THÔNG TƯ
Hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp Nhà nước
Thi hành Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước". Bộ Tài chính hướng dẫn sử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp Nhà nước như sau:
I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1. Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.1. Ngoại tệ là loại tiền khác với "Đồng" Việt Nam.
1.2. Nghiệp vụ ngoại tệ là chỉ các nghiệp vụ thu chi bằng ngoại tệ, trong kết toán vãng lai và để tính giá.
1.3. Tỷ giá hối đoái là tỷ giá trao đổi giữa hai loại tiền (sau đây gọi tắt là tỷ giá).
1.4. Chênh lệch tỷ giá hối đoái (sau đây gọi tắt là chênh lệch tỷ giá) là chênh lệch giữa tỷ giá ghi sổ kế toán với tỷ giá quy đổi tại thời điểm điều chỉnh của cùng một loại ngoại tệ.
2. Doanh nghiệp Nhà nước có các nghiệp vụ ngoại tệ thực hiện hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.
Tỷ giá dùng để quy đổi số dư ngoại tệ cuối kỳ ra "Đồng" Việt Nam là tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm đó.
3. Những ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi ra "Đồng" Việt Nam thì thống nhất quy đổi thông qua đồng đô la Mỹ.
II. NỘI DUNG XỬ LÝ CÁC KHOẢN CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ
1. Xử lý chênh lệch tỷ giá của nghiệp vụ ngoại tệ trong kỳ
Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ được bù trừ giữa số tăng và số giảm (trừ điểm 1.4 dưới đây), cuối năm được sử lý như sau:
1.1. Thời kỳ chuẩn bị đầu tư, xây dựng, doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động hoặc công trình chưa hoàn thành bàn giao thì chênh lệch tỷ giá phát sinh luỹ kế đến thời điểm công trình hoàn thành bàn giao thì:
Trường hợp chênh lệch tỷ giá tăng (dư có tài khoản 413) được phân bổ đều vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không dưới 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động.
Trường hợp chênh lệch tỷ giá giảm (dư nợ tài khoản 413) được phân bổ đều vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không dưới 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động.
1.2 Thời kỳ doanh nghiệp đang hoạt đọng sản xuất kinh doanh:
Trường hợp chênh lệch tỷ giá tăng tính vào thu nhập tài chính trong kỳ.
Trường hợp chênh lệch tỷ giá giảm tính vào chi phí tài chính trong kỳ.
1.3. Thời kỳ giải thể, thanh lý doanh nghiệp:
Trường hợp chênh lệch tỷ giá tăng tính vào thu nhập thanh lý doanh nghiệp.
Trường hợp chênh lệch tỷ giá giảm tính vào chi phí thanh lý doanh nghiệp.
1.4. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ do việc mua, bán ngoại tệ được hạch toán trực tiếp vào chi phí hoặc thu nhập hoạt động tài chính.
2. Xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ:
Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp phải quy đổi số dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ ra "Đồng" Việt Nam theo tỷ giá quy định tại điểm 2 mục 1 của Thông tư này. Khoản chênh lệch giữa tỷ giá sau khi quy đổi với tỷ giá đang hạch toán trên sổ kế toán được xử lý như sau:
2.1. Đối với chênh lệch tỷ giá phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn (1 năm trở xuống) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì không hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập mà để số dư trên báo cáo tài chính, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xoá số dư.
2.2. Đối với chênh lệch tỷ giá phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm của các khoản nợ dài hạn (trên 1 năm) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì được xử lý như sau:
a. Đối với các khoản nợ phải thu dài hạn
Trường hợp tỷ giá quy đổi số dư cuối kỳ cao hơn tỷ giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì chênh lệch tỷ giá sử lý như điểm 2.1 mục II.
Trường hợp tỷ giá quy đổi số dư cuối kỳ thấp hơn tỷ giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì chênh lệch tỷ giá hạch toán vào chi phí tài chính trong năm.
b. Đối với các khoản nợ phải trả dài hạn
Trường hợp tỷ giá quy đổi số dư cuối kỳ cao hơn tỷ giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì chênh lệch tỷ giá hạch toán vào chi phí tài chính trong năm.
Trường hợp tỷ giá quy đổi số dư cuối kỳ thấp hơn tỷ giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì chênh lệch tỷ giá xử lý như điểm 2.1 mục II.
Khi thanh lý từng khoản nợ phải thu, nợ phải trả dài hạn, nếu tỷ giá thanh toán thực tế phát sinh cao hơn hoặc thấp hơn tỷ giá đang hạch toán trên sổ sách thì phần chênh lệch tỷ giá phát sinh được xử lý như quy định tại điểm 1.2 mục II của Thông tư này.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Mọi quy định trước đây về xử lý tài chính các khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tại doanh nghiệp Nhà nước trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Thông tư không áp dụng đối với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán ngoại tệ.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi bổ sung./.