thác dịch vụ: Quy trình thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát thư; phương thức cung ứng dịch vụ (doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác).
+ Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động chuyển phát thư.
+ Phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế - xã hội của đề án thông qua các chỉ tiêu: sản lượng, doanh thu, chi phí, số lượng lao động, thuế nộp ngân sách, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong 03 năm tới.
- Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ.
- Bảng giá cước, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong trường hợp phát sinh thiệt hại.
- Tài liệu chứng minh người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có kinh nghiệm tối thiểu 01 năm trong lĩnh vực bưu chính hoặc chuyển phát.
- Bản thoả thuận với đối tác nước ngoài để chuyển phát thư ra nước ngoài, nhận thư từ nước ngoài về phát tại Việt Nam (đối với hồ sơ đề nghị cấp phép trong phạm vi quốc tế).
b) Hồ sơ đề nghị cấp phép quy định tại điểm a) khoản này được lập thành 04 bộ, trong đó có 01 bộ là bản chính, 03 bộ là bản sao.
c) Địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép:
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép trong phạm vi nội tỉnh.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội: Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép trong phạm vi liên tỉnh, trong nước hoặc quốc tế.
6. Điều kiện, thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép và cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư (sau đây gọi là giấy phép) quy định tại khoản 4, Điều 16 Nghị định được thực hiện như sau:
a) Điều kiện thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép:
- Hồ sơ đề nghị cấp phép phải đủ về số lượng bộ hồ sơ, các đầu mục trong hồ sơ theo quy định tại điểm a), điểm b) khoản 5 Thông tư này.
- Các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp phép phải được khai đủ và thống nhất.
- Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp phép không đúng quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c) khoản 5 Thông tư này gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo mẫu tại Phụ lục V Thông tư này.
b) Thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép, gồm:
- Thẩm định tư cách pháp nhân của doanh nghiệp thông qua Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
- Thẩm định các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động chuyển phát thư.
- Thẩm định quy trình nghiệp vụ trong hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển phát thư.
- Thẩm định bảng giá cước, tiêu chuẩn chất lượng, mức bồi thường trong trường hợp phát sinh thiệt hại.
- Thẩm định tính khả thi của đề án kinh doanh thông qua các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, khả năng tạo việc làm, mức đóng góp cho nhà nước và các lợi ích khác
c) Căn cứ để cấp giấy phép:
- Các nội dung của hồ sơ đề nghị cấp phép phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển thị trường bưu chính, chuyển phát.
- Đề án kinh doanh thể hiện lệnh khả thi, có các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
- Tiêu chuẩn chất lượng, giá cước, mức bồi thường trong trường hợp phát sinh thiệt hại, mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ phù hợp với quy định của pháp luật.
- Thời hạn của giấy phép được cấp không quá 10 năm và được xác định trên cơ sở:
+ Quy mô, phạm vi cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
+ Theo đề nghị của doanh nghiệp.
d) Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư:
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp phép hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyển quy định tại điểm c) khoản 5 Thông tư này thẩm định và cấp giấy phép theo mẫu tại Phụ lục VI Thông tư này.
- Trường hợp không cấp giấy phép, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c) khoản 5 Thông tư này thông báo bằng văn bản trong thời hạn nêu trên.
7. Việc thu hồi giấy phép quy định tại Điều 18 Nghị định được thực hiện như sau:
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c) khoản 5 Thông tư này thu hồi giấy phép đã cấp trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Nghị định theo mẫu tại Phụ lục VII Thông tư này.
b) Kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải chấm dứt các hoạt động cung ứng dịch vụ.
c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải thanh lý toàn bộ các hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ đã ký với bên sử dụng dịch vụ.
d) Sau thời hạn 02 năm kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định tại khoản 5 Thông tư này.
8. Ngôn ngữ thể hiện trong hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ quy định tại khoản 4, Điều 19 Nghị định được thực hiện như sau:
Ngôn ngữ thể hiện trong hợp đồng phải là tiếng Việt. Trường hợp có thêm ngôn ngữ khác trong hợp đồng thì tiếng Việt là căn cứ để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
9. Hiệu lực của Thông tư:
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
10. Tổ chức thực hiện:
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.