CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
V/v Tăng cường quản lý tài chính Nhà nước đối với
nguồn viện trợ không hoàn lại
Trong thời gian qua, các khoản viện trợ không hoàn lại đã góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, Tuy nhiên, trong công tác quản lý, sử dụng một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.
Để tăng cường quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện một số việc sau đây:
1- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư số 22/1999/TT/BTC ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.
2- Mọi khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền hay hiện vật đều phải được hoạch toán vào ngân sách địa phương và quản lý theo Luật Ngân sách Nhà nước.
3- Các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại ở các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
4- Thủ trưởng các đơn vị, địa phương trực tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại chịu trách nhiệm thực hiện đúng mục tiêu, chương trình, đối tượng và các cam kết khác đã ghi trong các thoả thuận viện trợ.
5- Giám đốc Sở tài chính-Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ không hoàn lại do các đơn vị nhận viện trợ thuộc địa phương tiếp nhận và thực hiện; đồng thời có trách nhiệm giám sát tình hình thực hiện các chương trình dự án viện trợ Trung ương thực hiện trên địa bàn; định kỳ báo cáo UBND tỉnh tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.